| Hotline: 0983.970.780

3 thách thức lớn khi gia nhập TPP

Thứ Năm 08/10/2015 , 09:15 (GMT+7)

TTP sẽ tạo điều kiện mở ra thị trường rộng lớn cho hàng hóa XK của Việt Nam, cũng như mở ra hợp tác kinh tế nhiều mặt với các nước khác./ Thời cơ lớn của nông sản Việt

16-09-59_lnphn1093101678
TS Alan Phan

Tuy nhiên, Việt Nam sẽ phải giải bài toán: Làm thế nào để hạn chế thách thức cạnh tranh ngày càng lớn của hàng hóa Việt Nam với hàng hóa các nước trong TPP, cải cách thể chế, minh bạch thị trường thế nào?

Từ thực tiễn cho thấy rằng, việc “thua trên sân nhà” đã xảy ra đối với một thị trường nào đó, ở một hiệp định nào đó. Câu chuyện WTO, AFTA... mà chúng ta chưa tận dụng được hiệu quả là minh chứng rõ nhất.

Có 2 điều cần lưu ý. Thứ nhất, hàng ngoại vốn đã chiếm thị phần lớn ở Việt Nam. Vì vậy, rất có thể với TPP, vấn đề sẽ nằm ở việc phân chia lại thị phần giữa các nhà XK nước ngoài tại Việt Nam.

Nếu các quy định của TPP tạo thuận lợi bao gồm thuế, thuận lợi hải quan, minh bạch thủ tục, bảo hộ tốt về sở hữu trí tuệ ở mức cao hơn so với các cam kết khác thì không loại trừ hàng hóa của các nước có công nghệ SX tiên tiến với giá cả phù hợp sẽ hấp dẫn người tiêu dùng Việt Nam hơn là hàng hóa SX nội địa.

Thứ hai là, một số ngành, DN của Việt Nam cũng tự tin rằng, các sản phẩm của mình sẽ chiếm lĩnh những phân khúc thị trường với lợi thế về giá.

Về các biện pháp nâng cao tính cạnh tranh có thể nói rất nhiều. Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là quan niệm của chúng ta về việc chấp nhận coi cạnh tranh như là một sức ép để từ đó có động cơ tốt, để DN tự đổi mới, cải thiện sức cạnh tranh của mình.

Hội nhập sâu với việc cam kết mở rộng sâu các mảng dịch vụ đầu tư cũng là một biện pháp để thu hút các nhà đầu tư đến từ các thành viên TPP với công nghệ tốt, quản trị tốt, cùng hợp tác với các DN Việt Nam để nâng cao hiệu quả SXKD, góp phần giảm thâm hụt ngân sách, có các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, có đủ khả năng để cạnh tranh với các hàng nhập ngoại. Từ đó, có thể giúp giảm thiểu nhập siêu.

Nhưng cũng có thể thấy, hiện nay, 72% tổng lượng XK của Việt Nam là từ các DN FDI. Tôi không tìm ra dữ liệu là phần chia lại cho lao động và thuế lợi tức của Việt Nam được bao nhiêu phần trăm?

Tôi đoán là dưới 5% vì giá nhân công quá rẻ, gia công những phân khúc SX nhỏ là chính, rồi Chính phủ lại miễn trừ nhiều loại thuế với giá khuyến mãi cho đất đai hạ tầng.

Riêng ý kiến cá nhân tôi, cần đặt vấn đề lợi ích liên quan tới TPP có thể phân hóa trong nội bộ từng ngành. Không phải khi nào lợi ích của ngành cũng là thống nhất.

Ví dụ, ngành XK nông sản như gạo, thủy sản... có thể được lợi nhưng việc NK những nông sản khác như trái cây, thịt bò... từ các nước thành viên TPP sẽ là thách thức đối với các nhà SX và phân phối nông sản của Việt Nam.


Khi gia nhập TPP, ngành XK thủy sản có thể được lợi (Ảnh minh họa)

Ngay cả những mặt hàng XK như trên đã nói, có thể thuận lợi hơn, nhưng cũng gặp những thách thức, ví dụ như các tiêu chuẩn về hàng rào kỹ thuật (TBT), về vệ sinh dịch tễ (SPS), tiêu chuẩn xuất xứ, các biện pháp phòng vệ thương mại...

Ngược lại, các ngành SX và dịch vụ trong nước tuy bị cạnh tranh gay gắt hơn nhưng cũng là cơ hội để DN tái cấu trúc SX.

Việt Nam sẽ đối mặt với vô số thách thức khi thực hiện TPP. Theo quan điểm của tôi, có 3 thách thức dưới đây là lớn nhất:

Thứ nhất là lĩnh vực pháp lý. Hệ thống các quy định của Việt Nam nhìn chung kém phát triển hơn những bên khác của TPP, và việc đưa hệ thống quy định lên một mức tương xứng với các bên khác trong TPP là khá khó khăn.

Trong khi có một số ngoại trừ có thể được áp dụng để phản ánh việc Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, Việt Nam cũng không nên mong chờ rằng mình có thể vượt qua hoàn toàn những đòi hỏi đó.

Thứ hai, các ngành công nghiệp địa phương của Việt Nam cần tăng sự cạnh tranh NK do mức thuế giảm. Có khả năng cam kết giảm thuế của Việt Nam sẽ thấp hơn một chút so với những nước khác, do vẫn là nước đang phát triển, song Việt Nam vẫn phải đối mặt với sự cạnh tranh NK.

Thứ ba, kinh tế Việt Nam được bảo hộ khỏi đầu tư nước ngoài nhiều hơn và gắn kết với chính phủ hơn bất cứ quốc gia TPP nào, nên Việt Nam sẽ phải đối mặt với đòi hỏi từ các nước TPP về việc mở rộng cửa hơn nữa cho đầu tư nước ngoài ở những lĩnh vực như viễn thông và dịch vụ tài chính. Thỏa mãn những yêu cầu này sẽ là thách thức về mặt kinh doanh và chính sách công.

Nhìn chung, lợi ích lớn nhất mà Việt Nam có sẽ là tiếp cận nhiều hơn với các thị trường XK do thuế thấp hơn, có năng lực thu hút đầu tư nước ngoài hơn. Ví dụ, ở lĩnh vực dệt may, Mỹ có truyền thống áp dụng quy tắc “yarn forward” (đối tác thương mại phải sử dụng sợi do họ tự SX hoặc được SX tại Mỹ).

Theo quy định này, nguồn gốc sản phẩm dệt may được tính là nơi mà sợi được dệt, có nghĩa là sản phẩm được SX tại Việt Nam, từ vải dệt của Trung Quốc sẽ được coi là hàng Trung Quốc dù nó được cắt may tại Việt Nam.

Như một phần trong thương thuyết, Việt Nam có thể đòi hỏi Mỹ chấp nhận một quy định cho phép những sản phẩm được cắt may ở Việt Nam ghi xuất xứ Việt Nam, bất kể nguồn gốc nguyên liệu vải là ở đâu.

Các nhà SX dệt may của Mỹ sẽ cực lực phản đối sự thay đổi này nhưng đó là một trong những đòi hỏi chủ chốt của Việt Nam, Mỹ có thể nới lỏng một số quy tắc bình thường, đặc biệt là khi nó kèm với những điều khoản bảo vệ hợp lý nhằm ngăn chặn hàng NK tăng lên.

Nói tóm lại, trong cơ hội có thách thức và trong thách thức có cơ hội. Vấn đề là trong mỗi ngành hàng, mặt hàng, việc xác định ngành hàng nào được lợi và bị thiệt hại phải dựa trên ý kiến của chính ngành hàng đó.

Và bản thân mỗi ngành hàng phải tự vươn lên, thích nghi với những điều kiện của một thị trường mở, minh bạch.

TS ALAN PHAN

(Chuyên gia kinh tế, Mỹ)

Xem thêm
Làng nghề làm khô cá đồng Tân Châu tất bật vào vụ Tết

An Giang Sản phẩm từ làng nghề làm khô cá đồng tại Tân Châu ngày càng được mở rộng kênh tiêu thụ thông qua thương mại điện tử, giúp nâng cao giá trị sản phẩm.

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Chung kết hội thi 'Cán bộ Agribank tài năng - thanh lịch' năm 2024

Chung kết hội thi có sự góp mặt tranh tài của 20 đơn vị xuất sắc đại diện cho 173 Công đoàn cơ sở của Agribank khắp cả nước tham gia.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.