| Hotline: 0983.970.780

6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của Cao nguyên đá

Thứ Sáu 18/10/2019 , 14:30 (GMT+7)

Trong Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Giang, giai đoạn 2016 – 2020 nêu rõ: “Đẩy mạnh phát triển cam, chè, cây dược liệu và phát triển chăn nuôi trâu, bò và đàn ong theo hướng hàng hóa”.

14-44-08_bo_vng_h_ging_d_duoc_bo_nong_nghiep_du_vo_dnh_sch_bo_ton
Bò vàng Hà Giang.

Đây chính là 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, trong đó, đã có 5 sản phẩm nông nghiệp đã được cấp Chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, là cam sành, chè Shan tuyết, bò vàng, hồng không hạt Quản Bạ và mật ong bạc hà.

Do đặc điểm là một tỉnh miền núi có địa hình chia cắt mạnh đã tạo cho Hà Giang nhiều tiểu vùng thời tiết khí hậu, đặc điểm về nông hóa thổ nhưỡng khác nhau. Điều đó đã tạo cho Hà Giang hình thành nên các sản phẩm nông nghiệp chủ lực mang tính đặc sản của địa phương.

Tính đến thời điểm hiện nay, tổng diện tích cam sành của Hà Giang đạt trên 8.715 ha; trong đó có 2.776 ha cam sành đã được cấp Chứng nhận an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP. Tổng sản lượng cam sành niên vụ 2019 – 2020 ước đạt đạt trên 65.600 tấn; trong đó, sản lượng cam VietGAP đạt trên 40.000 tấn.

Cam sành Hà Giang không những được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý mà còn được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ thực phẩm Việt Nam chứng nhận Danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”. Hiện tỉnh Hà Giang đang tập trung mở rộng diện tích cam sành theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu đến cuối năm 2020 tổng diện tích cam đạt tiêu chuẩn VietGAP chiếm trên 50% diện tích cam của tỉnh

Cùng với đó, Hà Giang là tỉnh có diện tích chè đứng thứ 3 cả nước (sau Lâm Đồng và Thái Nguyên). Hiện tổng diện tích chè của Hà Giang đạt gần 20.000 ha (chủ yếu là chè Shan, chiếm trên 90% diện tích); trong đó, diện tích cho thu hoạch đạt trên 17.500 ha và sản lượng chè búp tươi đạt gần 72.000 tấn/năm. Trong đó, chè đạt tiêu chuẩn an toàn VietGAP đạt gần 5.000 ha, chè hữu cơ đạt trên 4.600 ha. Hà Giang đang tập trung mở rộng diện tích chè hưu cơ; phấn đấu đến cuối năm 2020, tổng diện tích chè hữu cơ của tỉnh đạt trên 5.500 ha.

Bên cạnh phát triển cam và chè, Hà Giang đang triển khai Dự án Phát triển cây dược liệu, giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tại 6 huyện 30a nhằm xóa đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc thiểu số. Đến nay, tổng diện tích cây dược liệu đã trồng của Hà Giang đạt trên 1.800 ha. Phấn đấu đến năm 2020, Hà Giang trở thành vùng trọng điểm về cây dược liệu của các tỉnh vùng Đông Bắc và có đủ khả năng cung cấp nguồn dược liệu cho các cơ sở chế biến.

Ngoài ra, trong những năm qua, Hà Giang đã tập trung phát triển đàn trâu, bò hàng hóa gắn với mở rộng diện tích trồng cỏ. Tính đến thời điểm tháng 9/2019, tổng đàn trâu, bò của Hà Giang đạt gần 18.000 con, chủ yếu tập trung tại 4 huyện cao nguyên đá (gồm Mèo Vạc, Đồng Văn, Yên Minh và Quản Bạ chiếm trên 65% tổng đàn trâu, bò của tỉnh). Việc phát triển chăn nuôi trâu, bò hàng hóa tại 4 huyện cao nguyên đá đã mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao thu nhập, thúc đẩy quá trình xóa đói giảm nghèo.

Giống bò của Hà Giang chủ yếu là giống bò vàng địa phương có năng suất cao, chất lượng thịt thơm ngon và đã được Bộ Nông nghiệp - PTNT bình chọn và đưa vào danh sách bảo tồn. Trong những năm qua, tỉnh đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Phục hồi và cải tạo giống bò vàng địa phương bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo”. Nhờ đó, năng suất và chất lượng thịt bò của Hà Giang không ngừng được nâng lên.

Bên cạnh đó, Hà Giang đang đẩy mạnh thực hiện Chương trình “Bảo tồn nguồn gen của giống ong nội địa phương” nhằm nâng cao năng suất và chất lượng mật ong bạc hà tại 4 huyện vùng cao nguyên đá. Tính đến thời điểm tháng 9/2019, tổng số đàn ong của Hà Giang đạt trên 35.000 đàn (trong đó, riêng 4 huyện cao nguyên đá có trên 21,5 nghìn đàn, chiếm trên 63% tổng số đàn ong của tỉnh) và tổng sản lượng mật ước đạt gần 194 tấn/năm, giúp làm giàu cho người dân tại 4 huyện vùng cao nguyên đá của Hà Giang.

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết: Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang đang tập trung nâng cao giá trị của các sản phẩm nông nghiệp chủ lực, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, giúp người nông dân nâng cao thu nhập.

Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên các phương tiện thông tin đại chúng về hình ảnh và con người của Hà Giang…

 

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.