| Hotline: 0983.970.780

Về nơi đá hóa rồng

Chủ Nhật 29/01/2012 , 08:41 (GMT+7)

Cho đến nay, chưa ai nói chính xác được nghề chế tác đá mỹ nghệ đã có ở đất Ninh Vân từ bao giờ, và do ai khai nghiệp...

Cho đến nay, chưa ai nói chính xác được nghề chế tác đá mỹ nghệ đã có ở đất Ninh Vân từ bao giờ, và do ai khai nghiệp. Những lão nghệ nhân đá tuổi đời tám chín mươi như các cụ Bùi Văn Phú, Nguyễn Văn Lưu… cũng chỉ nhớ rằng “cụ nội tôi, ông nội tôi, cha tôi, rồi đến tôi và các con cháu tôi đều làm nghề đá”…

Ninh Vân thuộc Hoa Lư (Ninh Bình), nơi từng là “kinh đô giữa đá” của hai triều Đinh và tiền Lê. Đến xứ này, không ai là không sững sờ trước vẻ kỳ vỹ của đá. Đá chồng chất, ngút ngàn, đá liên tiếp nhau như hình những con sóng lô xô, khiến ta thỏa sức để tâm hồn trở về với thời hồng hoang xa tít tắp, khi trái đất bất chợt cựa mình, để từ trong sâu thẳm lòng mình ngùn ngụt, dập dồn tuôn trào ra những làn sóng đá.

Nằm sâu giữa vùng đá ấy, người Ninh Vân cất tiếng khóc đầu đời trong đá, chôn rau trong đá, mở mắt ra là thấy đá, hết đời này đến đời khác đồng hành, buồn vui cùng đá, bới đất lật cỏ trên những vạt đất chen giữa đá mà kiếm ăn, đá trở thành không biết bao nhiêu là vật dụng trong nhà. Đá khắc nghiệt, nhưng đá cũng trở nên thân thiết để người ta giãi bày tâm tư, tình cảm, ước mong của mình cùng đá bằng những nét khắc, nét chạm... Và cùng với thời gian, nghề đá mỹ nghệ ở đất này đã được hình thành như vậy chăng?

Nghệ nhân đá Ninh Vân có thể làm cả một ngôi nhà từ bậu cửa, khung cửa cho đến kèo, cột, quá giang… bằng đá, với những đường lượn, nét khắc mềm mại không khác gì bằng gỗ, cũng như có thể biến đá thành những tác phẩm mỹ nghệ vô cùng phong phú, với đủ các kích cỡ, từ cái chụp đèn đá có đường kính mươi xen - ty - mét, bức tượng đá, con nghê đá, con gà đá, con hạc đá chỉ bằng ngón tay cái người lớn, cái đỉnh đá chỉ bằng quả cam…đến những cụm tượng đài vài ba chục tấn như cụm tượng đài “Bà mẹ Tổ quốc” ở TP Hồ Chí Minh, cụm tượng đài TNXP chống Mỹ cứu nước ở Quảng Trị, tượng Đức thánh Trần ở Chí Linh (Hải Dương)…

Đến thăm “công viên tâm linh” ở Ninh Bình, được chiêm ngưỡng 500 pho tượng La Hán bằng đá do các nghệ nhân đá Ninh Vân tạc, không ai không thán phục. Và những tác phẩm đó, dù lớn hay nhỏ thì tất cả đều có một nét chung là tinh xảo, sống động lạ lùng. Nhìn cụm hoa cúc chạm trên đá, có cảm tưởng chỉ một cơn gió nhẹ cũng đủ làm cho hoa lay động. Nhìn một con gà đá, tưởng chỉ cần vãi ra vài hạt ngô là nó có thể cựa quậy cái mỏ ngay…

Sản phẩm đá mỹ nghệ Ninh Vân rất phong phú, nhưng có thể chia làm nhiều loại, theo tay nghề và công phu của những nhóm nghệ nhân: Tượng (tượng Phật, tượng La Hán, tượng các danh nhân, tượng đài…); đồ thờ (cây đèn thờ, đỉnh, lư hương, cây nến…); kiến trúc (lăng tẩm, cổng đình, tam quan chùa…); con giống (long, ly, quy, phượng, nghê, hạc, voi, ngựa…). Tuy nhiên, do nhu cầu “đa năng hóa” các sản phẩm nên ngày nay, cơ sở đá mỹ nghệ nào ở Ninh Vân cũng có nhiều loại thợ khác nhau, một là sản xuất nhiều sản phẩm các loại để bày bán hàng ngày, hai là khi chủ cơ sở nhận được hợp đồng loại nào cũng có người để thi công ngay.

Trong các sản phẩm về con giống của Ninh Vân, đặc sắc nhất là rồng. Rồng là linh vật, đứng đầu “tứ linh” (long- ly- quy- phượng) ở Việt Nam và Trung Quốc. Rồng là biểu tượng của vương quyền. Từ hàng ngàn năm nay, hình tượng rồng luôn xuất hiện, dày đặc nhất trong các kiến trúc cung đình rồi đến những chốn thiêng liêng (đình, chùa, miếu, quán, lăng tẩm, bia…) ở hai quốc gia này. Nghệ nhân Đỗ Đình Hiếu, chủ cơ sở đá mỹ nghệ Hiếu Ngân ở Ninh Vân, người có tay nghề chạm rồng, tạc rồng rất cao, cho biết:

- Tạc những con giống khác như con voi, con ngựa…không quá khó. Tuy voi ngựa được tạc dùng hoàn toàn trong các nơi thờ tự, nên nó đã bị ước lệ đi ít nhiều để thích hợp với chốn tôn nghiêm, nhưng người tạc đều đã được nhìn thấy voi thật, ngựa thật rồi. Còn rồng là con vật hoàn toàn biểu tượng, chưa ai được nhìn thấy rồng thật bao giờ. Mà hình tượng con rồng thì biến đổi theo thời gian, theo triều đại. Từ con rồng các triều Lý - Trần đến con rồng triều Nguyễn, khác nhau rất xa, nên tạc vô cùng khó…

- Thế những con rồng mà các nghệ nhân đá mỹ nghệ ở đây tạc, là rồng thời nào? Tôi hỏi.

- Nếu cơ sở nào đặt tạc rồng mà có mẫu do các họa sỹ vẽ, hay có mẫu sẵn do họ đưa đến, thì đương nhiên là phải tạc theo mẫu đó. Nhiệm vụ của người nghệ nhân, khi đó chỉ là khiến cho những khối đá hóa rồng, và làm thế nào để những nét vẽ đó, khi lặn vào đá thì trở nên sống động, theo cách gọi của nhà nghề là “thổi hồn vào đá”. Còn nếu khách chỉ đặt tạc một hay đôi rồng chung chung, thì người tạc tha hồ tưởng tượng. Ban nãy tôi đã nói, chẳng ai được nhìn thấy con rồng thật bao giờ, nên rất khó, nhưng chính cái chỗ khó đó lại là mảnh đất rất tốt cho trí tưởng tượng. Đó chẳng phải là con rồng của thời nào, triều nào, mà là con rồng Ninh Vân, là sản phẩm của trí tưởng tượng, sáng tạo Ninh Vân. Sản phẩm đó giờ đã có mặt trên khắp mọi miền đất nước rồi…

Tôi không phải là chuyên gia về rồng, nên không biết những con rồng mà các nghệ nhân đá mỹ nghệ ở Ninh Vân vẫn tạc, vẫn chạm là rồng thời nào, hay có sự tổng hợp hình tượng rồng của cả mấy triều đại, chỉ biết rằng chúng rất sống động và phong phú. Nghệ nhân đá mỹ nghệ Ninh Vân có thể tạc rồng, chạm rồng với hàng trăm tư thế khác nhau: Rồng lấy nước, rồng phun nước, rồng vờn trong mây, rồng vẫy vùng trong biển, rồng bay, rồng nằm, rồng leo, đơn long, song long, lưỡng long tranh châu, lưỡng long triều nguyệt, lưỡng long cuốn thủy, song long quá hải, cửu long, quần long… Và tuy cùng là rồng, ở cùng một tư thế, nhưng không con nào giống con nào. Đó có lẽ là dấu ấn rõ nét nhất của trí tưởng tượng, sức sáng tạo Ninh Vân, bởi mỗi con rồng là do một nghệ nhân thực hiện, mà đã là nghệ nhân thì ai cũng có sự tưởng tượng, sự sáng tạo riêng của mình, chẳng ai giống ai.

Cũng theo nghệ nhân Đỗ Đình Hiếu, thì để tạc được một con rồng, người nghệ nhân phải qua hàng loạt khâu. Đá tạc rồng được khai thác từ những núi đá ở ngay Ninh Vân, nhưng nhiều khi khách yêu cầu tạc rồng bằng đá Thanh Hóa hay đá Ngũ Hành Sơn, thì phải vào xứ Thanh hay vào Đà Nẵng mua về. Sau khi chọn xong khối đá đúng kích cỡ, nghệ nhân bắt đầu với những nhát đục thô đầu tiên.

Gọi là đục thô nhưng dù là thô hay tinh thì mỗi nhát đục đều phải được tính toán rất cẩn thận, bởi đá không như gỗ. Quá tay một chút, mảnh đá vỡ khiến khối đá lẹm vào một chút là không gì khắc phục được. Đến những chi tiết như vẩy rồng, móng rồng… thì không thể dùng lời mà tả hết được sự công phu. Tạc rồng đã vậy, chạm rồng trên đá càng khó hơn. Nhưng thôi, nhiệm vụ của tôi đến Ninh Vân không phải là nói về kỹ thuật, mà là đến xứ sở đá hóa rồng này để được thỏa thích chiêm ngưỡng những con rồng.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm