| Hotline: 0983.970.780

Trước 31/10 bà con vùng lũ phải nhận được giống hỗ trợ, kịp cho vụ đông

Thứ Ba 25/10/2016 , 08:16 (GMT+7)

Mặc dù triển khai sản xuất vụ đông 2016 sớm nhưng do thời tiết mưa nhiều nên một số địa phương ở Hà Tĩnh chưa thể xuống giống được, số còn lại đã gieo trỉa thì gặp phải mưa lũ gây thiệt hại lớn.

12-01-18_3
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Lê Đình Sơn yêu cầu giống cây trồng phải về đến tay người dân trước 31/10
 

Theo báo cáo của Sở NN-PTNT Hà Tĩnh, đợt lũ ngày 14/10 phá hỏng 1.558/4.205ha cây trồng vụ đông. Trong đó, ngô lấy hạt hơn 479ha, ngô sinh khối 45ha, rau các loại 1.034ha, khoai lang 881ha. Diện tích lúa mùa bị ảnh hưởng 1.060/1.480ha (chiếm 71,62%).

Sau khi nước lũ rút, các huyện bị thiệt hại nặng như Hương Khê, Vũ Quang, Hương Sơn, Cẩm Xuyên, Thạch Hà, Đức Thọ, Kỳ Anh... kịp thời thống kê số liệu, lên phương án đề xuất tỉnh có chính sách hỗ trợ giống khôi phục sản xuất.

Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, Lê Ngọc Huấn cho biết: “Bây giờ nông dân cần nhất là giống ngô và rau các loại. Đề nghị UBND tỉnh sớm hỗ trợ giống cho dân sản xuất luôn. Tinh thần là bà con làm đến đâu thì cấp giống đến đó, không cấp giống trước nhưng cũng không để dân phải chờ đợi”.

Theo ông Huấn, vụ đông 2016 nhiều diện tích của huyện cày xong thì gặp phải mưa lũ liên tục trong gần một tháng nên chưa kịp gieo trỉa. Một số diện tích đất cao cưỡng trồng được rồi thì đợt lũ đêm 14/10 ập đến làm hư hỏng. Sau lũ các xã đã triển khai họp bổ cứu nhưng nay rất khó cày bừa vì bùn đang dày 30 - 40cm, đất ướt sũng.

“Chủ trương của huyện sắp tới vẫn sản xuất hết diện tích đã đặt kế hoạch. Tuy nhiên, để đảm bảo lịch thời vụ huyện sẽ chuyển 100% diện tích trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối. Nếu diện tích nào làm ngô không kịp thu hoạch trước Tết Nguyên đán thì chuyển sang trồng lạc”, ông Huấn nhấn mạnh.

Còn ông Võ Văn Phúc, Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho rằng, để đảm bảo không kéo dài thời vụ, tỉnh cần chỉ đạo chuyển đổi từ trồng ngô lấy hạt sang ngô sinh khối và các loại rau ngắn ngày.

Riêng huyện Hương Sơn, lãnh đạo huyện giao Phòng Nông nghiệp đánh giá lại diện tích ngô còn lại sau mưa lũ. Đối với diện tích bị hư hại trên 50% tiến hành gieo trỉa lại ngô làm thức ăn chăn nuôi, ngô nếp ngắn ngày, trồng rau hoặc khoai lang.

Diện tích thiệt hại dưới 50% sau khi đất khô tiếp tục chăm sóc để đảm bảo năng suất. Diện tích còn lại chưa sản xuất, cơ cấu khoảng 400ha gieo trỉa ngô lấy hạt như giống nếp MX2, MX4, MX6...; giống lấy thân lá làm thức ăn gia súc, tập trung bộ giống có tiềm năng năng suất cao như NK66, NK6326, P4199, CP999, CP3Q...

12-01-18_1
Các địa phương nhanh chóng khôi phục sản xuất
 

Hiện toàn tỉnh có hơn 5.978ha ngô bị hư hỏng do lũ và chưa gieo trỉa, lượng giống cần cung ứng khoảng 150 tấn. Rau, củ, quả các loại tiếp tục sản xuất 3.618ha (trong đó 1.034ha bị hư hỏng phải làm lại), lượng giống cần 22 tấn.

Đẩy mạnh sản xuất rau đậu thực phẩm ngắn ngày; mở rộng nhóm cây ăn lá, quả, gia vị như đậu cô ve, dưa chuột, bí xanh, rau cải... Phấn đấu toàn bộ diện tích cây trồng vụ đông hoàn thành xuống giống trước ngày 15/11".

Được biết, đợt lũ vừa qua huyện Hương Sơn có 134ha ngô đông, 11ha rau các loại bị ngập, hư hỏng.

Năm nay ngoài ảnh hưởng của mưa lũ, trước đó, vụ HT thu hoạch muộn hơn 10 - 15 ngày càng khiến cho thời vụ vụ đông 2016 trở nên gấp gáp. Để đảm bảo thu hoạch xong trước 15/1/2017, ông Nguyễn Tuấn Thanh, PGĐ Sở NN-PTNT Hà Tĩnh cho rằng, các địa phương cần căn cứ tình hình thực tế bố trí sản xuất nhóm giống ngô ngắn ngày. Ngoài chuyển sang trồng ngô sinh khối cũng cần làm ngô lấy hạt, tuy năng suất không cao nhưng giải quyết được vấn đề dân sinh. Vùng chuyên canh cao phải sản xuất nhiều giống, nhiều thời điểm gieo trồng để né tránh thiên tai, đảm bảo đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lê Đình Sơn, Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh chỉ đạo: “Ngoài khôi phục diện tích bị thiệt hại do lũ, các huyện cần đẩy nhanh tiến độ gieo trồng diện tích đã đặt kế hoạch từ đầu vụ. Do đó thời vụ rất gấp gáp. Khuyến khích bà con sản xuất, không bỏ hoang diện tích để khi nhà nước không còn hỗ trợ thì dân cũng không đói, không thiếu lương thực”.

Liên quan đến chính sách hỗ trợ giống, ông Lê Đình Sơn nhấn mạnh: “Trước 31/10 giống phải về đến tận tay người sản xuất. Tinh thần là dân thiệt hại đến đâu cho giống đến đó nhưng không lợi dụng chính sách để kê khai thêm. Ngoài thiệt hại ngoài đồng, các địa phương rà soát lại nếu thiệt hại giống trong nhà cũng phải hỗ trợ cho dân...

 

Xem thêm
Hơn 300 đại lý tham gia Hội nghị khách hàng Japfa Việt Nam

Ngày 28/3, Hội nghị khách hàng khu vực miền Bắc của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam (Japfa Việt Nam) được tổ chức tại Vĩnh Phúc với chủ đề 'Đồng kiến tạo giá trị'.

Đề xuất không xử phạt hành chính thuốc thú y chưa kịp công bố hợp quy

Bộ NN-PTNT đề xuất Chính phủ không xử phạt thuốc thú y đã được cấp chứng nhận lưu hành nhưng chưa thực hiện công bố hợp quy từ ngày 14/2/2024 đến ngày 31/5/2025.

Giá ớt giảm mạnh, nông dân không buồn thu hoạch

QUẢNG NGÃI Dù mới bước vào đầu vụ nhưng giá ớt giảm mạnh. Bên cạnh đó, một số diện tích sụt giảm năng suất khiến nông dân đứng trước nguy cơ thua lỗ, không buồn thu hoạch.

Tháo gỡ 2 điểm nghẽn chính

Ngành mía đường có những điểm nghẽn cần phải giải quyết để phát triển ổn định, bền vững, đó là chia sẻ của TS Cao Anh Đương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Mía đường (SRI).

Bình luận mới nhất