| Hotline: 0983.970.780

5 chặng đò vào bản Rục Làn

Thứ Năm 13/02/2020 , 08:59 (GMT+7)

Dân tộc Rục được các nhà nghiên cứu xếp là 1 trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới.

Một cán bộ biên phòng xắn quần trước bến đò là hình ảnh quen thuộc ở 5 bến đò vào Rục Làn. Ảnh: Văn Chương.

Một cán bộ biên phòng xắn quần trước bến đò là hình ảnh quen thuộc ở 5 bến đò vào Rục Làn. Ảnh: Văn Chương.

Thung lũng Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) tuyệt đẹp - bao quanh là núi dựng đứng và bên trong là các bản Ón, Yên Hợp và Mò O Ồ Ồ. Mưa lũ xảy ra thì nơi đây biến thành ốc đảo và phải đi đến 5 chặng đò.

Đồn BP Cà Xèng nằm giữa bản Rục có rất nhiều kinh nghiệm về thực hiện “phương châm 4 tại chỗ”, cán bộ địa bàn phải luôn xắn quần, miệng hỏi đồng bào chuyện ít à pó (còn gạo nấu không).

Thung lũng phong, thủy

Tiếng phành phạch của chiếc máy hiệu Honda nổ dòn. Con đò mảnh mai rời bến tiến ra giữa một dòng sông lớn ẩn hiện giữa các khe núi xanh rì soi bóng nước đang đổ về xuôi. Mối nguy hiểm thỉnh thoảng xuất hiện là những vạt rễ cây, chùm dây leo nổi bập bềnh trên mặt nước, sợi dây điện do nước ngập nên nằm mấp mé ngang mặt nước.

Gặp chướng ngại vật nguy hiểm, người lái đò chỉ cần nhấc bổng chân vịt để chiếc thuyền tự chạy đà. Vài ngày trước, ông Cao Văn Tin, Phó Chủ tịch huyện Tuyên Hóa đi kiểm tra lụt bão và thuyền cũng bị đắm đò vì bị cuốn vào vật cản trôi nổi.

Đi sâu vào thung lũng dân tộc Rục thì mới hình dung ra được địa hình nơi đây là 2 dãy núi đá vôi cao vút, nằm song song, tạo ra một thung lũng khá yên bình. Dãy núi đá vôi đã biến thung lũng của người Rục thành một vệt chảy của con nước, nên cứ mưa là nước tuôn chảy, rồi bị chia cắt. Sự chia cắt đó càng làm cho đời sống của người Rục thêm phần huyền bí, ít bị pha trộn với cuộc sống hiện đại.  

Lối vào Rục Làn, mùa nắng là đường, mùa mưa biến thành sông sâu hàng tháng. Trong thời gian đó, vài ngày lại có đoàn từ thiện đến bến đò để vào bản. Nếu vào đây hỏi đồng bào đang thiếu gì thì sẽ thấy được những nụ cười bẽn lẽn với câu nói “ít ờ pồ”, tức là cần gạo ăn. Gạo là một thứ cao lương mỹ vị đối với đồng bào ở Rục Làn. Bởi nhiều gia đình vẫn giữ thói quen ăn bổi (ngô khô giã ra bột và hấp chín).

Thung lũng kẹt giữa 2 lèn đá cao ngút này không chỉ là nơi hội tụ của dòng nước cuồn cuộn, mà còn là thung lũng của gió núi khá kỳ lạ. Màn đêm buông xuống thật nhanh. Đêm trôi qua yên bình như những miền quê khác. Nhưng nưả đêm thì nơi đây đột ngột biến thành một thung lũng gió. Gió thổi từ bốn phía giống  như ai đó khuấy chiếc đũa thần từ không gian.

Đồn BP Cà Xèng đến xem tình hình lương thực của một gia đình tại bản Yên Hợp. Ảnh: Văn Chương.

Đồn BP Cà Xèng đến xem tình hình lương thực của một gia đình tại bản Yên Hợp. Ảnh: Văn Chương.

Kiểm tra nồi

Dân tộc Rục được các nhà nghiên cứu xếp là 1 trong 10 bộ tộc bí ẩn nhất thế giới, vì các nhà nghiên cứu dân tộc cho rằng, người Rục còn giữ các mẹo thổi hắt, thổi mở, thuật hấp hơi để thực hiện kế hoạch hóa gia đình theo ý muốn và bảo vệ mình trước lam sơn, chướng khí, thú dữ.

Nhưng hiện tại, những mẹo trên ít còn được nhắc đến, bởi họ đã được Công an nhân dân vũ trang (nay là BĐBP) đưa ra khỏi hang, bước vào cuộc sống hiện đại từ năm 1959. Bến đò cuối cùng để vào bản nằm cạnh Trạm Kiểm Lâm Pa Nùn. Các cô giáo xắn quần lội nước và vội vã vào bản để tổ chức khai giảng muộn cho trẻ em vùng lũ.

BĐBP tức trực tại bến để nhắc nhở mặc áo phao, cùng các đoàn từ thiện vận chuyển lương thực cứu trợ vào cho bà con. Những người lính biên phòng ở đây có vài điểm khác với các đơn vị, đó là quần thường xắn ngang gối, sẵn sàng làm xe ôm, thường hỏi bà con chuyện ít à pó.

Rục Làn đang bị chia cắt, nhưng cuộc sống của người dân vẫn diễn ra bình lặng. BĐBP đến từng nhà dân hô hào bà con tranh thủ phơi lúa. Nhiều bà con tỏ ý tiếc nuối vì nhà dột, lúa bị ướt và đã mọc mộng. Chiều ngày 8/9, nhiều trường học tranh thủ trang hoàng pano, học sinh tới trường tập luyện trống đội để khai giảng muộn vào sáng ngày 9/9. Vợ chồng anh chị Trương Văn Xuân và Cao Thị Phượng nằm cạnh dòng suối sắp cạnn gạo nấu thì đồn biên phòng tới ngay và cho 5 kg gạo, 20 gói mì tôm.  

Đồn biên phòng Cà Xèng án ngữ ở gần cuối thung lũng Rục Làn. Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên Đồn biên phòng Cà Xèng cho biết về “phương châm 4 tại chỗ”. Đó là tới đầu mùa mưa thì đơn vị tích trữ gạo trong kho để nuôi quân, hỗ trợ bà con. Địa phương cũng gởi 2 tấn gạo tại kho đơn vị để phân phát cho các hộ hết gạo.

Những lúc nước ngập mênh mông và bán đảo này thông thương với bên ngoài bằng sóng điện thoại thì anh em địa bàn không phải bám dân, mà là “bám vào tình hình nồi cơm”. Nghĩa là vào từng nhà, mở từng bao gạo, mở nắp nồi cơm xem bà con ăn gì, bao giờ thì hết gạo…?

Tại bản Yên Hợp, khi phóng viên đến thăm nhà gia đình của anh Đinh Xuân Bằng, là Bí thư Chi bộ thôn. Chị Cao Thị Hồng Tuyến, vợ anh Bằng bê ra một xô nhựa với số lượng gạo chỉ còn khoảng 6 kg và cho biết “đêm nào bà con cũng lên lèn (núi đá vôi) bắt ốc về bán, thu nhập không có bao nhiêu nên làm gì có nhiều tiền mà tích trữ gạo. Mấy hôm mưa thì Đồn biên phòng Cà Xèng phát thêm gạo cho bà con, ở thôn có chị y sĩ Trần Thị Châu Minh luôn sẵn sàng giúp cho bà con mượn thêm gạo nấu”.

Bổi bắp, cơm mì

Đêm ở Rục Làn trôi đi trong âm thanh ầm ầm của gió. Hai khe núi đã biến nơi đây thành phễu đo sức gió.

Khi hừng đông nhô lên, những ngôi nhà trong bản bắt đầu vang lên tiếng cối giã thì thụp nhưng bản người Mông ở cao nguyên đá Hà Giang. Nhiều nhà chuẩn bị bữa ăn trong ngày bằng món bổi. Bổi là ngô khô giã lên và hấp chín.

Tôi tìm đến nhà chị Cao Thị Hợp, vào bếp, mở nắp vung. Một chậu bổi màu vàng của ngô. Ngô ở vùng này không có vị ngọt, cố nuốt vào và cảm giác món ăn khô khốc, ít vị hậu.

Chị Hợp cho biết, gia đình chị vẫn còn hàng chục bao lúa chưa xay, tuy nhiên nhiều nhà vẫn ăn thêm bổi, có gia đình thì nấu cơm với củ mì, đóng thành bánh để ăn trong ngày, ngô và mì vẫn được xem như món lương khô tích trữ song song với lúa gạo.

Bà Đinh Thị Trăng vừa giã xong một chậu ngô. Bà nở nụ cười nói chuyện ngày trước không có gạo ăn thì toàn ăn ngô như vậy và bây giờ thì vẫn ăn thêm bổi ngô xen kẽ, nhưng nhà nào không có gạo, ăn quá nhiều bổi là gia đình nghèo khổ.

Cách phát âm tiếng Việt của bà con, từ “không” có âm đuôi kéo, phát âm với vẻ hơi khó khăn, phải vận động cả cơ họng, cơ lưỡi để dồn hơi trong miệng. Khi một hộ gia đình nào nói nhiều từ không, “không còn gạo” thì đều làm lính biên phòng cắm bản giật mình, vội vã trở lại ngay với túi gạo, mì tôm.      

Xem thêm
Gần 6.400 hộ dân huyện Trạm Tấu ký cam kết bảo vệ rừng

YÊN BÁI Các vụ cháy rừng ở Trạm Tấu chủ yếu do bất cẩn của người dân khi xử lý thực bì bằng lửa, vì vậy việc đốt nương làm rẫy đang được quản lý chặt chẽ.

Trồng 33.000 cây xanh tại Vườn quốc gia Xuân Sơn

Các đơn vị trồng mới 33.000 cây, trong đó 3.000 cây bản địa (cây mỡ) và 30.000 cây keo tại vùng đệm của Vườn quốc gia Xuân Sơn.

Cứu hộ thành công cá thể gấu ngựa bị cụt chi trước

HÀ NỘI Từ đầu năm 2024 đến nay, Chi cục Kiểm lâm thành phố Hà Nội đã bàn giao 5 cá thể gấu cho Trung tâm Cứu hộ Gấu Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm