| Hotline: 0983.970.780

20.000 lít hóa chất, 5 tấn vôi tiêu độc, khử trùng 40.000 lượt hộ chăn nuôi

Thứ Sáu 17/11/2023 , 13:29 (GMT+7)

Đến tháng 9/2023, các địa phương ở Quảng Ninh đã cấp phát trên 20.000 lít hóa chất, 5 tấn vôi bột vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại gần 40.000 lượt hộ chăn nuôi.

Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao tại TP. Uông Bí (Quảng Ninh) luôn ưu tiên việc vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Mô hình chăn nuôi gà công nghệ cao tại TP. Uông Bí (Quảng Ninh) luôn ưu tiên việc vệ sinh chuồng trại. Ảnh: Nguyễn Thành.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Quảng Ninh, vệ sinh, tiêu độc, khử trùng chuồng trại hiện được các xã, phường quan tâm. Cụ thể, đến hết tháng 9/2023, các địa phương đã cấp phát trên 20.000 lít hóa chất, 5 tấn vôi bột để vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tại gần 40.000 lượt hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh.

Hiện, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, hình thức chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ vẫn chiếm tỷ trọng lớn với trên 90%, gây khó khăn trong việc sản xuất theo chuỗi giá trị. Bên cạnh đó, chăn nuôi nhỏ lẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc tiêu thụ, vệ sinh môi trường và kiểm soát an toàn dịch bệnh.

Theo thống kê của Sở NN-PTNT Quảng Ninh, lượng chất thải từ hoạt động chăn nuôi gia súc, gia cầm ước tính 650 tấn/ngày. Trong đó, số ít được xử lý qua hệ thống biogas, còn lại xả ra môi trường, tập trung chủ yếu ở các vùng đông dân cư, nông thôn, miền núi.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai các giải pháp trọng tâm, đa dạng hóa các loài vật nuôi để phát huy lợi thế của từng tiểu vùng và nhu cầu đa dạng của từng thị trường.

Phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

Phun tiêu độc khử trùng tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ để phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Nguyễn Thành.

"Kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, 100% các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, cơ sở chế biến sản phẩm chăn nuôi phải có giải pháp kiểm soát môi trường phù hợp, đảm bảo không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng có hiệu quả nguồn chất thải cho nhu cầu trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, sản xuất năng lượng tái tạo", bà Thủy nhấn mạnh.

Theo Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, ngành chăn nuôi Quảng Ninh đặt mục tiêu phát triển theo quy mô công nghiệp gắn với an toàn dịch bệnh, nâng cao chất lượng sản phẩm, giá trị kinh tế. Trong đó, yếu tố vệ sinh môi trường phải được đặc biệt chú trọng để đảm bảo sản xuất bền vững.

Những năm gần đây, một số địa phương đã có sự chuyển dịch chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi tập trung theo trang trại, gia trại, duy trì chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp và ứng dụng công nghệ, kỹ thuật tiên tiến.

Đồng thời, chuyển dịch chăn nuôi tập trung trang trại từ vùng có mật độ dân số cao đến những vùng có mật độ dân số thấp, hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm tại các xã, huyện phù hợp với quy hoạch.

Yếu tố vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại phải được chú trọng để đảm bảo sản xuất bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Yếu tố vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại phải được chú trọng để đảm bảo sản xuất bền vững. Ảnh: Nguyễn Thành.

Toàn tỉnh Quảng Ninh hiện có trên 200 trang trại chăn nuôi các loại. Trong đó, có 28 cơ sở chăn nuôi được cấp giấy chứng nhận VietGAP. Trên địa bàn Quảng Ninh cũng đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung như vùng chăn nuôi lợn tại TP. Móng Cái và TX Đông Triều, vùng chăn nuôi gà huyện Tiên Yên.

Hiện, một số doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh đã có những bước đầu tư bài bản như Công ty TNHH Phú Lâm (TP Móng Cái), Công ty CP Khai thác khoáng sản Thiên Thuận Tường (TP Cẩm Phả); Công ty TNHH MTV Phát triển Nông lâm ngư Quảng Ninh (TP Móng Cái).

Cụ thể, với Công ty TNHH Phú Lâm (xã Quảng Nghĩa, TP Móng Cái), đây là đơn vị chăn nuôi bò quy mô lớn nhất tỉnh, với tổng đàn mỗi năm lên đến 20.000 - 30.000 con. Hiện, trang trại bò Phú Lâm đã đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Để đạt được tiêu chuẩn này, Công ty đã đầu tư hạ tầng đồng bộ với các khu xử lý chất thải, khu nuôi nhốt, khu chế biến và kho trữ thức ăn tách biệt. Riêng khu xử lý chất thải được đầu tư các bể chứa và hệ thống xử lý chất thải đảm bảo không ảnh hưởng đến môi trường trong khu vực.

Về lâu dài, tỉnh Quảng Ninh có cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư xây dựng trang trại sản xuất với quy mô công nghiệp, tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng an toàn, có sản lượng sản phẩm lớn làm hàng hoá. Đặc biệt, áp dụng đồng bộ các biện pháp đảm bảo môi trường, an toàn trong chăn nuôi, từ đó, giúp ngành chăn nuôi Quảng Ninh phát triển bền vững.

Xem thêm
Người mở đầu cho nông nghiệp công nghệ cao ở Thụy Lâm

Ông Nguyễn Đình Chung (xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh, TP Hà Nội) năm nay đã gần 70 tuổi nhưng cử chỉ, phong thái còn nhanh nhẹn và giọng nói vẫn mạnh mẽ.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.