| Hotline: 0983.970.780

Phao cứu sinh trên biển

Thứ Ba 29/03/2011 , 11:16 (GMT+7)

Không thể so sánh với điều kiện khám chữa bệnh trên đất liền. Vậy mà bệnh xá ở các xã đảo Trường Sa lại thường xuyên đón tiếp những người dân ở đất liền ra vào đảo đến khám bệnh.

Ở đâu có dân sinh, ở đó có trường học, có bệnh xá. Tại các xã đảo thuộc huyện Trường Sa cũng vậy. Nhưng trường học chỉ hết lớp 4, bệnh xá là của quân y, tuy cũng được trang bị khá tốt với đội ngũ bác sĩ y tá giỏi nhưng cơ bản không thể so sánh với điều kiện khám chữa bệnh trên đất liền. Vậy mà bệnh xá ở các xã đảo Trường Sa lại thường xuyên đón tiếp những người dân ở đất liền ra vào đảo đến khám bệnh.

>> Trường Sa ký sự

Theo thượng úy - bác sĩ Nguyễn Văn Phú, mỗi năm Bệnh xá Song Tử Tây đón 400 -500 lượt ngư dân tới khám chữa bệnh. Phần lớn những người đến khám đều là tiện thể mới đi chữa bệnh. Nói tiện thể là vì bệnh xá quân y trên đảo khám chữa bệnh miễn phí, mà ngư dân thì luôn là đối tượng nghèo nên nhiều khi từ trên bờ có bệnh cũng để mặc không chữa, cứ lênh đênh trên biển hàng tháng trời, nếu “may mắn” gặp sự cố: gió bão, hết dầu, hết đá ướp lạnh… cần vào đảo để tiếp tế thì mới tranh thủ thời gian rảnh rỗi để khám bệnh.

Có trường hợp bệnh nhân bị xơ gan, từng đi cấp cứu nhiều lần nhưng vẫn ra biển đánh cá, đến khi biến chứng giãn vỡ tĩnh mạch, đội thuyền mới vội vàng chạy hàng trăm hải lý để đưa vào đảo. Thường những lúc thấy hậu quả nhỡn tiền, các thuyền viên mới bớt coi thường sức khỏe, lại lũ lượt xếp hàng xin bác sĩ khám.

Cũng do đặc thù người dân đi biển rất hiếm khi tiếp cận với y tế, lại sinh hoạt trên thuyền trong điều kiện ăn ở, sinh hoạt không được tốt nên hầu như năm nào các bệnh xá trên quần đảo Trường Sa cũng phải tiếp nhận một vài bệnh nhân đến trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng. Tất nhiên, mọi trường hợp đến khám bệnh dù nặng, dù nhẹ đều được các bác sĩ quân y khám chữa tận tình.

Gần đây nhất, ngày 13/3, Bệnh xá Song Tử Tây phải tiến hành cấp cứu một ca nhồi máu cơ tim cho ông Trần Văn C, trú tại phường 6, TP Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Ông C là ngư dân đang câu cá ngừ đại dương tại vùng biển Trường Sa, khi gặp tai biến đột quỵ, ông còn cách đất liền gần 400 hải lí, nếu chạy hết tốc lực vào bờ cũng mất 2 ngày 2 đêm. Điểm đảo gần nhất có bác sĩ là đảo Song Tử Tây nên người con trai đã quyết định đưa ông tới đây. Tiếp nhận bệnh nhân C trong tình trạng bị đau thắt ngực cấp, khó thở, kíp trực bệnh xá hôm đó gồm hai bác sĩ quân y Viện 108 là Nguyễn Xuân Phú và Phạm Minh Chính nhanh chóng hội chẩn và xác định bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim vùng trước nách.

Đây là căn bệnh rất nguy hiểm, bệnh nhân nếu không sớm được chữa trị sẽ dẫn đến tử vong. Nhưng tại bệnh xá không có thuốc đặc trị dành cho căn bệnh này. Để cứu người bệnh nguy kịch các bác sĩ buộc phải sử dụng sáng tạo kết hợp mọi dược liệu có trong tay: sử dụng thuốc chống đông và thuốc làm giãn mạch cho máu có thể lưu thông sau đó tiếp tục dùng thuốc giúp bệnh nhân hạ huyết áp, giảm đau để cơ thể bệnh nhân bớt căng thẳng và tăng cường thể lực bổ trợ… Sau một tuần liên tục theo dõi, điều trị sức khỏe bệnh nhân Trần Văn C đã dần hồi phục và đã bắt đầu có thể đi lại nhẹ nhàng.

Cùng ngày 13/3, các bác sĩ tại đảo trung tâm huyện Trường Sa cũng tiếp nhận ngư dân Nguyễn Hoàng Hải trú tại thôn Bình An Nội, xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Hải là ngư dân đánh cá trên vùng biển cách đảo Trường Sa 58 hải lí và được đem đến cấp cứu trong tình trạng đau đớn, khó thở, toàn thân bị phù. Ông cho biết cơ thể bắt đầu có triệu chứng đau, mệt mỏi từ mấy ngày trước nhưng ông nghĩ chỉ là ốm bình thường nên cố gắng gượng trên biển. Cho tới khi gục hẳn, không còn đủ sức ngồi dậy nữa thì từ chân tay, mặt mũi đều phù to biến dạng.

Trên tàu, kể về những ngày nằm trong bệnh xá đảo Trường Sa, đôi mắt già nua của ông Hải ngầu lên không giấu nổi cảm xúc: “Đời tôi chưa bao giờ nằm không mà được chăm sóc chu đáo đến thế. Các bác sĩ  đâu có quen biết mình. Nhưng mình không muốn ăn, bác sĩ ngồi cạnh ép uống sữa cho bằng được. Nằm trên đảo một tuần, mỗi ngày truyền tới gần chục chai nước các loại, tốn bạc triệu các bác sĩ cũng không lấy tiền. Hôm về ông Chỉ huy đảo Trường Sa tới thăm, lại còn cho tiền về dưỡng bệnh”.

Chặng đường từ ngư trường đánh bắt đến đảo Trường Sa chỉ mất già nửa một ngày mà ông Hải có cảm giác dài như cả tuần lễ. Có lúc ông cảm thấy tuyệt vọng tưởng chừng như không qua khỏi. Vậy nhưng nhờ sự cứu chữa tận tình của các bác sĩ trên đảo ông đã qua cơn nguy kịch và đang bình phục rất nhanh. Nhân có đoàn công tác ra thăm đảo, ông Hải được bác sĩ gửi về đất liền để tiếp tục điều trị.

Dù điều kiện cơ sở vật chất của bệnh xá còn thiếu thốn, lại thường xuyên gặp những ca bệnh khó ngoài chuyên khoa của mình nhưng với những nỗ lực phi thường, các bác sĩ quân y tại đảo Song Tử Tây vẫn thực hiện tốt những ca phẫu thuật đặc biệt phức tạp. Đúng ngày 4 Tết Nguyên đán, chiến sĩ Lê Ngọc Anh bị cấp cứu do viêm ruột thừa nhưng không giống như những ca viêm ruột thừa đơn giản khác mà là trường hợp “viêm ruột thừa quặt ngược sau manh tràng”. Ngay cả ở trong đất liền với đầy đủ phương tiện kĩ thuật thì đây cũng là một ca bệnh khó. Vậy mà, bác sĩ chuyên khoa gân Nguyễn Văn Phú đã thực hiện tốt ca mổ, cứu sống bệnh nhân.

Thành công của ca phẫu thuật đã được tập thể các giáo sư, bác sĩ lãnh đạo Quân y viện 108 đánh giá cao và quyết định tặng bằng khen cho kíp mổ. Hầu hết các bác sĩ tình nguyện tăng cường cho huyện đảo Trường Sa đều còn rất trẻ, tuổi chạc 30. Kinh nghiệm chưa nhiều nhưng với nhiệt huyết và sức sáng tạo của tuổi trẻ họ dường như không chịu lùi bước trước bất cứ một ca bệnh khó nào. Chỉ duy nhất nhóm đối tượng phụ nữ sắp sinh mới khiến các bác sĩ quân y tỏ ra lúng túng.

 Năm ngoái, khi bé Hồ Song Tất Minh chuẩn bị chào đời. Cả bệnh xá Song Tử Tây đã phải bồn chồn mong ngóng “viện binh” chuyên khoa sản từ đất liền đến. Bác sĩ sản khoa đến muộn, bé Minh ra đời trong bộn bề lo lắng xen lẫn kì vọng của mọi thành viên trên đảo. Năm nay, đảo Trường Sa lớn sẽ chào đón thêm 3 công dân nữa chào đời. Rút kinh nghiệm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Khánh Hòa phải tăng cường bác sĩ khoa sản ra trực chiến trên đảo trước một tháng. Sự xuất hiện sớm của bác sĩ chuyên khoa lần này khiến tổ đội y tế trên đảo thở phào nhẹ nhõm…

Sống giữa biển khơi, xa đất liền hàng trăm hải lí, không thể trông chờ vào cứu viện từ đất liền, việc các chiến ngư dân ra biển bất ngờ đổ bệnh nặng, bị sốt xuất huyết, bị liệt do lặn biển khai thác hải sâm hoặc bị tai nạn… phải vào điều trị tại Trường Sa không thể kể hết. Nhưng câu chuyện kể trên chỉ là ví dụ điển hình cho thấy sự hi sinh, đóng góp to lớn của đội ngũ bác sĩ đang tình nguyện làm việc tại đảo Trường Sa. Có thể khẳng định rằng trong nhiều năm qua bệnh xá trên các xã đảo thuộc huyện Trường Sa luôn đóng vai trò như phao cứu sinh trên biển, là địa chỉ “đỏ” để ngư dân trông cậy. (còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm