I. Một thời u ám
Nắm gạo lẫn cùng máu tươi
Những xác người chết đói buộc bằng 3 sợi lạt rồi thả trôi sông năm ấy nhiều đến nỗi có người giải thích rằng tên cửa Ba Lạt-nơi con sông Hồng đổ vào biển Đông hình thành từ đó. Đoạn chảy qua xã Hồng Thuận (Giao Thủy, Nam Định) sông không thẳng mà uốn cong như cổ trâu tạo thành một vũng xoáy khiến cho nhiều xác tấp vào bờ. Dân làng vớt lên đem chôn cạnh miếu Bách Linh.
Em bé trai gày còm không có quần áo trong nạn đói (Ảnh: Võ An Ninh) |
Năm 1952 Pháp mở trận càn Bretagne huy động 21 tiểu đoàn thủy, bộ, không quân. Chúng dỡ miếu lấy gạch lót đường cho xe bánh xích càn vào đồng Thập Phiên lùng du kích. Hơn 20 năm sau, xí nghiệp gạch ngói huyện lại lấy một phần đất miếu để làm cơ sở sản xuất. Những nhát cuốc đầu tiên đào lên, lộ ra vô số xương cốt bó trong những manh chiếu, tuy đã mủn nhưng vẫn có thể nhìn rõ từng sợi ngang, sợi dọc in hằn.
Nhóm công nhân nữ 14 người của bà Vũ Thị Hằng khi đó có nhiệm vụ đào còn nhóm khác gồm 4 nam thì khiêng hài cốt đi. Suốt một tháng trời họ quy tập được gần 300 bộ. Đó chỉ là một phần nhỏ của khu mộ tập thể rất lớn xung quanh miếu. Đầu năm 2014, dân làng đồng lòng góp công, góp của dựng lại miếu Bách Linh mới trên cái nền cũ. Tôi về đúng dịp đó và gặp được những nhân chứng sống của một thời u ám.
Ngôi miếu Bách Linh mới được khôi phục |
Ông Phạm Công Báo-nguyên Chủ tịch Ủy ban kháng chiến xã kể, đến cuối năm 1944 thì dân quê đã đói vàng cả mắt. Đầu năm 1945 ông rủ ông Bùi Trang lên nhà bà cô ở tỉnh Yên Bái kiếm tí sắn về cầm cự.
Đến bến xe Nam Định, cả hai bỗng giật mình bởi một tiếng quát bằng thứ ngôn ngữ lạ. Tò mò nhìn lại thì thấy tên lính Nhật mắng xa xả mấy người đói rách đang vục tay vào lỗ thủng của một bao gạo trên chiếc xe kéo hắn áp tải. Quát mắng không lại, tên lính quay đầu súng, hướng lưỡi lê xiên thẳng vào bụng một người. Máu phun thành vòi, nhuốm đỏ vạt gạo trắng vãi trên đất. Người bị đâm giãy lên mấy cái rồi nằm bất động nhưng mấy kẻ khác vẫn xô vào tranh nhau bốc từng nhúm gạo lẫn máu, nhét mồm ăn.
Giới sử học Nhật Bản khi nghiên cứu về nạn đói 1944-1945 ở Việt Nam khá ngạc nhiên bởi quy mô và mức độ lớn như thế nhưng không thấy chuyện ăn thịt đồng loại như một số nạn đói ở các nước. Đây cũng là điều mà tôi ghi nhận từ các nhân chứng sống khi thực hiện loạt bài này. |
Chưa hết bàng hoàng, cả hai vào quán ăn trong bến xe Lương Thực cũ gọi hai nắm cơm thì bỗng có một người từ đâu nhào tới cướp ngay trên tay ông Báo rồi chạy. Vừa ra đến cửa thì một người khác đã đuổi kịp anh này, túm chặt áo. Núng thế, kẻ cướp liền nhét vội nắm cơm vào miệng, trệu trạo nhai rồi nuốt chửng. Không chịu thua, người kia vật luôn xuống, đạp thốc tháo vào bụng khiến kẻ cướp phải nôn ra. Người vừa bắt cướp liền bốc bãi nôn đưa luôn lên miệng…
Nhà chết 60 người vì đói
Ngày 20/3 Nhật về bắt hai tên quan Pháp ở đồn Quất Lâm và Ngô Đồng, chính thức hất cẳng người da trắng để trực tiếp cai quản. Chúng bắt dân đóng thóc lẫm nhiều hơn cộng với nạn mất mùa vì bệnh vàng lụi khiến cho cái đói được đẩy lên đến cực điểm.
Trang 70 của cuốn lịch sử đảng bộ huyện Giao Thủy chép: “…Đói đến nỗi củ chuối, rau má, quả sung, quả sú vẹt cũng không có ăn mà cầm hơi, rét không có manh áo ấm che thân, nhà cửa đồ đạc có cái gì kể cả long ngai, bài vị, bát hương thờ tổ tiên cũng đem đi bán mà vẫn không cứu vãn được. Nhiều người phải bỏ xới để đi tha phương cầu thực rồi cũng phải bỏ xác nơi đầu đường, xó chợ, chết không có người chôn.
Nhiều gia đình chết không sót một người nào, riêng Giao Lạc 720 người, Giao Thiện 560 người, Giao Long 500 người. Toàn huyện trên 17.000 người chết, nhiều nhất là Quất Lâm 2.194 trong đó có 53 hộ gồm 265 người chết hết cả nhà (gia đình ông Sen ở xóm Lâm Quý, ông bà, vợ chồng, con cháu, dâu rể 60 người chết, gia đình ông Lâm ở xóm Lễ Thọ 30 người chết…)
Người đàn bà khóc đứa con vừa lọt lòng đã bị chết trong nạn đói 1945 (Ảnh: Võ An Ninh) |
Làng lúc đó vắng bặt tiếng gà gáy, chó sủa, lợn kêu. Ngay cả tiếng người cũng hiếm vì không ai còn sức để mà nói. Những đám ma không người khóc than.
Chỉ có tiếng quạ kêu từ sáng đến tối trên nóc những nhà có người vừa chết.
Đại gia đình ông Vũ Ngôn hàng xóm với ông Báo có trên 20 khẩu vì có tới 7 con, người đã dựng vợ, gả chồng, kẻ vẫn còn đánh khăng, đánh đáo.
Vậy mà chết hết, sót lại mỗi người con nuôi tên Dần. Đại gia đình ông Vũ Ngự chết 14 người gồm vợ chồng ông cùng 3 con nhỏ, vợ chồng anh con trai lớn Vũ Bào cùng 2 con, vợ chồng người con rể cùng 3 con…
Nhà của một địa chủ còn sót lại ở xã Hồng Thuận |
Vợ của anh Bào là người tắt thở cuối cùng. Khi liệu sức mình không thể trụ lại được nữa, chị quấn một manh chiếu rách che thân rồi lồm cồm bò ra đồng Thập Phiên rồi nằm xuống chờ chết. Vậy nhưng tử thần chưa chịu tới. Mấy người bắt ốc đi qua chứng kiến thỉnh thoảng chị lập cập đứng lên rồi lại ngã xuống. Cứ đứng lên rồi lại ngã xuống như thế đến 3 hôm sau chị mới chết trong tư thế ngồi.
Hai người đàn bà chia nhau nắm cơm trong nạn đói 1945 (Ảnh: Võ An Ninh) |
>>75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 1 - Nơi chết đói nhiều nhất miền Bắc |
Làng Hà Cát khi đó mất chừng hơn 300 người, phần lớn là bần cố nông. Khắp các xóm xộc mùi thối khăn khẳn của tử thi bị bỏ quên. Đôi lúc người ta lại nghe thấy tiếng sủa của lũ chó hoang tranh nhau những mẩu thi thể chết đói hay tha lôi ruột của họ vắt từ bên này đường sang bên kia đường.
Bà Trần Thị Thanh năm đó đã 10 tuổi nên nhớ khá rõ: Sáng mẹ tôi cầm cái lá mít xúc cho mỗi người một nhúm cám rang, chiều lại chia cho một mẩu khoai lang luộc to bằng cỡ ngón chân cái.
Trước đó, bố tôi vốn cẩn thận đã trữ được một hũ thóc cỡ 10 kg đem chôn ngay tại vườn, vệ sinh ngay lên trên để đề phòng người lạ nhòm ngó. Từ cái hũ ấy, mẹ tôi mấy ngày lại lấy ra một ít thóc giã thành cám để cả nhà cầm cự.
Một buổi mẹ bà Thanh nghe thấy có tiếng trẻ khóc khào khào phát ra từ nhà ông Phạm Quyền, tìm sang thì thấy 7 cái xác người đang nằm xếp lớp, ruồi nhặng đen đặc.
Da bụng của bà Quyền đã thâm lại nhưng đứa con 2 tuổi vẫn còn bám chặt vào, mồm nó vẫn còn nhay bầu vú đã héo khô. Mẹ bà bèn bế đứa bé về nhà.
Bố bà trông thấy thế, thở dài sườn sượt vì lo cho đàn con 4 đứa còn chưa chắc đã qua khỏi nạn đói huống hồ con nhà người. Vậy nhưng, một lúc sau ông lại bảo vợ nhá rồi bón cho đứa bé một nhúm cám.
Nhờ mỗi sáng có một lá mít cám, mỗi chiều có một mẩu khoai lang mà cả nhà bà Thanh cùng người con nuôi mới nhặt đã thoát chết...
Bà Trần Thị Rụt khi đó cứ ám ảnh mãi cảnh tượng mẹ mình chết hôm 15 thì đến hôm 17 bố cũng chết nốt. Anh em bà vì thế phải lang thang khắp nơi, mót từng hạt cỏ lồng vực ngoài đồng về giã nhỏ ra để ăn thay cám.
Cả một ngày tìm cật lực cũng chỉ được chừng một nắm thế nhưng chính những hạt cỏ nhỏ bé lại cứu mạng họ khi tưởng như đã cầm chắc chết.
Bà Rụt mất cả cha lẫn mẹ chỉ trong 2 ngày |
Hoành Nhị hồi ấy là huyện lị của Giao Thủy, có cái sân vận động rất to. Năm đói, chẳng có hoạt động vui chơi nào ở đây mà toàn là người nghèo đến tá túc. Ngày họ túa đi các chợ quanh vùng kiếm lá bánh, bã mía, vỏ chuối…ăn cho đỡ cồn ruột. Đêm họ ngủ vòng tròn quanh những đống rấm đốt lên cho đỡ rét, đỡ muỗi. Suốt 6-7 tháng đói, quanh sân vận động người ta nhặt được 200-300 xác, phần lớn của dân ngụ cư, vô danh.
Sau lưng là cái đói, trước mặt là biển Đông, ở quê kiểu gì cũng chết nên nhiều người đánh liều tha hương. Giao Thủy tựa như một ốc đảo khi đó, chủ yếu thông thương với bên ngoài qua các bến tàu Bạch Thái Tòng lên Nam Định, bến đò bà Cai Dĩnh lên Hà Nam. Lúc này các bến cũng chật ních người đói, nhiều nhất là các xã Giao An, Giao Lạc, Giao Xuân, Giao Thiện… Họ đi vu vơ lên Hà Nam vì nghe đồn ở đó cần người gặt thuê nhưng chẳng ai mướn đành phải trở về. Cơn đói lại dày vò từng đường gân, thớ thịt, buộc họ phải đi tiếp. Lần này xa hơn, Hà Nội-nơi tụ tập của những đoàn người đói khắp miền Bắc kéo về, miền Trung kéo ra đồng thời cũng là nơi có những nấm mồ tập thể lớn nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại.
Sau khoảng 1 tuần nhịn đói, cơ thể sẽ tiêu hết chất béo vốn trữ năng lượng. Tiếp đó gan sẽ bị rối loạn, các độc tố sẽ tàn phá cơ thể từ bên trong. Đau đớn khiến cho người ta chỉ muốn tìm đến cái chết nhưng vẫn còn phải chịu đựng thêm 20-30 ngày nữa. Lịch sử Nam Định ghi nhận có 212.218 nạn nhân đói năm 1944-1945, có những người tuy chết mà không thể nhắm mắt được. |
Đón xem bài 4: Đói từ khắp nơi, đói về Hà Nội
DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG
II. Tai hại chết người lệnh cấm chở gạo từ Nam ra Bắc
Ông Phan Khánh, cán bộ hưu trí Bộ Thủy lợi, nhân chứng của nạn đói năm 1945 nhớ lại năm đói ở miền Trung…
Tôi muốn nói đến quê tôi, làng Yên Bài (nay là xã Sơn Ninh), huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh…Làng tôi chừng 200 nóc nhà, 800 nhân khẩu thì có gần 200 người chết đói. Ngay từ cuối năm Giáp Thân (1944), khi móng vuốt của giặc đói vừa giơ ra thì bộ máy cai trị đã làm ngơ. Người chết đói vào giữa tháng 2 đã nhiều như ngả rạ. Chính quyền vẫn bất động. Không có một sự kêu gọi cưu mang giúp đỡ nào, dù là chút ít. Còn bọn nhà giàu trong huyện, thóc chất đầy “lẫm” (kho).
Cánh hàng xáo làng tôi tới hỏi mua, chúng cười khẩy: “Thóc ta để nhìn cho sướng mắt. Ruộng vườn, nhà cửa, tiền bạc... ta đã nhiều, bán để làm gì?”. Cả huyện Hương Sơn, tôi chỉ thấy một vị quan lớn về hưu (Nguyễn Khắc Niêm, bố đẻ nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện) là có suất gạo nấu cháo phát chẩn cho dân làng. Tiếc rằng vị này không giàu nên sự cứu đói của ông chẳng thấm vào đâu. Còn đại đa số bọn giàu có, đắp chăn cho thóc “nằm ngủ”, thản nhiên nhìn dân chết đói.
Cảnh lầm than của năm đói (Ảnh: Võ An Ninh) |
Rõ ràng, để dân chết đói là một tội ác của Pháp, Nhật và bọn địa chủ. Chúng đổ lỗi cho thiên tai (hạn hán và lũ lụt). Theo tư liệu chúng tôi sưu tầm được, hạn hán ở Bắc Bộ và Trung Bộ xảy ra thường xuyên, nhưng thường là diện hẹp, thiệt hại không quá lớn. Tính từ năm 1930 đến năm 1944, chỉ có năm 1932 là Nghệ An bị hạn hán nặng, toàn tỉnh chết đói gần 500 người. Cũng tương tự, năm 1939, năm 1944 lại là năm được mùa. Sản lượng thóc tính bình quân đầu người là tính theo lý thuyết, thực tế còn thấp hơn nhiều.
Mặt khác, thóc còn dành làm giống và phần lớn tập trung trong tay người giàu. Về lý thuyết cũng như thực tế, nếu toàn bộ ruộng đất Bắc Bộ và Trung Bộ được huy động để trồng lúa, cho dù có được mùa, nếu nơi nào tiêu thụ nơi ấy thì Bắc Bộ sống cầm chừng, Trung Bộ có nguy cơ chết đói.
Từ năm 1942, ở Bắc Bộ, gần 1/2 diện tích ruộng Pháp và ruộng Nhật bắt phải trồng đay. Trung Bộ, tôi chỉ biết ở Nghệ Tĩnh chúng cũng bắt bỏ lúa trồng lạc. Đay và lạc (đậu phộng) đều do chúng thu mua. Như vậy sản lượng theo đầu người đã giảm đi một nửa. Ngoài ra, chúng còn từng mua thóc bắt buộc tính theo diện tích ở cả Bắc Bộ và Trung Bộ. Trong tình thế đó, lệnh cấm chở gạo từ Nam ra Bắc qua đèo Hải Vân chính là lệnh cấm tai hại.
Hơn 70 năm đã qua, có người thử hỏi, giá gạo Bắc - Nam chênh nhau hàng trăm lần, như vậy cấm thế nào được buôn lậu khi mà giao thông thủy bộ đều thông suốt. Xin thưa, không ai dám liều với thanh gươm của giặc Nhật lúc đó. Chỉ 10 kg gạo có thể nhận một nhát chém từ vai xuống, không cần xét xử.
“Lúa chiêm năm Ất Dậu (1945) rất tốt. Người ta nói là nhờ hơi người chết. Nhưng có lẽ vì sạch bách chuột bọ, côn trùng. Chỉ phải cái thu hoạch quá muộn. Đầu tháng 4 âm lịch, thấy lúa chiêm đã ngậm sữa, một số người quá đói bò ra ruộng, bóc đòng lúa ăn ngấu nghiến. Có người gục chết tại ruộng. Ít lâu sau, lúa đặc sữa, các nhà khá giả cũng không đợi được, gặt về, đập xong phải luộc cho lúa đặc lại rồi mới phơi hoặc rang để thổi cơm. Đói quá, có cơm một số người ăn no, cũng lăn ra chết”. |
KHẢI MÔNG