| Hotline: 0983.970.780

94 tuổi, hiến 200 triệu tiền đất làm đường nông thôn

Thứ Tư 19/07/2017 , 08:24 (GMT+7)

Ông Đặng Thiện (94 tuổi), người trong xóm gọi ông là Chín Thiện, ở Xóm Hố, thuộc khu phố Long Hà, thị trấn La Hai, huyện Đồng Xuân (Phú Yên) xung phong hiến 360m2 đất vườn nhà, giá trị trên 200 triệu đồng làm đường bê tông nông thôn.

Nhờ vậy, xóm này mới có con đường làng sáng sủa thay cho con đường truông, nhỏ hẹp...

08-24-51_img_5005
Ông Chín Thiện và con đường bê tông Xóm Hố

Xóm Hố nằm dưới chân đèo Bà Ong (còn gọi là đèo Ngang), nhà ông Chín Thiện ở lưng chừng xóm. Từ nhà ông “chùi” xuống qua bên kia tuyến đường liên xã (tuyến đường nối khu phố Long Hà với thôn Phước Lộc, xã Xuân Quang 3) là ra sông Cái, phía trên là Soi Đùi.

Xóm Hố gần chợ Đồng Dài cũ, xóm có từ lâu nhưng không có đường, người dân đi lại dưới con đường truông. Khi địa phương triển khai làm đường bê tông nông thôn theo đề án bê tông hóa giao thông nông thôn thì vướng đất vườn nhà ông Chín Thiện.

Nhà ông chòm tới trước, còn con đường truông từ sau hè đi ra đến cuối xóm, một bên là suối, một bên đất vườn nhà ông Chín Thiện chạy dài. Để triển khai làm được đường bê tông phải lấn sang đất vườn nhà ông. Địa phương phát động phong trào nhân dân hiến đất làm đường bê tông nông thôn nhưng đang trong giai đoạn “thăm dò” vì đất làm đường lấn qua trọn phần đất nhà ông với diện tích khá lớn. Thế nhưng ông Chín Thiện “xung phong” hiến đất luôn.

Bây giờ đường bê tông dài 200m, rộng 2,5m, phẳng phiu thoáng đãng. Trước đó con đường truông rộng 0,7m, ông Chín Thiện hiến thêm 1,8m nữa, như vậy ông hiến tổng cộng 360 m2 đất làm đường bê tông nông thôn.

Ông tâm sự: Trước đây, người dân Xóm Hố này trồng sắn trên bến Soi Đùi, đến mùa thu hoạch gánh từng đôi ky sắn từ trên đó về. Còn trưa chiều đi làm đồng về mệt phải lùa bò từ nhà ra sông Cái uống nước. Gần đây, Nhà nước đầu tư cung cấp nước sạch về tận hộ gia đình, nuôi bò cho uống nước tại chuồng. Năm rồi Nhà nước triển khai làm đường giao thông, tôi sẵn sàng hiến đất mở rộng đường để xe cộ ra vào, giải phóng đôi vai cho người dân trong xóm.

“Tuổi cao, quanh năm suốt tháng tôi không bước chân ra khỏi nhà, tôi hiến đất làm đường là để mọi người đi lại thuận lợi làm ăn phát đạt. Biết đâu sau này cháu chắt mình lấy chồng vợ cất nhà ở cuối Xóm Hố, khi đi lại trên con đường bê tông, nhớ ơn công lao ông mình. Còn mình để lại tiếng thơm sau này”, ông Chín Thiện cười rổn rảng.

Ông Chín Thiện có 6 người con, hiện có 4 người con lập gia đình lo cái “nồi riêng” nhưng vẫn tá túc cạnh nhà ông và họ đều làm nông. Thời buổi tấc đất tấc vàng, 360 m2 đất của ông là “của để dành” cho cả gia đình. Thế nhưng ông Chín Thiện đã làm việc thiện, bởi ông nghĩ mình vì cái chung, không bó hẹp trong gia đình.

08-24-51_img_4999
Cha con ông Chín Thiện

Ông Lê Bá Nhân, Trưởng khu phố Long Hà cho hay: Trước khi làm đường bê tông trong xóm có người đến “thủ thỉ” với ông nhưng ông không nói gì. Sau đó tôi đến trình bày chủ trương Nhà nước mở rộng đường để bê tông hóa giao thông nông thôn làm đẹp xóm làng, ông gật đầu hiến 360 m2 , bởi ông nghĩ phải có người đại diện của địa phương làm cầu nối đưa chủ trương của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân. Đất của ông Chín Thiện thuộc “diện” đất thị trấn nên giá trị gần 200 triệu đồng.

Ông Chín Thiện nhớ lại, ông đưa gia đình về đây ở lúc đó con đầu ông còn ẵm nách, lo có “miếng ăn” cho gia đình ông khai hoang đất trồng hoa màu. Ông ra sức gánh đá ra chất cạnh bờ suối để giữ đất ngăn mùa mưa sạt lở. Vùng đất này lúc đó hoang hóa nhiều cây bụi, ông bỏ công cả tháng trời mới hạ được đám gai bàn chải.

Làm ngày không đủ ông tranh thủ làm ban đêm ngày này qua tháng khác mới ra đám đất vuông vức. Khai hoang xong đám trước, thấy phía sau còn đất bỏ hoang uổng, ông tiếp tục nai lưng khai hoang từng chòm đất “đầu thừa, đuôi thẹo” thành đám đất lớn. Hồi đó khổ nhọc công sức vậy, bây giờ phần đất của ông hiến thi công xong con đường làm cho 7 ngôi nhà ở cuối Xóm Hố sang hơn vì có đường bê tông “ghé” vào cửa ngõ từng nhà. Còn trước đây là con đường truông chật hẹp, cây bụi rậm rạp.

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Mô hình tuyến đường kiểu mẫu ở Đồng Tháp

Đồng Tháp Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đồng Tháp góp phần quan trọng vào sự phát triển bền vững, tạo dựng một môi trường sống xanh, sạch, đẹp và văn minh.

Sản phẩm OCOP và câu chuyện phát triển vùng nguyên liệu

Bắc Kạn Bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp ở tỉnh Bắc Kạn cũng chú trọng phát triển vùng nguyên liệu.