| Hotline: 0983.970.780

Đền Hùng: Tan hoang trước ngày Quốc giỗ?

Chủ Nhật 11/03/2012 , 15:28 (GMT+7)

Quá trình trùng tu tôn tạo Đền Hùng không những không đem lại hiệu quả, mà ngược lại còn phá đi hàng nghìn mét vuông rừng đặc dụng. Phế liệu xây dựng, nhiều khối đá tảng nặng hàng chục tấn ném ngổn ngang khiến cảnh quan trên khu di tích tựa như một công trình thi công dang dở.

Khu di tích lịch sử Đền Hùng được Nhà nước xếp vào loại di tích đặc biệt quan trọng cấp Quốc gia, mấy năm qua Nhà nước đã đầu tư gần nghìn tỷ đồng cho công tác bảo vệ, trùng tu, tôn tạo khu di tích này. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là bảo vệ nghiêm ngặt thảm rừng đặc dụng bao phủ núi  Hùng (hay còn gọi là núi Nghĩa Lĩnh).

Tuy nhiên, quá trình trùng tu tôn tạo không những không đem lại hiệu quả hàng triệu tấm lòng người dân đất Việt hằng mong muốn, mà ngược lại còn phá đi hàng nghìn mét vuông rừng đặc dụng. Phế liệu xây dựng, nhiều khối đá tảng nặng hàng chục tấn ném ngổn ngang khiến cảnh quan trên khu di tích tựa như một công trình thi công dang dở. 

Đá phế liệu ném ngổn ngang trên đỉnh Đền Thượng

Theo Ban QLDT, diện tích Rừng Quốc gia đền Hùng được quy hoạch 538ha nhưng chỉ có khoảng 32ha diện tích vùng lõi là rừng đặc dụng với hệ thực vật đa dạng, nhiều loại gỗ quý có tên trong sách đỏ Việt Nam. Khu rừng đặc dụng này bao trùm núi Nghĩa Lĩnh tạo nên khung cảnh trầm mặc, uy nghi của Di tích đền Hùng vì vậy từ lâu nơi đây vẫn được coi như vùng “thánh địa”, bất khả xâm phạm.

Ông Nguyễn Thế Hùng- Phó GĐ Ban quản lý khu di tích Đền Hùng cho biết: “Rừng Quốc gia đền Hùng là rừng đặc dụng, lại gắn liền với di tích đền Hùng nên phải được bảo vệ nghiêm ngặt. Quy định bảo vệ rừng, bảo vệ khu di tích nêu rõ: chặt một cành cây cũng phải báo cáo chủ tịch UBND tỉnh, cây chết, đổ do nguyên nhân khách quan như mưa bão cũng không được cưa, chặt mà phải để chết mục”.

Vì vậy, không phải đến bây giờ người ta mới coi trọng công tác bảo vệ rừng Đền Hùng mà từ rất lâu việc này đã được thực thi rất nghiêm minh. Đã có ít nhất hai trường hợp phải ngồi tù chỉ vì trót chặt một cây trong quần thể khu di tích. Năm 1982, anh T.T.L (xã Hy Cương-tp Việt Trì) trong một lần lên rừng Đền Hùng đã chặt một cây gỗ về sử dụng. Khi lực lượng bảo vệ tại Khu di tích và kiểm lâm phát hiện bắt giữ anh T.T.L bị xử tù hai năm vì “xâm hại rừng di tích”. Tương tự, cũng tại xã Hy Cương còn có anh P.V. S, do cần gỗ sửa lại ngôi nhà đã dột nát, anh S lên rừng Đền Hùng chặt một cây gỗ Nhọ Nhồi, khi xuống đến chân núi thì bị bắt giữ và sau đó anh cũng bị “giam” 3 tháng.  

Tan hoang một góc rừng tại núi Nghĩa Lĩnh

Từ những qui định kiểm soát ngặt nghèo cho đến thực tế xử lí vi phạm đều cho thấy quan điểm của Chính phủ đặc biệt coi trọng Khu di tích Lịch sử Đền Hùng, mọi hành vi xâm hại đến Khu di tích đều phải chịu hình phạt đích đáng. Vậy nhưng, thời gian gần đây, trong quá trình trùng tu, tôn tạo Đền Hùng một số đơn vị thi công đã thản nhiên phá hủy hàng nghìn mét vuông rừng đặc dụng để làm đường vận chuyển vật liệu xây dựng. 

Ngay sau lưng Đền Thượng, gần sát với Lăng Vua Hùng, người ta phát trụi một dải rừng tạo thành con đường rộng chừng 3m từ trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh kéo dài tới tận chân núi. Cho đến nay, trải dài theo triền núi vẫn còn dấu tích của nhiều gốc cây bị chặt hạ để tiện cho việc vận chuyển vật liệu xây dựng. Ngoài ra, từ đỉnh Đền Thượng đến chân núi, phế thải sau xây dựng chất thành từng đống nom rất thiếu mĩ quan nhưng Ban QLDT vẫn làm ngơ không yêu cầu đơn vị thi công thu dọn.

Đền Hùng là chốn linh thiêng được bảo vệ rất nghiêm ngặt, tại sao các đơn vị thi công có thể ngang nhiên tàn phá rừng trước mặt kiểm lâm và lực lượng bảo vệ của Ban quản lý khu di tích. Rõ ràng, ở đây xảy ra một thực tế không công bằng, người chặt một cây bị xử tù 2 năm, còn đơn vị thi công chặt hàng trăm cây, hủy hoại hoàn toàn cả một góc rừng thiêng thì lại được coi như không có chuyện gì xảy ra. Vậy ra những qui định về bảo vệ rừng như ông P.GĐ Ban QLDT nói chỉ áp dụng với những người dân áo vải chứ không thể ngăn chặn những công ty “trúng thầu” xây dựng, tu bổ Đền Hùng?

Xem thêm
Phú Thọ dự kiến giảm 48 đơn vị hành chính cấp xã

Trong giai đoạn 2023-2025 tỉnh Phú Thọ dự kiến sắp xếp 80 đơn vị hành chính cấp xã để thành lập 32 đơn vị hành chính, sau sắp xếp giảm 48 đơn vị.

Chia nước theo thứ tự ưu tiên

Do nắng hạn kéo dài, không có mưa đã khiến các hồ đập cạn kiệt nguồn nước, tỉnh Bình Thuận dự kiến sẽ cắt giảm hơn 15.000ha lúa trong vụ hè thu tới.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Cò đã trắng trên miền cát mặn

Một bầy cò trắng tranh nhau dầm những đôi chân khẳng khiu trong hồ nước hiếm hoi giữa miền cát trắng. Nghe tiếng động, chúng nháo nhác bay lên, sải những đôi cánh trắng muốt...

Bình luận mới nhất