Giá đỗ nhiễm độc
Giá phát triển nhanh hơn và có màu trắng sáng nhờ các chất bảo quản natri nitrit, ure, kháng sinh và hormone thực vật |
Tháng 4/2011, cảnh sát ở thành phố phía đông bắc Thẩm Dương tịch thu 40 tấn giá đỗ có chứa chất bảo quản natri nitrit, ure, kháng sinh và hormone thực vật gọi là 6-benzyladenine. Các hóa chất này được dùng để kích thích giá phát triển nhanh hơn và có màu trắng sáng. 12 người bi bắt giữ trong vụ việc.
Đậu cô ve “dài cả mét” nhiễm thuốc trừ sâu
Hơn 3,5 tấn đậu cô ve “dài cả mét” nhiễm thuốc trừ sâu isocarbophos đã bị tiêu hủy sau khi được bán ở thành phố miền trung Vũ Hán vào tháng 3/2010. Số đậu này có nguồn gốc ở thành phố phía nam Tam Á và giới chức nông nghiệp thành phố này bị cáo buộc cố tình che giấu vụ việc.
Sữa nhiễm da
Tháng 2/2011, những thông tin về một bê bối sữa bẩn nổi lên ở Trung Quốc, đó là sữa nhiễm protein được thủy phân từ thuộc da. Giống như melamine, hóa chất này được cho là làm tăng hàm lượng protein trong sữa. Vụ việc khiến giới Trung Quốc đình chỉ một nửa số nhà máy sữa để thanh tra ngành công nghiệp này.
Há cảo "nhôm"
Sau thông tin phần lớn lúa của Trung Quốc nhiễm kim loại nặng, giới chức y tế thành phố Thâm Quyến đã xét nghiệm gần 700 mẫu thực phẩm được làm từ bột, trong đó bánh bao và há cảo. Gần ⅓ số này được xác định chứa lượng nhôm vượt tiêu chuẩn cho phép. Nguyên nhân được cho là do lạm dụng bột nở chứa kim loại.
Thịt lợn phát sáng
Thịt lợn phát sáng trong bóng tối |
Tháng 3/2011, các thông tin và hình ảnh về một loại thịt lợn phát ra ánh sáng màu xanh lấp lánh trong bóng tối gây xôn xao dư luận. Cộng đồng mạng gọi nó là thịt “Avatar” và bày tỏ hoài nghi bất chấp cơ quan thanh tra y tế Thượng Hải cam kết rằng thịt lợn chỉ bị nhiễm vi khuẩn phát huỳnh quang và vẫn có thể ăn được nếu nấu đúng cách.
Thịt lợn chứa bột tạo nạc
Trung Quốc từ lâu đã nỗ lực chống lại việc sử dụng chất clenbuterol trong sản xuất thịt lợn. Thường được gọi bột tạo nạc, nó có thể khiến người ăn chóng mặt, tim đập nhanh, tiêu chảy, đổ nhiều mồ hôi.
Tháng 9/2006, hơn 330 người ở Thượng Hải được ghi nhận bị ngộ độc do ăn thịt lợn nhiễm clenbuterol để tạo nạc. Tháng 2/2009, ít nhất 70 người tại Quảng Đông cũng bị ngộ độc sau khi ăn nội tạng lợn được tin có chứa dư lượng clenbuterol.
Năm 2011,Trung Quốc đã xét xử những người sản xuất thịt lợn siêu nạc bằng clebuterol. Kẻ chủ mưu lĩnh án tử hình, các đồng phạm bị tuyên án chung thân và 9-15 năm tù.
Hộp đựng đồ ăn nhiễm độc
Tháng 4/2010, hơn 7 triệu hộp đựng thực phẩm dùng một lần bị thu giữ ở tỉnh Giang Tây. Dù bị cấm từ năm 1999, các hộp xốp vẫn được sử dụng rộng rãi ở Trung Quốc, tiết ra các độc tố khi đựng thực phẩm nóng. Các hóa chất này có khả năng gây tổn thương gan, thận và các cơ quan sinh sản.
Dầu ăn từ nước cống
Cảnh sát phát hiện cơ sở sản xuất dầu bẩn tại Bắc Kinh năm 2011. Ảnh: AFP. |
Một cuộc điều tra do giáo sư ở đại học Bách khoa Vũ Hán tiến hành vào tháng 3/2010 cho thấy cứ 10 bữa ăn ở Trung Quốc thì có 1 bữa sử dụng dầu ăn tái chế, thường được vét lên từ cống rãnh dưới các nhà hàng. Cục Thực phẩm và Thuốc Trung Quốc đã phát ra cảnh báo khẩn cấp trên tòan quốc, yêu cầu điều tra về bê bối dầu ăn từ nước cống, vốn một lần nữa làm suy giảm niềm tin của dân chúng vào ngành công nghiệp thực phẩm.
Gạo kim loại
Nghiên cứu được công bố vào tháng 2/2011 tuyên bố 10% số gạo được bán ở Trung Quốc bị nhiễm các kim loại nặng, trong đó có catmi. Dữ liệu do đại học Nông nghiệp Nam Kinh thu thập phát hiện rằng tình trạng này nghiêm trọng nhất ở các tỉnh phía nam với một số khu vực có tới 60% mẫu gạo bị nhiễm độc và lượng catmi gấp 5 lần giới hạn cho phép.