| Hotline: 0983.970.780

Chìm nổi giữa dòng Gianh

Thứ Hai 22/08/2011 , 09:19 (GMT+7)

Cầu Gianh sừng sững bắc qua sông Gianh (Quảng Bình) nối liền con đường thiên lý Bắc - Nam. Người dân ở đây đang chìm nổi giữa dòng Gianh để mưu sinh.

Cầu Gianh sừng sững bắc qua sông Gianh (Quảng Bình) nối liền con đường thiên lý Bắc - Nam. Đứng trên cầu nhìn ngược lên thấy những cù lao xanh. Một khúc sông qua huyện Quảng Trạch mà có hơn mười cồn nổi ngay giữa lòng sông. Những cồn có tên gọi mộc mạc như: cồn Cưỡi, cồn Ngựa, cồn Quan, cồn Niệt, cồn Sẻ, cồn Nâm, cồn Két... Người dân ở đây đang chìm nổi giữa dòng Gianh để mưu sinh.

Lạy trời mưa xuống...

Bà Hoàng Thị Thay: "Nước lu cạn rồi, phải đi vay nước hàng xóm về nấu ăn thôi"

1.

Đi qua hai cây cầu ở xã Quảng Hải (Quảng Trạch), rồi chạy một mạch xuyên qua cánh đồng là chạm đến bến sông, hướng mắt nhìn sang phía núi là thấy Cồn Nâm (xã Quảng Minh, Quảng Trạch). Trước đây con đò đưa khách ọp ẹp lắm, xuống đò ai cũng cứ lo nơm nớp. Mới đây được các nhà hảo tâm hỗ trợ nên Cồn Nâm đã có được con thuyền khá chắc chắn để khách tạm yên lòng khi xuống bến. Sống giữa bốn bề sông nước nhưng người dân Cồn Nâm đang phải gồng mình chống chọi với những cơn khát. Người khát, trâu bò khát, ruộng đồng khát...

Trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn cứ nhắc đi nhắc lại hồi đi học, mơ được cái áo trắng mà xa vời vợi. Sau rồi ước mơ áo trắng cũng có được nhưng sau vài lần giặt thứ nước nhiễm phèn thì chiếc áo thành nhờ nhợ màu đất. Nhiều gia đình trong làng cũng đào giếng nhưng nước trong giếng là thứ nước bị nhiễm phèn và mặn, dù đã được lọc mấy lần nhưng nếu dùng thứ nước đó tắm giặt thì áo quần, tóc tai đều ngả vàng.

Cách đây mấy năm, có dự án cho mỗi nhà một chiếc lu tròn xi măng đựng được chừng 2 m3 nước mưa. Ai cũng mừng, nhưng rồi mấy cơn lũ cứ nhè vô lu mà phá nên nhiều nhà lu đã bị nứt, vỡ, đành đưa ra xếp ở góc vườn.

Nhà bà Hoàng Thị Thay ở sát bờ sông, buổi trưa, bà kéo gàu múc nước giếng để tắm cho hai đứa cháu. Thứ nước lờ lợ nhưng cũng không phải giếng nào cũng có. Trong lúc hai đứa cháu kỳ cọ, bà lại kéo gàu đổ nước vô bể xi măng nhỏ có chứa cát sạn, than để lọc. “Có lọc đến máy lần thì nước chỉ tắm giặt thôi chứ không dùng được mô”, bà than thở. Bên chái nhà bếp là chiếc lu xi măng đứng tựa vào vách tường đá nham nhở. Trèo lên thành giếng, bà nhòm vô lu rồi nói như mách: “Nước hết rồi, lấy chi mà nấu cơm tối đây. Chắc chút nữa sang nhà bà Tâm vay tạm xô nước về nấu cơm thôi”.

Theo bà Thay, vào mùa hè ít mưa nên cũng không còn nước dự trữ. Cả mùa hè năm ngoái, nhà bà phải mua đến mấy trăm ngàn đồng tiền nước. Người ta dùng thuyền chở nước lấy từ mấy con khe bên núi, đi xa đến 5-6 cây số về. Nhà ai mua nước là họ cập thuyền vô bờ, bắt ống nhựa bơm vào lu. Hồi đó, giá nỗi lu là 50 ngàn đồng. Hè năm nay họ lại nói tăng giá nước vì xăng dầu lên rồi. Nhà bà Thay ở gần bờ sông máy bơm ít tốn dầu nên họ lấy rẻ. Bà Thay ngửa hai bàn tay chai sần, nhìn tôi: “Chú coi, ở đây thì biết làm cái chi để có thêm trăm ngàn đồng?”.

Sang đến mùa hè là người dân Cồn Nâm gác lại chuyện đồng áng. Hơn 20 ha đất canh tác (có 9 ha đất trồng lúa) chỉ dành cho một vụ mùa. Sau là bỏ hoang cho cỏ mọc. Đến hè, cỏ cũng cháy rạt trơ màu xạm úa vàng. Cây cối trong vườn cũng héo rũ vì thiếu nước. Mọi người cứ kháo nhau: “Răng mà lâu mưa dữ hè!". Tôi đi qua con đường nhỏ xuyên giữa thôn. Sát bên đường, đám trẻ chừng năm, sáu đứa đang dùng que tre gõ cồng cộc vào bậc cửa gỗ, ê ề hát đồng dao mà cứ xì ngậu lên: Cộc cộc cộc/ Lạy trời mưa xuống/ Cộc cộc cộc/ Lấy nước tôi uống/ Lấy ruộng tôi cày... 

Trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn: "Ruộng không có nước phải bỏ hoang"

2. Một cơn khát nữa của người dân cồn nổi là khát chữ. Hình ảnh những con đò mong manh hàng ngày chở học sinh đến trường đã trở nên quen thuộc từ mấy chục năm nay. Làng nổi Cồn Nâm với gần 3.500 nhân khẩu, phân bố tại 4 thôn gồm: Cồn Nâm, Tân Định, Minh Hà, Đông Thành, nơi đây có duy nhất một ngôi trường tiểu học. Khi học hết bậc tiểu học, muốn học tiếp THCS và THPT, các em phải qua sông mới có trường.

Đã có hàng nghìn chuyến đò qua lại trên sông, nối Cồn Nâm với trung tâm xã Quảng Minh ngày ngày đưa học sinh đến trường. Những con đò mỏng mảnh trên cuồn cuộn sóng nước sông Gianh mà đôi khi đò đã rời bến thì vẫn còn có học sinh trên bờ cuống cuồng lội theo, mình mẩy ướt đẫm nhưng chỉ mong sao kịp chuyến đò để khỏi trễ học.

Bởi đò giang cách trở nên bao đời nay sự học của người dân làng nổi sông Gianh nói chung và Cồn Nâm nói riêng luôn gặp nhiều trắc trở. Nhiều năm trước, gia đình nào có con học hết cấp 3 đã là một niềm tự hào to lớn và cho đến bây giờ số lượng người dân Cồn Nâm học hành thành đạt vẫn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ông Nguyễn Khắc Tâm, trưởng Hội khuyến học thôn Cồn Nâm, tâm sự: "Sự học ở quê tui không những bị cản trở bởi cảnh đò giang. Không chỉ Cồn Nâm đâu mà nhiều cồn khác thì sự học không thể nào khá lên được".

Chỉ riêng thôn Cồn Nâm, trong vòng gần 15 năm lại đây hiện tượng xâm thực đã lấy đi hàng chục héc - ta đất của làng. Nhiều gia đình phải chuyển chỗ ở vài ba lần nhưng vẫn chưa yên. Cách đây ba năm Nhà nước đã đầu tư làm kè chống xói lở được mấy trăm mét ở đầu làng, nhưng cũng như muối bỏ biển, mấy trận lụt về, từng mảng bê tông trôi theo dòng nước.

 “Chúng tôi cũng đã kiến nghị lên trên để xin 2 việc. Đó là nối ống xi - phông qua sông lấy nước từ Quảng Hải sang; hai là làm kè chống xói lở. Chứ không, với đà này không lâu nữa Cồn Nâm sẽ không còn trên bản đồ hành chính", trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn tâm sự.

Theo cách tính của ông Tâm thì học sinh vào tiểu học ở làng chừng 80 em. Hết tiểu học, các em phải sang sông theo học tiếp THCS. Thế là rơi rụng hết. Phần vì gia đình không có điều kiện, phần vì đò giang cách trở quá nguy hiểm. Bây giờ cả làng chỉ có 15 em kiên trì bám trụ theo học bên xã. Lên THPT, lại rụng tiếp. Nhiều làng có 1.000 dân mà chỉ vỏn vẹn 2 học sinh THPT.

3. "Đời sống dân sinh so với trước thì có cải thiện thật nhưng tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ. Nó cứ có điều gì đó, không vững bền", trưởng thôn Nguyễn Văn Sơn cứ xuýt xoa. Điều mà ông trưởng thôn trẻ lo cũng có cơ sở thật. Đất đai đang ngày một thu hẹp bởi nạn xói lở. Cả làng có đến 3.500 nhân khẩu mà chỉ có vẻn vẹn 20 ha đất canh tác bấp bênh, nguồn nước tưới không chủ động được... đã khiến trai tráng trong làng bỏ đi vào các tỉnh phía Nam.

Tính ra hơn 50% dân số của 4 thôn đã phiêu bạt đi làm ăn xa, có nhà có 11 đứa con thì đã có đến 7 đứa vào Nam kiếm sống như gia đình ông Nguyễn Hữu Tịnh. Nhiều năm nay làng trở nên vắng hẳn, làng dường như chỉ còn lại người già và trẻ con.

Tôi lên đò quay về, để lại sau lưng vùng đất Cồn Nâm với nhiều ánh mắt hy vọng. Cúi người, vục vốc nước sông vã lên mặt nghe mát lạnh và vị mặn thấm ngắt đầu lưỡi. Vẳng trong gió như vẫn còn nghe tiếng đám trẻ hát đồng dao: “Cộc cộc cộc/ Lạy trời mưa xuống/ Cộc cộc cộc/Lấy nước tôi uống...”. (còn nữa)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm