| Hotline: 0983.970.780

Sơn nữ và cạm bẫy

Thứ Năm 01/11/2012 , 11:15 (GMT+7)

Nghèo đói, lạc hậu nên phần lớn thiếu nữ ở vùng cao Quế Phong (Nghệ An) cứ lớn lên là bỏ làng, bỏ bản mà đi. Cuộc hành trình của họ đầy cạm bẫy, đắng cay và nước mắt.

Nghèo đói, lạc hậu nên phần lớn thiếu nữ ở vùng cao Quế Phong (Nghệ An) cứ lớn lên là bỏ làng, bỏ bản mà đi. Cuộc hành trình của họ đầy cạm bẫy, đắng cay và nước mắt.

>> Lưng chừng miền đất khổ
>> Đêm trắng trước mùa hoa anh túc

Không vợ lẽ cũng gái bán dâm

Độ mấy năm nay, thỉnh thoảng các xã trong huyện Quế Phong lại nhận được những tờ giấy báo yêu cầu xác minh cô này cô nọ có phải ở địa phương mình hay không. Những tờ giấy ấy do công an nhiều nơi gửi khi họ vừa phá động mại dâm hay bắt giữ một đường dây buôn bán phụ nữ. Xã nào cũng có, nhưng nhiều nhất là các xã vùng cao biên giới như: Châu Thôn, Tri Lễ, Hạnh Dịch, Quang Phong… những nơi sơn nữ bỏ bản làng đi rất nhiều.

Xã Châu Thôn có 818 hộ, 3.734 khẩu, hơn 65% thuộc diện hộ nghèo. Ông Nông Văn Huấn, Bí thư Đảng ủy xã chia những cô gái rời quê ở xã mình thành 2 loại: Đi Trung Quốc và đi làm ăn trong nước. Đi Trung Quốc chủ yếu làm vợ lẽ, còn đi xuống các thành phố thì phần lớn làm gái mại dâm. 13 thôn bản trong xã đều có thiếu nữ bỏ làng đi, ít hay nhiều mà thôi. Nhiều nhất là bản Na Tỳ và bản Lằm, nơi số hộ nghèo còn chiếm trên 80%.


Bà Châm phải nuôi cháu vì con gái bị lừa bán sang Trung Quốc

Dẫn tôi lên bản Na Tỳ là chị Lương Thị Hồng, Phó chủ tịch Hội Phụ nữ xã Châu Thôn. Chị Hồng bảo: Na Tỳ là nơi có nhiều thiếu nữ bỏ bản làng, độ khoảng hai ba chục cô. Ngoại trừ những em còn đang trong độ tuổi đi học, thì Na Tỳ hầu như không có thiếu nữ ở nhà. Lý do thì ai cũng biết, nghèo đói quá.

Đói nghèo hiện hữu lên từng nếp nhà sàn cũ kỹ của người Thái nằm chênh vênh bên núi, trên từng bức vách, những nương sắn cằn cỗi, cho đến nét mặt của những đứa trẻ lấm lem bùn đất.

Chị Hồng đưa tôi đến gia đình của ông Hà Văn Phòng, gia đình mà cô bảo “hễ cô con gái nào lớn một tý là bỏ nhà đi”. Giữa buổi chiều nhưng ông Phòng không đi rẫy mà nằm ngáy khò khò vì say rượu. Vợ ông, bà Hà Thị Phòng, dù bệnh tật vẫn phải lên nương nhổ sắn cùng đứa con gái út Hà Thị Thủy. Nhà ông bà Phòng có 4 đứa con, 3 gái, 1 trai. Hai cô con gái đầu đều bỏ bản làng đi. Một cô chết đầu năm nay vì bệnh, còn một cô nữa hiện đang làm gì, ở đâu, bà cũng chẳng thể hay biết.

Cô con gái đầu vừa mất tên Hà Thị Lệ Hằng (22 tuổi), cô con gái được ví như bông hoa rừng đẹp nhất bản Na Tỳ. Ở vùng cao này, chẳng có cô gái đẹp nào ở lại bản sau tuổi mười tám đôi mươi, và Hằng không phải là ngoại lệ. Học hết cấp 2, Hằng theo bạn đi làm công nhân, nghe đâu ở ngoài Hà Nội. Đi quanh năm suốt tháng, chỉ những dịp Tết cô mới ghé thăm nhà. Mỗi lần cô về nhìn lại khác. Chẳng ai nhận ra cô sơn nữ có nét đẹp trong sáng như bông hoa của núi rừng ngày xưa nữa, thay vào đó là váy ngắn, môi đỏ, tóc nhuộm vàng.

Cuối năm ngoái, Hằng vẫn về ăn Tết nhưng dân bản thấy cô tiều tụy quá, phấn son thị thành cũng không che nổi thân hình gầy đét như cành củi khô. Bẵng đi một thời gian sau thì nghe ông bà Phòng báo tin Hằng chết.

“Ngày trước, tôi đã hết lời khuyên can nhưng đều bị Hằng bỏ ngoài tai. Đi 3 năm thì về hẳn. Người trong nhà vẫn nói Hằng bị ung thư mà chết nhưng thật ra thì bị nhiễm HIV”, chị Hồng nói vậy. Nỗi đau mất một con người ở gia đình ông bà Phòng qua nhanh quá. Hằng mới chết được vài tháng đã thấy cô em gái Hà Thị Ngọc Lan (17 tuổi) “đi làm công nhân”. Hỏi Lan làm gì, ở đâu? Cả bà Phòng lẫn cái Thủy (em của Lan) đều lắc đầu không rõ.


Bà Phòng và cô con gái út bên căn nhà nghèo khổ

Cạnh nhà bà Phòng là gia đình bà Lương Thị Châm (53 tuổi). Chồng bà Châm tên là Hà Văn Nguyên cũng đang say ngủ, con cái cũng mỗi đưa một đường, không biết ở đâu. Mỗi năm gia đình bà thiếu ăn 2 tháng. Nguyên nhân là vì chẳng có người làm rẫy. Nhà bà Châm có 2 cô con gái. Cô chị là Hà Thị Hiền (22 tuổi) đi làm ăn dưới TP Vinh, cũng lấy được ông chồng bên huyện Quỳ Châu, nhưng chồng bỏ khi đứa con vừa lọt lòng. Hiền phải lấy họ mình đặt tên cho con. Một cái tên khá đẹp: Hà Kiều Kiều. Đang chán chường, có người tên Thu quê bên Tương Dương (Nghệ An) rủ Hiền sang Trung Quốc làm ăn. Hiền bị lừa bán. Hôm 2/9 vừa rồi, Hiền điện thoại về cho chị Hồng khóc nức nở, bảo muốn về nhưng không trốn được. Buồn hơn khi biết em gái của Hiền là Hà Thị Hạnh, hiện đang “làm nhà hàng” ở TP Vinh.

Đầy rẫy bi kịch

Trước khi đến Quế Phong tôi vẫn nghĩ, những cô sơn nữ lầm đường lạc lối để rồi lâm vào những bi kịch xót lòng chẳng qua là họ bị kẻ xấu lừa gạt, mua chuộc mà thôi. Nhưng không phải vậy. Bí thư Huấn nói rằng khi chuyện sơn nữ bỏ làng, bỏ bản đi thành cả một phong trào thì phần lớn các cô đều tự nguyện đi. Phong trào ấy bắt đầu từ cách đây khoảng 10 năm khi xẩy ra sự kiện một thiếu nữ ở bản Lằm đi làm gái “thành đạt” trở về.

“Cô bé này nhà cùng bản với tôi. Trước khi đi nhà nghèo lắm. Mấy năm sau thấy gửi về cho bố mẹ khá nhiều tiền làm nhà, mua trâu bò, sắm cả xe máy. Sau sự kiện ấy, thiếu nữ ở Châu Thôn kéo nhau nhiều, nhưng đều rơi vào bi kịch cả”, Bí thư xã Châu Thôn nói.


Những cô sơn nữ bỏ quê phần lớn chọn con đường làm gái mại dâm

Những cán bộ mà tôi gặp ở vùng cao Quế Phong đều nhận định: Nguyên nhân chính khiến sơn nữ bỏ quê đi làm ăn xa là vì nghèo. Những xã như Châu Thôn lại là điểm nóng về ma túy, gần 50 người đang thi hành án tù. Số con nghiện đang quản lý là 28, số nghi nghiện thì nhiều. Nghèo đói đã khiến nhiều gia đình bất chấp tất cả. Thật xót xa khi nghe các vị lãnh đạo xã Châu Thôn kể về trường hợp anh Hà Văn T cho vợ là Kim Thị L đi lấy chồng Trung Quốc. Chẳng biết người đưa chị L đi đã cho anh T bao nhiêu tiền mà trông anh phấn khởi thế không biết. Gặp tôi, anh hồ hởi khoe vợ vừa gọi điện về thông báo tin mừng là mình đang mang bầu với một người đàn ông Trung Quốc.

Không ai thống kê được số sơn nữ ở Châu Thôn đi Trung Quốc, đi làm gái mại dâm là bao nhiêu bởi họ rời quê hết sức âm thầm. Cán bộ xã cũng đến từng gia đình để vận động, nhưng vẫn không giữ được. Thậm chí có ông chồng còn thuận tình cho vợ sang Trung Quốc lấy chồng để kiếm tiền, trước khi đi gia đình hai bên còn liên hoan ầm ĩ.

Năm ngoái, chính quyền xã Châu Thôn phải giải quyết một vụ mâu thuẫn vợ chồng hết sức hi hữu ở bản Đỉn Đảnh. Chuyện là cặp vợ chồng này tranh giành nhau số tiền 20 triệu đồng. Nhưng ở vùng cao này, kiếm miếng ăn đã là khó thì chuyện vợ chồng kia có 20 triệu để mà tranh nhau quả là rúng động. Ông Huấn, chị Hồng cùng nhiều cán bộ khác gặng hỏi mãi thì cả hai vợ chồng mới chịu khai là có tiền nhờ bán cô con gái. Thì ra ở Châu Thôn sơn nữ đã thành hàng hóa. Những món hàng bán đi có thể thu được ít tiền nhưng sau đó là những bi kịch kéo dài đằng đẵng.

Có bi kịch nào lớn hơn gia đình ông Lô Văn Tiến ở bản Lằm đang phải gánh chịu? Chắc là hiếm. Nhà ông Tiến có 6 người. Bà vợ chết sớm, bản thân ông và cậu con trai duy nhất đang ở tù vì tội buôn ma túy. Ba cô con gái là Lô Thị Thảo, Lô Thị Phương, Lô Thị Hoa đều phải bỏ bản làng đi làm gái mại dâm ở một điểm du lịch trong tỉnh. Dạo ông chưa bị bắt, 3 chị em làm được ít tiền gửi về cho bố dựng nhà. Ngôi nhà ấy bây giờ đang bỏ hoang, lạnh lẽo.

Buồn ở chỗ, những thảm kịch có lớn cỡ nào cũng không ngăn được bước chân sơn nữ ở lại với bản làng. Tuyên truyền nhiều lắm nhưng kết quả thì không như mong muốn. Ở những nơi khác, phổ cập giáo dục đưa số học sinh đi học tăng lên thì ở Châu Thôn lại giảm. Mấy năm nay học sinh học lên cấp 3 ngày một ít đi. Có trường hợp đang học lớp 9 vẫn bỏ trường, bỏ lớp để chạy trốn cái đói, cái nghèo. Ngay cả những cô thiếu nữ đi làm giá mại dâm, được cơ quan công an giải cứu ra khỏi "động quỷ" hẳn hoi như Lộc Thị H ở bản Cỏ Ngựu và Lô Thị M ở bản Lằm thì về nhà được vài hôm lại chẳng thấy đâu nữa rồi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm