| Hotline: 0983.970.780

Nơi Tết không ghé qua

Thứ Sáu 05/02/2010 , 10:20 (GMT+7)

Chỉ nằm cách TP Hà Tĩnh có chục cây số, nhưng khi phố xá đang háo hức đón xuân thì ở Thạch Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có thể Tết sẽ không thèm ghé qua. Đơn giản, vì họ chuẩn bị đón tiếp thờ ơ quá.

Chỉ nằm cách TP Hà Tĩnh có chục cây số, nhưng khi phố xá đang háo hức đón xuân thì ở Thạch Bàn (Thạch Hà, Hà Tĩnh) có thể Tết sẽ không thèm ghé qua. Đơn giản, vì họ chuẩn bị đón tiếp thờ ơ quá.

Chỉ khác cái bánh chưng

Làng Đồng Thanh xã Thạch Bàn cuối năm vắng vẻ đến cô quạnh. Gió biển thốc vào từng đám phi lao rin rít. Những căn nhà trần trụi bờ lô không thèm áo, cửa bằng bạt xanh, lợp tồn kêu toang toác. Dù đã được nghe nhiều người đúc kết rằng “nghèo nhất Thạch Hà là Thạch Bằng, nghèo nhất Thạch Bằng là Đồng Thanh” nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ bởi làng thuộc diện trung tâm của xã.

Biết tôi có ý định tìm hiểu tình hình nông dân chuẩn bị Tết, bà chủ quán tạp hoá dường như quá mệt mỏi vì ế ẩm nhiều ngày thở dài: “Đi chỗ khác chú ơi. Làng ni mấy khi có Tết mà chuẩn bị với sắm sửa. Hàng họ tui lấy về cũng khá nhiều mà đã thấy ai đến mua được cái gì đâu. Cũng phải đến ngày 30 mới biết được nhà nào có Tết nhà nào không. Còn bây giờ đang ở ngoài mỏ đá cả. Có lẽ năm nay lại Tết nợ”.

Rồi như để giải thích khẳng định của mình, bà chủ quán chỉ tay về hướng có bà cụ lẫm chẫm đi ra từ mỏ đá rồi giục tôi không tin cứ hỏi. Đó là bà Nguyễn Thị Duệ (64 tuổi) sống một mình ngay cạnh mỏ đá. Chỉ cách con đường cái chừng 500m, nhưng để vào được nhà bà Duệ phải gửi xe máy rồi lội bộ qua một con khe nhầy nhụa, vào tận ngõ mới biết đó là nhà vì nó nằm lọt thỏm giữa bốn bề phi lao. Gọi là nhà nhưng thực chất đó là một căn phòng được xây tạm bợ bằng bờ lô chống bão mà mấy anh con trai vay ngân hàng chính sách cho mẹ có chỗ chui ra chui vào.

Trong nhà chỉ độc mỗi chiếc giường với mấy chiếc ghế nhựa xem ra có thể quy thành tiền. Có lẽ đã quá quen với đói nghèo nên bà Duệ điềm nhiên trò chuyện trong khi tôi còn chưa hết ái ngại thay cho bà vì đã năm hết tết đến. “Có chi mô chú. Tết với tui chỉ khác ngày thường là có thêm cái bánh chưng con cái gói cho với một vài ngày nghỉ ngơi vì không có ai thuê làm thôi mà”.

Chồng mất sớm, một mình bà Duệ vắt đến xơ người cũng chỉ đủ nuôi được 4 đứa con đến tuổi biết mót đá rồi ai lo thân nấy. Con cái bà dù lập gia đình, cả hai vợ chồng bươn chải nhưng cũng không thể trả cho xã được cái sổ hộ nghèo nên dù đã tuổi cháu bồng cháu bế nhưng ngày ngày bà vẫn phải ra mỏ đá chen chúc với hàng xóm láng giềng mong kiếm được dăm ngàn sống qua ngày. Ngày nào không ai thuê xem như hai bữa cơm ăn bằng gạo nợ. Thành thử cả cuộc đời bà từ trước đến nay, chỉ có Tết năm ngoái là “sung túc” nhất vì có 200 ngàn tiền trợ cấp hộ nghèo. Nhờ thế bà mới “vượt chỉ tiêu hàng năm” sắm thêm được cân thịt, làm mâm cơm đãi con cháu cùng một vài gói hạt dưa, kẹo hoa quả mừng tuổi cho lũ trẻ con hàng xóm.

Thời gian đến Tết chỉ còn tính bằng ngày nhưng bà Duệ vẫn thấp thỏm vì đang nhờ người làm cho cái sổ hộ nghèo. Năm ngoái bà sống cùng con nên được một khẩu nghèo, nhưng đầu năm nay bà tách hộ ra ở riêng nên chưa kịp xét làm sổ. Nếu không kịp chắc Tết năm nay càng bi đát hơn.

Còn những thứ từ khá lâu đã thành một phần của tết như cành đào, mâm ngũ quả…thì bà chưa bao giờ biết mặt mũi ra làm sao. Như thể tự an ủi mình, bà Duệ trầm ngâm: “Ở cái làng ni hầu hết đói nghèo cả. Cũng Tết đến xuân về như ai nhưng nhà khá lắm cũng chỉ thêm cân thịt, đĩa hạt dưa, vài gói kẹo được coi là xa xỉ lắm rồi. Còn những nhà khó như tui, con nuôi mẹ được một bữa ngày thường đã khó huống chi ngày tết trăm thứ phải lo. Tất tần tật cũng chẳng dám “phí” quá 100 ngàn. Chú tính, bây giờ thứ gì cũng tiền, ba ngày Tết không chừng ngốn mất cả tháng đi cào đất, mót đá. Thôi thì xin kiếu”.

“Ác cảm” với Tết

Cứ tưởng gia cảnh bà Duệ là do tuổi già, không thể nương tựa nên mới bi đát đến mức ấy, nhưng khi nghe chính ông trưởng thôn Nguyễn Bá Giá liệt kê một loạt gia đình “ngày Tết cũng như ngày thường” mới biết từ lâu dân Đồng Thanh “ác cảm” với những ngày được xem là vui vẻ nhất trong năm.

Ông Giá phân tích bằng những con số mà bất cứ ai nghe qua đều đoán được vì sao Tết sợ về làng đến thế. Cả thôn có 160 hộ nhưng chỉ ¼ trong số đó có đất sản xuất, năm được mùa, nhà nhiều nông sản nhất thì chỉ có vỏn vẹn một tạ lạc. Nguồn thu nhập được kỳ vọng nhất là con em đi XKLĐ ở nước ngoài nhưng năm vừa rồi có 12 người đi thì 9 người phải điện về nhờ người nhà xoay tiền gửi sang để về. Những năm trước mỏ đá Rú Mốc còn hoạt động thì ít ra dân dù hiểm nguy nhưng vẫn được xem là “mỏ cơm” của làng. Nhưng 3 năm trước tai sạn sập núi đá khiến nghề chính của hầu hết các hộ dân là đụng việc vì làm việc nấy. Nói về viễn cảnh Tết năm nay ông bảo đa số dân trong thôn đều kỳ vọng nhận được cứu trợ nhiều hơn năm trước.

Ông Giá dẫn tôi xăm xăm đạp đồi cát đến một gia đình ở cuối làng. Nhìn từ bên ngoài thấy căn nhà tranh, vách được trét bằng bùn với rơm khô tôi dần mường tượng ông đang đưa đi tìm dẫn chứng cho câu nói “ngày Tết cũng như ngày thường”. Chủ nhà là chị Nguyễn Thị Tư (52 tuổi), người nhỏ thó đang phơi chiếc khăn hoa, thứ mà ông Giá bảo là tài sản quí nhất nhận được trong một đợt cứu trợ bão lụt. Nhà chỉ còn hai mẹ con, chị Tư cùng cô con gái mới lớn. Chị bảo rằng, cả hai mẹ con đã rục rịch chuẩn bị Tết từ tháng trước khi đề ra mục tiêu là Tết năm nay sẽ mua cho con gái bộ quần áo mới. Nhưng khi thời điểm dự định sắp đến hai mẹ con vẫn đang loay hoay chưa biết kiếm đâu ra gạo ăn trong mấy ngày không có ai thuê làm. Cả chị và đứa con đều làm phu mót đá ở Rú Mốc. Tính bình quân cứ 10 ngày thì mót được đầy một xe đá. Bán 120 ngàn/xe mỗi người được 6 ngàn/ ngày. Vừa đủ tiền mua gạo. Đó cũng là lý do chị giải thích cho con bé vì sao năm nay nó phải mặc đồ cũ đón Tết.

Đợt có chính sách cho vay xoá đói giảm nghèo, hai mẹ con được vay 3 triệu ngân hàng lợp lại mái nhà tranh đến nay đã quá hạn nhưng chỉ có thể chật vật trả được tiền lãi mỗi tháng 26 ngàn. Đến khi xã năm lần bảy lượt xuống vận động và hứa cho vay tiền xoá nhà tranh tre dột nát, hai mẹ con bàn nhau mãi cuối cùng quyết định…không nhận. “Phần vì vay rồi sợ không có tiền trả, phần nữa thấy mấy nhà trước xây xong bị mất diện hộ nghèo nên sợ mất tiền cứu trợ thì không biết lấy đâu ra mà sắm Tết”, chị Tư giải bày. Để gia cố thêm cho cái nghèo ông Giá thêm rằng mười mấy năm ở làng này chưa thấy năm nào hai mẹ con sắm Tết quá vài trăm ngàn.

Dân bán hàng rong phục vụ Tết ở chợ Thạch Bàn truyền nhau kinh nghiệm rằng “Hàng Tết mang vào Đồng Thanh rất ít nhà có thể mua. Mà giả sử có chịu mua thì phần đa lại…mua chịu”.

Không tiền nhưng không phải là hết cách sắm Tết. Cũng vì cái nghèo đã thành “đặc sản” nên mấy cửa hàng tạp hoá đầu làng có thể du di cho các gia đình sắm Tết nợ. Ở Đông Thanh Tết nợ chiếm phần đa, nhưng Tết xong rồi, để trả được chưa ai xin thời gian ít hơn một tháng.

 

Trước nhà chị Tư là nhà vợ chồng anh Dân, chị Thu cũng thuộc diện “gia đình chị Dậu”, năm ngoái thằng con trai đầu bị thoái vị bẹn nên phải chạy vạy vay mượn vẫn không đủ chữa bệnh cho con. Hết sạch tiền cũng là lúc hết năm nên đành sắm Tết bằng cách đi nợ. Chỉ mấy trăm ngàn nhưng cũng phải mất 2-3 tháng đầu năm xem như hai vợ chồng làm không công. Năm nay càng thêm khó khăn nên chị Thu bảo chỉ dám nợ trong vòng 200 ngàn sắm sửa rồi chờ tiền trợ cấp hộ nghèo sẽ trả ngay. “Ngày thường chai mắm lọ dầu đã phải đi nợ nhưng còn cố đi làm mà trả. Ngày Tết, nợ thì nhiều hơn mà công làm lại ít thành ra ai cũng sợt Tết cả. Cũng may là cái làng ni không thiếu nhà khốn khó nên dù nghèo mấy thì vẫn còn có nhà để…mình bằng”.

Chiều cuối năm, mỏ đá Rú Mốc vẫn không khác ngày thường, những tốp người làng Đồng Thanh thẫn thờ ngồi chờ việc. Thử bàn một vài người nghỉ, họ đều lạnh lùng: “Có được việc thì 30 Tết cũng phải làm không lấy gì mà ăn”. Một cái Tết “cơ bản” với vài trăm ngàn sắm sửa đang ở đâu đó rất xa.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm