| Hotline: 0983.970.780

2 giống hoa đồng tiền mới, một đỏ tươi, một vàng thắm

Thứ Ba 22/11/2022 , 10:10 (GMT+7)

Hai giống hoa đồng tiền CF.22.01 và CF.22.02 mới được Viện Nghiên cứu Rau quả tuyển chọn và công bố cho sản xuất đại trà.

Đặc điểm giống

Các giống hoa nêu trên đều có khả năng sinh trưởng, phát triển khỏe, dạng hoa kép, cánh dày, chiều dài cành 60 - 65cm, đường kính cành 0,9 - 1cm, đường kính mặt hoa 12 - 13 cm, thời gian từ trồng đến ra hoa 60 - 75 ngày, nhiễm nhẹ bệnh phấn trắng (dưới 10%), độ bền hoa cắt cành 7 - 10 ngày. Trong đó hoa đồng tiền CF.22.01 màu đỏ tươi; hoa CF.22.02 màu vàng.

Nhà vườn trồng hoa đồng tiền

Nhà vườn trồng hoa đồng tiền.

Kỹ thuật gieo trồng

- Thiết kế nhà trồng: Cần làm nhà lưới cho thâm canh cây hoa đồng tiền. Tốt nhất làm nhà lưới theo TCVN 12270:2018, bao gồm khung vòm bằng thép ống hoặc thép hộp (đỉnh vòm ≥ 4,3m, xà ngang ≥ 2,5 m), mái vòm (kín hoặc hở) lợp nilon trắng, xung quanh bao lưới chắn côn trùng, có hệ thống lưới đen 2 lớp để giảm 50% ánh sáng xuống vườn cây (1 lớp cố định, lớp còn lại linh hoạt điều khiển tùy cường độ ánh sáng trong ngày). Cũng có thể làm nhà đơn giản bằng tre hay gỗ tạp, nhưng phải có mái lợp nilon và các lớp lưới đen tương tự nhà vòm thép.

- Thời vụ: Có thể trồng quanh năm, nhưng chủ yếu trồng hai thời vụ chính, tháng 3 - 4 và tháng 9 - 10. Làm đất, dọn sạch cỏ, lên luống rộng 75cm, đáy 90cm, cao 30cm, rãnh rộng 40cm. Trồng hàng đôi, đảm bảo mật độ 2.000 - 2.200 cây/sào 360m2, cây cách cây 30 x 35cm.

- Chọn cây giống: Với cây nuôi cấy mô, phải có 4 - 5 lá, cao 10 - 15cm, nhiều rễ, thân lá xanh tốt; cây gieo hạt cao từ 4 - 6cm, có 4 - 6 lá thật, rễ chùm bao kín quanh giá thể, không vết sâu bệnh; nếu chọn giống tách thân, cây giống phải mập khỏe, sạch bệnh, có từ 3 - 4 lá và 2 - 3 rễ.

- Kỹ thuật trồng: Đặt cây cách mép luống 20cm, trồng so le nanh sấu để cổ rễ nổi cao ngang mặt luống, sau trồng tưới đẫm nước rồi điều chỉnh lại cho cây ngay ngắn.

- Chăm sóc: Nên lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt cho từng gốc cây, trung bình 3 - 5 ngày tưới 1 lần, mỗi lần tưới 30 - 60 phút (tùy theo độ ẩm đất). Có thể dùng vòi phun nhẹ vào giữa 2 hàng cây và phải tránh làm đất bắn lên lá.

Giống hoa đồng tiền CF.22.01

Giống hoa đồng tiền CF.22.01

- Phân bón/sào (360m2/năm): Phân hữu cơ hoai mục 3.000kg, đạm urê 30kg, lân supe 50kg, kali clorua 30kg hoặc 120kg NPK Đầu trâu (13-13-13+ TE), 15kg đạm rrê. Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 30% lượng; số phân còn lại chia đều, bón gốc định kỳ 30 ngày 1 lần hoặc hòa nước tưới 15 ngày/lần. Cùng với đó, định kỳ 7 - 10 ngày/lần phun bón lá Đầu trâu (17-21-21+TE) hoặc Atonik 1.8DD... Kết hợp tưới thêm dung dịch nước ngâm đậu tương hoặc các loại cá thải loại đã pha loãng.

- Làm cỏ: Thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, xới xáo mặt luống, nhổ cỏ và tỉa bớt các lá già, lá sâu bệnh; 3 tháng 1 lần (kể từ sau trồng 1 năm) tiến hành tỉa bớt 15 - 20% các lá ở phía dưới.

- Phòng trừ các sâu bệnh hại chính: Nhện đỏ chích hút dịch làm cho lá và hoa biến dạng. Chọn phòng trừ bằng một trong những loại thuốc như Detect 500SC, Pegasus 500SC, Pesieu 500SC, Ortus 5SC, Rosser 450SC, Wotac 16EC, Nissorun 5EC, Nhendo 5EC, Kobisuper 1SL, Ema 5EC.

Sâu vẽ bùa, dùng bẫy dính dẫn dụ sâu trư­ởng thành, mật độ đặt 2 - 3m2/bẫy; khi thấy mật độ sâu hại cao, dùng một trong các thuốc sau để phun trừ: Ortus 5SC, Danitol 10EC, Sauso 10EC, Vimite 10 EC, Omega-Secbi 10SC…

Bệnh phấn trắng, vết bệnh giống bột phấn màu trắng xám, làm lá, thân cây và cành hoa  nhanh tàn, thối nụ, cành ngắn, hoa nhỏ. Phòng trừ bằng các thuốc Aliette 800WG, Carozate 72WP, Niko 72WP, Alpine 80WG, Chapaon 770WP, Mocabi SL.

Giống hoa đồng tiền CF.22.02

Giống hoa đồng tiền CF.22.02

Bệnh đốm lá, vết bệnh hình tròn nhỏ hoặc bất định, màu nâu đen, nâu nhạt gây hại lá, cuống và cánh hoa. Phòng trừ bằng một trong các loại thuốc Daconil 500SC,  Aliette 800 WG hoặc Ridomil Gold 68WG. Sử dụng thuốc theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Phun toàn bộ cây và phun kỹ ở mặt dưới lá vào buổi sáng hoặc chiều tối lúc khô sương và những ngày nắng ráo. Bệnh hại nặng cần phun kép 5 - 7 ngày/lần. thường xuyên thay đổi thuốc để tăng hiệu quả phòng trừ, tránh sâu bệnh kháng thuốc.

- Thu hoạch và bảo quản: Sau trồng 75 - 90 ngày sẽ cho thu hoạch hoa, thời điểm thu hái tốt nhất khi cuống hoa đứng thẳng, các cánh hoa bên ngoài mở phẳng ra, không dùng kéo cắt, chỉ lắc cuống hoa cho cành rời khỏi cây. Sau thu hoạch không nên tưới nước hoặc bón phân ngay. Thâm canh đúng kỹ thuật năng suất trung bình sẽ đạt 1 đến 1,2 triệu cành hoa/ha/năm.

Phạm vi áp dụng: Các địa phương vùng ĐBSH, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ.  

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Lão nông tự tạo chế phẩm tăng độ bám dính thuốc bảo vệ thực vật

Trong bối cảnh nhiều hộ trồng cam tại Cao Phong, Hòa Bình đang lao đao vì dịch bệnh thì vườn cam của ông Phạm Văn Cường lại xanh tốt, gây ấn tượng mạnh cho tôi.