Các cậu bé con nuôi được cán bộ Đồn biên phòng Cà Xèng đưa đến trường. |
Phần lớn các em có hoàn cảnh mồ côi cha, hoặc gia đình đặc biệt khó khăn.
Gởi con cho bộ đội
Thượng tá Lê Văn Sơn hé cửa nhìn vào những đứa con nuôi trong phòng, nhắc các em học hành và ngủ đúng giờ rồi mới trở về phòng làm việc. Đêm ở Rục Làn (xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) xào xạc tiếng gió núi. Căn phòng nằm ở cuối dãy nhà ở của Đồn biên phòng Cà Xèng sáng ánh đèn đỏ từ bàn học. Tấm bảng màu đó gắn trên cửa phòng này ghi dòng chữ rất lạ và ít được nhìn thấy ở các đơn vị bộ đội: “Phòng con nuôi biên phòng”.
Căn phòng rộng rãi đặt 2 chiếc giường, một chiếc bàn. Trên giá sách, ngoài vở học còn có một ô riêng đặt các cuốn Văn nghệ quân đội, văn hóa các dân tộc thiểu số, khoa học biên phòng.
Cậu bé Cao Ngọc Huyên đang dán lại tờ giấy khen cuối năm lớp 7 lên bàn học. Cậu có nước da đen láng, đôi mắt to và hơi đượm buồn dưới chiếc trán gồ, mái tóc đen với những sợi tóc cứng cáp chứng tỏ cậu là người có sức khỏe tốt. Cậu kể, cách đây 5 tháng được các chú bộ đội biên phòng nhận về đồn làm con nuôi, trong lúc cậu đang học cuối cấp lớp 7, Trưởng trung học và Trung học cơ sở Thượng Hóa. Lúc mới lên đồn, cậu cân nặng 29 kg, và giờ đây đã là 33 kg.
Thỉnh thoảng, chị Cao Thị Hiền từ bản Yên Hợp đến thăm con, dặn dò con trai về chuyện học hành, xem các chú ở đồn như người thầy, người cha. Trở về bản, chị thường tự hào khoe với bà con về chuyện con trai được các chú thương, cho 1 chiếc xe đạp, sắm mấy bộ quần áo mới, mỗi ngày được ăn 3 bữa chứ không như hồi ở nhà chỉ ăn 2 bữa, trong đó nhiều bữa phải ăn bổi ngô, bổi sắn (gạo trộn sắn và ngô khô xay bột).
Huyên có giọng nói nhỏ nhẹ, ánh mắt khá dễ thương. Cậu lớn tuổi nhất trong 5 đứa con nuôi ở đồn biên phòng nên luôn nêu gương để các em làm theo. Cậu tâm sự: “Em năm nay 13 tuổi, là người dân tộc Sách. Bố em mất từ năm em 9 tuổi. Mỗi lần gặp thì mẹ dặn phải nghe lời dạy của các chú và học hành cho tốt, nhờ các chú dạy học thêm khi về đồn”.
Nói về chuyện được các chú biên phòng thương, cậu bé mở tủ ra chỉ vào từng chiếc áo và nói, cái áo trắng là chú Hải cho, cái ăn sọc cũng chú ấy, chú Hải còn cho xà phòng giặt, tắm, thỉnh thoảng chỉ bài cho con. Nói về tình cảm của các chú ở đồn dành cho mình, ánh mắt của Huyên hiện lên niềm thương cảm. Ba ngày đầu tiên đặt chân đến đồn biên phòng, cậu rón rén từng bước. Nhưng nhìn thấy ai cũng nở nụ cười và sà đến vuốt tóc thì Huyên cảm thấy ấm lòng.
Thói quen đầu tiên mà cậu bắt đầu làm quen, đó là đọc sách. Ở bản không kiếm đâu ra sách để đọc, còn lên đồn biên phòng thì được các chú mua cho truyện Trạng Quỳnh, truyện cổ tích, truyện thiếu nhi. Vào mùa mưa, từ nhà Huyên phải đi vài chặng đò mới ra được đường lộ để đi lên thành phố Đồng Hới. Nhưng đọc những cuốn sách đó đã giúp trí tưởng tưởng của cậu vượt qua khỏi thung lũng Rục Làn. Các chú bộ đội như người thầy đã giúp cậu có tầm nhìn xa hơn và hiểu về cuộc sống sau này.
Vòng tay các chú
Rục Làn là một thung lũng nằm kẹp giữa 2 dãy núi đá vôi cao ngất. Nơi đây mặt trời lên muộn và lặn sớm sau dãy núi. Mùa mưa thì phải đi 5 chặng đò mới đến được cuối thôn. Đồn biên phòng Cà Xèng trở thành trung tâm của 2 bản Ón, Yên Hợp, Mò O Ồ Ồ.
Gọi đồn biên phòng là trung tâm, bởi mỗi khi thung lũng này bị mưa lũ vây quanh thì bộ đội biên phòng được cắm bản, hàng ngày đến từng nhà để mở nắp vung với câu hỏi quen thuộc “khi nào hết gạo nấu”.
Những đứa trẻ mồ côi cha được nhận về đồn nuôi dưỡng trở thành câu chuyện được đồng bào lan truyền khắp Rục Làn. Cậu bé Cao Xuân Lệ, 10 tuổi, bố là Cao Xuân Hải không may qua đời sớm. Người đàn bà góa phụ Cao Thị Tiềm – mẹ của Hải phải chật vật làm lụng, tối đi cùng mọi người lên núi bắt ốc, ngày xuống suối mò cá, nhưng rồi gạo trong thùng vẫn chưa bao giờ được đổ đầy.
Hoàn cảnh của cậu bé Lệ được chỉ huy Đồn biên phòng Cà Xèng quan tâm. Hải được nhận về đồn làm con nuôi là sự kiện của gia đình cậu. Vì người dân tộc Rục thời trước sống trong hang núi và giờ đây những người lớn tuổi thỉnh thoảng vẫn nhớ hang đá vôi nằm cạnh dòng nước chảy như cuộc đời của các thế hệ trước trôi qua trong rừng, sống lang bạt, quên ngày tháng. Còn bây giờ người con của bản lại được đưa về đồn biên phòng, hàng ngày dậy đúng giờ, được các chú bộ đội tập luyện như một người lính tí hon thì quả là chuyện lạ và xúc động.
Lệ nói giọng thỏ thẻ dễ thương “lên đồn được các chú tập thể dục, được ăn món mà con thích nhất là cá chiên, lâu lâu con được chú Tuấn cho sữa, nhiều chú cho thước, cho vở học”.
Buổi sáng đầu tiên đến trường, khi tiếng kẻng tại đơn vị vang lên vào lúc 5 giờ 15 phút, 5 đứa con nuôi quàng chiếc áo khoác bước ra sân tập nằm trên khoảnh sân nhỏ lối xuống nhà ăn. Bài tập thể dục bộ đội, bao gồm 24 động tác vươn vai, hít thở, lắc hông, gập người…các cậu bé được hướng dẫn cả động tác xếp hàng, giãn cách.
Cậu bé Huyên vui mừng với chiếc xe đạp mới và cho biết, luôn coi các chú như người thầy, người cha. |
Tiếng đại úy Bùi Văn Hải hô vang, “một hàng ngang, mỗi người cách nhau một sải tay, bên phải, bên trái… thẳng”. Nghe hiệu lệnh, các cậu học trò tự động dạt ra 2 bên để giữ khoảng cách đều.
Mong em nên người
Các cậu bé khoác áo trắng để chuẩn bị đến trường, đến lúc đó thì tôi mới phì cười khi nhìn thấy tấm lưng, bờ vai, cánh tay của các cậu con nuôi, đặc biệt nhất là cậu bé Cao Văn Bằng. Dù là học sinh cấp 1, nhưng cơ thể của các cậu bé đều đã có dáng dấp của một người lớn – bắp tay to, vai nhô lên, ngực nở, hai cánh tay gợn đường gân thể hiện cơ thể non nớt này đã sớm gánh vác những công việc như một người lớn.
Các cậu bé cho biết, lúc ở nhà thì vẫn phải phụ giúp gia đình, làm công việc như mọi người khác, xong việc rồi thì cởi áo ra sông bơi lội, lên núi kiếm ốc, hái trái cây, không có nhiều niềm vui của trẻ thơ.
Trong căn phòng của những đứa trẻ luôn vang lên tiếng cười. Buổi sáng, các cậu cảm thấy thú vị với việc một cán bộ trực ban hướng dẫn cách thức gấp chăn, màn vuông vắn như những tân binh. Cậu bé Huyên vào đơn vị cách đây 5 tháng nên xếp chăn màn đúng cách, còn 4 cậu con nuôi mới được nhận vào thì vẫn vụng về với chiếc chăn chưa được thẳng nếp. Cả 4 cậu thường nhìn nhau cười lúc xếp chăn. Vì ở bản, chăn màn được vùi một cục vào xó giường, chưa ai nói chuyện xếp chăn cho thẳng bao giờ.
Trước giờ đi học, các cậu bé được cán bộ của đơn vị kiểm tra lại bài vở, hướng dẫn cho các em viết lại những dòng chữ viết chưa đúng, cách giữ sách vở sạch sẽ và phương pháp học tập tốt. Thượng tá Lê Văn Sơn, Chính trị viên cho biết “các cháu sẽ được học từ văn hóa, đến lối sống, mong các cháu sau này trở thành thầy giáo, y bác sĩ, người lính để phục vụ dân bản”.