Người đàn ông 48 tuổi cao to lực lưỡng, từng là lính đặc công tràn trề sức mạnh, giờ đã hóa thành nắm tro cốt đựng trong chiếc bình sứ hình trái dừa.
Người ta đã biết trước cái kết nghiệt ngã ấy từ hơn 1 năm trước, khi căn bệnh ung thư gan hành hạ khiến anh Đương nhiều lần đi ngoài ra máu, nôn cũng ra máu, toàn thân phù thũng và tĩnh mạch thực quản luôn chực chờ vỡ tung.
Nắng chói lóa hòa lẫn màu trắng khăn tang, trưởng thôn Bùi Văn Thơ vừa đi viếng đứa cháu trai đoản mệnh trở về, lòng vẫn ngổn ngang niềm thương xót: “Mấy năm trước nó vẫn khỏe như vâm, người làng không ai vật nổi. Giờ chỉ mong nó động đậy cũng không được”.
Anh Đương là trường hợp thứ 4 tử vong vì căn bệnh ung thư được Trạm y tế xã Hoàng Tây liệt kê vào sổ tử trong 5 tháng đầu năm 2015.
Chồng tâm thần, vợ ung thư
Liên tiếp 7 năm qua, gia đình bà Vũ Thị Bút (51 tuổi, thôn Yên Lão) phải sống dựa vào gạo cứu đói giáp hạt. Gia cảnh được ông trưởng thôn đánh giá là bi thảm nhất xã, thậm chí nhất tỉnh.
Chồng bà Bút (ông Vũ Văn Lủi) mắc bệnh tâm thần, ngày ngày tha thẩn làng trên, xóm dưới, miệng lầm bầm những gì chẳng ai hiểu.
Một mình bà Bút sáng mò mẫm đồng trũng chăm 2,5 sào lúa, chiều vác đất be bờ, đắp đập thuê kiếm tiền nuôi chồng và 3 đứa con thơ ăn học. 20 năm nay, người ta không còn thấy bà mặc quần lụa, áo hoa nữa.
Khi những lần đại tiện ra máu xuất hiện ngày càng nhiều ở tuổi 49, bà mới biết thế nào là nằm viện, thế nào là bệnh ung thư trực tràng giai đoạn cuối. Cậu con cả Vũ Văn Nam đang học lớp 9 phải nghỉ giữa chừng để theo mẹ lên Bệnh viện K (Hà Nội) chạy chữa.
Bà Bút thuộc diện hộ nghèo nên chi phí điều trị đã có BHYT đài thọ. Túi tiền lúc nào cũng lép xẹp, Nam chỉ dám mua hộp sữa cho mẹ lót dạ buổi sáng, còn buổi trưa và buổi tối vác sổ hộ nghèo vào chùa Quán Sứ (Hà Nội, gần Bệnh viện K) xin cơm bố thí.
Chống chọi với những cơn đau quằn quại suốt 3 năm, những gì còn sót lại ở bà Bút chỉ là một thân xác teo tóp, nặng đúng 32kg.
Người phụ nữ có khuôn mặt hốc hác, đôi mắt thâm cuồng, trũng sâu nằm bất động trên giường với ánh mắt vô hồn, cạnh đó là một bát nước lạnh.
Bà Bút bảo, một tuần nay người ngợm đau đớn quá. Vết mổ trực tràng lại bị loét, dịch cứ rỉ ra, chỉ biết bò lăn bò toài.
Hôm đầu, bà dùng thuốc giảm đau 2 viên/ngày, hôm sau 4 viên, giờ tăng lên 8 viên/ngày mà chẳng đỡ. Uống thuốc vô tội vạ, nó phá ra mồm, phồng rộp hết môi lợi, miệng cứ nóng rực như người ta châm lửa đốt, phải uống nước lạnh cho hạ hỏa.
Vừa đau đớn thể xác, bà còn buốt nhói tâm can khi mỗi lần lên cơn nôn, ông Lủi lại bắt chước nôn theo rồi cười.
“Mình kêu đau, ông ấy bảo: mày chết đi để tao đóng quan... Đợt trước, có ông Trình (y tá tư nhân) sang nhà tiêm thuốc cho tôi, chồng tôi khóa cổng rồi đuổi đánh, may có hàng xóm chạy sang can”, bà Bút kể.
Danh sách sổ báo tử tại Trạm Y tế xã Hoàng Tây dày đặc bệnh nhân ung thư
Chẳng biết có phải do gen di truyền hay không, mà 2 người chị ruột của bà Bút là Vũ Thị Cải và Vũ Thị Cúc cũng đã lần lượt chết ở tuổi 47 và 49.
Nằm viện nhiều hơn ở nhà
Cách nhà bà Bút chừng trăm bước chân, bà Lại Thị Ân cũng đang quằn quại vì đau đớn. Bà phát hiện u nang buồng trứng di căn từ cuối năm 2013, mổ 2 lần cắt hết buồng trứng vẫn không khỏi.
Giờ sức khỏe yếu quá, không điều trị hóa chất được, bà chỉ còn biết uống thuốc tây, thuốc nam, nằm thoi thóp thở trong tuyệt vọng.
Đối diện với căn hộ của bà Ân có một ngôi nhà xây 14 năm chưa được trát vữa. Bên trong, một thanh niên có làn da bợt nhợt, thân hình gầy nhẳng đang ngồi trên phản, đôi chân như hai ống giang băng bó chằng chịt ở đầu gối thả thõng xuống nền nhà.
Đó là Thuận (20 tuổi), con trai anh Bùi Văn Thi.
Căn nhà của anh Bùi Văn Thi (bố Thuận) 14 năm chưa có tiền trát vữa
Thuận bị bệnh xuất huyết giảm tiểu cầu. Một năm có 365 ngày thì thời gian cậu nằm giường bệnh truyền, lọc máu mất gần 300 ngày. Khớp chân, tay tê nhức, lúc khỏe lắm Thuận mới dám kẹp nạng vào nách đi vài bước.
Cứ đà này, không lâu nữa, cậu sẽ nằm liệt giường, ngắm bầu trời qua những ô thoáng hở tông hốc quanh tường nhà.
Mỗi lần Thuận hoa mắt, chân tay run lẩy bẩy, dù trong nhà chẳng còn đồng nào, vợ chồng anh Thi cũng phải “cấu” người thân, “véo” bạn bè gom 5 - 10 triệu đồng, thuê taxi chở con lên Hà Nội điều trị cả tháng trời.
Nợ nần cứ thế chồng chất như núi, cái sổ đỏ đã đem đi thế chấp từ lâu. Hằng năm, gia đình anh Thi vẫn được liệt vào danh sách những hộ được trợ cấp gạo cứu đói của xã Hoàng Tây.
Đang lúc túng bấn, anh Thi lại bị tai nạn xe máy, ngã dập nội tạng, phải mổ 2 lần cắt mấy chục cm ruột già. Từ ấy, động làm việc nặng là người anh mềm nhũn như bún.
Nhìn tấm thân héo hắt của con, anh Thi lại ứa nước mắt tự hỏi, tại sao “căn bệnh hoàng gia” ngốn tiền như nước ấy lại rơi trúng gia đình nghèo rớt mồng tơi như mình?
Điều kỳ lạ là khi nhân dân Hoàng Tây đang “khát nước sạch”, thì hai nhà máy nước sạch đặt tại hai thôn Yên Lão và Thọ Lão, với nguồn vốn đầu tư hàng tỷ đồng lại bị bỏ hoang cả chục năm nay, đường ống dẫn nước tới nhà dân bị phá bung bét, thậm chí cái máy bơm đặt tại nhà máy nước cũng bị trộm tha. |
Ngược ra phía đê Nhuệ giang, chúng tôi vào thăm anh Bùi Văn Hậu (47 tuổi, thôn Yên Lão), người vừa đi điều trị một lô lốc bệnh gồm xơ gan, thấp khớp đến viêm loét dạ dày trên Bệnh viện Phủ Lý về. Những hộp thuốc được vứt lỏng chỏng khắp nơi.
Anh bảo: “Giờ chỉ sống vì thuốc, không có thuốc thì “đi”. Từ khi phát hiện bệnh cuối năm 2013 đến giờ, tôi nằm viện nhiều hơn ở nhà, chi phí khám bệnh, thuốc thang hết gần 200 triệu rồi, khiếp sợ quá”.
Căn nhà cấp bốn mái ngói oằn xuống như sắp đổ sập đến nơi, mỗi mùa mưa bão đến cả gia đình lại run rẩy sợ hãi, nhưng anh Hậu chẳng có cái “răng vàng” nào mà vặn ra để lấy tiền tu sửa.
Tôi hỏi: Sao không vay mượn anh em? “Ai cũng bi đát cả”, anh nói. Mấy năm trước, anh Bùi Văn Phúc (anh trai anh Hậu) thấy nhọc người và ho dai dẳng nên sử dụng thuốc quá liều, nó phá lên dây thần kinh gây đứt mạch máu não.
Bây giờ lại “đẻ” thêm bệnh xơ gan, sỏi thận và đau dạ dày, mỗi lần đi tiểu tiện rất nhức buốt. Em trai anh Hậu là Bùi Văn Tiến, hai năm trước cũng chết vì xơ gan.
Anh Nguyễn Văn Hậu giờ chỉ sống nhờ thuốc
Theo ông Lê Văn Tuấn, Trạm trưởng Trạm Y tế xã Hoàng Tây, hiện toàn xã có 10 bệnh nhân đang điều trị ung thư, tuy nhiên con số thực tế là bao nhiêu thì không thể khẳng định được, bởi người dân không có thói quen khám sức khỏe định kỳ, khi phát hiện bệnh thường ở giai đoạn cuối.
Đáng báo động hơn, số người chết ở tuổi 50 trở xuống chiếm khoảng 35 - 40% tổng số người chết toàn xã.
Trưởng thôn Bùi Văn Thơ bảo rằng: Gọi cái làng này là làng ung thư không sai nhưng chưa bao quát hết. Phải gọi là “làng bệnh tật” mới đúng.
Nguyên nhân vì đâu? Ông Trương Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Hoàng Tây, lý giải: Nhiều năm nay nước sông Nhuệ ô nhiễm nghiêm trọng, nước đen như pin, khi cấp nước SXNN, thủy lợi mở cống hoặc bơm nước vào nội đồng. Rất nhiều cơ quan, nhà khoa học đã về đây nghiên cứu, xem xét, đánh giá và khẳng định rằng nguồn nước bị ô nhiễm và ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của nhân dân.
Nước giếng khoan dù đã qua bể lọc vẫn đen kịt