Cơ quan Giám sát Tình trạng Biến đổi Khí hậu Copernicus (C3S) của Liên minh châu Âu (EU) hôm 6/12 cảnh báo năm 2023 có thể sẽ là năm nóng nhất trong lịch sử sau khi tháng 11 trở thành tháng thứ 6 liên tiếp trong năm phá vỡ kỷ lục về nhiệt độ.
Dự báo này càng được củng cố sau khi tháng 11 vừa qua phá vỡ kỷ lục nhiệt độ tháng 11 ghi nhận trước đó, đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu năm 2023 tăng cao hơn 1,46 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Tháng 11 cũng đánh dấu lần đầu tiên có 2 ngày nóng hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.
“Nhiệt độ bất thường trên toàn cầu trong tháng 11, trong đó có 2 ngày ấm hơn 2 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, đồng nghĩa năm 2023 là năm nóng nhất được ghi nhận trong lịch sử”, Phó Giám đốc C3S Samantha Burgess cho biết.
Theo các nhà khoa học, dữ liệu về lõi băng và vòng gỗ cho thấy 2023 có thể là năm nóng nhất trong hơn 100.000 năm.
Báo cáo của C3S được công bố trong bối cảnh các nhà đàm phán của gần 200 quốc gia tham dự COP28 đang tranh luận về những chi tiết cuối cùng của một dự thảo thỏa thuận nhằm ngăn chặn hiện tượng nóng lên toàn cầu.
"Đây chính là thời điểm cấp bách", Brenda Ekwurzel, giám đốc khí hậu tại tổ chức Liên minh Các nhà khoa học, nói với đài CNN.
"Các quốc gia giàu có và có lượng phát thải lớn cần có trách nhiệm hơn trong việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch một cách công bằng và nhanh chóng nhằm hạn chế các tác động của thời tiết khắc nghiệt và biến đổi khí hậu ngày càng tăng", bà Ekwurzel nói.
Một báo cáo khác được công bố hôm thứ 5/12 từ Tổ chức Khí tượng Thế giới cho thấy thập kỷ 2011 - 2020 là thập kỷ nóng nhất được ghi nhận trên trái đất, trong bối cảnh tốc độ biến đổi khí hậu tăng “ở mức báo động", đồng thời tốc độ biến mất của các dòng sông băng và mực nước biển dâng trong giai đoạn này đã tăng chóng mặt.
"Chừng nào mật độ khí nhà kính còn tiếp tục tăng, chúng ta không thể mong đợi một kết quả khả quan hơn những gì đã xảy ra trong năm nay. Nhiệt độ sẽ tiếp tục tăng và tác động của các đợt nắng nóng và hạn hán cũng vậy", Giám đốc C3S Carlo Buontempo nói.