| Hotline: 0983.970.780

Ý kiến trái ngược về chiếc ấn ở Đền Trần Thái Bình

Thứ Sáu 19/03/2010 , 10:35 (GMT+7)

Lễ khai ấn Đền Trần ở Thái Bình đã qua được hơn nửa tháng, nhưng vẫn còn là đề tài “thời sự” của tỉnh lúa. Điều khiến người ta quan tâm nhất chính là chiếc ấn được dùng để “khai” xuân...

Lễ khai ấn Đền Trần ở Thái Bình (làng Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà) do UBND huyện Hưng Hà tổ chức và Tuần văn hoá tại đó (do tỉnh Thái Bình tổ chức) đã qua được hơn nửa tháng, nhưng vẫn còn là đề tài “thời sự” của tỉnh lúa. Điều khiến người ta quan tâm nhất chính là chiếc ấn được dùng để “khai” lần đầu tiên vào ngày 13 tháng Giêng năm con hổ này.

Thời trước, tại Tam Đường cũng có đền thờ các vua Trần, nhưng đã bị phá huỷ hoàn toàn. Ngôi đền hiện nay là đền mới được xây dựng với kinh phí hơn 20 tỷ đồng, không nằm trên nền đền cũ, tên đầy đủ của nó là “Khu di tích lịch sử các vua Trần ở Thái Bình”. Chiếc ấn có hình khối hộp mỗi chiều hơn 10 cm, bên ngoài bọc đồng, còn bên trong, có người bảo bằng đá. Trọng lượng ấn khoảng 5-6 kg. Trên lưng ấn đắp nổi một con rồng, đôi râu rồng vòng lên tạo thành tay cầm của ấn. Trải một tấm lụa vàng đã được đóng ấn ra bàn, một nhà nghiên cứu lịch sử ở Thái Bình chỉ cho tôi những chữ Hán viết trên đó:

- Trên cùng là ba chữ “Trần đế miếu”. Hàng chữ dài chạy suốt, xuyên qua giữa ấn là “Việt Nam quốc, Thái Bình tỉnh, Hưng Hà huyện, Tiến Đức xã, Tam Đường hương”. Bốn chữ bên phải ấn là “Kim ngọc mãn đường” (vàng ngọc đầy nhà) còn bốn chữ bên trái là “An khang thịnh vượng”.

Đền Trần Thái Bình

Những chữ này rõ ràng là mới được thêm vào. Bởi chỉ có thời nay mới có những địa danh Hưng Hà, Tiến Đức, và cũng chỉ có thời nay người ta mới có những lời chúc, lời cầu vật chất như “vàng ngọc đầy nhà”. Còn 4 chữ trong lòng ấn? Đó chính là vấn đề hết sức phức tạp mà chúng tôi sẽ nói ở phần sau.

Về nguồn gốc chiếc ấn này, ông phó chủ tịch UBND huyện Hưng Hà phụ trách về Văn hoá - Xã hội, người tổ chức lễ khai ấn, cho biết: Trước đây ấn thuộc sở hữu của một tư nhân. Ông Trần Độ, nghệ nhân làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) biết được điều đó, rồi tiếp theo, một nữ doanh nhân gốc người Thái Thuỵ (Thái Bình) đang sinh sống ở TP Hồ Chí Minh, nhân một lần ra Hà Nội, đã thông qua nghệ nhân gốm Trần Độ, chuộc lại ấn rồi cúng tiến cho Đền Trần tỉnh nhà.

Để tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi đã tìm gặp ông Vũ Đức Thơm, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Thái Bình. Nhưng ông Thơm cho biết, bảo tàng tỉnh chưa hề được tiếp cận với nó. Ngày 11 tháng Giêng năm Canh Dần, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh đã có ý kiến: Trước khi khai, cần có sự giám định một cách khoa học về niên đại cũng như giá trị lịch sử của chiếc ấn. Nhưng vì gấp quá, ngày 13 cùng tháng đã khai ấn rồi nên chưa kịp làm. Cho đến nay, Bảo tàng tỉnh cũng chưa được giao nhiệm vụ nghiên cứu hay tổ chức nghiên cứu về chiếc ấn. Theo phân cấp quản lý, thì hiện nay ấn được để tại Đền Trần Thái Bình, và do UBND huyện Hưng Hà quản lý. 

Ấn “Thiên Nhân Hộ Quốc”, “Quốc Vương Thiên Nhân” hay “Chi Thị Thượng Nguyên”?

- Một hiện vật như vậy mà bảo tàng tỉnh không có thông tin gì về nó sao?

- Đúng vậy. Trước nay, ở Thái Bình chưa hề có lễ khai ấn ở Đền Trần. Năm nay là năm có lễ khai ấn đầu tiên. Về mặt tư liệu, cho đến nay Bảo tàng tỉnh chưa được tiếp nhận một tài liệu nào về chuyện có một chiếc ấn cổ của vua Trần ở Thái Bình. Nên theo tôi, rất cần một sự giám định khoa học về chiếc ấn đó…

Trở lại 4 chữ triện được khắc trong lòng ấn, ông Vũ Đức Thơm cho rằng đó là 4 chữ “Thiên Nhân Hộ Quốc”:

- Hai chữ “Thiên Nhân” dễ nhận ra, còn hai chữ “Hộ Quốc” là tôi đoán vậy.

“Thiên Nhân” nghĩa là người trời. Các hoàng đế phong kiến xưa, dẫu xưng là “Thiên tử”(con trời), nhưng vẫn là người trần, chưa ai gọi các vị là “thiên nhân” cả. Và các vị đều trực tiếp cai trị đất nước chứ không chỉ đóng vai trò “hộ quốc”. Vậy hai chữ đó có phải là danh xưng của các vua Trần hay không? Và chiếc ấn đó có phải là ấn của vua Trần không? Trả lời câu hỏi trên của chúng tôi, một vị Hội viên Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đang sống và làm việc tại Thái Bình, nêu một giả thiết:

- Triều Trần, không có vị vua nào có danh xưng là “Thiên Nhân” cả. Theo truyền thuyết, thì Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn là người trời thác sinh vào cửa nhà Phụng Kiền vương Trần Liễu để cầm quân đánh giặc, bảo quốc an dân. Ngài sinh ở A Sào. A Sào cũng chính là nơi vua Trần cho dựng đền thờ sống (sinh từ) của ngài. Phải chăng chữ “Thiên Nhân” đây là chỉ Hưng Đạo Đại vương? Và chiếc ấn đó được làm sau khi ngài mất, được nhân dân tôn làm thánh?

Ông phó chủ tịch huyện Hưng Hà cho biết, bản thân ông cũng không đọc được 4 chữ đó, nhưng thông qua một cán bộ ở Bộ Công an, ông đã nhờ GS Vũ Khiêu đọc giúp, và GS trả lời rằng đó là 4 chữ “Quốc Vương Thiên Nhân”. 

Ấn đóng trên lụa

Điều hêt sức bất ngờ là khi chúng tôi liên hệ với cụ Nguyễn Tiến Đoàn, nhà nghiên cứu văn hoá, người rất giỏi chữ Hán, thì cụ Đoàn nói rằng 4 chữ đó hoàn toàn không phải là “Thiên Nhân Hộ Quốc” cũng như “Quốc Vương Thiên Nhân”. Chữ khắc trên mặt chiếc ấn đó là kiểu chữ triện cổ, cách viết này được sáng tạo ra từ đời Tần Thuỷ Hoàng (Trung Quốc), rất cách điệu. Chữ trong lòng ấn lại khắc ngược. Muốn đọc nó, phải nhìn chiều trái phía sau tấm lụa đóng ấn. Để đọc được 4 chữ ấy, cụ đã mất rất nhiều công tra cứu nhưng sách cổ như Từ Hải, Khang Hy tự điển, Vương Đạt thư pháp, Tam Diệu thiếp… Và cụ khẳng định:

- Nhìn chiều trái đằng sau, thì 4 chữ ấy là “Chu Thị Thượng Nguyên”, còn nhìn chiều phải, nó là “Thượng Nguyên Chu Thị”, có nghĩa là “tiết thượng nguyên nhà họ Chu”, vậy thôi.

Chúng tôi hỏi cụ Đoàn:

- Như vậy, phải chăng đây là ấn riêng của nhà họ Chu nào đó?

Điều này còn phải nghiên cứu thêm. Nhưng tôi nghĩ khó có thể là ấn của vua được. Các ấn của vua Lý, vua Trần tôi không rõ, nhưng từ đời Lê đến đời Nguyễn, ấn của nhà vua đều có 4 chữ “Sắc Mệnh Chi Bảo”.

Cuộc tranh cãi về 4 chữ trong lòng chiếc ấn đền Trần Thái Bình, cũng như niên đại và giá trị lịch sử của nó sẽ còn kéo dài, và thật khó chấm dứt nếu không có sự giám định của một cơ quan chuyên môn. Điều đáng nói là trong khi chưa đưa chiếc ấn đó đi giám định mà đã tổ chức “khai ấn”, liệu có vội vàng quá không?

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm