| Hotline: 0983.970.780

Hạn hán kéo dài khiến giá thịt bò ở Mỹ tăng cao kỷ lục

Thứ Năm 09/11/2023 , 07:30 (GMT+7)

Giá thịt bò ở Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục do hạn hán, trong khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao buộc các chủ trang trại phải cắt giảm quy mô đàn bò.

Một trang trại bò ở ngoại ô thành phố Lubbock, bang Texas, Mỹ. Ảnh: LubbockOnline.

Một trang trại bò ở ngoại ô thành phố Lubbock, bang Texas, Mỹ. Ảnh: LubbockOnline.

Theo dữ liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), giá thịt bò bình quân được bán tại các cửa hàng và siêu thị ở Mỹ đã tăng lên khoảng 8 USD/pound, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 7,9 USD trong thời kỳ dịch Covid-19 hoành hành. Giá bò hơi ở Chicago hiện cũng ở mức 1,79 USD/pound, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, thay vì vui mừng vì giá gia súc tăng cao, các chủ trang trại lại đang lo ngại điều này phản ánh một cuộc khủng hoảng đang đến gần do hạn hán kéo dài ở các khu vực chăn nuôi gia súc chính đang biến những đồng cỏ xanh thành vùng đất khô cằn.

Năm ngoái, các nhà khoa học cho biết miền tây nước Mỹ đang phải đối mặt với đợt khô hạn tồi tệ nhất trong 1.200 năm. Hơn 1/3 trong số 48 tiểu bang của Mỹ hiện vẫn còn tình trạng hạn hán tính đến ngày 31/10/2022, theo Cơ quan Giám sát Hạn hán Mỹ.

"Hạn hán là hiện tượng thời tiết có tác động lớn đến đàn gia súc quốc gia. Các bạn có thể thấy tình trạng bán tháo gia súc đang xảy ra ở khắp mọi nơi”, Amelia Kent, một chủ trang trại địa phương ở Louisiana cảnh báo.

Giá thịt bò bán lẻ ở Mỹ tăng cao kỷ lục trong năm 2023. Đồ họa: FT.

Giá thịt bò bán lẻ ở Mỹ tăng cao kỷ lục trong năm 2023. Đồ họa: FT.

Cũng như nhiều chủ trang trại khác, bà Kent đang tìm cách thích nghi với tình trạng mưa ít. Ở Mỹ, bò thường được chăn nuôi ở những vùng đất màu mỡ và khi không còn đủ thức ăn trên đồng, các chủ trang trại sử dụng cỏ khô và các loại thức ăn thay thế khác.

Tuy nhiên, hạn hán kéo dài nhiều năm liên tiếp đã ảnh hưởng đến nguồn thức ăn cho gia súc. Theo USDA, lượng cỏ khô dự trữ trong nước tính đến tháng 12/2022 là 71,9 triệu tấn, mức thấp nhất kể từ năm 1954.

Giá thức ăn gia súc ở Mỹ tăng cao cũng một phần là do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá ngũ cốc như đậu nành, ngô và lúa mì trên thế giới leo thang.

Bên cạnh đó, ngày càng ngày nhiều chủ trang trại lo ngại về khả năng duy trì những đàn bò lớn. Trong những năm gần đây, quy mô đàn gia súc của các bang chăn nuôi gia súc như Kansas và Texas đã ghi nhận sự sụt giảm đáng kể, Bill Lapp, chủ tịch của Advanced Economic Solutions, một công ty tư vấn về kinh tế thực phẩm, cho biết.

Giới phân tích và các chủ trang trại lo ngại rằng hạn hán và quy mô đàn bò giảm có thể ảnh hưởng lâu dài đến thị trường Mỹ.

Adam Speck, nhà phân tích tại Gro Intelligence, dự đoán nhiều trang trại ở phía bắc, nơi có nhiều đồng cỏ tươi tốt, sẽ được hưởng lợi khi hoạt động kinh doanh ở phía nam thu hẹp. "Trong 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy sự phân bổ gia súc thay đổi hoàn toàn ở Mỹ", ông nói.

Giá bò hơi ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong 3 năm. Đồ họa: FT.

Giá bò hơi ở Mỹ tăng gấp đôi chỉ trong 3 năm. Đồ họa: FT.

Cứ sau 8 - 12 năm, chăn nuôi gia súc có xu hướng giảm theo “chu kỳ thịt bò”. Khi nguồn cung dồi dào và giá bê thấp, các chủ trang trại cắt giảm quy mô đàn bò bằng cách tiêu hủy bò cái.

Sau cùng, các trang trại nhỏ sẽ đẩy giá lên trở lại. Vào thời điểm đó, các chủ trang trại thường giữ lại bò cái để nhân giống và mở rộng quy mô chăn nuôi. Hồi đầu năm 2023, chính phủ Mỹ cho hay sản lượng thịt bò nước này đã ở mức thấp nhất kể từ năm 1962.

Arlan Suderman, chuyên gia kinh tế tại công ty StoneX, cũng cho biết sản lượng thịt bò của Mỹ năm 2023 đã giảm 5,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Ông ước tính con số này sẽ giảm thêm 7% trong năm tới.

Tuy nhiên, xây dựng lại đàn gia súc cũng là một vấn đề. Trong khi gà mái đẻ khoảng 300 quả trứng/năm và lợn nái có thể sinh khoảng 25 heo con/năm, một con bò cái chỉ có thể đẻ một con bê mỗi năm.

“Bước sang năm nay, trữ lượng cỏ khô ở mức thấp kỷ lục và các đồng cỏ không có chuyển biến tích cực. Tôi không nghĩ rằng các chủ trang trại sẽ sản xuất nhiều bê hơn", ông Speck nói.

Trong khi đó, những chủ trang trại như bà Kent lo ngại tình trạng thiếu thịt bò sẽ khiến người tiêu dùng chuyển sang các loại thực phẩm khác như thịt gà hoặc thịt lợn, và có thể sẽ không dễ dàng quay lại tiêu thụ thịt bò khi giá giảm.

"Thật tuyệt khi giá thịt bò cao như vậy. Tuy nhiên, chúng ta cần giá thịt bò phải giảm trước khi người tiêu dùng không chọn mua loại thịt này nữa", bà Kent nói.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.