| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh làng ung thư: Bệnh tật phải ai, tai ương người đấy

Thứ Tư 24/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Làng Thống Nhất, xã Đông Lỗ, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đứng đầu danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm. Nơi đây, nước nhiễm asen rất nặng./ Chén đắng cuộc đời

Có bệnh... giấu tứ phương

Chúng tôi tìm đến gia đình ông P.Đ.N. Ông N và người con trai cả đều đã qua đời vì ung thư, còn người con trai út xấp xỉ 30 tuổi vẫn đang điều trị căn bệnh quái ác này.

Bà quả phụ N.T.Q đi vắng. Chỉ có người con trai út ở nhà. Người gầy gò, nước da bủng sạm, trông khuôn mặt có vẻ dữ dằn nhưng anh nói chuyện nhỏ nhẹ. Khi chúng tôi hỏi về gia cảnh, anh ngần ngừ đáp: “Bố tôi mất vì trọng bệnh, nhưng... phần nào ông cũng đã ngoài 60”.

Còn khi nói về mình, anh lắc đầu, không có bệnh gì hết. Đoạn cúi xuống, vê vê đôi bàn chân xuống sàn nhà. Im lặng. Khi chúng tôi hỏi về bình lọc inox được Nhà nước hỗ trợ mà chỉ có 43/137 hộ gia đình thôn Thống Nhất mới được lắp, anh cũng im lặng. Rồi lại vê vê đôi bàn chân.

Không chỉ riêng người con trai út của ông P.Đ.N, nhiều gia đình khác khi được hỏi cũng giấu bệnh. Nếu như người xưa từng nói rằng, “có bệnh vái tứ phương” thì người dân thôn Thống Nhất có bệnh lại đang... giấu tứ phương.

13-43-18_img_5196
Bình lọc inox được Nhà nước hỗ trợ gia đình ông P.Đ.N

Bệnh tật phải ai, tai ương đến người đấy

Theo danh sách trong sổ “thiên tào” của ông trưởng thôn, chúng tôi đến gia đình bà Nguyễn Thị Nhật, có chồng là ông Nguyễn Văn Ư mới mất vì bệnh ung thư phổi.

Thống kê trong “sổ thiên tào” của ông trưởng thôn Nguyễn Trí Thức, tính riêng trong năm 2014, cả thôn Thống Nhất có 5 người chết vì mắc ung thư, chủ yếu là ung thư gan và ung thư phổi, tuổi thì đa phần dưới 50. Tình trạng tương tự cũng đã diễn ra hơn 10 năm nay. Còn 6 tháng đầu năm 2015, có 3 trường hợp chết vì ung thư.

Bà Nhật cho biết, ông Ư làm thợ xây, không ốm bao giờ, nhưng đã ốm là một sống hai chết. Năm 2011, ông nhập Viện Quân y 103 (Hà Đông) vì viêm màng não. Gần 3 tháng nằm viện, ông về nhà. Bà Nhật chăm chồng trong viện đến tháng thứ hai thì bị thoát vị đĩa đệm, đến nay đi làm vẫn cứ phải đeo đai.

Khi nằm viện, một bên chân một bên tay ông Ư cứ thẳng như cái gậy. Về nhà, đi lại phải chống gậy. Ông kiên trì tập luyện, vợ què lần tường đi, chồng bệnh tật dìu dắt nhau. Hai con người xiêu vẹo như hai dấu hỏi giữa cuộc đời mà trời rét căm căm, sương muối buốt giá, vẫn cứ đội mũ đưa nhau ra đường tập thể dục.

Đến khi bỏ gậy được, ông lại lấy xe đạp lê lết ra đường. Đầu tiên lên xe cứ bên nọ đảo bên kia, nhiều khi ngã khụyu xuống, ông lại vực dậy đi. Nghị lực kiên trì được đền đáp vì ông không muốn làm cái gánh quá nặng ngày đêm vợ con phải hầu hạ.

“Dân làng, anh em họ hàng ai cũng bảo mừng cho ông ấy đi lại được như thế, tôi đỡ vất vả”, bà Nhật nhớ lại.

Nhưng ngày vui ngắn chẳng tày gang. Đến ngày 12/9 âm lịch (2014), ông Ư phát bệnh. Cầm trong tay 2 triệu tiền công làm thuê ở lò gạch, bà Nhật lại hớt hải thu xếp cho chồng nhập viện.

Từ khi ở viện về, quanh năm ngày tháng lúc nào gia đình cũng phải thuốc thang đều cho ông, chả lúc nào dám bê trễ. Nhập viện lần này, được một tuần, bà Nhật đi lấy kết quả chụp phim. Cậu y tá vốn trước là sinh viên thực tập, thấy cái tên đặc biệt của ông, rồi lại thấy bà thì thảng thốt nói: “Cô ơi, chú bị ung thư phổi rồi”. Bà Nhật òa khóc. Cậu y tá an ủi: “Chú bình thường thôi, cô cứ yên tâm để chữa bệnh cho chú”. Rồi cậu lại động viên: “Bây giờ cô về khoa, xin đưa chú đi chụp cộng hưởng từ cái đầu xem thế nào”.

Kết quả chụp cộng hưởng từ cho thấy khối u di căn đã nhảy lên đầu 3 nốt ở trong não. Thế là ông Ư ngẩn ngơ luôn.

“Tại sao trước đây ông ấy đã đi nằm ở viện rồi, cũng đi chụp phổi rồi mà không phát hiện ra?”. Bà Nhật vẫn chưa hết bàng hoàng. Bà nói với chúng tôi mà như vừa mới nhận kết quả, như không phải chồng bà đã đi xa rồi.

“Người vẫn bình thường, ông ấy không ho hắng gì sất cả. Từ khi bị não ở viện về thì ông ấy béo, trước ông ấy gầy. Điều trị ở nhà thì mặt ông ấy béo ra”. Đoạn bà ngó lên ảnh chồng trên bàn thờ được chụp khi ông bị bệnh để làm chứng minh nhân dân. Gương mặt người đàn ông ngoài 50 tuổi thấp thoáng sau khói hương.

Ba người con của ông bà, con lớn cưới vợ hồi tháng 4. Con út, tốt nghiệp trường y chưa xin được việc làm đều tập trung tiền bạc để chạy chữa cho bố.

“Cứ 2 triệu đồng/ống thuốc nhỏ nhỏ trên quầy Hà Đông mới có ở Viện 103, mẹ con tôi đều đặn mua về để tiêm, hòng kéo dài cho ông ấy được ít nào hay ít đấy. Họ hàng lo lắng bảo ốm đau mấy năm giời rồi, bây giờ làm gì có tiền”. Bà Nhật nghẹn ngào vừa kể vừa cắn răng giữ cho tiếng nấc khỏi bật ra. Người làm ra của chứ của không làm ra người. Mẹ con bà đi vay đi mượn để bằng mọi cách cứu chồng, cứu cha. Nhưng đến ngày 24 tháng 9 nhuận thì thần chết giằng ông Ư khỏi cánh tay mẹ con bà Nhật.

“Gần đây, mọi người rất ngại chia sẻ về người thân bị ung thư. Tại sao bà có thể sẵn sàng chia sẻ gia cảnh nhà mình như vậy?”. Nghe tôi hỏi, bà Nhật nâng chéo tay áo lau những giọt nước mắt lã chã rơi: “Thôi thì chú ạ, thực tế nó có như thế, mình cũng không thể giấu được. Bệnh tật nó phát ra phải ai thì tai người đấy. Nói thật là ai cũng muốn sống, người ta 90 tuổi, 100 tuổi vẫn một đời người, đúng không chú? Bây giờ, ông ấy mới ngoài 50 tuổi, cũng một đời người, bỏ con còn dại...".

Bà Nhật nín lặng để nuốt nỗi đau vào trong lòng. “Như đũa có đôi, không ai muốn khuyết thiếu gì, không may như thế thì mình giấu làm sao được bệnh tật đúng không chú?".

13-43-18_img_5202
Bà Nguyễn Thị Nhật nín lặng để nuốt nỗi đau vào trong lòng

Nghẹn ngào hồi lâu, bà Nhật trấn tĩnh lại: “Tôi chả giấu giếm gì cả, sự thật là như thế thì phải chấp nhận. Mình chả giấu được bệnh tật đấy”. Bà Nhật sinh năm 1960 tuổi Canh Tý, kém chồng 2 tuổi. “Canh cô, Mậu quả”, điều người xưa nói vậy đã vận vào bà.

“40 ngày sau khi nhà tôi mất thì ông anh cả, Nguyễn Văn Phường (tức Hùng) mất. Cũng bị ung thư phổi. Trước đấy, anh thứ hai nhà tôi cũng mất vì ung thư khi 54 tuổi. Nhà 6 anh em trai thì chết mất 3 người đầu” (bà Nguyễn Thị Nhật).

Tiễn chúng tôi qua sân thóc đang phơi giữa trưa hè đổ lửa, bà Nhật đứng ngang với bức tường bao quanh nhà, trên tường là dòng chữ đen: “Lắp đặt & sửa chữa máy lọc nước. Điện thoại tư vấn....” như rải băng tang trên ngực mỗi người trong giây phút tiễn biệt người thân về bên kia thế giới.

Đâu phải vô căn cứ

Làng Thống Nhất đã lùi ra xa. Trước mắt chúng tôi là trạm bơm Mạnh Tân đang lấy nước tưới cho đồng ruộng. Nước sùi bọt trắng như bong bóng xà phòng.

Tôi cứ ám ảnh với câu nói của một vị cán bộ có trách nhiệm xã Đông Lỗ cho rằng, “danh hiệu” làng ung thư của thôn Thống Nhất đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của nhân dân trong thôn.

Vị này thừa nhận nguồn nước bị ô nhiễm nặng, song vẫn “đá xoáy” rằng người dân Thống Nhất có thói quen uống rượu vào buổi sáng, đây cũng có thể là một trong những căn nguyên ảnh hưởng đến sức khỏe.

Xong hiện thực 100% các hộ gia đình phải sử dụng bể lọc nước mưa do Ngân hàng NN-PTNT cho vay vốn xây dựng, bể nhỏ nhất 5m3, bể lớn 10m3, đang là minh chứng rõ ràng nhất về hiện trạng ô nhiễm nguồn nước nơi đây...

Đồng thời, Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên môi trường quốc gia (Bộ TN-MT) xếp Thống Nhất vào danh sách 10 “làng ung thư” có nguồn nước ô nhiễm nặng, cùng Cục Quản lý môi trường (Bộ Y tế) đang tiến hành khảo sát nguồn nước tại đây, dù chưa có kết quả, nhưng đâu phải vô căn cứ!

Xem thêm
Sắp xếp, tinh gọn bộ máy: Cấp tỉnh không quá 14 Sở

Ban chỉ đạo về tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18 yêu cầu tổng số Sở thuộc UBND cấp tỉnh không quá 14 Sở, riêng Hà Nội và TP.HCM không quá 15 Sở.

Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao là cuộc cách mạng lớn

An Giang có trên 300 nghìn nông dân trực tiếp sản xuất lúa và 229 hợp tác xã đang đóng vai trò quan trọng trong việc tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao.

Khởi tố nghi phạm đốt quán hát khiến 11 người chết ở Phạm Văn Đồng

Vụ cháy trên phố Phạm Văn Đồng (Hà Nội) khiến 11 người tử vong. Cảnh sát điều tra CA TPHN đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can với nghi phạm 51 tuổi.