| Hotline: 0983.970.780

Hai người đàn bà xứ linh tinh tình phộc

Thứ Ba 15/10/2013 , 10:24 (GMT+7)

Hai người đàn bà, hai số phận nhưng chung một điểm là sự hy sinh vô bờ bến vì chồng, vì con. Câu chuyện của họ trở thành một quyển sách đạo đức bằng xương bằng thịt sống động cho người dân xứ trò trám-linh tinh tình phộc (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ).

Hai người đàn bà, hai số phận nhưng chung một điểm là sự hy sinh vô bờ bến vì chồng, vì con. Câu chuyện của họ trở thành một quyển sách đạo đức bằng xương bằng thịt sống động cho người dân xứ trò trám-linh tinh tình phộc (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ).

Chuyện ở xóm Bờ Nụ

Chị Bùi Thị Khiết xe duyên cùng anh Ngô Đại Biên khi anh vừa xuất ngũ trở về. Mái nhà đơn sơ của đôi vợ chồng trẻ ngỡ chật ních tiếng cười và niềm hạnh phúc khi họ đón đứa con trai đầu lòng.

Nào ngờ tai họa bỗng ập đến, một ngày anh phát hiện ra trọng bệnh. Mới đầu chỉ là triệu chứng co rút ngón chân sơ sơ nhưng khi đi bệnh viện chiếu chụp mới biết một xương bả vai gãy mọc chèn vào các dây thần kinh khiến cho toàn thân anh có nguy cơ bị liệt mà không thể đụng dao kéo vào đó được. Tây y bất lực, đông y thầy này thuốc nọ mãi cũng đành chào thua.


Chị Khiết bên con cháu

Thoạt tiên anh Biên còn chống gậy gắng gượng nhúc nhắc bế đỡ con giúp vợ nhưng sau một lần đánh rơi đứa trẻ xuống sàn, anh sợ không dám bế nữa. Dần dà bệnh tình tiến triển theo chiều hướng ngày càng xấu, anh không thể đi lại được nữa, đặt đâu chỉ ngồi đấy, tay chân dần co quắp lại như những khúc gỗ, vô tri, vô giác. Năm 1991, Ngô Đại Biên nằm liệt giường hẳn. Khi cây cột cái trong nhà sụp xuống, chị Khiết thầm lặng ghé đôi vai mềm yếu của mình vào xốc vác thay.

Ốm đau quặt quẹo thế nhưng không may là anh Biên đánh mất hết giấy tờ hồi đi bộ đội nên chẳng có chế độ ưu đãi gì. Trước gia đình anh chị còn ở chung với ông bà nội, từ hồi chồng yếu chị Khiết xin ra riêng với 5 sào ruộng, mảnh trồng lúa, mảnh gieo màu. Đông, chị trồng cà chua, su hào, bắp cải; hè, chị cấy muống. Mùa nào thức ấy chị hái rau từ lúc nhọ mặt người, lặn lội thồ xuống tận thị xã Phú Thọ cách nhà hơn 20 cây số. Bán ở chợ xa được giá hơn chợ quê mình vài đồng bạc lẻ.

Nhà nông vất vả nhất chuyện cày bừa. Làng chị cứ bốn nhà lại nuôi chung một con trâu, hôm nào đến vụ luân phiên nhau cày, bừa, cấy, hái. Chị Khiết dong trâu đi cày như những phụ nữ thời chiến.

 Thời gian biểu mỗi ngày của chị là dậy từ bốn giờ sáng, cơm nước, lợn gà, cho con ăn, bỏ màn, lấy nước súc miệng, rửa mặt cho chồng. Đâu đấy rồi chị vặn chiếc đài nhỏ cho chồng nghe tin tức, giơ tay chân của anh lên tập mươi mười lăm phút để máu huyết lưu thông khỏi thối da, thối thịt.

Sau khi tập thể dục, chị bón từng thìa cơm, muỗng canh cho chồng, chăm từ cái tăm, chén nước. Như một chiếc đồng hồ đã được lập trình sẵn, bận bịu gì thì bận bịu hễ đến 11 giờ trưa chị cũng sấp ngửa về nấu cơm, bón cơm cho chồng xong rồi mới tất tả đi. Chiều tối những quy trình chăm chồng như buổi sáng lại được lặp lại…

Khi mới biết cuộc đời mình không còn cách nào khác phải gắn chặt với cái giường, suốt ngày nằm một chỗ, tinh thần anh Biên suy sụp lắm. Anh cứ nằng nặc xin được chết vì sống vậy khổ vợ, khổ con. Chị lại một hai thủ thỉ động viên chồng rằng: “Anh sống nằm đây, em đi làm về còn có bóng, có hình, còn nghe tiếng nói, tiếng cười và thằng Bảng con mình còn có người để gọi là bố”.

 Lời người vợ trẻ thấu đến tận tâm can người chồng tàn phế. Thẳm sâu nơi cõi lòng, cả hai vợ chồng đều giấu nỗi sợ của riêng mình. Chị sợ chồng chết lúc con còn nhỏ không biết hình hài của bố. Anh lại sợ sau này con mình đường thẳng không đi lạc vào đường cong, quàng vào bụi rậm nên mới nhủ rằng: “Thôi thì vì dây nên cây phải sống”.

Anh nằm liệt giường, tiểu tiện đã có ống ti - ô chảy vào một cái chai nhựa để sẵn bên dưới nhưng đại tiện mỗi lần mất cả buổi vì bệnh đường tiêu hóa triền miên mà vẫn thấy vợ kiên nhẫn đứng bên cái bô chờ. Nhiều bận vác cuốc từ đồng về nhà thấy chồng đang nằm quằn quại giữa bê bết đống chất thải chị xăm xắn rửa ráy cho anh từng ly, từng tí.


Anh Biên hôm cưới con trai

Đêm đến chiếc gối có thêu đôi bồ câu lồng vào nhau lại ướt đầm. Chị khóc giấu nên không hề có tiếng, khóc mà sáng ra vẫn nở nụ cười tươi mỗi khi xáp mặt chồng. Người ốm trái tính, trái nết lại tự ti chuyện bị liệt nên nhất định anh không cho chị nằm chung giường. Anh ngủ ngoài nhà, chị ngủ trong buồng, mỗi đêm người vợ trẻ phải thức giấc ba bốn bận.

Mùa bức bật quạt được một lúc anh bảo lạnh tắt đi chốc sau lại kêu nóng đòi mở. Lắm buổi mất điện cánh tay chị thay gió trời phe phẩy quạt thâu đêm cho chồng mình ngon giấc. Mùa rét mới ngủ chị đắp cho anh một chiếc chăn, gần sáng trở mình dậy đắp thêm hai cái nữa vì người liệt thân nhiệt thường giữ ấm kém.

Không bao giờ chị được ngủ quá ba tiếng đồng hồ mỗi tối, thời gian ngắn ngủi đến ngay cả những giấc mơ cũng không có chỗ mà len vào đầu. Từ một giờ sáng trở đi, cái tai chị theo quán tính cứ ngong ngóng tiếng ngáy to, tiếng ngáy nhỏ, thỉnh thoảng lại thon thót gọi thử xem từng động tĩnh của chồng.

Lắm hôm mưa gió trở giời chị chong đèn chạy khắp nhà chỉ để tìm một manh áo tơi che chồng, che con cho khỏi ướt để sáng ngày sau lại tự trèo lên mái ngói dọi nhà. Cái thang không người giữ chân cứ bập bềnh, cứ rung lên theo từng nhịp bước.

Thương anh Biên một mình một chỗ dễ sinh chán lại suy nghĩ quẩn quanh, chị đóng cho anh cái giường cao 80 cm, gắn mấy bánh xe dưới đó để ngày ngày đẩy ra hè hóng mát. Chị lại cho treo mấy tấm gương lơ lửng khắp nhà để anh nằm ngửa đầu lên khi xem ti vi khi nhìn hướng ra đường thấy hàng xóm đi qua gọi vào trò chuyện cho thỏa chí.

Ngày cưới con, chị đẩy chiếc giường cho chồng đi dự lễ. Anh khóc. Không nói nhưng nhìn vào mắt cha, người con trai biết bố mình đang hạnh phúc. Những lúc vui không bao giờ anh Biên nói ra thành lời mà chỉ khẽ nhắm mắt lại, cố thu cảm xúc vào trong lòng nhưng dòng nước mắt vẫn trào ra, nhạt nhòa nơi gò má.

Biết sở thích của chồng là chơi gà chọi đến ngay cái sân phơi thóc của nhà cũng được chị kéo vài xe bò đất về biến thành bãi thi đấu. Những buổi đi làm ngoài đồng chị bắt nhái, cuốc giun, đổ dế để gột gà rồi cũng học xoa rượu ngâm nghệ, vần vò da thịt gà cho thêm phần săn chắc. Vài buổi một lần chị con cón mời mấy ông bạn vàng của chồng đến mà xem gà chọi, xem những chiêu thức mới được trui rèn…

Một buổi đêm anh kêu khó thở. Chị nhổm dậy định gọi bác sĩ nhưng anh gạt đi bảo để đến sáng mai, sợ khuya khoắt phiền hà. Anh ngủ rồi không bao giờ dậy được nữa. Anh đi, mà mọi kỷ vật vẫn còn đây, vẫn gợi nhắc đến bóng hình, đến giọng nói, tiếng cười của anh khiến chị càng thêm tủi. Chị bảo rằng số mình trời định, mình chịu chứ không nỡ trách ai.

Một năm vợ chồng. Hai mươi hai năm chăm chồng ốm liệt. Hai mươi hai năm không đi đâu xa quá cái thị xã bé nhỏ của tỉnh mình. Hai mươi hai năm không biết đến thỏi son, hộp phấn tròn hay méo, không biết đến mùi thơm của những bộ quần áo mới (chị toàn mặc lại quần áo của người khác cho-PV). Hai mươi hai năm họ không có nổi một tấm ảnh chung.

Hai mươi hai năm chị chăm anh nằm liệt giường mà da thịt chồng vẫn mát mẻ, vẫn hồng hào cho đến tận lúc đi vào cõi hư không.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Người dân ĐBSCL sáng tạo, thích ứng tốt với xâm nhập mặn

ĐBSCL Trải qua các đợt ảnh hưởng xâm nhập mặn, người dân ĐBSCL tích lũy nhiều kinh nghiệm, chủ động, sáng tạo các giải pháp ứng phó trong mùa khô 2023 - 2024.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Hạ nhiệt' những 'điểm nóng' thiếu nước sinh hoạt

Những xã khu Đông huyện Phù Mỹ (Bình Định) luôn là 'điểm nóng' về thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô hạn, nhưng năm nay khu vực này đã được hạ nhiệt căng thẳng.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm