| Hotline: 0983.970.780

Bài 4: Quyết định hỗ trợ gần hai năm, tiền vẫn...trên giấy

Thứ Hai 26/05/2008 , 07:30 (GMT+7)

Để chứng minh nhiều chính sách còn bất cập khi triển khai trong thực tiễn, chúng tôi xin kể một câu chuyện xảy ra ở Hưng Yên. Trận mưa đá khủng khiếp tháng 11/2006 làm tan tác 4.500 ha rau màu và cây ăn quả của tỉnh này, tổng thiệt hại thống kê được lên tới gần 200 tỷ đồng. Ngay sau đó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên có quyết định hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả, nhưng đến tận bây giờ, người dân vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ nào.

Chỉ nói mà không làm

“Trận mưa đá đã biến khoảng 3 tấn cam canh sắp cho thu hoạch nhà tôi thành một bãi rác khổng lồ. Với giá khi đó khoảng 35 ngàn đồng/kg, nhìn đống cam khổng lồ dập nát mà muốn chết. Tôi đang là một trong những hộ khá giả, sau một đêm thành con nợ. Sau đó khoảng 3 tháng, tỉnh có quyết định hỗ trợ và chúng tôi được ngân hàng cho vay với số tiền khá lớn để khắc phục sản xuất. Tỉnh nói cứ vay đi, tỉnh sẽ hỗ trợ tiền lãi suất, nhưng đến tận thời điểm này, sau gần 2 năm tôi vẫn chưa nhận được một đồng hỗ trợ lãi suất nào, vẫn phải oằn mình ra trả cả vốn lẫn lãi ngân hàng"- ông Trần Văn Cư, thôn Đăng Kim, xã Liên Nghĩa, Văn Giang cho biết.

Nhiều người dân xã Liên Nghĩa, Mễ Sở, Phụng Công, Xuân Quang huyện Văn Giang - những xã có diện tích quất, cam, rau màu bị thiệt hại nhiều nhất đều tỏ ra rất bức xúc và không hiểu vì sao chính sách ưu việt của tỉnh đi vòng vèo thế nào mà gần hai năm nay vẫn chưa đến với dân. Có người chua xót: Làm vậy, khác nào dối dân.

Có những hộ dân bị thiệt hại 100-200 triệu đồng, ngay sau đó vay ngân hàng gấp đôi số thiệt hại với mong muốn sẽ nhanh chóng khôi phục sản xuất, lấy vụ sau để gỡ lại vụ trước, nhưng đến bây giờ, toàn bộ lãi suất ngân hàng của cả năm 2007 vẫn không được tỉnh hỗ trợ theo như cam kết. Còn đối với những hộ có kinh tế khó khăn, sự bức xúc này ngẹn lên đến cổ. “Khi bị thiệt hại đến 80% diện tích, gia đình tôi gần như suy sụp vì ông trời đã cướp đi khả năng trả nợ. Nhưng khi nghe tỉnh có chính sách hỗ trợ, anh em họ hàng lại động viên cố vay mượn thêm phục hồi sản xuất cho đúng thời vụ, để có cơ hội trả nợ, nhưng đến giờ không thể trả được vì lãi mẹ đẻ lãi con nhiều quá. Tỉnh nói hỗ trợ, “ông” ấy chỉ nói thế thôi có làm đâu. Chúng tôi chỉ biết kêu xã, xã kêu huyện thôi chứ kêu ai bây giờ?”- chị Lý Thị Tý, thị trấn Văn Giang đau xót.

Ra văn bản rồi… để đấy

Là một trong những phóng viên tiếp cận vùng thiệt hại do mưa đá gây ra sớm nhất nên tôi cảm nhận rất rõ tinh thần trách nhiệm, khẩn trương, quyết liệt trong việc chỉ đạo khắc phục sản xuất, thống kê thiệt hại và xây dựng chính sách hỗ trợ thiệt hại cho nông dân của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên.

Ngay sau khi nghe báo cáo của các ngành chức năng, UBND các huyện vùng thiên tai, chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Cường đã yêu cầu các ngành, các địa phương vùng bị thiên tai thực hiện rà soát, thống kê chính xác các hộ dân bị thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Cường đồng ý với đề nghị của các ngành và địa phương, thực hiện một số biện pháp hỗ trợ nông dân có diện tích cây ăn quả, cây cảnh, hoa, rau màu các loại. Ngày 21/3/2007, UBND tỉnh Hưng Yên có QĐ 581 về việc hỗ trợ kinh phí khắc phục hậu quả thiệt hại do mưa đá. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất vốn vay ngân hàng cho các hộ bị thiệt hại từ 51% diện tích trở lên có nhu cầu vay mới để chăm sóc, phục hồi sản xuất. Mức vay là 55 triệu đồng/ha cam, 27,5 triệu đồng/ha cây ăn quả khác. Thời gian được hỗ trợ lãi suất tối đa 12 tháng (từ tháng 12/2006 đến tháng 12/2007). Quyết định chỉ rõ, Sở NN-PTNT phối hợp với Sở Tài chính kiểm tra cụ thể và chỉ đạo các huyện hỗ trợ đến từng hộ dân bị thiệt hại theo mức quy định. Ngân hàng NN-PTNT Hưng Yên có trách nhiệm hướng dẫn nghiệp vụ cụ thể về việc cho vay mới để dân chăm sóc, phục hồi sản xuất, gia hạn nợ đối với những hộ dân đã vay vốn ngân hàng để sản xuất với thời hạn 12 tháng đối với cây ăn quả, 6 tháng đối với cây rau màu khác, tính từ tháng 12/2006.

Có thể nói, quyết định ra đời rất kịp thời, rất cụ thể, được dư luận nhân dân tỉnh Hưng Yên đồng tình và người dân cảm nhận được sự quan tâm của tỉnh với họ, nhưng tiếc thay đến nay sự quan tâm đó lại trở thành bức xúc trong dân.

Tất cả các hộ dân khi trao đổi với PV đều khẳng định, đến tận thời điểm này dân vẫn phải trả 100% lãi suất ngân hàng, rất khó khăn trong việc vay thêm dù phải trả 100% lãi suất, không được giãn nợ…Từ đầu năm đến nay, người dân liên tục lên UBNN huyện Văn Giang - huyện bị thiệt hại nặng nề nhất kiến nghị về việc vì sao họ không được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh mặc dù đã có quyết định cụ thể. UBND huyện Văn Giang đã nhiều lần đề nghị tỉnh hỗ trợ nhưng vẫn bặt vô âm tín. Mới đây, ngày 27/2, UBND huyện Văn Giang lại một lần nữa có công văn đề nghị UBND tỉnh Hưng Yên hỗ trợ lãi suất vay vốn cho các hộ nông dân với tổng số tiền hỗ trợ là gần 3,2 tỷ đồng. Nhưng đến thời điểm chúng tôi thực hiện bài viết này, tiền vẫn chưa đến được với dân.

Trao đổi với NNVN, lãnh đạo UBND huyện Văn Giang khẳng định: Huyện giao cho các ngành chức năng làm hết sức rồi.

----------------

 

Tin liên quan

Bài 3. Thuỷ lợi phí, nhiều nơi miễn trên…giấy
Bài 2: Toát mồ hôi vay vốn làm trang trại
Chính sách cho nông dân - Từ văn bản đến thực tiễn

Không hiểu vì sao một tỉnh có nguồn thu từ công nghiệp - dịch vụ lớn như Hưng Yên, nhiều năm nay được coi là rất quan tâm đến nông nghiệp-nông thôn-nông dân lại không thể thực hiện việc hỗ trợ cho nông dân 3,2 tỷ đồng. Nếu chỉ nó mồm mà không thực hiện là một nhẽ, đằng này đã có hẳn một quyết định rồi mà không hỗ trợ thì dân biết hỏi ai bây giờ?

Báo cáo của UBND tỉnh Hưng Yên cho hay, trận mưa đá kèm gió lốc năm 2006 đã làm tốc mái 245 nhà, hơn 4.500 ha cây ăn quả, hoa, cây cảnh, rau màu vụ đông chuẩn bị cho thu hoạch bị dập nát, hủy hoại, trong đó, diện tích cây ăn quả như cam, quất cảnh, hoa, chiếm gần 1.400 ha thuộc các huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ. Tống thiệt hại thống kê được khoảng 200 tỷ đồng.

Xem thêm
Thủ tướng: Kiểm tra, giám sát từ đầu, tránh tích tụ vi phạm

Họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng lưu ý tăng cường kiểm tra, giám sát ngay từ lúc bắt đầu, không để vi phạm nhỏ tích tụ lại thành sai phạm lớn.

Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Khát vọng Huổi Khon

13 năm trước, bản vùng cao này là một điểm nóng về trật tự xã hội, nhưng giờ thay da đổi thịt như một lời hứa nguyện theo Đảng, theo chính quyền của bà con.