| Hotline: 0983.970.780

75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 1 - Nơi chết đói nhiều nhất miền Bắc

Thứ Hai 08/04/2019 , 06:30 (GMT+7)

Chưa bao giờ Việt Nam xảy ra một thảm họa lớn như thế cả về số lượng người chết lẫn quy mô của vùng bị nạn, có lẽ chỉ thua cuộc chiến chống Mỹ 1954-1975 nhưng thời gian nạn đói 1944-1945 thì có 6-7 tháng. Hàng triệu người chết đói nay tuy thân xác đã tiêu tan mà vẫn còn để lại nỗi đau trong lòng con cháu, vì sao họ lại ngã xuống, vì sao không có sự bù đắp, vì sao không một tượng đài...

Đứa con lưu lạc

“Con đi theo bà này về nhà sẽ được cho ăn cơm”. Bố dỗ dành như vậy nhưng tôi cứ bám chặt lấy đùi ông: “Con không thích ăn cơm, con ở đây với thầy bu cơ”. Ông kiên quyết gỡ tay tôi ra, cầm lấy 2 hào người ta đưa rồi bà kia dắt tôi từ chợ Nhổn (Hà Nội) về nhà. Mẹ nuôi đầu tiên tên là Thịnh-một địa chủ. Vì quá bé nên tôi chỉ làm được mỗi việc quét sân nhưng ở một thời gian ngắn thì bị bệnh kiết lị. Sợ chết, mẹ đem tôi cho bà Miên-một địa chủ khác. Uống xong một ấm thuốc của cụ lang trong làng thì tôi khỏi hẳn.

Đã gần 75 năm trôi qua nhưng bà Nguyễn Thị Hòe chưa bao giờ nguôi ngoai ký ức của một ngày lon ton theo bố mẹ từ quê lên Hà Nội lánh đói.

Bà Hòe kể lại chuyện mình bị cho ngoài chợ Nhổn

Tôi biết bà qua bản thông báo tìm người thân mà nhà sử học Đặng Hùng đưa cho: “Tên tôi là Nguyễn Thị Hòe, sinh năm 1939, ở Vân Trì 4, Minh Khai, Từ Liêm, Hà Nội. Cần tìm gia đình thất lạc 1945. Quê quán không nhớ rõ, chỉ nhớ ở Thái Bình hoặc gần đó như Hải Phòng, Nam Định, Ninh Bình…nhà gần chợ Cầu, chợ Đồn (hoặc chợ Cồn) có bán rất nhiều mực tươi, rươi, trước nhà có cái ao to mọc nhiều củ ấu… Bố đẻ làm thợ mộc, mẹ đẻ bán trầu cau. Tôi có 2 người chị tên là Phú và Phí, có cậu em trai tên Tám. Lúc đó tôi tên là Hải. Ông Tuân hàng xóm có con gái là chị Xế. Năm 1945 cả gia đình chạy đói lên đến chợ Nhổn, Hà Nội được người ta xin nuôi rồi từ đó mất liên lạc…Mọi thông tin xin liên lạc với con trai tôi là Sáng, ĐT 0938739999…”.

Trong cửa hàng tạp hóa tại nhà, bà quệt nước mắt mà kể: “Gia đình tôi cũng chẳng phải là quá nghèo, có 4 gian nhà tranh nhưng năm đó chẳng hiểu sao lại đói. Thêm vào đó là khoản vay nặng lãi của một hàng xén trong làng. Lúc đầu, nhà tôi còn được ăn cháo nhưng sau gạo hết, phải chuyển sang ăn cám...Mấy hôm liền ăn cám như thế, một đêm mẹ gọi chúng tôi dậy, bảo đi.

3 em bé bị đói không có quần áo mặc năm đói (Ảnh: Võ An Ninh)

Mẹ bế đứa em trai tôi mới còn lẫm chẫm, hai chị thay phiên nhau gánh quần áo, chăn màn còn bố thì xách chàng, đục. Từ quê đi bộ lên Hà Nội bao nhiêu ngày tôi cũng chẳng nhớ nữa mà chỉ tiếc mãi đôi guốc màu đỏ mẹ mới mua cho, không dám dùng mà vẫn treo ở trên vách nhà vì vội nên đã bỏ quên…”.

Con trai út của bà, anh Vương Duy Sáng bảo đã 20 năm nay mình nhiều lần đi tìm, lúc đầu qua bạn bè, về sau vào cả các UBND xã hay vào làng gặp người cao tuổi để hỏi. Gần đây anh còn đăng trên facebook, in tờ rơi phát hay đến các đài phát thanh, truyền hình ở Thái Bình, Hải Phòng, Nam Định…thông báo mà vẫn chưa có kết quả.
 

Trở lại tâm đói

Địa chí Thái Bình trang 118 ghi: “Nạn đói xảy ra vào cuối năm 1944 khi vụ mùa gần như mất trắng. Dân Thái Bình rơi vào nạn đói kéo dài từ tháng 8, tháng 9 năm Giáp Thân (1944) sang đến những tháng đầu năm Ất Dậu (1945). Trong khi đáng lẽ phải cứu đói khẩn cấp thì chính quyền phát xít Nhật-Pháp ráo riết thực hiện chính sách thu mua thóc tạ thời chiến…Nhiều làng chết đói từ 50-80% dân số. Làng Sơn Thọ (nay là xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy) có 1.025 người thì chết đói mất 965 người, làng Thanh Nê (Kiến Xương) có 4.164 người, chết đói 1.854 người…

Người đàn ông bị chết đói mà mắt không thể nhắm được (Ảnh: Võ An Ninh)
Địa chí Thái Bình trang 118 viết: “Trước 1945 ở Thái Bình chỉ có 12% chủ sở hữu ruộng đất là đủ và thừa ăn còn 88% hộ nông dân thiếu ăn... Trong những năm mùa màng thu hoạch bình thường, bằng việc làm thuê, vay mượn lần hồi, những hộ nông dân ít ruộng còn có thể chật vật vượt qua được còn những năm bị mất mùa thì bị rơi vào tình trạng đói.”

Chỉ trong vòng 5 tháng, số người chết đói trong toàn tỉnh lên tới 28 vạn người (khoảng 25% dân số)…”. Xóm làng nay trù phú, nhà tầng, nhà gác khắp nơi. Cảnh no đủ đó khiến cho nhiều người không thể hình dung 75 năm trước xác đói nằm rũ ngoài đường như những tàu lá chuối khô, có người chết rồi mà mồm vẫn còn vương rơm rạ.

Ông Vũ Đức Cả ở thôn Sơn Thọ năm nay đã 87 tuổi nhưng vẫn bật khóc, nghẹn  không nói thành lời khi nhắc về nạn đói 75 năm trước, chỉ lặp đi, lặp lại: “Chết nhiều lắm, nhà tôi mất 5 người thân”.

Còn bà Phạm Thị Thoạn-106 tuổi cùng thôn thì kể về cái xóm Đầm chuyên nghề chài lưới chết rỗng làng, rỗng xóm, cụt nhiều chi họ.

Lúc bắt đầu đói, 1 giỏ cá 10-15 kg đổi được lưng bơ gạo nhưng về sau không ai chịu đổi cho nữa nên dân chài phải ăn cá trừ cơm. Hệ tiêu hóa vốn không quen với việc thiếu lương thực khiến cho bệnh đau bụng hoành hành. Đói lại thêm rét.

Dân hầu hết không có quần áo mà chỉ quấn manh chiếu hay cái áo tơi lá che thân. Không đủ sức để đi biển nhưng nhiều người vẫn cố lê chút hơi tàn ra bãi mò cua ốc, nhai sống rồi gục xuống.

Gia đình ông Nguyễn Văn Táng, Nguyễn Văn Chuyên… hàng xóm của bà Thoạn chết không còn sót một ai. Cả nhà cậu Cúc cũng chết còn mỗi mình ông lết đến xin một bữa ăn.

Bà bảo: “Nhà cháu chỉ có ít cơm độn khoai và hành luộc thôi”. Ông mừng rỡ: “Được thế thì còn gì bằng. Nếu tôi có thể qua được cơn này, nhà chị sống thì tôi Tết, chết thì tôi giỗ”. Sau bữa đó một thời gian ông cũng chết vì đói.

Bà Thoạn bảo chết đói rỗng cả làng

Một buổi sáng bà Thoạn gặp chị Muồn tha thẩn ở bờ ao. Chị vốn đi ở nhưng khi liệu chừng sắp hết gạo thì bị nhà chủ đuổi đi. Lúc bà ngỏ ý với bố mẹ chị muốn mua chị về làm con nuôi để lo cơm nước và trông 3 đứa con cho mình đi chợ thì họ đồng ý luôn mà không tính tiền. Bà bèn nấu một bữa cơm đãi cả nhà chị. Ăn xong, người bố dặn: “Nhà ta rồi cũng không thoát khỏi nạn đói đâu! Khi nào về mà không thấy ai thì con cứ ra bãi tha ma cồn Kiềm mà kiếm. Trước khi chết bố mẹ sẽ cố bò ra đó, chỗ có lắm hố người ta đã bốc mộ rồi lăn xuống. Tìm thấy con cứ việc lấp đất lên chứ sức con yếu như thế này không đào nổi huyệt đâu”. Chị Muồn khẽ “vâng”.

Bố mẹ và 5 anh em chị về sau chết hết. Chị tìm ra cồn như lời dặn nhưng người ta đã lấp đất mất nên không biết xác nằm ở đâu. Xóm Đầm hơn 100 hộ với khoảng 500 nhân khẩu chết cỡ 3/4. Chị may mắn sống về sau còn được mẹ nuôi gả chồng, thọ đến khi đầu bạc.
 

Bắp ngô trên mâm cỗ cúng

Trên mâm cơm giỗ nhà ông Nguyễn Gia Hoạt ở làng Sơn Thọ những ngày này dù nhiều bát, lắm đĩa cũng không thể thiếu một bắp ngô. Bắp ngô là ước ao cuối cùng của em trai ông dặn mẹ trước lúc bị chết đói. Khi bà cầm được bắp ngô từ chợ về thì con đã chết cứng tự lúc nào. Đó là ngày 24/3 âm lịch năm 1945. Bố cùng anh trai ông khiêng đi chôn. Sang đến ngày ¼ âm lịch, anh này đói quá nói với mẹ rằng muốn có một nắm cơm nhưng bà bất lực, đành nhìn con chết trong ngày. Lần này thì bố cùng với ông Hoạt khiêng đi chôn.

Ông Hoạt đang thắp hương cho 2 người anh em chết đói
Trong cuốn “Người nông dân châu thổ Bắc Kỳ” của học giả Pháp P. Gourou phân tích một gia đình nông dân ở Tiền Hải gồm 6 người cấy một mẫu công điền ruộng 2 vụ chỉ thu hoạch được 700 kg thóc/năm trong khi đó phải cần đến 1.400 kg thóc để ăn.

Bố là thầy tử vi nhưng lúc đó chẳng có ai xem nữa vì sống hôm nay chưa chắc đã đến ngày mai, bởi vậy cả nhà chỉ trông chờ vào tài buôn thúng bán mẹt của mẹ. Thỉnh thoảng bán được cái gì đó, bà lại mua một bơ cám về rang lên, lấy lá mít xúc cho mỗi người một lá.

Nhớ về thời kỳ này, ông Hoạt có mấy vần thơ rằng: “Hàn vi cay đắng ruột dầu. Nhớ năm Ất Dậu mà đau đớn lòng. Nhật đem đổ thóc biển Đông. Bắt dân nhổ lúa để trồng thay đay. Gông cùm cơ cực đắng cay. Dân bị chết đói hơn hai triệu người. Trẻ thơ không có tiếng cười. Xóm làng ảm đạm vắng người vào ra. Nhiều gia đình chết cả nhà. Bó manh chiếu rách thật là thảm thương…Trẻ thơ chưa nói thành lời. Nhoai vần xác mẹ bú hơi sữa tàn”.

Ông Phạm Huy Thung ở làng Các Đông gần Sơn Thọ kể năm đó mình đã 24 tuổi có vợ và 1 con. Ruộng đất ít lại chua mặn nên năng suất lúa chỉ khoảng 25 kg/sào. Cả làng không có một địa chủ, một viên gạch nung mà toàn ở nhà đất.

Khá giả nhất có mấy ông trùm (đứng đầu giáo họ) Hành, Cộng, Tho, Quang, cơm cũng phải độn ngô khoai nhưng con không ai chết đói.

Người đàn bà không có quần áo mặc (Ảnh: Võ An Ninh)

Thanh niên đi phu, đi lính gần hết nên ở lại chủ yếu người già, đàn bà và trẻ con. Dân đói hái cả lá dâu mà ăn nhưng Nhật vẫn trưng thu thóc về xay tại nhà ông ký Thưởng rồi chở ra cửa sông Diêm Điền đổ xuống biển.

Nhà các ông Sinh, Dược, Nhi, Kiện, Sính…7-8 người chết hầu như không còn ai. Tỷ lệ tử vong của xóm cỡ 60-70% trong đó dân công giáo chết nhiều hơn dân lương, nhất là giáo họ Tô. Nhà xứ Bích Du khi đó cũng tổ chức phát chẩn nhưng mấy ngày mới có 1 nồi 30 bát cháo, chỉ như muối bỏ bể.

Nhà thờ này năm xưa có hàng trăm người đói nằm chờ chết
Trên đường phố Phủ Lý, Hà Nam hai người con xin được tí cháo về đổ cho bố thì cháo chảy ngược vì hàm ông đã cứng lại (Ảnh: Võ An Ninh)

Khi chú Phạm Huy Tạ chết cùng 3 con, ông Thung và bố phải bỏ vào quang, gánh ra bãi. Do bố vợ là một phú nông nhờ trông ngô ngoài bãi nên gia đình ông mới được mấy bắp mỗi ngày. Một buổi ông bắt quả tang bá hộ Sờ (đã đổi tên, hào lý thời phong kiến) đang lấy trộm, ông này nằn nì: “Anh ơi cho tớ mấy bắp ngô”. Nhà bá hộ về sau chết chỉ còn sót 1 người con gái. Ông ký Nhờ em ông bá hộ đói quá chân không đi nổi nữa mà lồm cồm bò đến năn nỉ: “Trước khi chết xin anh  mấy bắp ngô”. Ông Thung lén bẻ mấy bắp đưa cho nhưng ông này về sau cũng chết đói. Nhiều người chết rục trong ổ rơm không ai biết đến khi thối quá hàng xóm không chôn nổi đành phải cho một mồi lửa đốt luôn cả nhà.

Thái Bình nên dựng tượng đài về nạn đói

Nhà sử học Đặng Hùng (ảnh) giải thích con số 280.000 nạn nhân chết đói của tỉnh Thái Bình có thể khiến cho một số người không tin vì quá lớn nhưng có lẽ đó chính là số lượng nhân khẩu hụt đi ở các làng, xã khi kiểm tra sau này thấy như thế.

Số lượng sở dĩ nhiều như thế có thể chết đói tại chỗ, có thể bỏ làng ra đi rồi chết đói dọc đường và cũng có thể có những người còn sống sót. Bà Nguyễn Thị Hòe ở Hà Nội mới đây vẫn về Thái Bình tìm người thân sau khi bị cho làm con nuôi năm 1945 là một trường hợp điển hình.

Nguyên nhân của nạn đói theo ông thì có nhiều, trước tiên là lũ lụt vỡ đê điều, mất mùa trắng cuối năm 1944 khiến dân không đủ ăn. Khi cấy tiếp vụ chiêm hi vọng đến giữa năm 1945 có cái bỏ vào miệng thì Nhật lại bắt nhổ lúa trồng đay. Rồi nạn trưng thu lương thực của Nhật, Pháp, với giá rẻ.

Tiếp đó là nạn dịch tả tràn lan và sau đói lại có tình trạng được mùa rồi chết vì no đã hợp thành một tai ương khủng khiếp kéo dài từ Quảng Trị ra đến miền Bắc. Chính sử của ta chép 2 triệu người chết đói còn các phía như Pháp, Nhật ghi chép ít hơn, từ vài trăm ngàn người đến triệu người. Lý do có những con số khác nhau phần vì công tác thống kê hồi đó còn sơ sài, phần bởi vì Pháp mà đặc biệt là Nhật không muốn ghi nhận tội ác chiến tranh của họ, không muốn phải đền bù cho nạn nhân của năm đói quá nhiều…

20 năm trước ngành văn hóa đã từng kiến nghị với UBND tỉnh Thái Bình về chuyện dựng tượng đài tưởng niệm nạn chết đói, tỉnh cũng đã bàn nhưng không thực hiện mà cũng không giải thích rõ nguyên nhân. Giờ chẳng ai nói gì đến nữa. Tất cả cũng chỉ như gió thổi mây bay. Nhưng theo tôi vẫn phải dựng tượng về hình ảnh người dân chết đói năm 1945 để thế hệ sau biết được một giai đoạn bi thương chết vì đói, vì mất mùa, vì giặc ngoại xâm gây ra…trong lịch sử của dân tộc.

Tượng đài nên đặt tại cột mốc km số 3 nơi cụ Võ An Ninh chụp bức ảnh nổi tiếng về nạn đói năm 1945 ở Thái Bình hoặc có thể dựng tại bảo tàng tỉnh hoặc trung tâm thành phố Thái Bình. Biểu tượng là hình chữ S cao cỡ 10m, phần từ Quảng Trị hất ra Bắc có những chấm thể hiện các tỉnh bị đói, từ đó chìa ra các mũi tên ghi số lượng người chết đói của từng tỉnh.

Phần từ Quảng Trị trở về Nam là bức phù điêu với phông nền là sóng nước xung quanh tượng trưng cho lũ lụt, vỡ đê, một bên là cảnh Nhật ép dân nhổ lúa trồng đay, một bên là cảnh Nhật trưng thu lương thực, cảnh người dân cầm bông lúa ăn rồi chết no. Ở giữa tạc cảnh người chết đói, có thể là đứa bé đang day vú mẹ đã chết, cảnh xe kéo xác chết, cảnh ngôi chợ la liệt xác chết, cảnh làng quê xơ xác tiêu điều người dân li hương để kiếm ăn…

Đón đọc Bài 2: Những chuyến xe chở xác ở chợ Xanh, Ninh Bình

Xem thêm
Khai trương cặp cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng

Sơn La Ngày 19/11, Cửa khẩu quốc tế Lóng Sập - Pa Háng được khai trương tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, kết nối giao thương Việt Nam và Lào.

Quảng Nam sẽ là trung tâm sản xuất, cung ứng giống sâm Ngọc Linh

Mục tiêu đến năm 2035, tỉnh Quảng Nam phấn đấu trồng 10.000ha sâm Ngọc Linh, phát triển sâm Ngọc Linh thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hậu Giang: Thi công cao tốc gây gián đoạn nguồn nước sản xuất nông nghiệp

UBND tỉnh Hậu Giang kiến nghị đẩy nhanh tiến độ lập hồ sơ liên quan đến nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, tránh người dân khiếu kiện tập trung, ảnh hưởng dự án.