| Hotline: 0983.970.780

Ít sân gôn, sao thành… cường quốc

Thứ Hai 26/09/2011 , 10:13 (GMT+7)

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, có vẻ như chúng ta đang chạy đua trở thành cường quốc bằng… số lượng sân gôn.

“Gút” lại 90 sân gôn sau khi đã loại 76 sân ra khỏi “tầm nhìn đến năm 2020”, nhưng mới đây, Bộ KH-ĐT lại đề xuất với Chính phủ đưa thêm 28 sân gôn nữa vào quy hoạch. Thậm chí, có dự án đã ngừng, nhưng lại có quyết định “tái khởi động”. Nhiều chuyên gia kinh tế nhận xét, có vẻ như chúng ta đang chạy đua trở thành cường quốc bằng… số lượng sân gôn.

>> Cá chết, lúa ngập, người ăn nước bẩn
>> Trò chơi tốn đất
>> Sân gôn - Được ít, mất nhiều

Cả người dân và nhà máy đều… đói!

Người dân trồng chè chất lượng cao của phường Lộc Phát của TP Bảo Lộc, thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đang “sốt xình xịch” vì đất của họ lại bị đe dọa thu hồi làm sân gôn.

Sở dĩ đất canh tác của nông dân lại bị đe dọa là vì dự án Khu nghỉ dưỡng sân gôn Bảo Lộc đã được quy hoạch từ đầu năm 2007 với diện tích giai đoạn 1 là 250 ha (phường Lộc Phát 176,7 ha và thị trấn Lộc Thắng gần 78ha) đang được “tái khởi động”. Sau khi bị chậm lại hơn 3 năm, tháng 7/2010, theo sự chỉ đạo của tỉnh Lâm Đồng, các địa phương đã tiến hành đo đạc vẽ sơ đồ.

Chị Đặng Thị Thuỷ, một hộ dân trồng chè thuộc khu 9, phường Lộc Phát, cho hay, hiện nay với giá chè khoảng 4.000-5.000 đồng/kg, mỗi năm vườn chè 4 sào của chị cho thu hoạch trên dưới 35 triệu đồng. Trong khi đó chi phí phân bón chỉ hết khoảng 7-8 triệu đồng. Vì vậy, số tiền lãi từ vườn chè, cộng thêm 2 sào cà phê cũng đủ để gia đình chị trang trải cuộc sống và nuôi 2 con ăn học. “Nếu theo quy hoạch của dự án thì toàn bộ 6 sào vườn nhà tôi sẽ bị thu hồi. Mất vườn thì chúng tôi chả biết làm gì mà sống. Mấy chục triệu hay mấy trăm triệu tiền đền bù chả ăn được mãi. Rồi mấy đứa nhỏ không được học hành thì sau này không biết làm gì đủ ăn chứ chưa nói ổn định”, chị Thuỷ buồn rầu tâm sự.

Ông Nguyễn Văn Trung, Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Hiệp Phát cho biết, nếu dự án sân gôn tiếp tục làm thì sẽ có khoảng 450 hộ dân với 180ha đất chè và cà phê trên địa bàn phường Lộc Phát bị thu hồi, trong đó nhiều hộ bị mất trắng đất sản xuất. Riêng HTX Hiệp Phát sẽ có khoảng hơn 30ha chè đang cho thu hoạch phải chặt bỏ, hơn 40 hộ xã viên sẽ không còn đất để tham gia HTX. “Từ năm 2007 đến nay sản lượng cà phê của HTX đã giảm rất mạnh do người dân hoang mang, không dám đầu tư. Nay nếu dự án vẫn quyết định lấy đất thì nhiều xã viên rơi vào cảnh khó khăn. HTX cũng giảm nguồn thu đáng kể”, ông Trung nói.

Không những nông dân sẽ thiệt hại, DN chế biến cũng có nguy cơ rơi vào cảnh thiếu nguyên liệu. Ông Phạm Ngọc Thậm, GĐ Cty CP chè Minh Rồng cho hay, nếu quy hoạch dự án thì 300/420 ha chè nguyên liệu của DN sẽ nằm trong diện phải thu hồi. Mất vùng nguyên liệu lớn này, những năm tới DN sẽ gặp khó khăn lớn về đầu vào khi phải tạo dựng vùng trồng mới. Theo ước tính của ông Thậm, niên vụ 2010 vừa qua sản lượng chè búp tươi của nông trường Minh Rồng chỉ còn khoảng 1.000 tấn/năm, năng suất chỉ đạt 2-2,5 tấn/ha. Nếu so với các năm trước đó cả năng suất và sản lượng đều giảm từ 55-60%. 

Gần 500 hộ dân trồng chè và cà phê chưa biết phải sống bằng gì khi sân gôn lấy hết đất sản xuất

Không những người dân và DN buồn, lãnh đạo địa phương cũng chẳng vui vẻ gì khi sân gôn lại tiếp tục được thực hiện. Phó Chủ tịch UBND phường Lộc Phát Nguyễn Minh Tuấn cho hay, hầu như người dân đều cho rằng nếu nhà nước lấy đất chè để làm sân gôn, dù có đền bù thoả đáng cũng sẽ khiến họ bị rơi vào cảnh khốn cùng vì không còn đất sản xuất, không có thu nhập để nuôi con ăn học và trang trải chi phí hàng ngày.

Dự án Khu nghỉ dưỡng sân gôn Bảo Lộc do Cty TNHH Xây dựng Jinsung Vina làm chủ đầu tư, đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận từ tháng 1/2007. Theo bản đồ quy hoạch, dự án này sẽ xây dựng đường gôn 54 lỗ cùng 200 căn biệt thự, khách sạn 300 phòng, khu vui chơi và các dịch vụ đi kèm khác như xông hơi, mua sắm... Trong giai đoạn 1, dự án sẽ lấy 250ha đất trồng chè và cà phê thuộc địa bàn phường Lộc Phát và thị trấn Lộc Thắng. Sau đó dự án sẽ mở rộng diện tích lên gấp đôi.

Không chỉ dự án sân gôn Bảo Lộc, Lâm Đồng còn có thêm một dự án sân gôn 100% vốn nước ngoài do Cty TNHH Đầu tư Hàn – Việt làm chủ đầu tư, xây dựng ở thôn K’rèn, (xã Hiệp An, huyện Đức Trọng), được cấp phép đầu tư từ năm 2007. Tuy nhiên, sau 4 năm, dự án này vẫn chưa được triển khai. Điều oái ăm là mặc dù chủ đầu tư không thực hiện được dự án, UBND tỉnh Lâm Đồng không những không thu hồi đất, mà mới đây, bất chấp dư luận phản đối (ngày 4/8/2011) lại ra quyết định “gia hạn dự án sân gôn và khu nghỉ dưỡng của Cty TNHH Hàn - Việt” với nội dung: “Đồng ý cho DN được gia hạn thời gian hoàn thành toàn bộ các thủ tục chuẩn bị đầu tư và chậm nhất trong tháng 1/2012 phải triển khai thi công dự án sân gôn và khu nghỉ dưỡng Đà Lạt”.

Bình quân mỗi tỉnh 2 sân gôn

Việc “bội thực” sân gôn ở Việt Nam đã được NNVN phản ánh trong nhiều bài báo, kể cả việc quy hoạch sân gôn vào đúng… trại bò giống duy nhất của nước ta. Hệ lụy của việc quy hoạch “không tầm nhìn” này đã khiến cho hàng ngàn nông dân phải điêu đứng vì thất nghiệp khi tư liệu sản xuất của họ là cái cày, con trâu và đồng ruộng đang dần biến mất. Thay vào đó là các sân gôn với những cánh đồng cỏ xanh mượt, ngày đêm “ngốn” hàng triệu khối nước và thải ra hàng tấn hóa chất độc hại vào nguồn nước sử dụng của người dân.

Cũng vào thời điểm đó, rất nhiều ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học, thậm chí là chính các nhà quản lý đã cảnh báo sự phát triển không theo quy hoạch của sân gôn. Nhiều ý kiến thậm chí còn cho rằng, có lẽ Việt Nam muốn vươn lên thành cường quốc bằng… số lượng sân gôn. Vấn đề “nóng” đến mức Chính phủ phải vào cuộc rà soát lại hàng trăm dự án sân gôn được vẽ ra như nấm. Kết quả là trong tổng 166 dự án được quy hoạch trước năm 2009, đã có 76 dự án bị loại bỏ với 15.600ha đất các loại bị thu hồi, giữ lại con số “tròn trĩnh” 90 với lộ trình quy hoạch “dài hơi” đến năm 2020.

Tuy nhiên, mới đây, có vẻ như “lo 90 sân gôn là hơi ít”, Bộ KH-ĐT lại xin phép Thủ tướng bổ sung thêm 28 dự án, nâng số sân gôn được quy hoạch lên 115 dự án. Cơ quan này đã có tờ trình với nội dung rất cụ thể về việc xin bổ sung khoảng 3.812ha đất cho 28 dự án này và con số 115 sân gôn sẽ là con số “cứng” từ nay cho đến hết 2020.

Ông Bùi Thắng, Chủ tịch UBND TP Bảo Lộc nhấn mạnh, việc triển khai Dự án Khu nghỉ dưỡng sân gôn Bảo Lộc là một việc “đi tắt đón đầu cần thiết” để phát triển kinh tế hạ tầng cũng như hoàn thiện quy hoạch đô thị TP Bảo Lộc.

Theo ông Thắng, hiện nay Bảo Lộc đã được quy hoạch lên TP trực thuộc tỉnh nên khó có thể chấp nhận các vườn cà phê, vườn chè bao quanh như trước đây.

Cần phải có các khu vực vui chơi giải trí để hấp dẫn du khách, thu hút đầu tư. “Một TP rộng hơn 200km2 nếu quy hoạch một khu vực sân gôn vài trăm ha thì cũng hợp lý và cần thiết (?!)

Nhưng chưa bàn đến việc Bộ KH-ĐT xin bổ sung số lượng sân gôn, riêng trong 90 sân gôn “cứng” đã được Chính phủ phê duyệt nằm trong địa bàn 34/63 tỉnh, TP đã thấy có quá nhiều vấn đề. Theo báo cáo về tình hình thực hiện quy hoạch sân gôn của Bộ KH-ĐT trình Thủ tướng Chính phủ mới đây, đến nay chỉ có 24/90 sân gôn đã đi vào hoạt động, 25 sân gôn đang xây dựng, 13 sân gôn được cấp phép chứng nhận đầu tư. Phức tạp hơn, 23 sân được chấp nhận... chủ trương đầu tư và 5 sân được đề nghị đưa ra khỏi quy hoạch. Hơn nữa, công tác kiểm tra, giám sát của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, chưa phát hiện các điểm bất hợp lý để đề xuất điều chỉnh quy hoạch, chưa tạo được sự đồng thuận cao của cộng đồng, năng lực nhà đầu tư còn hạn chế.

Khẳng định như vậy, nhưng cơ quan này cũng mới chỉ đưa 3 sân bị loại khỏi “cuộc chơi” do không đáp ứng các tiêu chí, điều kiện đầu tư là sân gôn Yên Lập (Quảng Ninh), Khu du lịch nghỉ dưỡng Nam A Lăng Cô (Huế) và Khu du lịch biển Bình Thuận. Với 28 dự án mới bổ sung, Bộ KH-ĐT khẳng định đáp ứng đủ chỉ tiêu và điều kiện theo quy định của Chính phủ, nằm ở khu vực đất đồi, đất cát và tuyệt đối không sử dụng đất lúa. Xem ra việc “đổi” 3 sân gôn thừa trong quy hoạch lấy thêm 28 sân mới để cho là đủ một lần nữa cho thấy sự bất cập.

Với các tác động trên, câu hỏi đặt ra là con số 115 sân gôn liệu quá nhiều và quá “liều” cho một đất nước còn nghèo như Việt Nam? Một chuyên gia kinh tế đã tính toán, dù tỉnh miền núi hay miền xuôi, giàu hay nghèo, đô thị hay nông thôn, cứ trung bình, mỗi tỉnh, TP có 2 sân gôn. “Sở dĩ chúng ta có quá nhiều sân gôn, căn nguyên cũng bởi lỗ hổng từ quy hoạch mà ra, hay nói đúng hơn là thiếu mất một quy hoạch”, chuyên gia này nói.

Xem thêm
Quốc hội miễn nhiệm Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Chiều 2/5, Quốc hội thống nhất miễn nhiệm chức vụ Chủ tịch Quốc hội nhiệm kỳ 2021 - 2026, cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV với ông Vương Đình Huệ.

Chủ động với các kiểu thiên tai nguy hiểm giai đoạn chuyển mùa

Bến Tre Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bến Tre có công văn yêu cầu chủ động phòng tránh, ứng phó các kiểu thiên tai giai đoạn chuyển mùa.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

'Vườn treo' Nậm Pồ: Nghị quyết hồi sinh vùng đất khó

Khu nhà màng trồng rau trải dài theo những ngọn đồi nhấp nhô, từng bị bỏ hoang, nay trở thành nguồn cung cấp rau xanh cho hơn 16.000 học sinh của huyện.