| Hotline: 0983.970.780

12 tỉnh bắt tay chặn gia cầm lậu

Thứ Năm 15/01/2009 , 08:00 (GMT+7)

Hà Nội đã kêu gọi 11 tỉnh khu vực phía Bắc cùng bắt tay với Thủ đô kiểm soát và ngăn chặn các sản phẩm chăn nuôi không đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào mang theo virus H5N1.

Hôm qua 14/1, Hà Nội đã kêu gọi 11 tỉnh khu vực phía Bắc cùng bắt tay với Thủ đô kiểm soát và ngăn chặn các sản phẩm chăn nuôi không đảm bảo ATVSTP, đặc biệt là gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc vào mang theo virus H5N1.

 Nguy cơ cực cao

Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Lạng Sơn Đỗ Văn Được thông báo vừa phát hiện 8/16 mẫu lấy từ gia cầm nhập lậu do đồn biên phòng Bảo Linh và CA TP Lạng Sơn bắt được dương tính với H5N1. “Vào thời điểm này, 5 phòng tuyến ngăn chặn gia cầm nhập lậu, gồm bộ BĐBP, công an, QLTT, thú y và các đội liên ngành “quần đảo” suốt ngày đêm tại những điểm “nóng” nhưng vẫn không thể kiểm soát hết được gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc sang. Lợi nhuận quá cao và nhu cầu trong dịp Tết quá lớn đã làm cho các chủ buôn lậu gia cầm tìm mọi cách vận chuyển hàng vào Lạng Sơn, sau đó chuyển về Hà Nội. Hiện nay, các biện pháp của chúng ta chủ yếu là hành chính, nên nếu làm mạnh thì nó giảm đi, lắng xuống nhưng vận chuyển tinh vi hơn, khi ta dừng lại thì nó lại bùng lên”- ông Được nói.

12 tỉnh bắt tay nhau ngăn chặn gia cầm lậu gồm Hà Nội, Hà Nam, Hưng Yên, Nam Định, Thái Nguyên, Sơn La, Hoà Bình, Hải Dương, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Lạng Sơn.

Trong khi đó, các tỉnh xung quanh Hà Nội như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hà Nam…cho hay, những ngày này gia cầm  đang dồn về Hà Nội tiêu thụ với một số lượng rất lớn. Và dù, các địa phương này đã "giăng lưới" trên địa bàn của mình nhưng thực tế vẫn có nhiều gia cầm và động vật không được kiểm soát vào Thủ đô. Đại diện Chi cục Thú y Hà Nam khẳng định: Thực tế, để kiểm soát được là rất khó, vì việc vận chuyển muôn hình vạn trạng. Trong khi đó, chúng ta vẫn chưa có khả năng kiểm soát một cách chặt chẽ nhất từ khâu nuôi. Dân chúng tôi nhập gia cầm giống từ Hà Nội về nuôi. Nếu gia cầm giống đó được tiêm phòng tốt, thì Hà Nội tương đối an tâm, vì sau khi nuôi đạt trọng lượng, đa số gia cầm thịt quay lại phục vụ nhân dân Thủ đô. Nên việc kiểm soát ngay từ khâu con giống của Hà Nội, chính là Hà Nội đã kiểm soát cho mình, các địa phương như chúng tôi chỉ “gia công” cho Hà Nội thôi.

Phó GĐ Sở NN-PTNT, kiêm Chi Cục trưởng Chi Cục Thú y Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, VSATTP đối với Hà Nội đang là 1 trong 6 vấn đề bức xúc nhất của Thủ đô. Trong dịp Tết  này, sản phẩm gia cầm gia súc ở khắp  nơi đổ về Hà Nội tiêu thụ càng bức xúc, đặc biệt là nguy cơ từ gia cầm nhập lậu có nguồn gốc Trung Quốc. Nếu không kiểm soát tốt, dịch CGC bùng phát thì coi như... mất tết. “Một mình Hà Nội làm chắc chắn sẽ không thể đạt kết quả cao nhất. Chúng tôi đề nghị các tỉnh, đặc biệt là các tỉnh giáp ranh, chia sẻ thông tin với Hà Nội, cùng với Hà Nội có những biện pháp quyết liệt nhất ngăn chặn thực phẩm mất ATVSTP, đặc biệt là động vật không có giấy kiểm dịch” - ông Đăng nói.

Sau khi nghe ý kiến các tỉnh, Cục phó Cục Thú y Đậu Ngọc Hào lo lắng: “Lẽ ra cuộc họp hôm nay chúng ta phải triển khai từ cách đây 2 tuần, nhưng nay triển khai thì  cũng còn 10 ngày nữa để hành động. Gia cầm nhập lậu qua biên giới Lạng Sơn về Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội đang có những diễn biến rất phức tạp. Và đây thực sự là một nguy cơ rất lớn". 

Thiết lập "hàng rào" bảo vệ Hà Nội

Chi Cục trưởng Chi cục Thú y Phú Thọ Phạm Văn Chương cho hay: Phú Thọ có khoảng trên 8 triệu  gia cầm, Tết  này chủ yếu phục vụ tiêu thụ trong  tỉnh, xuất sang Hà Nội không đáng là bao mà từ Hà Nội xuất vào Phú Thọ là chủ yếu. Hiện nay chúng tôi đang tích cực tiêm phòng xong vacxin, đồng thời các chốt kiểm dịch ở cửa ngõ tỉnh hoạt động hết công suất, còn tại các chợ ở TP Việt Trì và TX Phú Thọ, chúng tôi tăng cường kiểm soát ngày đêm. Tôi cho rằng, các tỉnh giáp ranh với Hà Nội như Phú Thọ, kiểm soát tốt đầu vào và đầu ra là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an toàn cho tỉnh mình và Thủ đô rồi.

Ông Nguyễn Huy Đăng cho hay, TP Hà Nội đã thành lập 6 đoàn kiểm tra liên ngành đi kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ gia cầm hàng ngày tại các điểm nóng như chợ gia cầm Hà Vỹ, địa bàn huyện Phú Xuyên, các lò mổ tại quận Hoàng Mai và tại một số chợ lớn trong nội thành. Ngoài ra, tại tất cả các chợ bán gia cầm, lực lượng thú y thường xuyên có mặt để kiểm tra, kiểm soát gia cầm vào các chợ này. Đối với gia cầm nhập lậu từ Trung Quốc, TP  Hà Nội sẽ kết hợp chặt chẽ với Lạng Sơn, Bắc Ninh và Bắc Giang kiểm soát từ xa.

Một số địa phương khác giáp ranh Hà Nội cũng cho rằng, việc quan trọng nhất hiện nay là mỗi tỉnh phải làm hết trách nhiệm. Nhưng Hà Nội muốn mình an toàn thì cũng phải làm rất tốt khâu tiêm phòng cho đàn giống và kiểm soát tốt việc vận chuyển gia cầm từ các tỉnh vào Hà Nội. “Tất nhiên là trách nhiệm của chúng tôi khi gia cầm ra khỏi tỉnh chúng tôi phải cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, nhưng xe máy luồn lách ngày đêm không thể kiểm dịch hết được. Chúng tôi sẽ tích cực trao đổi thông tin với Hà Nội để Hà Nội xử lý nghiêm những xe vận chuyển đó”- đại diện một địa phương nói.

GĐ Sở NN-PTNT Hà Nội Trần Xuân Việt nêu quyết tâm, dù rất khó khăn nhưng chúng ta phải làm hết sức mình, Hà Nội cần sự giúp đỡ, hợp tác và chia sẻ từ các địa phương khác. Về lâu dài, dứt khoát Hà Nội phải xây dựng được hệ thống giết mổ và có những chính sách ưu đãi. Gia cầm không vào lò giết mổ sẽ không cấp giấy kiểm dịch. Ông Đậu Ngọc Hào cũng cho rằng: “Nói mãi rồi, Hà Nội không thể để giết mổ bừa bãi như hiện nay".

Xem thêm
Tây Ninh phấn đấu là nơi đáng sống và động lực tăng trưởng vùng

TÂY NINH Với thiên thời, địa lợi, nhân hòa, 'nóc nhà Đông Nam bộ' đặt mục tiêu trở thành nơi đáng sống và động lực tăng trưởng cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Cho vay theo chuỗi giá trị, kênh 'bơm vốn' giảm rủi ro trong sản xuất nông nghiệp

Hội thảo 'Thực trạng cho vay theo chuỗi giá trị tại Việt Nam và một số nước Đông Nam Á' thảo luận về các kinh nghiệm tín dụng nông nghiệp hiện nay.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khoanh vùng thiếu nước để ngừng sản xuất nông nghiệp

Công ty Thủy lợi Khánh Hòa khuyến cáo người dân không tự ý sản xuất đối với diện tích đã khoanh vùng tạm dừng sản xuất, nhằm tránh thiệt hại do không có nước tưới.