| Hotline: 0983.970.780

75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 2 - Những chuyến xe chở xác ở chợ Xanh, Ninh Bình

Thứ Ba 09/04/2019 , 06:35 (GMT+7)

Bà Đỗ Thị Xuân khi đó đang nằm ở gốc đa giếng Méo thì bị tuần đinh nhặt lên xe cút kít, định đem đi chôn liền kêu toáng: “Chúng mày ơi, tao còn sống!” rồi lồm cồm bò xuống.

I. “Chúng mày ơi, tao còn sống!”

Những người suýt bị chôn sống

Ông Dương Văn Toàn năm nay 87 tuổi nhưng vẫn nhớ như in tiếng cót két phát ra từ chiếc xe cút kít chở xác từ chợ Xanh (xã Khánh Thiện, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) về những hố chôn tập thể ngày nay có tên mả Đói hay gò Ma. Đầu năm 1944, ông mới 11 - 12 tuổi, đang học chữ Nho của thầy đồ Đàm, những hôm đi sớm đều thấy hai bố con thầy thì thào chuyện gì đó rất nghiêm trọng: “Tình hình căng rồi con ạ! Trước là Tàu, sau là Pháp, giờ lại đến Nhật cai trị”.

dsc-4182142003675
Tiêu điều chợ quê (Ảnh: Võ An Ninh)

Lính Nhật về làng thật, đóng tại hai cửa hiệu to nhất chợ Xanh là nhà ông Cường, ông Tráng, bắt dân phá hoa màu để trồng đay rồi lệnh cho lý trưởng, phó lý phải thu nộp. Tổng Bồng Hải (xã Khánh Thiện ngày nay) khi ấy có 9 làng, ruộng vài ba ngàn mẫu nhưng năm đó mất mùa to. Giữa lúc dân đang đói Nhật vẫn bắt phải đóng thóc lẫm rồi tập trung cả trăm tấn vào đình, cử tuần đinh trông coi cẩn mật.

Năm đói, dân tứ xứ bỗng nhiên kéo về đông như nước lụt, đứng ngồi la liệt hai bên đường, tối ngủ chen chúc trong các dãy quán ở chợ Xanh, sáng ra lại có vài người không bao giờ trở dậy nữa. Tháng 8 - 9/1944 đến lượt dân làng bắt đầu đói. Lợn bị giết đầu tiên để lấy cám cho người ăn. Trâu bò phần không ai đi chăn sinh ốm chết phần bị mổ ăn. Tiếp đó là chó, gà và cuối cùng thì người chết.

1142003360
Hai em bé ngồi mút vỏ ốc ở bãi rác trong nạn đói 1945 (Ảnh: Võ An Ninh)

Trước khi chết người ta nhét đủ thứ để làm đầy dạ dày như cỏ, thân chuối, nõn bèo tây, ruột cây đu đủ… Có người vì ăn cây đu đủ phù lên mà chết. Chị Cúc của ông Toàn khi đó đã 18 tuổi, đang giúp việc cho bác ruột mới đẻ thì không có gạo ăn nữa phải trở về. Về sau kiệt sức quá, chị nằm mê sảng trên giường 3 ngày liền, cứ ú ớ kêu: “Bu ơi, con đói quá”.

Mẹ ông vay mượn đâu đó được nửa bát gạo về nấu cháo loãng. Có hơi cháo, chị tỉnh lại rồi chết đúng dịp Tết 1944. Tháng 4/1945 mẹ ông trước lúc ra đi trăn trối: “Các con với bố ở lại gắng mà sống”. Nhưng bố ông cũng chết sau đó mấy tháng. Ngay cả hai bố con thầy đồ Đàm cũng không thoát khỏi nạn đói.

Những nhà giàu có trong làng như hội Vận, hội Ấp, hai Hoạch suốt ngày cổng đóng then cài với tường rào ba lớp, hóp ngoài cùng, tre gai kế sát còn trong cùng là tường gạch. Nhà ai cũng nuôi lắm chó, nhiều ngỗng cùng một đám gia nhân để canh phòng.

Ông Vũ Văn Rạng hồi đó đã 16 tuổi nên còn nhớ rõ cứ 7 ngày chánh hội Năm, tộc Diệu hay thơ Huyến lại tổ chức phát chẩn 1 lần. 1 nồi 30 cơm, nắm nhỏ như quả cam, 3 - 5 gia nhân đội đi kèm theo 20 - 30 tuần đinh cầm tù và, gậy tầy bảo vệ đằng sau. Chỗ cơm ít ỏi đó chẳng thấm vào đâu so với số cả ngàn người đói nên họ tranh nhau, dẫm đạp lên nhau mà chết. Hễ kẻ nào cả gan dám xông vào cướp cơm trên thúng liền bị tuần đinh vung gậy đập cho mất mạng.

Ông Rạng bên chợ Xanh ngày nay

Mỗi ngày có 20 - 30 người chết nằm ngổn ngang quanh chợ. Những chiếc xe cút kít, sàn bằng tre, bánh bằng gỗ, bắt đầu được gửi về làng để chở xác. Tuần đinh đào những cái hố to bằng nửa cái sân, sâu 1 - 2m rồi hất xác xuống. Nhiều kẻ đang còn ngắc ngoải cũng vẫn bị túm lên xe vì tuần đinh nghĩ đằng nào chẳng chết.

Bà Đỗ Thị Xuân khi đó đang nằm ở gốc đa giếng Méo thì bị tuần đinh nhặt lên xe cút kít, định đem đi chôn liền kêu toáng: “Chúng mày ơi, tao còn sống!” rồi lồm cồm bò xuống. Ông binh Nhị gánh nước qua thấy vậy cho uống một ngụm thì bà tỉnh lại liền mỗi lần đi qua cho 1 nắm cơm nhỏ như quả trứng. Vậy mà bà sống sót, về sau lấy chồng và mất khi đã già.

Bà Vậy đang nằm ở xó đình với cái bao tải rách quấn thay váy cũng bị quẳng lên xe. Đau quá, bà mắng: “Tiên sư bố chúng mày! Bà mày còn sống!”. Về sau bà lấy một ông thợ may trong làng và sống rất thọ.

5142003603
Kéo xác chết đói đi chôn (Ảnh: Võ An Ninh)

Có nhiều người đã bị chôn sống như thế chỉ vì sức yếu không kêu nổi. Những chuyến xe cút kít đi về như con thoi chở người chết đói ở chợ, ở đình, ở xóm ra hàng chục hố chôn tập thể rải từ cầu Gỗ thôn Phú Hậu đến Gồ thôn Phong An, ước tính cỡ 500 - 600 xác.

Bố mẹ ông Rạng khi đó thuộc loại có điều kiện nhưng cũng phải bán căn nhà lim 5 gian cho ông Thơ Tâm với giá 25 đồng vì đói. 1 thùng thóc 10kg khi đó có giá 6 đồng, tính ra ngôi nhà chỉ được hơn 40kg thóc, chưa đủ cho gia đình hơn 10 người cầm cự 1 tháng. Ông Rạng có 9 anh em thì chết đói mất 7.

Ông Rạng bên gò mả Đói

Đầu tiên là anh, sau đó là em trai 4 tuổi chết vì ăn thóc lép tán thành thính sinh táo bón, kế đó là em gái mới 3 tháng tuổi, mẹ không có sữa mà xin bú trực không ai cho. May được cô ruột đón về chăn trâu nên ông mới sống sót.
 

Ký ức của một con ở

>> 75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 1 - Nơi chết đói nhiều nhất miền Bắc

Bà Đỗ Thị Chính ở xóm 1 năm đó 13 tuổi, hết đi ở cho ông hai Hoạch lại sang bà cả Phụng. Ngày bà chăn 2 con trâu, 2 con lợn sề, tối ngủ ngay bên xó bếp, đến bữa ăn chung nồi cháo cám với chó.

Được cái cháo cám cho chó là cám gạo tám nên khá ngon chứ không phải là cám gạo thường, lẫn nhiều trấu cho lợn. Lắm buổi đói quá, bà Chính tranh ăn hết phần của chó còn cám lợn thì chẳng dám ăn bởi không có vung đậy nên lúc nhúc ruồi nhặng.

Thế mà một bà khi đến xin làm thuê nhưng không được nhận đã van nài xin một bát cám lợn. Bà Chính can: “Toàn ruồi nhặng ăn vào đau bụng chết” mà người kia vẫn lăn xả vào húp. Về sau bà này bị chết đói dọc đường vào Thanh Hóa.

Một hôm, người hàng xóm chạy sang bảo bà Chính: “Thím Gia chết rồi mà thằng Còi vẫn còn rúc vào bú. Thím bế nó ra để cho tôi còn bó chiếu đem chôn”. Về sau Còi bị cho làm con nuôi, giờ vẫn còn sống nhưng không mấy khi trở về quê cũ.

Mẹ bà Chính khi đó vẫn thỉnh thoảng làm cỏ vườn thuê cho địa chủ, không trả tiền mà mỗi bữa được cho 2 bát cơm. Mẹ bà lén trút 1 bát vào khăn rồi lận luôn xuống bụng để phần cho lũ con ở nhà.

Cơm nóng khiến bỏng cả da nhưng mẹ bà không dám ngọ nguậy bởi sợ chủ nhà biết, lo không đủ sức lao động sẽ đuổi thẳng cổ. Nhìn bụng mẹ thâm hết vì giấu cơm nóng, bà Chính thỉnh thoảng đưa vụng cho 1 bát cháo cám. Được 3 - 4 lần thì chủ biết, cấm ngặt.

Bát cơm giấu trong khăn không thể chống lại cái đói cho cả nhà nên bố và 4 anh em của bà lần lượt chết. Chồng bà Chính sau này là ông Phạm Văn Cơ khi đó có bố mẹ và 6 chị em cũng chết đói.

Bà Chính bảo 3-4 lần giấu bát cháo cám đưa cho mẹ chống đói thì bị chủ nhà phát hiện, cấm ngặt!
Ninh Bình ghi nhận 37.939 người chết đói. Tạp chí Thanh Nghị số 119 ngày 24/5/1945 viết: “Chính sách thu mua thóc của người Pháp tàn ngược với dân quê vì giá mua của họ trả cho người dân thật tai hại. Như vụ vừa qua, tiền vốn 1 tạ tính ra mất 80 đồng mà giá bán cho nhà nước chỉ có 25 đồng 1 tạ trong khi giá thị trường lên đến 200 đồng 1 tạ. Mà số thóc dân quê phải nộp thường là ¾ số thóc thu hoạch, có khi quá cả số thóc gặt được. Nghĩa là có khi nông dân phải đong thóc thêm bằng giá 200 đồng để bán cho nhà nước và thu về 25 đồng”.

Nhờ làm mướn ở huyện khác nên ông mới thoát nhưng lúc về nhà chỉ thấy mỗi xác của bố. Nạn đói hằn sâu trong ký ức ông bà đến nỗi ăn bữa trước lại nghĩ bữa sau, không bao giờ dám bỏ đi dù chỉ là một hạt cơm. 

Nhà nghèo trong làng khi đó hầu như đều chết vài ba người, chỉ duy nhất gia đình ông Bùi Nam Thư thoát nạn.

Ông Thư nay đã 89 tuổi mà khi kể lại chuyện 75 năm trước vẫn còn trào nước mắt. Bố ông vốn thức thời, thấy nguy cơ đói đã dắt díu 7 người trong nhà lên nhờ thuyền buôn muối ngược sông Đáy tới tỉnh Yên Bái.

Từ đó, bố đi Hải Phòng bán kem còn mẹ đi làm vú em cho nhà giàu.

Ông Thư khóc khi nhớ về nạn đói

Miền núi hồi ấy sẵn sắn nên ít đói. Ông Thư cùng lũ em phần xin, phần ăn trộm sắn trên nương để cầm cự. Một lần đi chăn trâu thuê ông cắt cỏ nhầm vào lá mái - một loại lá rất sắc mà ăn vào gia súc có thể bị đứt lưỡi. Ngay lập tức ông bị trói nghiến lại, đánh cho gần chết nên phẫn quá bỏ về quê.

Trước khi đi bà mẹ đem 6 đồng khâu vào dưới mảnh vá của áo ông như một chiếc túi bí mật.

Rúc gầm ghế tàu hỏa để trốn vé, tới Nam Định ông đi bộ về Ninh Bình. Khi qua đò sông Đáy, đến giữa dòng thì bị chủ đò dọa: “Mày không đưa tiền đây thì tao sẽ đập chết”.

Nhìn dòng sông khi đó dập dềnh toàn xác người đói, lắm cái chỉ có ba sợi lạt buộc bởi cánh tuần đinh nhiều làng ngại đào hố chôn cứ quẳng bừa xuống, ông rủn cả chân tay.

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
 

Đón xem bài 3: Một đại gia đình chết đói 60 người ở Nam Định

II. 'Thừa ăn' mà chết đói, tài liệu từ phía Pháp

Trước khi qua đời, năm 2001, bác sĩ Ngô Văn Quỹ đã dành công sức viết về nạn đói năm Ất Dậu 1945 để làm tư liệu cho hậu thế...
 

Gạo ở miền Nam dùng để đốt lò

“Lần giở lại những tư liệu cũ, lòng càng xót xa đau đớn hơn nữa. Làm sao có thể hiểu nổi, có thể chấp nhận được, một nước có nền văn minh lúa nước lâu đời, từ xưa đến nay, nói chung lúc nào cũng “thừa ăn”, mà lại có hàng triệu người phải chết thê thảm vì thiếu ăn. Tôi xin nhắc lại và nhấn mạnh về hai chữ “thừa ăn”, vì đó là nhận định trong rất nhiều tư liệu của chính thực dân Pháp còn để lại”.

2142608927
Các em bé đội khăn tang ngồi khóc người thân bị chết đói 1945 (Ảnh: Võ An Ninh)

Ông Ngô Văn Quỹ đã viết như vậy. Và ông dẫn tài liệu của André Gaudel: Đông Pháp đối mặt với Nhật Bản. Cả bán đảo Đông Dương trước Cách mạng tháng Tám 1945 được coi là xứ Đông Pháp thuộc Chính phủ bảo hộ là nước Pháp. Khái niệm “thừa ăn” được hiểu theo nghĩa so sánh năng lực sản xuất lương thực với số dân, nạn đói chỉ xảy ra chủ yếu do nguyên nhân xã hội hay thiên tai lớn. Từ năm 1913 trở đi, sự “thừa gạo” càng ngày càng tăng. Riêng trong năm 1940 đã thừa ra để có thể xuất khẩu được 1.500.000 tấn gạo và thóc, nên riêng về gạo, năm nào cũng chiếm đến 2/3 kim ngạch xuất khẩu của chính quyền thuộc địa.

Trong năm 1937, Pháp đã nhập về chính quốc 43%, rồi năm 1938 là 52% số gạo thừa này. Năm 1939 Pháp xuất bán sang các nước Ấn Độ thuộc Anh, Nam Phi, Anh, Philippine 50% tổng số gạo thừa. Đến năm 1945, khi xảy ra thảm họa chết đói của năm Ất Dậu, là một năm tương đối được mùa (ở miền Nam), sản lượng thu hoạch được là 2.700.000 tấn thóc.

Ước tính nhu cầu của nhân dân là 1.600.000 tấn, vậy còn dư ra 1.100.000 tấn để xuất khẩu. Nỗi lo lắng lớn của chính quyền thuộc địa thời đó là không thể xuất hết ra ngoài được vì điều kiện chiến tranh, để lâu sợ mất giá, nên trong khi đồng bào ta nằm chết la liệt ở dọc đường dọc xá, thì chúng cho xây ở Sài Gòn những kho chứa 350.000 tấn, và gửi trong những kho chứa ở Chợ Lớn hơn 200.000 tấn nữa.

Ủy ban Ngũ cốc trực thuộc Phủ Toàn quyền đi về các tỉnh trù phú ở đồng bằng SCL thu mua thóc gạo với giá rẻ mạt để tích trữ lại. Ở Sài Gòn lúc đó, giá ngoài chợ có 7 xu một lít gạo trắng ngon.

Tha thứ nhưng không quên

Giờ đây đối với những tội ác trong quá khứ của quân cướp nước gây ra trên đất nước ta, nhân dân Việt Nam sẵn lòng tha thứ nhưng không quên. Vì “Chính sự quên lãng của những người sống làm chết đi những người đã chết” như một nhà văn Pháp đã từng viết.

Nhà máy nhiệt điện Sài Gòn có một thời không thể mua được than đá chạy máy, đã dùng thóc để đốt lò. Nhiều vị lão thành ở Sài Gòn ngày nay còn nhớ rõ điều này và Ủy ban cứu đói ở Sài Gòn đã có lần nêu lên báo chí. Giữa lúc nạn đói ở Bắc Bộ khủng khiếp nhất, chính quyền thuộc địa và quân đội Nhật tìm mọi cách để ngăn cản nhân dân Nam Bộ chở gạo ra Bắc bằng thuyền buồm và đường hỏa xa, đi từng đoạn một đến đâu chúng chặn lại và tịch thu luôn. Vào đêm chính biến 9 tháng 3 năm 1945, quân đội Nhật còn tích trữ ở cảng Sài Gòn hơn 200.000 tấn gạo để cho tàu đến chở về nước…

Thừa gạo tích trữ trong kho, đợi nâng giá xuất khẩu, nhẫn tâm để hơn 2 triệu con người phải chết đói thê thảm, tội ác này phải được phanh phui trước lịch sử nhân loại, cũng như trước lịch sử của dân tộc ta. “Nguyên nhân chủ yếu là sự đầu hàng nhục nhã của Pháp ở cả chính quốc lẫn thuộc địa trước quân Nhật”, bác sĩ Ngô Văn Quỹ nhấn mạnh.
 

Dồn dân vào thảm họa

Đô đốc Hải quân Jean Decoux lên làm Toàn quyền Đông Dương từ ngày 20 tháng 7 năm 1940 đến ngày 9 tháng 3 năm 1945 đã viết trong hồi ký “Cầm lái Đông Dương”, cho thấy chính quyền thuộc địa cung cấp cho phát xít Nhật một khối lượng vật tư tài sản vô cùng to lớn bóc lột của nhân dân Việt Nam: Riêng về gạo, cung cấp cho Nhật 700.000 tấn (1941), 1.050.000 tấn (1942), 950.000 tấn (1943), 900.000 tấn (1944).

Đã thế, Decoux còn chấp nhận các yêu sách của Nhật, bắt dân nhổ lúa lấy đất cho chúng trồng các cây công nghiệp phục vụ cho chiến tranh. Năm 1940, quân Nhật đã dùng 7.750ha đất ruộng để trồng bông, năm 1944 diện tích này được tăng lên đến 62.000ha. Đồng thời 600ha ruộng cũng phải nhổ lúa lên để trồng đay, và đến năm 1944, diện tích này cũng tăng lên đến 1.700ha.

Ngoài ra, ông Quỹ nêu số liệu: “Nhật còn lấy 17.000ha đất ruộng để trồng những cây có dầu, lấy dầu trộn với dầu cá, dầu dừa, dầu lạc, làm một thứ dầu máy thay thế cho dầu mazout. Diện tích này đến năm 1944 đã tăng vọt lên đến 68.000ha. Như vậy, tính đến cuối năm 1944, nông dân đã mất đứt 131.700ha đất ruộng không được trồng lúa gạo nữa. Con số này chắc chắn còn dưới xa sự thật thì hỏi sao không dồn dân vào thảm họa chết đói”.

KHẢI MÔNG

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Đề xuất kéo dài miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp, khoảng 7.500 tỷ đồng/năm

Trong công văn số 13900/BTC-CST, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội ban hành Nghị quyết mới, kéo dài thời gian miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp từ ngày 1/1/2026.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.