| Hotline: 0983.970.780

87.000 ha rừng có nguy cơ cháy cao trong mùa nắng nóng

Thứ Hai 19/07/2021 , 10:44 (GMT+7)

Bình Định Trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng, rừng phòng hộ ở Bình Định bị chết khô, bên cạnh đó còn có gần 87.000ha rừng trồng đang đứng trước nguy cơ cháy…

TỉnhBình Định, đang nắng nóng gay gắt  trên diện rộng. Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia và Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Bình Định, trong thời gian tới, thời tiết ngày càng diễn biến phức tạp. Bình Định sẽ tiếp tục đối mặt với nhiệt độ thường xuyên ở mức cao, nắng nóng và hạn hán có xu hướng kéo dài, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV (cấp nguy hiểm) và cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm), dẫn đến nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cao.

Trước nắng nóng khắc nghiệt, trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn bị chết khô. Nguyên nhân do trong thời gian qua trên địa bàn vắng mưa, nắng nóng kéo dài dẫn tới nhiều diện tích rừng bị thiếu nước.

Ngoài ra, người dân ngày càng mở rộng diện tích rừng trồng, nên những cánh rừng non bị chết trong mùa khô hạn là không thể tránh khỏi. Tình trạng rừng chết khô không chỉ gây thiệt hại cho người dân, mà còn dẫn tới nguy cơ cháy rừng là rất cao. Bởi, những cánh rừng chết khô sẽ là mồi lửa bất cứ lúc nào nếu gặp phải sự bất cẩn của người dân, hệ lụy là sẽ gây cháy lan diện rộng sang những cánh rừng bên cạnh.

Trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn (Bình Định) bị chết khô do nắng nóng kéo dài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Trong thời gian gần đây, nhiều diện tích rừng trồng và rừng phòng hộ ở các huyện Tây Sơn, Vĩnh Thạnh và TX An Nhơn (Bình Định) bị chết khô do nắng nóng kéo dài. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Chi cục Kiểm lâm Bình Định cho biết, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh này đã xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng tại TX Hoài Nhơn và huyện Phù Cát, diện tích rừng bị thiệt hại là 2,03 ha. Nguyên nhân các vụ cháy rừng chủ yếu là do người dân bất cẩn trong việc sử dụng lửa như: Đốt ong, đốt nương, xử lý thực bì sau khai thác, đốt nhang, đốt vàng mã.

Với thời tiết nắng nóng kéo dài, ngành chức năng địa phương xác định trên địa bàn có nhiều vùng trọng điểm nguy cơ cháy rừng cao với diện tích gần 87.000ha, chủ yếu là rừng trồng.

Dự báo trước nguy cơ cháy rừng cao trong bối cảnh nắng nóng kéo dài, ngay từ đầu năm, Sở NN-PTNT Bình Định đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) năm 2021. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm cùng các địa phương, chủ rừng đã sớm triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR.

Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ, đơn vị được giao quản lý hơn 12.000 ha rừng đầu nguồn và rừng phi lao ven biển, đã sớm kiện toàn ban chỉ huy PCCCR và 57 tổ, nhóm cộng đồng dân cư được khoán bảo vệ rừng, nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCCCR. Đơn vị này thường xuyên tuần tra bảo vệ rừng, nhất là rừng phi lao ven biển. Bởi, nếu rừng phi lao mà cháy là lửa lan rất nhanh, bởi cây phi lao lá nhỏ, cành dày chẳng khác gì những mồi lửa trong đám cháy.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng tại TX Hoài Nhơn và huyện Phù Cát. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Bình Định đã xảy ra 2 vụ cháy rừng trồng tại TX Hoài Nhơn và huyện Phù Cát. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Nhiều địa phương khác trong tỉnh cũng đang tập trung triển khai công tác PCCCR. UBND thị xã Hoài Nhơn chỉ đạo Hạt Kiểm lâm phối hợp UBND các xã, phường, các chủ rừng trên địa bàn duy trì lực lượng tuần tra, kiểm soát các vùng rừng có nguy cơ cháy rừng cao, nhằm kịp thời ngăn chặn những hành vi có thể dẫn tới cháy rừng và xử lý các hành vi vi phạm. 

Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định, công tác PCCCR trên địa bàn đã được tăng cường đáng kể, ban chỉ huy PCCCR cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động có hiệu quả. Vai trò của chủ rừng bước đầu được nâng cao trong việc quản lý rừng. Ý thức của cộng đồng về PCCCR cũng đã có chuyển biến tích cực. “Kinh nghiệm chỉ đạo, điều hành và kiểm tra, kiểm soát cháy rừng của chính quyền các cấp và lực lượng chữa cháy rừng từng bước được cải thiện. Phương châm 4 tại chỗ trong chữa cháy rừng đã được quán triệt và phát huy hiệu quả. Các vụ cháy rừng đều được phát hiện sớm và tổ chức chữa cháy nhanh chóng, hạn chế thiệt hại tài nguyên rừng”, ông Phúc chia sẻ.

Bình Định hiện đang có gần 87.000ha rừng trồng và rừng phòng hộ có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Bình Định hiện đang có gần 87.000ha rừng trồng và rừng phòng hộ có nguy cơ cháy cao. Ảnh: Vũ Đình Thung.

Tuy nhiên, công tác PCCCR ở Bình Định vẫn còn nhiều mối lo. Hiện nay, vùng trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng có tới gần 87.000ha. Thế nhưng với lực lượng chuyên trách mà Bình Định hiện có thì không đủ khả năng để kiểm soát cháy rừng với diện tích nói trên. Riêng ngành kiểm lâm được giao nhiệm vụ nòng cốt trong công tác PCCCR, nhưng lực lượng này rất mỏng và phân tán. Thêm vào đó, hiện nay trên địa bàn Bình Định các công trình PCCCR có rất ít, chủ yếu là dựa vào các đường mòn, sông suối, chưa xây dựng được các công trình PCCCR như đường băng cản lửa, hồ chứa nước phục vụ chữa cháy đúng và các công trình PCCCR khác theo đúng quy định của pháp luật.

“Các phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCCR trên địa bàn còn rất thiếu, chưa thể đáp ứng với yêu cầu thực tế. Hiện các máy thổi gió, máy bơm nước đeo vai, máy cưa xăng, rựa, vỉ dập lửa, can đựng nước... những thiệt bị thô sơ nói trên được trang bị cách đây hàng chục năm, hiện đã hư hỏng và xuống cấp, số lượng không đủ đáp ứng nhu cầu cho lực lượng tham gia chữa cháy rừng. Do đó, khi cháy rừng xảy ra diện rộng và diễn biến phức tạp thì rất khó khăn trong việc khống chế đám cháy”, ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định.

Xem thêm
Siết chặt quản lý gây nuôi động vật rừng, hoang dã

Sóc Trăng Việc kiểm tra định kỳ và đột xuất tại các cơ sở gây nuôi động vật rừng, hoang dã góp phần nâng cao ý thức tuân thủ quy định pháp luật cho các hộ nuôi.

Du khách người Pháp chụp được hình mang Trường Sơn trên đỉnh Bạch Mã

THỪA THIÊN - HUẾ Những du khách người nước ngoài trong khi tham quan Vườn quốc gia Bạch Mã đã tình cờ gặp 2 cá thể mang Trường Sơn quý hiếm và đã ghi hình lại.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.

Bình luận mới nhất