| Hotline: 0983.970.780

40 năm Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản III: [Bài 1] Tạo ra nhiều giống giá trị cao

Thứ Hai 07/10/2024 , 08:17 (GMT+7)

Đến nay, nhiều đối tượng thủy sản được người dân ven biển thả nuôi, mang lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có công lớn của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III.

Hiện nay nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh, trong đó có sự đóng góp lớn của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III. Ảnh: KS.

Hiện nay nghề nuôi tôm thẻ chân trắng phát triển mạnh, trong đó có sự đóng góp lớn của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III. Ảnh: KS.

LTS: 40 năm qua, dưới sự nỗ lực nghiên cứu không ngừng nghỉ, các nhà khoa học của Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III (gọi tắt là Viện) đã góp công lớn cho sự phát triển về lĩnh vực nuôi trồng thủy sản. Đưa nghề nuôi trồng thủy sản miền Trung nói riêng và cả nước nói chung ngày càng phát triển mạnh mẽ cả về quy mô diện tích, tăng năng suất và chất lượng sản phẩm, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Làm chủ công nghệ sản xuất nhiều giống thủy sản giá trị

Nhìn lại 40 năm qua, TS Trương Quốc Thái, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang (đơn vị trực thuộc Viện) cho rằng, một trong những thành tựu khoa học công nghệ nổi bật của Viện trong thời gian qua đó là đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình sản xuất con giống nhân tạo nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, góp phần bảo tồn nguồn gen, đa dạng sinh học và phát triển kinh tế - xã hội tại các tỉnh thành trong cả nước.

Nơi nghiên cứu giống thủy sản của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: Kiên Trung.

Nơi nghiên cứu giống thủy sản của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang. Ảnh: Kiên Trung.

Theo TS Trương Quốc Thái, qua mỗi giai đoạn hình thành và phát triển, lực lượng nghiên cứu của Viện đã không ngừng nỗ lực vượt khó khăn để gặt hái nhiều thành công đáng tự hào. Như giai đoạn 1984 – 1994, những năm đầu, số lượng cán bộ chỉ có 14 người, cơ sở vật chất thiếu thốn lạc hậu nhưng với quyết tâm và sự nỗ lực không mệt mỏi, Viện (lúc đó là Trung tâm Nghiên cứu Thuỷ sản III) đã nghiên cứu sản xuất con giống tôm sú thành công.

Từ đó, đã đóng góp rất nhiều vào sự phát triển của sản xuất giống tôm sú ở khu vực miền Trung và sau đó được nhân rộng khắp cả nước thông qua các hoạt động chuyển giao công nghệ, hợp tác đào tạo kỹ thuật. Tiếp đến, giai đoạn từ năm 1994 - 2014, nhiều đối tượng nuôi được Viện nghiên cứu sản xuất giống thành công, trong đó nổi bật phải kể đến nghiên cứu sản xuất thành công giống cua biển.

Kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao, ứng dụng tại các địa phương ven biển trên cả nước. Trong đó, nhiều địa phương như Cà Mau, Hải Phòng, Quảng Ninh, Ninh Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An... đã tiếp nhận và ứng dụng quy trình công nghệ được chuyển giao rất thành công. Từ đó, hình thành nghề sản xuất giống cua biển trong nước, giúp người nuôi cua biển thương phẩm chủ động trong sản xuất, giảm lệ thuộc vào giống đánh bắt tự nhiên, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Thời gian qua, các nhà khoa học của Viện luôn nỗ lực làm chủ công nghệ sản xuất nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: KS.

Thời gian qua, các nhà khoa học của Viện luôn nỗ lực làm chủ công nghệ sản xuất nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao. Ảnh: KS.

Bên cạnh đó, Viện cũng là nơi đầu tiên trong nước nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình sản xuất con giống ốc hương. Từ đó đến nay, ốc hương đã trở thành đối tượng nhuyễn thể được nuôi ở nhiều vùng, đem lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần đa dạng hóa đối tượng nuôi, giải quyết công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

“Cũng trong giai đoạn này, Viện là một trong những đơn vị đi đầu trong việc nhập đàn tôm thẻ chân trắng bố mẹ và đã xây dựng thành công quy trình sản xuất giống, cung ứng con giống cho người nuôi tôm thương phẩm trong nước. Cùng với đó, quy trình công nghệ này được chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân ở nhiều địa phương, góp phần phát triển nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trong cả nước”, TS Trương Quốc Thái chia sẻ.

Giai đoạn từ năm 2014 đến nay, ngoài việc tiếp tục phát triển các đối tượng đã thành công ở giai đoạn trước như tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cua biển, ốc hương…, Viện đã nghiên cứu và xây dựng thành công quy trình sản xuất giống nhiều đối tượng như cá biển (cá chẽm, cá mú lai, cá mú chấm cam, cá mú cọp, cá mú đỏ, cá gáy, cá đục...), nhuyễn thể (hàu, tu hài, bào ngư, vẹm, sò huyết, trai tai tượng, trai ngọc nữ, điệp quạt, điệp seo…), cá nước nước lạnh (cá tầm, cá hồi), cá nước ngọt (cá lăng đuôi đỏ, cá thát lát…) và một số đối tượng có giá trị kinh tế khác như sá sùng, hải sâm cát, hải sâm vú…

TS Trương Quốc Thái (thứ 4 từ phải sang) giới thiệu việc nghiên cứu tôm mũ ni. Ảnh: KS.

TS Trương Quốc Thái (thứ 4 từ phải sang) giới thiệu việc nghiên cứu tôm mũ ni. Ảnh: KS.

Một số kết quả nổi bật của Viện về nghiên cứu sản xuất giống được chuyển giao và ứng dụng hiệu quả trong thực tế sản xuất trong giai đoạn này phải kể đến như quy trình công nghệ sản xuất giống cá chẽm, cá mú Trân Châu, sá sùng, hàu đơn, trai ngọc nữ. Các quy trình trên đã được chuyển giao cho các đơn vị trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa và mở rộng chuyển giao cho nhiều tổ chức, cá nhân ở các địa phương khác. Trong đó cá mú Trân Châu đến nay đã trở thành đối tượng nuôi phổ biển nhất trong các loài cá mú được nuôi ở các tỉnh ven biển trong cả nước.

Ngoài ra, các quy trình công nghệ sản xuất giống cá tầm Nga và cá tầm Xi-bê-ri cũng được ứng dụng và xây dựng mô hình thành công tại tỉnh Lâm Đồng và một số địa phương khác. Có thể nói, việc làm chủ công nghệ sản xuất giống cá tầm đã góp phần quan trọng trong sản xuất, cung cấp giống và phát triển nghề nuôi cá tầm thương phẩm hiện nay tại nước ta.

Tập trung nghiên cứu các đối tượng tiềm năng phục vụ nuôi biển

Chia sẻ về  định hướng nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ nuôi biển trong thời gian tới, TS Trương Quốc Thái cho biết, Viện sẽ tập trung vào những đối tượng có giá trị kinh tế, đối tượng quý, có tiềm năng.

Cá mú Trân Châu hiện được thả nuôi khắp vùng biển miền miền Trung. Ảnh: KS.

Cá mú Trân Châu hiện được thả nuôi khắp vùng biển miền miền Trung. Ảnh: KS.

Hiện nay tại Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nuôi biển Nha Trang đã và đang thực hiện nghiên cứu một số đối tượng cá biển mới như cá mú lai, cá mú đỏ, cá mó đầu khum (cá sú mì), cá đục bạc, cá gáy… Đây là những đối tượng cá biển có giá kinh tế rất cao trên thị trường hiện nay.

Cùng với đó, Trung tâm cũng đang thực hiện chương trình chọn giống cá chẽm nhằm tạo đàn bố mẹ chất lượng, sinh trưởng nhanh phục vụ cho sản xuất giống cá chẽm, rút ngắn thời gian nuôi, tăng hiệu quả kinh tế cho người nuôi, phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản.

Ngoài các đối tượng cá biển, các nhà khoa học tại Trung tâm cũng đang thực hiện nghiên cứu các loài có giá trị kinh tế khác như hải sâm, tôm mũ ni, tôm hùm bông, ghẹ đỏ… với mong muốn tạo ra nhiều đối tượng nuôi thủy sản có giá trị phục vụ nuôi biển.

Theo TS Trương Quốc Thái, hiện nay Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III đang thực hiện chương trình chọn giống thủy sản. Đến nay, Viện đã chọn tạo được đàn bố mẹ cá chẽm tăng trưởng nhanh đến thế hệ G3 có tốc độ tăng trưởng trên 7% so với thế hệ G2. Đối với tôm thẻ chân trắng, đã chọn đến thế hệ G8-9 với tốc độ tăng trưởng nhanh trên 5 %/thế hệ và sạch bệnh.

Xem thêm
Ngư dân Cù Lao Xanh sống tốt nhờ chuyển đổi nghề

BÌNH ĐỊNH Sau khi những nghề truyền thống không còn hiệu quả, ngư dân Cù Lao Xanh (thành phố Quy Nhơn, Bình Định) chuyển sang các nghề khai thác hải sản khác cho thu nhập cao…

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Quảng Bình chậm hỗ trợ xử lý mất kết nối

Đã có hàng trăm lá đơn của ngư dân đề nghị gửi các cơ quan chức năng để xin được hỗ trợ xử lý việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình…