| Hotline: 0983.970.780

Thạnh Xuân không ngừng nâng chất xã nông thôn mới nâng cao

Thứ Sáu 15/10/2021 , 08:52 (GMT+7)

Xây dựng nông thôn mới (NTM) ở xã Thạnh Xuân là chương trình lâu dài và xuyên suốt. Xã quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí.

Thạnh Xuân được UBND tỉnh Hậu Giang công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao vào tháng 6-2020 và đây cũng là xã NTM nâng cao đầu tiên của huyện Châu Thành A. Từ khi được công nhận xã NTM nâng cao đến nay, bên cạnh niềm vinh dự thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong xã luôn đề ra kế hoạch và triển khai nhiều công việc quan trọng để không ngừng nâng chất các tiêu chí NTM nâng cao đã đạt được nhằm đưa đời sống vật chất và tinh thần của người dân thêm đổi mới, cũng như hướng đến mục tiêu cao hơn là trở thành xã NTM kiểu mẫu vào năm 2024.

Mô hình nuôi ốc bươu đen trong vườn cây ăn trái đang tạo ra làng gió mới cho người dân Thạnh Xuân khi có sản phẩm từ ốc chuẩn bị ra mắt hội đồng OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Mô hình nuôi ốc bươu đen trong vườn cây ăn trái đang tạo ra làng gió mới cho người dân Thạnh Xuân khi có sản phẩm từ ốc chuẩn bị ra mắt hội đồng OCOP cấp tỉnh. Ảnh: Tuấn Phát.

Tập trung phát triển vùng nông sản

Là địa phương có lợi thế về vườn cây ăn trái và đa phần người dân trong xã sống bằng nghề làm kinh tế vườn nên những năm qua ngành chức năng của xã Thạnh Xuân luôn phối hợp với cơ quan chuyên môn từ tỉnh đến huyện trong việc hỗ trợ các chính sách và hoàn thiện cơ sở hạ tầng để giúp nhà vườn phát triển và nâng cao giá trị cho vườn cây ăn trái theo lợi thế của từng vùng sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tấn, hộ có hơn 1ha vườn với 200 cây măng cụt được 20-30 năm tuổi ở ấp Xẻo Cao, xã Thạnh Xuân, chia sẻ: “Với số lượng cây măng cụt như trên thì mỗi năm gia đình tôi thường thu hoạch được khoảng 10 tấn trái, với giá bán bình quân trong nhiều năm qua là 40.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí đầu tư, tôi còn kiếm được nguồn lợi nhuận hơn 300 triệu đồng. Nhờ cây măng cụt mà gia đình tôi và nhiều hộ dân nơi đây có cuộc sống sung túc trên quê hương xã NTM nâng cao như bây giờ”.

Theo nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái ở xã Thạnh Xuân thì để có được khu vườn xanh tốt và trĩu trái vào mỗi vụ thu hoạch như hiện nay là nhờ từ năm 2012 đến nay, ngành chức năng địa phương tiến hành đầu tư và ngày càng hoàn thiện hệ thống đê bao khép kín kết hợp với xây dựng vành đai ngăn lũ cặp con lộ trước nhà. Qua đây, giúp bà con chủ động nguồn nước sản xuất, nhất là trong việc ngăn và thoát nước lũ nên bảo vệ tốt được vườn cây ăn trái cho gia đình.

Ngoài ra, trong những năm gần đây, bà con ở xã Thạnh Xuân còn được chuyển giao nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong sản xuất, nhất là cách xử lý cho cây ăn trái ra hoa mùa nghịch hay ra hoa sớm hơn so với bình thường. Từ cách làm trên đã hạn chế tình trạng trái cây thu hoạch cùng lúc với số lượng lớn nên hạn chế được tình trạng thương lái ép giá bà con.

Ông Phạm Quốc Việt, Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, cho biết: Hiện nay, địa phương đã quy hoạch được các vùng cây ăn trái chủ lực như cam mật, cam xoàn, mít, măng cụt, sầu riêng, cam sành, dâu Hạ Châu,… với diện tích 928ha trong tổng số 1.273ha đất sản xuất nông nghiệp của xã. Từ mô hình vườn cây ăn trái đã góp phần tạo thu nhập cho người dân từ 100 đến hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Đặc biệt là toàn xã hiện có hơn 55% vườn cây ăn trái được nông dân ứng dụng công nghệ tưới tiêu tiên tiến tiết kiệm nước và mỗi năm có khoảng 1.000 tấn trái cây được doanh nghiệp liên kết tiêu thụ.

Ngoài ra, người dân địa phương còn thực hiện mô hình sản xuất cá giống (cá thát lát) và nuôi ba ba cho nguồn thu nhập từ vài trăm triệu đồng đến tiền tỉ/năm. Mặt khác, trong điều kiện người dân đi lại khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 như thời gian qua, địa phương đã thành lập Tổ Covid cộng đồng để hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản. Kết quả là trong thời gian tỉnh thực hiện giãn cách xã hội thì bình quân mỗi ngày, toàn xã có từ 20-25 tấn nông sản các loại của nông dân được hỗ trợ di chuyển ra tới điểm tập kết để giao cho thương lái đem đi tiêu thụ. 

Mô hình kinh tế vườn đang đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân xã Thạnh Xuân. Ảnh: Tuấn Phát.

Mô hình kinh tế vườn đang đem lại nguồn thu nhập hấp dẫn cho người dân xã Thạnh Xuân. Ảnh: Tuấn Phát.

Ngoài phát triển những mặt hàng nông sản chủ lực thì tận dụng nguồn nguyên liệu có tại chỗ và thu mua ở một số địa phương lân cận, hiện ngành chức năng xã Thạnh Xuân còn xây dựng thương hiệu OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) trong xây dựng NTM. Theo thông tin từ địa phương thì hiện xã đã trình Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (hội đồng) cấp huyện xem xét và đánh giá 3 sản phẩm OCOP của xã, gồm: ốc xiên que, chạo ốc thát lát và thịt ốc. Nếu được thông qua cấp huyện thì dự kiến vào cuối năm nay, 3 sản phẩm trên sẽ trình hội đồng cấp tỉnh đánh giá sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao và 4 sao cấp tỉnh.

Chia sẻ về tính hiệu quả của mô hình nuôi ốc bươu đen cho hiệu quả kinh tế cao, ông Bùi Ngọc Thúc, ở ấp So Đũa Bé, xã Thạnh Xuân, thông tin: “Tận dụng mương vườn khoảng 300m2 của 1,5 công xoài Đài Loan, hơn 4 năm qua, gia đình tôi thực hiện mô hình nuôi ốc sinh sản kết hợp với ốc thịt cho hiệu quả kinh tế cao. Cụ thể là sau hơn 3 tháng nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên được tận dụng trong vườn thì tôi tiến hành thu hoạch. Với số lượng từ 30-32 con ốc đạt 1kg thì tôi bán cho thương lái với giá 50.000-52.000 đồng/kg. Thời gian thu hoạch mỗi lứa ốc thường kéo dài khoảng 20 ngày và mỗi ngày bán được từ 20-30kg. Điều phấn khởi là bản thân vừa biết thương lái mua ốc của tôi và nhiều bà con xung quanh nơi đây để làm sản phẩm đạt chuẩn OCOP cấp tỉnh. Nếu được công nhận sản phẩm OCOP thì tới đây, giá trị của con ốc bươu đen càng cao hơn”.

Không ngừng hoàn thiện cơ sở hạ tầng

Cùng với phát triển sản xuất thì lĩnh vực cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được ngành chức năng xã Thạnh Xuân đặc biệt quan tâm thực hiện. Theo đó, tranh thủ từ các nguồn lực hỗ trợ cho xây dựng NTM và thực hiện theo phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”. Từ đầu năm đến nay, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Thạnh Xuân tiếp tục đầu tư mới 1,5km đường giao thông nông thôn với bề ngang mặt đường đạt 3,5m và bắc mới 3 cây cầu bê tông với bề rộng mặt cầu 3m.

Bên cạnh đó, địa phương đã vận động mạnh thường quân, nhà hảo tâm và cán bộ đang công tác trong, ngoài tỉnh nhưng có nhà ở xã Thạnh Xuân thực hiện quyên góp để đầu tư tuyến đường điện chiếu sáng nông thôn vào ban đêm với chiều dài 5,5km. Đến thời điểm này, toàn xã Thạnh Xuân có 24/30km đường trục ấp, liên ấp được bê tông và nhựa hóa đạt chuẩn theo quy định; 100% đường ngõ xóm và dân sinh được cứng hóa.

Bà Nguyễn Thị Gấm, ở ấp Láng Hầm C, xã Thạnh Xuân, bộc bạch: “Hiện toàn xã có nhiều tuyến đường giao thông rộng rãi, khang trang đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại và vận chuyển hàng hóa, nhất là đối với địa phương có vùng trái cây lớn như xã Thạnh Xuân thì lại càng ý nghĩa khi xe tải có thể chạy tới tận nhà để thu mua nông sản.

Bên cạnh hệ thống giao thông thì hiện xã Thạnh Xuân có 3/3 trường học đều được đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ nhà ở của người dân đạt chuẩn theo quy định chiếm gần 90%; 9/9 ấp có nhà văn hóa đạt chuẩn theo quy định; tỷ lệ người dân tham gia các hình thức bảo hiểm y tế đạt 90,44%; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch theo quy chuẩn quốc gia…

Ngoài ra, nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, hiện ngành chức năng từ xã đến ấp của Thạnh Xuân đã thực hiện 7 mô hình thu gom rác thải trong cộng đồng. Thông qua mô hình này, các ngành chức năng của xã và ấp thường xuyên phối hợp cùng người dân tổ chức phát quang, dọn dẹp đường làng, ngõ xóm và thực hiện trồng cây xanh.

Ông Phạm Quốc Việt: Tới đây, địa phương tiếp tục phát huy những giải pháp, cách làm hay trong xây dựng NTM như đã thực hiện có hiệu quả trong thời gian qua. Trong đó đặc biệt coi trọng công tác tuyên truyền, vận động để tiếp tục nhận được sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tập trung chỉ đạo và thực hiện đạt 10/10 tiêu chí về ấp kiểu mẫu, vườn mẫu cho ấp Xẻo Cao A để cuối năm nay được công nhận. Từ nền tảng này thì sang năm 2022, địa phương tiếp tục thực hiện thêm 2-3 ấp khác và dần nhân rộng ra toàn xã nhằm tạo sự chắc chắn và bền vững cho Thạnh Xuân trước khi được công nhận xã NTM kiểu mẫu.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Chủ nhân của 5 sản phẩm thêu tay OCOP và tâm huyết gìn giữ nghề

Nghệ nhân Nguyễn Thị Hằng- Giám đốc Hợp tác xã thêu tay Mỹ Đức quê ở xã Đồng Tâm, Mỹ Đức, TP Hà Nội, nơi từng có một thời hoàng kim của nghề thêu.