| Hotline: 0983.970.780

Nước không nổi, dân "chết" chìm

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:22 (GMT+7)

Như một quy luật, từ bao đời nay mùa nước nổi như một đặc ân của ông trời cho nông dân Nam bộ. Nhưng mấy năm nay quy luật ấy biến hóa như thể trêu ngươi.

Như một quy luật, từ bao đời nay mùa nước nổi như một đặc ân của ông trời cho nông dân Nam bộ. Nhưng mấy năm nay quy luật ấy biến hóa như thể trêu ngươi. Sau lũ, đi vào những vùng đất vốn được xem là nhờ trời ấy chỉ bắt gặp nỗi lòng tê tái.

>> Đời thương hồ
>> Xin lỗi ruộng đồng
>> Mơ được... nghèo
>> Nợ nần quẫn bách
>> Cận cảnh nông dân Nam Bộ

Sống nhờ lũ, bể nợ vì lũ

Không biết có bao nhiêu hộ dân ở vùng thượng nguồn sông Cửu Long sống nhờ vào các cơn lũ trong năm của dòng sông này nhưng cứ mười người chúng tôi gặp thì cả mười đều than mấy năm nay quá cơ cực trong mùa nước nổi. Từ bao đời nay cuộc sống của họ hoàn toàn dựa vào lũ. Sản xuất thì trồng lúa, sen, nuôi trồng thủy sản… Hay như một bộ phận rất lớn chỉ chờ vào việc làm thuê mùa lũ thôi cũng đủ sống rồi.

 Có những ấp làng cả năm làm lêu têu, ăn uống sinh hoạt mặc sức ký nợ đợi đến mùa lũ kéo nhau ra đồng kiếm tiền trả nợ. Vậy mà, khi mùa nước nổi năm nay đã đi qua, có đến 90% nông dân ở vùng đầu nguồn như Đồng Tháp, An Giang âu sầu vì thất nghiệp. Lão nông Lê Văn Huệ (70 tuổi) ở ấp Long Hòa 2, xã Long Hào, (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), một nông dân trọn đời sống nhờ mùa nước nổi, bảo rằng muốn biết chuyện dân khổ vì lũ thế nào cứ nhìn vào cánh đồng Long Hòa. “Mọi năm nhộn nhịp là thế nhưng năm nay hầu hết nông dân đều phải bỏ đi vùng khác kiếm ăn vì cánh đồng trơ trọi”.

Gia đình ông Huệ có 4 miệng ăn nhưng đất ruộng chẳng có bao nhiêu nên hầu như chỉ có thu nhập kha khá vào những dịp lũ về. Ông thì chài lưới còn bà vợ và mấy đứa con đi làm mướn cho người ta ngày cũng có được tiền trăm. Nếu như những năm trước mỗi ngày kiếm một hai trăm bạc thì nay chưa tới năm chục cũng phải giành giật nhau.

“Những mùa trước lục bình giá 180 đồng/kg. Cứ 14kg lục bình tươi phơi được 1kg khô. Trên sông, ngoài đồng lục bình bạt ngàn không vớt xuể. Chịu khó ngâm nước thì một ngày cũng được 300 kg tươi nhưng năm nay có ngày chẳng được đồng nào. Có khi chỉ một đám lục bình bằng cái nia mà cả chục người tranh nhau vớt”, vợ ông Huệ than.

Bao năm sống ở xứ này, ông Huệ là tay sát cá có tiếng vậy mà mùa lũ năm nay chỉ thỉnh thoảng mới thấy ông xách xâu cá rô đồng về cho gia đình cải thiện bữa cơm hàng ngày. Một mùa nước nổi đi qua, số cá ông kiếm được chỉ bằng vài ngày so với những năm trước. Vợ chồng, con cái ngày ngày quần nhau với nước lũ lấp xấp ở cánh đồng Long Hòa cũng chỉ đủ tiền mua gạo. Những khoản “nợ miệng” như lọ mắm, chai dầu ăn suốt từ đầu năm đến nay đã lên tiền triệu nhưng đành khất lần khất lữa đợi đến mùa lũ sang năm.

 Nhưng mấy thứ đó cũng chẳng thấm vào đâu so với số tiền cả nhà bỏ ra đón lũ. Đầu mùa mưa, vợ chồng ông bấm bụng vay lãi mua một chiếc ghe cỏn con vừa để chài lưới vừa cho đám con đi vớt lục bình. Định rằng sau mùa nước nổi sẽ dành tiền trả, nhưng nước rút xong hạch toán tất tần tần tật số tiền cả nhà thu nhập được chưa đủ một nửa chiếc ghe. Bữa cơm đạm bạc vốn là chuyện thường ngày với nông dân vùng này như bông điên điển cũng khó khăn.

Thông thường, mùa lũ vào nhà nào cũng canh điên điển nấu với cá linh nhưng năm nay bữa cơm gia đình ông Huệ chỉ độc nhất món khô mực. “Cứ lũ xấu kiểu này thêm một hai năm nữa thì dân ấp này bỏ làng đi hết”, ông Huệ rầu lòng. Lời phỏng đoán của lão nông này chẳng sai, ấp Long Hòa chủ yếu tập hợp những gia đình sống dựa vào lũ. Mọi năm dân ấp sống khỏe, còn năm nay khó khăn lắm mới tìm được một vài người còn bám trụ lại làng.

Mấy gia đình xưa nay vẫn được xem là có đầu óc làm kinh tế như nuôi tôm đăng quần cho đến những hộ mở dịch vụ ăn theo lũ bằng việc bán xuồng, lưới, câu, lọp…tuyên bố bể nợ rồi gói ghém quần áo lên phố kiếm tiền về trả lãi ngân hàng. Bao năm sống nhờ trời, họ không nghĩ có ngày lại bị trời hành ra nông nỗi như thế.

Lũ về thất thường dân trồng lúa cũng như ngồi trên lửa. Để chuẩn bị cho mùa lúa tới, nhiều hộ phải thuê máy cày để cày đất thay vì chỉ cần chờ nước rút thì sẽ gieo sạ như trước đây. Những hộ dân có điều kiện đào ao nuôi cá cũng phải tốn thêm tiền để mua thức ăn cho cá vì lũ chưa về nên nguồn lợi thủy sản như cá, tép, cua, ốc... khan hiếm.

Không có nước để tẩy ruộng đồng, mấy nông dân ở huyện Chợ Mới (An Giang) còn lén chọc cả đất đê để xả nước từ sông vào ruộng. Nước ào ào đổ vào ai cũng lo đê vỡ còn mấy lão nông thì cay cú: “Vỡ đê chưa chắc đã chết chứ nước không về thì chết đói”. Nghe chuyện này, một cán bộ nông nghiệp ở huyện Chợ Mới tặc lưỡi: “Lũ là đặc sản trời cho. Năm nào lũ không về, dân sinh xìu lắm, chợ búa ế ẩm, vụ lúa kế tiếp sẽ khó trúng...dân liều cũng dễ hiểu thôi".

Ruộng bỏ hoang, dân bỏ làng

Nông dân ở thượng nguồn khổ vì lũ thì ở hạ nguồn như Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng… cũng khóc đứng khóc ngồi. Những cánh đồng rộng mênh mông tưởng chừng vất giống xuống là bội thu nhưng lại để hoang sau lũ. Mọi năm, đây là thời điểm sản xuất thế mà năm nay dọc các tuyến đường vào xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn…(huyện Long Mỹ, Hậu Giang) nhà nông rầm rập bắt xe ca bỏ làng lên phố làm mướn. Mấy chiếc võng vườn của gia đình anh Linh ở đầu ấp 8 xã Lương Tâm tụ tập toàn nông dân ngồi thở dài.

“Vụ năm nay coi như kết thúc rồi, kiếm được việc gì thì kiếm cho khỏi đói chứ lúa má không trông mong gì được nữa đâu. Những năm trước lũ về “chuẩn” lắm nhưng không hiểu sao năm nay lại trở chứng thế không biết. Hai đợt lũ tuy nhỏ nhưng cộng thêm nước mưa nong đồng cả tháng trời, bao nhiêu giống đổ xuống nước hết, giờ muốn làm tiếp cũng chịu vì cụt vốn. Không đi làm mướn thì ở nhà nằm võng chơi thôi”. Lang thang vào các ấp ở Lương Tâm hầu như chỉ còn lẻ tẻ một vài hộ ruộng nằm sát vườn đang cố vớt vát một vụ lúa thất bát, còn lại đều kéo nhau kiếm việc khác làm.

“Nông dân chúng tôi cũng nghe thông tin lũ thất thường là do thủy điện ngăn dòng gì gì đó nhưng cái chính là hàng ngàn hàng vạn hộ dân ở ĐBSCL này không nhờ trời được nữa rồi. Bao năm quen sống nhờ lũ, giờ hết nhờ không bỏ quê mà đi làm mướn kiếm ăn thì chẳng lẽ ngồi chờ chết đói”, một nông dân ở ấp Long Hòa giải thích lý do rời quê.
Bắt đầu bước vào vụ từ đầu tháng 9, gia đình anh Linh làm 10 công ruộng, mỗi công đầu tư mất 100 ngàn tiền cày, 300 ngàn tiền giống. Cộng thêm chi phí thuốc BVTV, tiền công thuê người phát cỏ cũng tốn gần 5 triệu. Nếu tính theo quy luật lũ về mọi năm thì chỉ cần gieo sạ xong là “phủi tay đi chơi” chờ ngày về gặt. Nhưng năm nay đợt lũ thứ nhất về ngâm cả chục ngày khiến bao nhiêu giống sạ vừa xong thối mốc nổi lều bều. Vợ chồng con cái tất bật chạy đi vay giống gieo lần hai nhưng chưa kịp “phủi tay” thì lũ lại về.

Tổng cộng hai lần gieo ngót nghét cả chục triệu bạc. Xót của đã đành nhưng cái chính là sợ giáp hạt sang năm đói, chị Út vợ anh chạy đến chủ bán giống mua chịu tiếp nhưng chẳng nơi nào cho vì “lấy gì mà trả”. Không chỉ gia đình anh Linh mà cả cánh đồng Lương Tâm, lúa thì “chết sặc” còn nông dân đôn đáo chạy tới chạy lui chẳng biết làm gì. “Bình thường đầu tư tất tần tật đều nợ, đến vụ thu hoạch thì trả. Nhưng năm nay thấy lúa gieo lần nào chết lần nấy các chủ nợ cứ vái dài”, chị Út than.

 Ruộng đồng thất bát nên chỉ còn nước đi làm thuê để trả nợ. Nhưng ở nơi chỉ trông vào độc nhất cây lúa này thì người nhiều hơn việc. Muốn không đổ nợ phải kéo nhau bỏ làng đi kiếm tiền mà trả. Đau nhất là trường hợp nhà Ba Quân ở ấp 9, đất ruộng nhiều, đầu tư lớn nhưng qua hai vụ nghe đâu đổ xuống nước mấy chục triệu đồng. Lúc chúng tôi đến tìm thì cửa nhà đóng im ỉm. Hỏi hàng xóm được biết cả gia đình kéo nhau lên phố làm mướn kiếm tiền về trả nợ cho các đại lý giống với thuốc BVTV rồi.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm