| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh cơn bão Linda cách đây 20 năm

Thứ Ba 31/10/2017 , 07:30 (GMT+7)

Hai mươi năm, nhiều việc người đời cũng nhớ nhớ quên quên theo tuổi tác. Tôi cũng vậy, giờ nhớ chút nào tôi cũng muốn viết lại những gì liên quan công việc chống bão lúc đó.

cho-nguoi-thn143932672
Những người phụ nữ ngóng chờ thông tin về người thân sau bão

Trước tiên, tôi muốn nói về thời điểm, bão vào Chủ nhật cũng là một sự bất ngờ, lại ở một vùng rất hiếm bão. Sau này, người ta nói rằng, theo các cụ xưa, vẫn còn trong ký ức cơn bão “Năm Thìn” 1904 khủng khiếp, nhưng xa rồi. Có Linda người ta mới nhắc đến chuyện có cơn bão đó mà truyền lại hai câu “sấm”:

Ông tha mà bà không tha,

Làm cho một trận mùng ba tháng mười.

Thời gian này về tổ chức, Chính phủ có những thay đổi khi nhiệm kỳ mới bắt đầu được hai tháng, và chức năng liên quan cũng thay đổi theo nhưng chưa định hình hoàn toàn, trong đó có chức năng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn. Hoàn toàn không như bây giờ, mà có lẽ vậy bằng cách nhìn, cái sẵn có và cách nghĩ hiện nay mà luận về thời đó tôi cảm thấy không ổn lắm thì phải. Nếu nhắc lại cái vụ “Áp thấp nhiệt đới” một năm trước Linda làm ngư dân Hậu Lộc (Thanh Hóa) mất trong một đêm 108 người trên các thuyền con làm nghề lộng thì thấy rõ. Khi đó, báo truy các Bộ dữ lắm. Tôi nhớ, trên trang nhất một tờ báo, phóng viên hỏi anh Từ Mạo về sự thiệt hại và trách nhiệm Bộ ngành, anh nói đại ý là: Về ngư dân thì hỏi Bộ Thủy sản, hỏi ông Ngọc! (lúc này tôi đang là Thứ trưởng và được anh Trịnh, Bộ trưởng phân phụ trách mảng này). Bây giờ cách bài binh bố trận không giống thế nữa.

Chắc vì cách bài binh chống bão như vậy, sau bão Linda tôi được Chính phủ cử làm đặc phái viên vào ngay vùng nóng, làm trưởng đoàn khắc phục hậu quả và bàn khôi phục sản xuất. Anh Vũ Trọng Hồng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp làm phó đoàn. Anh em chúng tôi gồm hơn chục người từ các bộ ngành, với Bộ Thủy sản làm nòng cốt, có thể nói đó là bộ máy tiền phương của Bộ, là đầu mối của Chính phủ và một số bộ ngành để trình giải quyết những việc nóng gần một tháng rưỡi tại địa bàn. Trong tháng rưỡi đó, đoàn đã làm được các thống kê tin cậy, đệ trình các chính sách cứu trợ kịp thời và khá công bằng. Hơn nữa với chức năng tổng hợp của các ngành trung ương, có cả Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nông nghiệp tham gia, chúng tôi cũng mạnh dạn giải quyết công việc theo thẩm quyền của mình, theo tư cách của Phái viên Chính phủ.

Hơn một tháng làm việc chúng tôi cũng đã trình, và được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 985-TTg tháng 12 năm 1997 nhằm khôi phục năng lực tàu thuyền sau bão. Đoàn cũng kiến nghị và được Chính phủ chấp nhận để sớm đưa các vuông tôm trở lại sản xuất, tu bổ các hạ tầng bị sạt lở hư hỏng…, đặc biệt là một số tuyến đê.

Chuyện như vậy nhiều lắm, sau này mải chạy theo công việc nên không ngồi rút kinh nghiệm được. Ôn lại cũng bổ ích! Mà tôi nghĩ, đến giờ cũng vậy. Khi có bão thì chống tích cực, chạy mọi nơi, làm mọi việc nhưng khi xong rồi thì lại như chưa hề có bão, chưa hề có thiên tai. Và nhiều cái sai cứ mắc lại, cái được thì không chịu nhìn nhận kỹ để sau dùng…

Cuối cùng tôi muốn nhắc đến việc sau Linda.

Nhìn chung là bề bộn và cuống cuồng, đó là cái không khí mang tính khẩn cấp. Từ việc của bộ đến việc của địa phương đều thế. Sau bão mấy hôm, xem lại bản tin trên ti vi, tôi còn nhớ hình ảnh đồng chí Chủ tịch tỉnh Bạc Liêu ra khu Nhà Mát, cả đêm trong bão vào từng nhà đốc thúc chuyển dân vào trong cho an toàn. Tôi cũng nhớ hôm cùng mắc cạn với đồng chí Phó Chủ tịch Trà Vinh khi đi thuyền ra Đông Hải… Các anh chị trách nhiệm, tích cực lắm.

Trên Chính phủ. Ngay tối ngày 3/11 đã có cuộc họp khẩn, Bộ Thủy sản được giao tập hợp nhanh số liệu thiệt hại làm báo cáo trình trong cuộc họp. Báo cáo cập nhật hàng ngày và chúng tôi sốt ruột thực sự với các số liệu thiệt hại leo thang chóng mặt những ngày đó. Thế rồi Chính phủ tổ chức một cuộc họp mở rộng ở Thành phố Hồ Chí Minh một tuần sau đó và quyết định thành lập đoàn công tác do tôi làm Trưởng đoàn vừa kể trên.

Chỉ còn một chi tiết tôi muốn kể thêm: Sáng 11/11, tôi đến cơ quan lúc 7 giờ nhưng trời còn mờ vì đã vào đông. Vào hành lang thì đã nghe tiếng anh Nguyễn Công Tạn trong phòng khách. Anh mới lên Phó Thủ tướng được hai tháng. Gặp tôi anh nói: Việc giải quyết hậu quả cơn bão là rất quan trọng, đáng lẽ anh vào, nhưng vì đang đi giúp anh Phạm Thế Duyệt giải quyết vụ Thái Bình nên đã báo cáo anh Phan Văn Khải để tôi đi thay. Tôi đồng ý và chiều thấy đọc quyết định này của Thủ tướng Chính phủ trên đài. Sáng sau tôi vào tham dự cuộc họp ở Thành phố Hồ Chí Minh với bản báo cáo đã chuẩn bị trình bày và lĩnh “ấn” cho chuyến đi “địa bàn” một ngày sau đó.

Mười năm sau bão Linda tôi nghỉ công tác, đầu tháng 11 năm 2007 tôi về lại Kiên Giang, Cà Mau và đến Sóc Trăng nơi chúng tôi đặt đại bản doanh của Đoàn công tác 10 năm trước. Lúc ở Kiên Giang, tôi nhớ tới buổi mặc niệm ở khu 16 ha nên tìm gặp nhạc sỹ Lý Dũng Liêm, người sáng tác và tham gia hát bài “Sau cơn bão đi qua” khi truy điệu làm nhiều người rơi nước mắt hôm đó. Bài buồn nên sau buổi mặc niệm không còn được nghe. Anh tặng tôi bản nhạc in và đĩa bài hát. Tôi muốn kết bài viết này bằng kết của bài hát:

Ơi! Ơi đồng bào ơi!

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng!

Người trong một nước phải thương nhau cùng!

Đoạn điệp khúc này lặp lại, nhỏ dần và dứt hẳn chỉ còn sự yên lặng của những người dự mặc niệm hôm ấy, nhưng hễ có thiên tai, có hoạn nạn, dù ở đâu thì sự đùm bọc sẻ chia đến nay luôn là nét đẹp nhân văn và văn hóa của người Việt Nam ta nói chung và trong cộng đồng ngư dân nói riêng! (Hết)

Hà Nội, cuối tháng 10/2017

Thủ tướng gửi thư chia buồn với các gia đình bị thiệt hại bởi bão Linda

Ngày 30/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có thư gửi thân nhân các gia đình bị thiệt hại bởi thiên tai, chiến sĩ và các lực lượng phòng chống thiên tai, gửi lời thăm hỏi, chia sẻ về những mất mát do cơn bão số 5 (Linda) gây ra cách đây 20 năm.

Trong thư, Thủ tướng Chính phủ viết: Sau hai thập kỷ, nỗi đau của các gia đình bị mất người thân vẫn còn đó. Vào ngày này, tất cả chúng ta đều xúc động và nhớ đến thời khắc đau thương đã xảy ra. Thay mặt Chính phủ, tôi gửi tới đồng bào, thân nhân các gia đình bị thiệt hại lời thăm hỏi, chia sẻ sâu sắc nhất. Đồng thời, tôi cũng ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của chiến sỹ và lực lượng phòng, chống thiên tai.

Thời gian gần đây, thiên tai ngày càng phức tạp, khó lường, xảy ra trên khắp các vùng miền cả nước. Các thách thức của biến đổi khí hậu, sự suy giảm rừng phòng hộ ven biển, lún sụt đất, nước biển dâng... là những yếu tố làm tăng nguy cơ rủi ro khi có thiên tai, nhất là bão, áp thấp nhiệt đới đối với đồng bằng sông Cửu Long. Với bài học đắt giá từ cơn bão Linda, tôi kêu gọi đồng bào, chiến sĩ và các lực lượng phòng, chống thiên tai cả nước, trong đó có các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cần đề cao cảnh giác, sẵn sàng, chủ động ứng phó với thiên tai, hạn chế thấp nhất thiệt hại có thể xảy ra.

 

(Nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản)

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Chuyện làm du lịch ở miền núi Phú Thọ: [Bài 1] Đồi chè Long Cốc, nàng tiên không ban cho dân được mấy tiền

'Không mấy ai nhìn ra giá trị của rừng Xuân Sơn, Tân Sơn nên bỏ lỡ cơ hội phát triển du lịch', TS. Ngô Kiều Oanh tiếc rẻ.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm