Tết ở ngoài đồng
5 giờ sáng hôm đó vợ chồng anh Nguyễn Ngọc Giang (xã Yên Trung, huyện Yên Phong) đã phải dậy, mỗi người lái một chiếc máy từ huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội về quê. Họ có 4 máy nông nghiệp như vậy để phục vụ việc xới, lên luống hay dỡ khoai tây.
Đang ngồi trong cabin bỗng anh Giang nhảy phắt xuống để kiểm tra xem mức độ nổi của củ khoai tây bên dưới ruộng thế nào. Chiếc máy lúc này cứ tự đi chậm rãi và ngoan ngoãn như một con trâu. Củ khoai sau đó được phân thành 3 loại tùy theo kích cỡ để đưa vào chế biến hoặc làm giống cho vụ sau. Đó chỉ là 1 trong 6 cánh đồng khoai tây của vợ chồng anh rải rác ở tỉnh Bắc Ninh và TP Hà Nội với tổng diện tích gần 200 mẫu (72ha).
Nhân lực chỉ sử dụng vào mấy công đoạn như đặt khoai giống, rải phân lúc đầu vụ và phân loại lúc cuối vụ, còn lại tất cả đã có máy móc thay thế cho sức người. Giống do Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cấp, phân bón do công ty sản xuất cấp, còn đầu ra thì có nhà máy cho ô tô đến thu mua ngay tại đầu bờ.

Anh Nguyễn Ngọc Giang bên ruộng khoai tây vừa dỡ. Ảnh: Dương Đình Tường.
Chưa được 90 ngày đã phải dỡ nên nhiều củ khoai tây vừa chồi lên khỏi mặt đất đã bị nổ vì lượng nước bên trong vẫn còn nhiều khiến anh Giang xuýt xoa: “Một vụ khoai tây bằng ba vụ lúa mà tỉnh Bắc Ninh có tập quán cấy muộn nhưng lệnh chung là xả nước để đổ ải nên huyện vẫn phải thực hiện. Nước lênh láng khắp nơi nên vợ chồng tôi phải vất vả chống úng giai đoạn cây khoai tây đang vào củ đã đành mà còn phải thu hoạch sớm.
Chính quyền nên tạo điều kiện cho những người như chúng tôi bằng cách khu nào quy hoạch sản xuất cây vụ đông thì xả nước muộn hơn. Nếu để thêm 10 ngày nữa mỗi sào khoai tây sẽ có thêm 2 tạ củ, bằng cấy 1 sào lúa”.
Chị Trịnh Thị Nga vợ anh Giang kể một chiều 30 Tết cách đây mấy năm mưa tầm tã, đang bán hoa quả ở nhà mà cả hai ruột như có lửa đốt, phải bảo đứa con học lớp ba đứng bán thay rồi lao ra đồng khơi nước cho ruộng khoai tây đến tận 10 giờ đêm mới về. Hay như năm nay, trong khi các làng tưng bừng mở hội vật, hội bịt mắt bắt vịt, hội bóng chuyền, hội bóng đá, hội cờ tướng… thì chiều 3 Tết vợ chồng chị đã phải đánh máy ra đồng để chạy thử giàn dỡ khoai vừa mới mua. Nhưng có những lúc nghề nông cũng rất lãng mạn khi họ ra đồng thấy khoai lên đẹp cứ đứng ngắm từ sáng đến tối mà quên cả đói.

Chị Trịnh Thị Nga bên những củ khoai tây vừa thu hoạch. Ảnh: Dương Đình Tường.
Cây rất dễ trồng nhưng cũng rất khó
Mối duyên nợ của anh Giang với cây khoai tây bắt đầu từ năm 2008 khi Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina về quê mình để xây dựng vùng nguyên liệu. Lúc đó anh làm Phó Chủ nhiệm HTX nên cũng rất hào hứng tham gia. Từ 3 sào vụ đầu thu 8 triệu đồng, anh mở rộng lên 2 mẫu vụ sau thu 80 triệu đồng rồi sắm luôn cái máy cày Nhật bãi đầu tiên trong vùng…
Nhiều người trong làng cũng vậy nhưng do không biết làm luống cao nên gặp mưa hay điều tiết nước không tốt khiến củ nứt và thối đã đồng loạt bỏ vào năm 2013. Trong khi đó anh vẫn thành công bởi trồng muộn hơn. Vấn đề thời vụ với cây khoai tây rất quan trọng. Dân làng trồng khoai tây vào tháng 9, lúc trời vẫn nắng nóng nên dễ bị thối củ. Do có diện tích lớn, thiếu nhân công nên anh Giang phải đợi bà con trồng xong, sang tháng 10 mới thuê được người trồng và bất ngờ thắng lớn.
“Nếu hiểu về khoai tây thì sản xuất rất dễ, còn nếu không hiểu thì sẽ thất bại 100%, thậm chí có những người làm diện tích lớn còn mất cả nhà. Lúc đầu bà con không hiểu tại sao mình thất bại đã đành mà bản thân tôi cũng không hiểu tại sao mình lại thành công, mãi mấy năm nay mới ngẫm ra được.
Khoai tây ở kho lạnh vừa nhập về, mầm chưa có bà con đã đem ra trồng bởi đất đã cày sẵn rồi mà không ngờ là đất cày để lâu bị khô nên củ khó phát triển. Trong khi đó vợ chồng tôi khoai về đến đâu mới cày đến đấy để trồng nên đất đủ ẩm, làm mát cho củ khoai”, anh Giang chia sẻ.

Chị Trịnh Thị Nga lái máy kéo chở khoai tây. Ảnh: Dương Đình Tường.
Giống khoai tây khi nhập về được anh kích mầm bằng cách che phủ bạt. Kỹ thuật này cũng là do anh có diện tích lớn nên thiếu nhân lực, không trồng được ngay mà phải đậy tạm bạt cho củ khoai khỏi nóng. Khi phủ bạt như thế thì lại tình cờ củ khoai được kích mầm. Sau 1 tuần mỗi củ giống nảy 4 - 5 mầm, nếu đem trồng mỗi gốc lên 3 - 4 cây, thu được 9 - 10 củ thương phẩm.
Xưa cả làng mấy trăm nhà mà mỗi vụ trồng 12 tấn khoai tây giống, tương đương với hơn 20 mẫu đã là nhiều nhưng vụ rồi một mình vợ chồng anh trồng tới gần 100 tấn khoai tây giống, tương đương gần 200 mẫu. Trong số đó, anh tích tụ được 40 mẫu dưới hình thức thuê, còn lại là mượn của dân.
Bắc Ninh cấy muộn, sang tháng 2 mới bắt đầu nên anh mượn ruộng khá dễ dàng, sau khi thu hoạch khoai tây thì cày bừa lại giúp dân. Phần diện tích thuê sau khi thu khoai tây anh cấy thêm hai vụ lúa, thu lãi khoảng 10 - 12 triệu đồng/mẫu nữa.
Năm 2024 đến tháng 11 vẫn còn nắng to trong khi đó khoai tây là cây trồng ưa lạnh. Xưa gặp tình trạng như thế vợ chồng anh lo xanh cả mặt nhưng giờ họ chỉ việc bơm thêm nước vào ruộng thì cây vẫn phát triển bình thường. Mười mấy năm trồng khoai tây họ chưa từng gặp thất bại, chỉ hòa hay lãi ít, lãi nhiều.
Với sản lượng dự kiến vụ này 1.300 tấn, giá thu mua cố định của nhà máy 8.600đ/kg, sau khi trừ chi phí, họ lãi được cỡ 4 tỷ đồng. Đó chỉ là bề nổi, còn bề chìm là họ còn để lại một phần làm giống cho vụ sau, được thêm khoảng 400 - 500 triệu đồng nữa.

Những củ khoai tây nhỏ để lại làm giống cho vụ sau. Ảnh: Dương Đình Tường.
Khi tôi kể rằng nhiều người đồn anh Giang trồng khoai tây 3 tháng, còn 9 tháng trong năm đã thừa tiền để đi chơi thì anh cười xòa, trả lời rằng cũng đi nhưng không phải chơi mà là tìm đất. “Tôi rất mong được hợp tác với các đại điền theo dạng mình đầu tư cấp giống rồi chia lợi nhuận nhưng với điều kiện là có đất cao, dễ thoát nước và không đòi lại sớm để cấy lúa. Hiện tôi đang lên huyện Lập Thạch để thuê hơn 100 mẫu đất nữa trồng khoai tây", anh tiết lộ.
Theo Thạc sĩ Lương Văn Hưng (Viện Sinh học Nông nghiệp thuộc Học viện Nông nghiệp Việt Nam), vợ chồng anh Giang là hộ nông dân trồng nhiều khoai tây nhất hiện nay ở miền Bắc. Với chuỗi liên kết với nhà máy theo hợp đồng bao tiêu ngay từ đầu vụ có giá cố định 8.600đ/kg thì đầu ra rất ổn định. Hai nhà máy chế biến của Công ty TNHH Thực phẩm Orion Vina đang cần khoảng 63.000 tấn khoai tây/năm nhưng nay vùng nguyên liệu mới đáp ứng được khoảng hơn 1/3% nên dư địa để phát triển vẫn còn rất lớn…
Buổi trưa hôm đó tôi về nhà anh Giang để dùng cơm. Đĩa khoai tây chị Nga xào không ngờ đã hết trước đĩa thịt, đĩa cá. Vị của nó thơm, bùi, ngậy, béo khiến cho tôi quên đi nỗi khiếp sợ rổ khoai tây bi luộc vỏ xanh lè, vị hăng hăng phải ăn chống đói suốt tuổi thơ của mình.
Khoai tây nếu trồng sớm rủi ro sẽ là 50/50, còn trồng đúng thời vụ khi tiết trời đã mát mẻ thì rủi ro chỉ 10 - 20%, kể cả có mưa to đi chăng nữa vẫn có thể phòng chống được dễ dàng bằng việc làm luống cao.