| Hotline: 0983.970.780

Tang thương La Pán Tẩn

Thứ Hai 10/09/2012 , 10:15 (GMT+7)

Trận lở núi kinh hoàng sáng 7/9/2012 tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong khu vực mỏ quặng chì kẽm do Cty CP Thịnh Đạt đang khai thác đã chôn vùi và làm bị thương 20 người. Bầu không khí tang thương bao trùm lên vùng đất ngang lưng trời...

Trận lở núi kinh hoàng sáng 7/9/2012 tại xã La Pán Tẩn, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) trong khu vực mỏ quặng chì kẽm do Cty CP Thịnh Đạt đang khai thác đã chôn vùi và làm bị thương 20 người. Bầu không khí tang thương bao trùm lên vùng đất ngang lưng trời...

>> Tìm thấy thêm thi thể 2 nạn nhân
>> Yên Bái: 20 người chết và mất tích khi đi mót quặng

Đánh đu với thần chết

Sau gần 3 giờ leo núi trên con đường nhầy nhụa bùn đất rồi lại phải luồn qua khu rừng tối âm âm cheo leo trên vách đá, hơn 9 giờ sáng chúng tôi mới tới được điểm sạt núi vào hồi 10 giờ sáng 7/9 đã cướp đi và làm bị thương 20 nhân mạng.

Trời vẫn mưa, mỏ khai thác chì kẽm của Cty CP Thịnh Đạt sau trận lở núi bỗng chốc trở nên tan hoang, ngôi nhà để hai chiếc máy nén khí trị giá gần hai tỷ đồng bị đất đá thổi bay xuống dãy lán công nhân nằm ở phía dưới gần hai chục mét, một góc lán sụp đổ ngập sâu trong đất.

Đói đầu gối phải bò

Anh Vũ Đức Long, công nhân lái máy xúc của Cty Thịnh Đạt, người chứng kiến trận lở núi vẫn chưa hết hoảng hốt, kể: Lúc đó chừng 10 giờ sáng trời vẫn đang mưa nặng hạt, tôi vừa từ trong nhà ra, bỗng thấy đất dưới chân mình rùng lên rất mạnh, một tiếng nổ lớn làm rung chuyển cả mặt đất, tôi ngước nhìn lên sườn núi trước mặt, một khoảng rừng từ trên cao gần ba chục mét lao rầm rầm xuống, kéo theo một lượng đất đá khổng lồ chỉ trong tích tắc khối đất đá và cây rừng tràn vượt qua khe suối hất văng ngôi nhà để hai máy nén khí xuống dưới kia, khối đất đá ấy chỉ cách chân tôi độ nửa mét. Tôi sợ hãi lùi lại kêu thất thanh: Núi sập! Núi sập! Chạy mau đi mọi người ơi...


Anh Vũ Đức Long chỉ hiện trường vụ lở núi

Một lượng đất đá cả ngàn khối cứ tuôn đổ ầm ầm xuống, tôi nhìn xuống phía dưới, một dòng lũ đá chảy cuồn cuộn xuống chân núi, tiếng đá va vào nhau nổ vang trời lấp chìm những tiếng kêu la thảm thiết của những người đi mót quặng. Chưa đầy một phút, những người dân đi mót quặng lộ thiên vừa nãy còn thấy họ đứng lố nhố hai bên bờ suối, loáng cái đã bị dòng lũ đá tràn qua không mấy người chạy thoát...

Nhìn theo tay Long chỉ một vạt núi bị sạt hở ra toang hoác, nước từ lòng núi chảy ra vẫn đục ngầu, dòng suối lởm chởm đá và cây cối vắt ngang chả khác gì trận đại hồng thuỷ vừa tràn qua. GĐ Cty CP Thịnh Đạt Đào Xuân Thịnh cho hay: Ngay chiều tối 7/9 sau khi sự cố sạt núi xảy ra tôi đã có mặt ở đây. Mỏ chì kẽm này được tỉnh Yên Bái cấp phép cho Cty khai thác từ năm 2010, chúng tôi khai thác theo thiết kế đã được phê duyệt. Bước vào mùa mưa chúng tôi đóng cửa các hầm lò để tránh sạt lở, chỉ cho công nhân làm những việc bên ngoài. Mấy hôm rồi mưa quá, sợ sạt lở nên chúng tôi đình chỉ mọi hoạt động bên ngoài các hầm lò và không cho công nhân và bất cứ ai vào khu khai thác để tránh tai nạn. Nhưng mưa lớn đã làm trơ những thỏi quặng, đây là cơ hội để bà con tới mót quặng dọc theo dòng suối.

Những năm trước dọc dòng suối này có cả ngàn người đi mót quặng bán ra bên ngoài. Khi Cty bước vào khai thác đã phối hợp với UBND xã ký cam kết tới từng hộ dân không tới mót quặng để tránh tai nạn. Người đi mót quặng chủ yếu là người nghèo, cũng vì miếng cơm nên họ đã bất chấp nguy hiểm mặc dù Cty đã ra sức cấm. Hai công nhân của Cty ra ngăn cản đã bị một số người dân đuổi đánh, họ bảo: Chúng tao nhặt quặng ở suối chứ có nhặt quặng trong mỏ chúng mày đâu mà cấm...


Tan hoang khu vực mỏ

Một bảo vệ do bị họ đuổi đánh nên trượt chân ngã phải vào nhà thay quần áo, còn bảo vệ kia khi núi lở không chạy kịp đã bị đất đá vùi lấp cùng với số người đi mót quặng. Khi sự việc xảy ra Cty đã huy động công nhân tìm được 4 xác nạn nhân và cứu được 3 người đưa đi bệnh viện. Chia sẻ mất mát với người dân Cty đã hỗ trợ mỗi nạn nhân 10 triệu đồng để làm ma...

Mỏ quặng chì kẽm nằm trên độ cao gần 2.000m sau trong khu rừng già giáp gianh ba xã: La Pán Tẩn, Cao Phạ và Kim Nọi. Đây là mỏ chì kẽm được phát hiện từ thời Pháp, người Pháp đã tổ chức khai thác một thời gian bằng phương pháp thủ công, nhưng do địa hình núi cao, đường sá khó đi nên thôi. Trước khi Cty Thịnh Đạt được cấp phép khai thác người dân xã La Pán Tẩn đã đào hầm khai thác trái phép để bán cho các đầu nậu, khiến một số người chết vì sập hầm. Để tránh tai nạn cho người dân, Công an huyện Mù Cang Chải đã dùng mìn đánh sập hầm để người dân không vào hầm khai thác được nữa.


Tìm kiếm xác những người bị nạn

Mấy năm gần đây người dân xã La Pán Tẩn và một số xã bên cạnh họ chờ khi mưa to thì đi nhặt quặng lộ thiên hai bên dòng suối. Giá quặng chì kẽm trôi nổi trên thị trường hiện đang có giá từ 30.000-45.000đ/kg, tuỳ theo độ nguyên chất của mỗi thỏi quặng. Người nào may mắn mỗi ngày nhặt được 10-20kg, có người đào được cả một khối quặng nặng vài tạ. Một đồn năm, năm đồn mười... hễ khi trời mưa to là người ta đổ xô nhau đi mót quặng lộ thiên, bất chấp nguy hiểm.

Mặc dù các gia đình đều ký cam kết không đi nhặt quặng, ký thì ký nhưng “đói đầu gối phải bò”, hiện đang vào mùa giáp hạt, lúa mới uốn câu phải nửa tháng nữa mới được gặt, ngô thì chưa phun râu nên nhiều gia đình chả còn gì đổ vào nồi nấu cho lũ con ăn. Mưa to, nước chảy khiến quặng lộ ra, thế là họ đánh liều lên núi mót quặng. Mót quặng trong lòng suối vào mùa mưa lũ ai cũng biết rất nguy hiểm, nhưng vì đói nghèo nên người ta đánh đu với thần chết.

Mùa mưa năm nay, số người đi mót quặng có ngày lên tới 300 người, Cty Thịnh Đạt thấy nguy hiểm quá đề nghị xã cử người lên cùng bảo vệ của Cty ngăn cản, số người đi mót quặng đã giảm, hôm 7/9 chỉ còn khoảng ba chục người đi mót.

Xã 92,96% nghèo

Tháng ba năm nay, tôi lên La Pán Tẩn, xã chỉ có hơn 620 hộ, năm 2011 có 85,98% hộ nghèo, năm 2012 do tách hộ nên số hộ nghèo tăng lên 92,96%, đây là xã đặc biệt khó khăn, cứ nhìn vào số hộ nghèo đủ biết La Pán Tẩn thuộc diện nghèo nhất huyện Mù Cang Chải.

Người dân ở đây quá nghèo, bởi sống trên núi cao ruộng lại ít, chỉ cấy được một vụ, phần lớn trông đợi vào nước trời. Năm nào mưa sớm thì được cấy sớm, năm nào mưa muộn thì phải cấy muộn, có năm nhiều khu ruộng do hạn hán mất mùa. Đất mỗi năm thêm bạc màu, cây lúa mỗi ngày một gầy đi, bông lúa ngắn lại kéo theo sự nghèo đói ngày một tăng mà không biết bao giờ mới dừng.

Ông Trần Xuân Kiên, Phó Bí thư Đảng ủy xã, cho biết: La Pán Tẩn do thiếu đất sản xuất, số hộ đói ăn từ 2-3 tháng trên 70%, số hộ đói quanh năm, đói kiết xác từ đời cha đến đời con khoảng hơn 40%...


Những ngôi nhà của các nạn nhân bản La Pán Tẩn

Dẫn tôi vào nhà Giàng Páo Ly ở thôn La Pán Tẩn, rất may gặp ông Ly đang ở nhà, tháng ba chưa vào vụ cày cấy nên ông vơ vẩn ở nhà làm những việc lặt vặt, ông bảo: Nhà mình ít ruộng, mỗi năm thu được 30-35 bao thóc, có 7 người ăn nên năm nào cũng đói. Ai có việc thì làm, nhưng mình già rồi nên ít người thuê. Thỉnh thoảng vẫn lên núi nhặt quặng có ngày bán được 70-80 ngàn đồng mang về mua gạo...

Tôi xem danh sách số người bị nạn do Giàng A Tông, Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải, đưa cho, không thấy tên Giàng Páo Ly, tôi mừng cho ông, nếu ông Ly đi nhặt quặng cùng với số người kia chắc khó mà thoát nạn.

Tôi hỏi thằng Hảng A Làng: Cháu không lên núi làm ma cho mẹ à? Nó lắc đầu: Cháu sợ lắm, nghe mọi người nói mẹ cháu bị đá chặt đứt đầu và cụt mất chân mà... Nói rồi nó gục đầu vào hai đầu gối khóc nấc lên...

Trong 20 nạn nhân trong trận lở núi sáng 7/9 thì bản La Pán Tẩn có 9 người chết, trong đó có vợ chồng ông Hảng Tống Chua, Thào Thị Của và con trai Hảng A Giàng đều tử nạn; hai anh em trong cùng một nhà là Lý A Vếnh, Lý A Sàng con ông Lý Chờ Rùa và Hảng A Dinh, Hảng A Sùng con ông Hảng Bùa Câu cùng chết trong vụ lở núi.

Trong 20 nạn nhân thì có hai phụ nữ đó là Thào Thị Của và Sùng Thị Dở đều ở bản La Pán Tẩn. Chị Dở năm nay mới 32 tuổi, có con trai lớn là Hảng A Làng đang học lớp 6 và con gái là Hảng Thị Dinh đang học lớp 3.

Khi tôi đến chồng chị Dở và con gái lên núi chuẩn bị chôn cất cho chị, ở nhà chỉ có thằng Hảng A Làng. Bố chồng của chị Dở gương mặt buồn rầu ngồi bên đống lửa, ông không nói được tiếng Kinh khi tôi hỏi chuyện phải nhờ người khác phiên dịch. Ông cho hay, gia đình ông mỗi năm thu được 20 bao thóc, mỗi bao nặng 40-45kg, nhà có 5 người nên thiếu đói quanh năm. Ông lắc đầu: Con Dở đi mót quặng, nó bảo với hai con nó: Mẹ đi mót quặng bán lấy tiền mua quần áo mới và sách vở cho hai đứa đi học... Nói rồi ông khóc, nước mắt chảy tràn trên đôi gò má sạm đen.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm