| Hotline: 0983.970.780

75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 4 - Đói từ khắp nơi, đói về Hà Nội

Thứ Năm 11/04/2019 , 06:35 (GMT+7)

“Trong bài giảng đại học, tôi dạy về nạn đói Việt Nam. Mong muốn nhiều người Nhật biết sự kiện này và muốn đóng góp hòa bình thế giới”. Ito Masako-giảng viên Đại học Kyoto Nhật đã ghi như thế trong cuốn sổ lưu niệm tại khu mộ tập thể vạn người chết đói ở Kim Ngưu, Hà Nội…

I. Khu mộ tập thể vạn người chết đói ở Kim Ngưu, Hà Nội

Thứ khiến cho nhiều người Nhật phải cúi đầu

Tấp nập của phố phường khiến cho ít người để ý đến trong cái ngõ nhỏ sâu hun hút 559/86/17 đường Kim Ngưu, Hà Nội có một cánh cổng dẫn vào khu mộ chứa hàng vạn bộ hài cốt năm đói. Tôi chầm chậm lật giở hai cuốn sổ lưu niệm ở đây. Cuốn thứ nhất ghi từ ngày 18/4/2006 có 36 trang thì 5 trang có người Việt viết còn lại toàn là người Nhật. Cuốn thứ hai đến thời điểm này có 19 trang thì 2 trang có người Việt còn lại cũng toàn là người Nhật.

Ông Đặng Văn Tuyến - bảo vệ khu còn đưa cho tôi xem cuốn sách bằng tiếng Nhật có tên “Một phần của lịch sử Mỹ - chiến tranh Việt Nam” của Shirai Yoko viết sau khi đến thăm nơi này.

Khu mộ tập thể ở Kim Ngưu

Ở trang 11, 12 có ghi rõ từ năm 1944 đến 1945 tại Bắc Bộ do lũ lụt và chính sách cưỡng chế cung cấp lương thực của quân Nhật khiến 2 triệu người chết đói nên xảy ra sự kiện Việt Minh kêu gọi phá kho thóc cứu đói.

Tại sao những người Nhật lại quan tâm nhiều đến nơi này như vậy? Làm bảo vệ ở đây từ 2005 ông Tuyến vẫn nhớ rõ vẻ mặt đanh lại, u buồn và hối lỗi của những đoàn khách Nhật đến đều đặn hàng năm. Có người còn khóc rồi bảo rằng ngày xưa bố mình cũng tham chiến ở Việt Nam: “Bản thân chúng tôi không gây ra tai họa này nhưng nước tôi đã gây nên. Hôm nay chúng tôi đến đây để thắp hương xin lỗi các vong hồn của nạn đói ngày xưa”.

Có đoàn sau khi thắp hương xong còn đòi vào thăm nhà riêng khiến cho ông phải báo cáo công an phường rồi mới dám dẫn về. “Tại sao ông lại nhận trông khu mộ này?”. Họ hỏi. Ông thực thà trả lời: “Thảm họa này do nước các ông gây nên. Chúng tôi, thế hệ hậu sinh muốn thắp nén tâm nhang cầu cho những vong hồn được siêu thoát”. Đoàn khách bỗng đầu cúi xuống, mắt đỏ hoe. Chưa bao giờ quá khứ và hiện tại lại gần nhau đến thế!

Ông Tuyến bên khu mộ


Thảm cảnh tại thủ đô

Hà Nội của 75 năm trước tuy không phải là nơi nạn đói hoành hành dữ dội nhưng lại là thỏi nam châm khổng lồ hút người đói từ khắp nơi đổ về. Trong bài thơ “Đói”, thi sĩ Bàng Bá Lân đã tả: “Đói từ Bắc Giang đói về Hà Nội / Đói ở Thái Bình đói tới Gia Lâm / Khắp đường xa những xác đói rên nằm / Trong nắng lửa, trong bụi lầm co quắp / Giữa đống giẻ chỉ còn đôi hố mắt / Đọng chút hồn sắp tắt của thây ma / Những cánh tay gầy quờ quạng khua khoa / Như muốn bắt những gì vô ảnh…”.

Vận chuyển hài cốt về mộ tập thể (Ảnh tư liệu)
“Lại thêm người đói các nơi ùn tới. Trong đầu chợ, nhan nhản người đem bán trẻ con. Ở làng tôi, người quảy trẻ con sang bán ở các chợ bên kia sông Hồng. Có người chuyên đi buôn trẻ con, như thời thường mua bán gà lợn. Nhưng đâu bây giờ cũng hết cái ăn, ai còn mua trẻ con làm gì. Bắt đi lắm khi lại dắt về. Khốn khổ” - Tô Hoài, "Chuyện cũ Hà Nội".

Còn trong bức thư tháng 4/1945, tác giả Vespi viết: “Họ đi thành rặng dài bất tuyệt gồm cả gia đình, già lão có, trẻ con có, đàn ông có, đàn bà có, người nào người nấy rúm người dưới sự nghèo khổ, toàn thân lõa lồ, gầy guộc, giơ xương ra và run rẩy.

Ngay cả đến những thiếu nữ tuổi dậy thì, đáng lẽ hết sức e thẹn cũng thế. Thỉnh thoảng họ dừng lại để vuốt mắt cho một người trong bọn họ đã ngã và không bao giờ dậy được nữa, hay để lột miếng giẻ rách không biết gọi là gì cho đúng hãy còn che thân người đó”.

Dân Hà Nội hồi đó phải mua gạo bằng thẻ do chính quyền cấp, dù không đủ no cũng ít khi chết đói.

Ví như làng Vân Trì ở Từ Liêm nơi bà Nguyễn Thị Hòe (nhân vật trong bài đầu) lưu lạc từ Thái Bình đến chỉ chết 3 người.

Nhưng số phận của những kẻ ngụ cư lại khác. Họ lang thang khắp phố phường rồi ngã gục dần vì đói.

Những ai còn đủ sức thì tụ tập thành từng đoàn thất thểu về Trại tế bần Giáp Bát hay Viện tế bần ở phố Sinh Từ.

Báo Bình Minh số 21, ngày 12/4/1945 viết: “Chúng tôi đã chọn trong những hành khất 200 người làm phu xuống sửa sang trại Giáp Bát.

Sáng thứ hai 9/4/1945 chúng tôi cho 2.000 ăn mày xuống đó xong chúng tôi sẽ cho dùng xe bò chở xuống trại tất cả những người ốm đau. Như thế thành phố sẽ nhẹ hẳn đi được một gánh thương tâm và nguy hiểm…Cả thành phố chúng ta bây giờ phải cố vào công việc này để cứu lấy đồng bào và tự cứu mình… Mỗi ngày số cơm thu được ước hai tấn”.

Báo Tin Mới, số 1609 ngày 29/4/1945 viết: “…Trại lập trên một đám đất rộng 25 mẫu. Trong trại 32 gian nhà, xếp đặt thành từng khu, thứ tự và ngăn nắp. Đây là nơi ngày trước dùng làm chỗ ở cho những vợ con binh lính trường bay Bạch Mai. Bây giờ, Tổng hội Cứu tế tổ chức thành trại thứ nhất chứa những đồng bào sống dở chết dở trên các bờ hè thành phố hà Nội… Tôi nhìn lên tấm bảng đen treo trước của Tổng bộ.

Quy tập xương (Ảnh tư liệu)
“Khi đi nhặt xác, gặp ai ngắc ngoải, bọn này cũng lôi đi chôn, vì nếu có để lại thì rồi cũng đến chết nốt. Lúc bị vùi xuống hố, những người ấy còn chắp tay van lạy nhưng bọn người đi chôn cũng cứ lấp đất đi vì không chôn được người thì không được trả công” - Tô Hoài, "Chuyện cũ Hà Nội", trích lại những dòng tin về nạn đói của phóng viên tờ Tin Mới bị kiểm duyệt của Nhật cắt bỏ nhưng thợ in đã lén tuồn ra ngoài.

Tôi đọc: Ngày 26/4/1945, Buổi sáng số người còn lại 3.036, số người chết 16; Buổi chiều số người còn lại 3.020, số người chết 18, số người vào 2.000, số người còn lại 5.002”.

Báo Bình Minh số 36 ngày 2/5/1945 còn thông báo về việc tìm xác chết tại Hà Nội như sau: “Bà con trong thành phố thấy có xác chết ở chỗ nào xin báo ngay cho hội Hợp Thiện... Hội đã nhận được của cụ Thụy Thành cho 100 đôi chiếu và 300 thừng, các bà Hòa Tướng 100 đôi chiếu và 300 thừng, Đức Sinh 100 đôi chiếu và 300 thừng, Hội Ái hữu Đốc lý 300 đôi chiếu, ông Hồ Công Sĩ một lô bao cói. Hội cần nhiều chiếu, thừng và vôi bột để dùng vào việc chôn người chết đường. Các nhà từ thiện có lòng giúp đỡ xin cứ gửi”.

Thành phố ngày ấy có hàng trăm nấm mồ tập thể mọc lên khắp nơi mà lớn nhất là nghĩa trang Hợp Thiện (Kim Ngưu) và Phúc Thiện (nằm trong công viên Thủ Lệ). Giờ chỉ Hợp Thiện là còn dấu tích.
 

Nhà cửa xây trên những cốt người

Khu tưởng niệm được lập nên năm 1951 trong nghĩa trang Hợp Thiện cũ do chính người dân Thủ đô tự bảo nhau mang xe bò đi quy tập hàng vạn hài cốt từ nhiều nấm mồ tập thể, cá nhân nằm rải rác khắp phố. Lễ khánh thành còn có sự chứng kiến của người Pháp. Thế rồi, ngôi mộ tập thể ấy bị lãng quên mấy chục năm ròng. Gần đây, cơn lốc đô thị hóa khiến cho người sống phải giành đất với người chết, diện tích khu bị co hẹp, bỏ hoang tàn.

Nhờ đề tài “Cải tạo không gian tưởng niệm đồng bào chết vì nạn đói 1944 - 1945” của 3 sinh viên của Trường đại học Kiến trúc Hà Nội năm 2001 mà đến năm 2003, Hà Nội đã đầu tư xây dựng lại.

Phân loại xương (Ảnh tư liệu)

Đến năm 2013 khu lại được tôn tạo lần cuối nhưng vẫn rất nhỏ bé với diện tích 158m2, đơn sơ chẳng có gì nhiều và bị nhà dân xây bọc kín…Bức tường có đắp dòng chữ “Nơi an giấc ngàn năm của đồng bào chết vì oanh tạc và nạn đói 1944 - 1945” từ năm 1951 được giữ nguyên còn khu bể mộ chứa hài cốt được ốp đá, bịt bớt các lỗ thông âm dương để không thể nhìn thấy xương cốt bên trong nữa.

Ông Tuyến vốn là tổ trưởng dân phố. Lúc bấy giờ, do người trông mộ không được đảm bảo nên ông mới báo cáo lên phường tìm người thay thế mà mãi chẳng có ai, đành nhận chỉ định coi luôn từ đó.

Mức hỗ trợ ban đầu 500.000 đồng/tháng, sau nâng lên 1.000.000 đồng/tháng và giờ là 1.500.000 đồng/tháng. Khu mộ khá vắng vẻ, thoảng mới có người qua bỏ vài đồng bạc lẻ vào hòm công đức để mua dầu đèn, hương oản.

Ngày hai lần sáng và chiều ông Tuyến quét dọn, thắp hương đủ 3 ban thờ vong, thờ thần, thờ Phật và tiếp khách. Ngay cả hôm 30 Tết cũng thế.

Chia gạo cứu đói (Ảnh tư liệu)

Ông kể, cứ sau mỗi lần báo đài nhắc về khu mộ là thường có những người già nhờ con cháu chở đến, thắp hương rồi bảo: “Suốt cả đêm qua tôi không ngủ được, giờ tôi giờ mới biết ở Hà Nội lại có nơi tưởng niệm này”.

Lại có những người nhờ nhà ngoại cảm chỉ mà cứ đinh ninh rằng người thân của mình chết năm đói năm xưa được quy tập về đây nên xin di cốt đi khiến cho ông phải giải thích mãi.

Nhiều người đến thăm cứ trăn trở chuyện tại sao lại không đặt một tượng đài ở đây để tưởng niệm cho thảm họa của cả dân tộc?

Ông Tuyến bảo: “Ngay cả cái nhà thắp hương này trước cũng là giải tỏa của một hộ dân mới có. Muốn dựng tượng đài phải có ít nhất từ 500m2 trở lên, phải giải tỏa tiếp.

Trước khi tôn tạo, cũng có họp mấy lần, có đề nghị phải mở rộng diện tích, xây dựng tượng đài nhưng rồi lại chẳng thấy đâu”.

Khánh thành khu mộ năm 1951 (Ảnh tư liệu)

>>75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 3 - Một đại gia đình chết đói 60 người ở Nam Định

>>75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 2 - Những chuyến xe chở xác ở chợ Xanh, Ninh Bình

>>75 năm cần một tượng đài cho triệu người chết đói: Bài 1 - Nơi chết đói nhiều nhất miền Bắc

Đón đọc bài cuối: Tranh luận về số người chết và nguyên nhân nạn đói

DƯƠNG ĐÌNH TƯỜNG

 

II. Quần nhau với "giặc đói"

“Cách mạng đã thắng nạn đói” là báo cáo bằng tiếng Pháp của ông Hoàng Văn Đức - Giám đốc Nha Nông chính Bắc Bộ (Bộ Canh nông) được cơ quan thông tin nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát hành tại Paris tháng 5/1946. Báo Nông nghiệp Việt Nam sử dụng nguyên văn bản dịch tiếng Việt do chính tác giả thực hiện.
 

Tình cảnh bế tắc

Đói ăn là bệnh đặc hữu ở miền Bắc Việt Nam (Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ). Vậy mà chính quyền bảo hộ Pháp chẳng mảy may quan tâm đến. Năm 1943 - 1944: Chế độ thu thóc khét tiếng hoạt động ráo riết. Trên lưng một dân số bị nạn đói đe dọa nặng nề hơn bao giờ hết, người ta lấy đi mất 192.000 tấn thóc năm 1943 và 185.000 tấn thóc năm 1944. Tháng 10 và 11 năm 1944, bão và mưa muộn kéo dài bất thường gây thiệt hại lớn cho vụ lúa mùa. Vụ lúa tháng 10 bình thường thu hoạch 1.088.771 tấn thóc (sản lượng bình quân tính từ năm 1938 đến năm 1943), tháng 11 năm 1944 chỉ gặt được 1.000.000 tấn thóc, thất thu mất 88.711 tấn. Thêm vào đó, 185.000 tấn thóc chính quyền Pháp thu của dân để nuôi quân đội Pháp và quân đội Nhật, ta có tổng số thiếu hụt lên tới 273.711 tấn.

Những cây ưu tiên (đay, thầu dầu) mà họ dùng vũ khí buộc nông dân phải trồng, chiếm đất của các cây hoa màu lương thực, những vụ oanh tạc của máy bay gây xáo trộn khó khăn cho việc tiếp tế lương thực, bộ máy thu thóc hoạt động ráo riết gây nên tệ tham nhũng và bán đầu cơ. Và cuối cùng, việc tích trữ lương thực làm bế tắc luồng lưu thông thóc gạo. Tất cả những sự kiện đó cộng vào một chế độ đàn áp dã man, làm bùng nổ một thảm họa lớn nhất mà một dân tộc phải trải qua. Thiếu ăn cực độ đi đến chết đói.

Người đàn bà đang ngồi ăn con chuột sống để chống đói (Ảnh: Võ An Ninh)

Từ ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp, trực tiếp nắm quyền điều hành tại Việt Nam. Chế độ thu thóc tiếp tục hoạt động. Tình thế đã căng thẳng lại nguy ngập thêm. Đến tháng 5/1945, vào lúc lúa chiêm được thu hoạch - bình thường, vụ lúa chiêm thu hoạch được 700.000 tấn thóc - dự trữ lương thực nhiều nhất chỉ đạt 700.000 tấn thóc chiêm + 92.600 tấn hoa màu lương thực quy ra thóc, tổng công 792.600 tấn lương thực quy thành thóc, do đấy người dân chỉ có một khẩu phần 16,5kg thóc, tức 11kg gạo/người/tháng. 

Phải trông vào dự trữ đó để qua một thời kỳ chuyển tiếp dài 6 tháng, từ lúc thu hoạch vụ lúa chiêm đến vụ thu hoạch lúa mùa vào tháng 11. Tám triệu người ăn đói từ tháng giêng, đáng lẽ cần có một khẩu phần trên 26,5kg thóc/người/tháng, nhưng chỉ có ăn 16,5kg thóc tức 11kg gạo/người/tháng. Tình trạng thiếu ăn đã tới cao điểm. Ta đứng trước một trạng thái thăng bằng bấp bênh đến mức chỉ một biến cố nhỏ cũng gây tai họa lớn.
 

Thiên tai, địch họa

Cùng với những chính sách của chính quyền bảo hộ, những biến cố thiên nhiên dồn dập tới cực kỳ nhanh. Tháng 8/1945 xảy ra trận lụt lịch sử. Mức nước ở Hà Nội đạt đỉnh lũ là 12,68 mét. Trước đó, mực nước lớn nhất đo được là 12,30 mét. Nước ngập phần lớn miền đông đồng bằng Bắc Bộ, ngập cả đến vùng đất cao miền trung du (Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang, Phúc Yên). Trong tổng số 830.000 ha lúa mùa, 350.000 ha mục sâu dưới nước. Thiệt hại ước tính trên 300.000 tấn thóc. Một phần lớn dự trữ lương thực bị mất và phải 3 tháng nữa lúa mùa mới được thu hoạch.

Chưa hết, từ ngày 15/9 đến ngày 15/12 không có một giọt nước mưa. Những đồng lúa mùa ở chân ruộng cao thoát không bị ngập trong vụ lụt vừa qua nay lại bị hạn. Mùa màng còn lại sau vụ lụt lại bị mất đi 50%. Cuối cùng, đến vụ thu hoạch lúa mùa (tháng 11/1945). Trung bình hàng năm lúa mùa thu hoạch được 1.088.000 tấn thóc, nông dân chỉ gặt được 500.000 tấn thóc. Đó là vụ mất mùa lớn nhất từ trước đến nay. Cũng trong lúc này, ở Bắc Trung Bộ tình hình lương thực đột nhiên trở nên nguy ngập: Một trận lụt bất thường ngập lúa trên đồng gây thiệt hại 100.000 tấn thóc ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Tám triệu người lâm trong cảnh thiếu thốn vật chất quá nghiêm trọng, đặc biệt là thiếu ăn…đã làm chết 2 triệu nông dân.
 

Nhà nhà tăng gia

Để đẩy lùi nạn đói, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã làm mọi biện pháp. Trong đó, ngày 19/11/1945, Bộ Canh nông mới thành lập được 4 ngày đã thiết lập Ban Tăng gia sản xuất Trung ương với chức năng vận động tăng gia sản xuất và hướng dẫn kỹ thuật. 

Ngay sau khi được thành lập, Ban Tăng gia sản xuất Trung ương đã xuất bản tuần báo “Tấc Đất” (tiền thân của báo Nông nghiệp Việt Nam ngày nay) do Kỹ sư Canh nông Hoàng Văn Đức làm Chủ nhiệm kiêm Chủ bút, là cơ quan vận động sản xuất, hướng dẫn kỹ thuật. 50.000 số báo đã được gửi đến các Ban Canh nông tỉnh, huyện, xã, phát không ở khắp các địa phương từ vĩ tuyến 16 trở ra.

Báo Tấc Đất 1945

"Phép lạ" đã thành

Ngay từ tháng 1/1946, khi vụ ngô khoai thứ nhất kết thúc được mùa, cảm tưởng chung là “phép lạ” đã thành, sẽ không có nạn đói. Tuy vậy, Chính phủ và các chuyên gia dụng ý không công bố kết quả mong chờ, phải duy trì đà tiến công đã có, đề nghị nhân dân gieo trồng nữa, sản xuất nhiều hơn nữa.

KHẢI MÔNG

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.