| Hotline: 0983.970.780

Vớt lộc trời ở sông Cầm

Thứ Sáu 02/12/2011 , 12:28 (GMT+7)

Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm là dịp người dân ở sông Cầm, xã Hưng Đạo (Đông Triều, Quảng Ninh) chầu chực ngày đêm hai bên bờ sông để vớt rươi...

Tháng chín đôi mươi, tháng mười mùng năm là dịp người dân ở sông Cầm, xã Hưng Đạo (Đông Triều, Quảng Ninh) chầu chực ngày đêm hai bên bờ sông để vớt rươi (người dân nơi đây coi đó là lộc trời). Mỗi buổi, có người hốt được bạc triệu.

Mỗi đêm kiếm bạc triệu

Vào một ngày cuối tháng 10 âm lịch, chúng tôi về Quảng Ninh, khi qua cầu Cầm xã Hưng Đạo thì gặp cảnh người mua kẻ bán tắc cả đoạn đường dài. Thấy vậy, chúng tôi dừng xe thì có nhiều người lên tiếng: “Rươi mới vớt lúc tối, tươi lắm chú ơi! Một cân rươi nhỏ 400 ngàn đồng, rươi lớn 450 ngàn đồng. Mua ít về ăn, nếu ăn không ngon mai qua đây tôi trả tiền lại. Đây là đợt rươi cuối của năm rồi, không mua thì không có nữa đâu".

Túc trực vớt lộc trời

Đang ngóng khách mua rươi, bà Trần Thị Hồng cho biết: “Rươi không như những loài khác, không phải muốn bắt lúc nào cũng được. Mỗi năm chỉ được mấy ngày thôi, chúng nổi lên, di chuyển theo dòng. Chỉ có một thứ bất định là cứ đúng ngày, đúng nước nó nổi lên. Lúc đó con rươi đủ màu sắc, loăng quăng bơi và quây kín cả dòng sông Cầm”.

Tôi hỏi: "Mỗi lần rươi xuất hiện, bà vớt được bao nhiêu?". Bà Hồng vui vẻ: “Rươi không như các loại khác nên không thể nói được chú ạ! Có đêm chúng tôi thức cả đêm nhưng không bắt được con nào nhưng có đêm bắt được vài cân là chuyện thường; có nhà bắt được cả yến ấy chứ".

Để tận mắt chứng kiến cảnh vớt “lộc trời”, tôi xin ông Võ Tuấn đi theo. Trời về khuya, ông Tuấn men theo ao đầm bên sông Cầm tiến về một cửa đầm đã đặt sẵn tấm lưới chắn ngang dòng nước. Ông Tuấn giới thiệu: “Đó là cái săm để đón rươi, còn chỗ cái cống gọi là máng rươi. Đêm nay trời đẹp, nước lên không biết thế nào chứ đêm qua chẳng được con nào”. Ông Tuấn từ từ nâng săm lên, trong đó rất nhiều rươi, ông nhẹ nhàng cho vào thùng xốp. “Đêm nay trời ấm nên rươi nổi lên, có tiền triệu rồi chú ơi”, ông Tuấn vui mừng.

Ông Võ Tuấn dỡ săm lấy rươi

Ở Đông Triều, rươi tập trung nhiều ở các xã: Xuân Sơn, Hưng Đạo, Kim Sơn nhưng nhiều nhất là ở Hưng Đạo. Để bắt được rươi phải khơi bờ ruộng, ao đầm cho nước chảy để đặt săm ở đó, rồi chờ rươi theo dòng trôi vào và vớt lên. Vào đúng ngày, dù có “vớt chơi” - theo cách nói của ông Tuấn - thì trung bình một ngày cũng có thể vớt tới vài kg rươi là bình thường. Rươi vớt lên, được cho vào từng thùng xốp và bán ngay cho lái buôn.

Cạnh đầm của ông Tuấn, bà Nguyễn Thị Thái cũng đang dùng vợt để vớt rươi ở ruộng. Vợt được làm từ tấm lưới nối với một chiếc sào dài khoảng 3 mét. Bà Thái men theo bờ ruộng, hễ thấy rươi nổi thì vớt. "Nếu may mắn, mỗi đêm kiếm tiền triệu cũng không khó. Rươi bây giờ trở thành đặc sản nên có bao nhiêu người ta mua hết từng ấy”, bà Thái cười tươi. 

Rươi được bày bán với giá 400 đến 450 ngàn đồng/kg tại chân cầu Cầm

Trong những năm qua khi con rươi có giá thì những bãi đầm lầy nằm hai bên chân cầu Cầm được người ta thi nhau đấu thầu. Phần thì nuôi trồng thuỷ sản, phần thì trồng lúa nhưng hiệu quả đem lại từ các ao đầm này là rươi. Tuy mỗi năm thời gian có rươi không nhiều nhưng may mắn cũng có thể kiếm cả chục triệu. Tại khu vực cầu Cầm, khi nhắc tới người có nhiều ao đầm và hốt bạc nhiều nhất vùng thì phải kể đến bà Nguyễn Thị Chúc.

Cách đây 2 năm, bà Chúc đấu thầu gần 4ha đất nông nghiệp nuôi cá, vịt, cáy. Bà đã bỏ vốn thuê máy ngăn bờ để giữ nước. Sau hai năm phát triển mô hình, bà Chúc cho hay: “Việc đắp bờ sẽ giữ được nước. Vào những ngày rươi xuất hiện nếu không có nước thì rươi không nổi. Đêm xuống, sau khi nước rút thì mình mở cửa và đặt săm cho rươi chui vào”.

Với giá khá cao như hiện nay, chỉ tính riêng hai vụ chính, gia đình bà Chúc cũng thu được vài trăm triệu. Vào vụ, gia đình bà còn giải quyết việc làm cho khoảng 20 lao động với thù lao từ 100.000 đến 150.000 đồng/ngày.

Dùng đá lạnh để "ru" rươi ngủ

Món ăn của người giàu

Bên lề đường cầu Cầm, bà Nguyễn Thị Lan đang cho đá lạnh vào thùng rươi. Thấy vậy, tôi hỏi thì bà giải thích: “Bây giờ rươi đắt, chết con nào là tiếc đứt ruột nên người ta mới nghĩ cách nuôi rươi sống lâu. Việc bỏ đá vào để rươi ngủ, còn không nó bò lúc nhúc mất nhớt thì không sống được lâu. Rươi chết thì không đưa đi xa bán được. Còn ở đây, người dân nghèo lấy đâu ra tiền mà mua”.

Bà Lan kể: “Ngày trước đến mùa, rươi nhiều vô kể, vớt lên để vào thuyền, thúng… Nhiều quá thì đổ ra bạt rồi gánh đi bán, bán không hết, ươn thì đổ đi, mang về chỉ có tanh hôi cửa nhà. Khi ấy ai nghĩ đến việc chờ đợi, chầu chực mua từng cân từng lạng như bây giờ”.

Còn bây giờ, rươi thành của hiếm nên "mỗi khi chúng tôi bắt được phải bảo chăm sóc kĩ lắm. Rươi vớt xong phải dội nước cho thật sạch, lấy khăn sạch thấm khô chất nhầy nếu để rươi bò sẽ ra nhớt khiến nó bị ngạt mà chết. Trông rươi lúc nhúc thế này nhiều người kinh hãi lắm, nhưng họ không biết là nó sạch nhất trên đời đấy”, bà Lan "quảng cáo".

Rươi bò lúc nhúc

Đang ngồi đợi rươi trong đêm, bà Nguyễn Thị Thái tâm sự: “Con rươi không có lời hẹn trước, nước lên thì không kể ngày hay đêm nó nổi lên. Ngày trước nhiều lắm nhưng gần đây rươi cũng suy giảm. Và đất đai chia ô, chia thửa nên đã có chủ, mình không xâm phạm tới được. Tuy nhiên bây giờ nguồn nước ô nhiễm, nhiều nơi ngăn sông, giữ đập, nhất là việc dùng thuốc sâu quá nhiều trong sản xuất nông nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sinh sản và phát triển của rươi. Thứ “lộc trời” này cũng dần dần trở nên ít hơn trước”.

Rươi là giống thủy sinh, tên khoa học là Neridiae, một loại giun nhiều tơ. Có khoảng 500 loài, chủ yếu sống ở nơi nước lợ. Đặc điểm của rươi là có thể tái sinh từ những đoạn đứt trên cơ thể thành một con rươi hoàn chỉnh dài từ 3-7cm. Từ lâu rươi là thức ăn bổ dưỡng. Khi chế biến, có vị béo ngậy, thơm, và nhiều đạm.

Còn ông Võ Tuấn kể: “Ngày chúng tôi còn bé, khu vực hai bên chân cầu Cầm còn hoang hóa, không có bờ vùng bờ thửa. Cây cỏ mọc um tùm, cá tôm nhiều, rươi thì vô kể. Rươi bắt về rán chả, người dân vùng này còn làm mắm rươi, kho rươi, nấu canh rươi, thậm chí cả lẩu rươi. Thế mà bây giờ những người nơi đây bắt được rươi cũng không dám ăn, bởi một bữa ăn rươi hết cả tiền triệu đấy".

Ông Tuấn chép miệng: “Rươi bây giờ vào nhà hàng, khách sạn. Qua hết người này đến người khác buôn và chế ra món thì một kg có khi đến vài triệu. Rươi Đông Triều không chỉ bán ở Quảng Ninh mà có bao nhiêu thì xuất đi Hà Nội, Hải Phòng… Không tin cứ vào những nhà hàng với biển hiệu bán rươi mà xem”.

Có ai đó vui miệng mà rằng: Đến Đông Triều vào ngày rươi nổi mà chưa thưởng thức món rươi thì cũng coi như chưa biết Đông Triều. Nghe đã thấy thèm, tôi cùng đồng nghiệp quyết định vào một nhà hàng thưởng thức. Món rươi nóng hổi và quả nhiên thơm ngon nhưng khi chúng tôi bước ra khỏi quán thì mới hay lời của ông Tuấn chẳng sai tẹo nào: "Rươi bây giờ dành cho những người giàu có, mỗi cân kg rươi vào nhà hàng giá gấp dăm lần giá gốc". Ăn thòm thèm món rươi Đồng Triều nhưng hai chúng tôi đã "bay" đi hơn triệu bạc.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm