Mồ hôi như tắm, anh ngồi xổm rót từng cốc nước lá tu ừng ực.
Uống thuốc thay cơm
Dựng vội chiếc xe máy ngoài sân, vợ chồng anh Đỗ Văn Hoạch (SN 1974), thôn Lũng Vỵ, xã Đông Phương Yên (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) chạy ngay vào trong nhà tránh nắng.
Anh Hoạch, người gày gò, đôi mắt trũng sâu, ngồi bệt xuống nhà thở hổn hển. Chị Liên vợ anh nói không ra hơi: "Vợ chồng tôi vừa ra… ra Việt Đức… khám lại, lấy thêm thuốc về uống chú ạ. Đi từ sớm tinh mơ tới giờ, mất gần một ngày mới xong việc đấy".
Mùng 4 Tết âm lịch vừa rồi, chị Liên thấy chồng kêu đau bụng, nằm vật vã không ăn uống được gì. Đến mùng 5 thì đau dữ dội. Hôm sau, vợ chồng anh dắt díu nhau ra Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) thăm khám.
Một khối u ác, kích thước 3,3 cm đang lớn dần trong gan, bệnh viện yêu cầu gia đình chuẩn bị tinh thần, tiền bạc để điều trị. Mấy ngày khám bệnh, 25 triệu đồng anh Hoạch cầm đi chỉ còn vài đồng bạc lẻ. Cả nhà, họ hàng chẳng còn thiết tết nhất khi nghe tin dữ.
Cuối tháng 3, vợ chồng anh tiếp tục tìm đến Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) xét nghiệm. Khối u vẫn còn ở đó trong nỗi sợ hãi của anh Hoạch.
Bốn ngày nằm viện ngốn của gia đình thêm 30 triệu đồng. Hai tháng sau, anh lại sang Bệnh viện Nhiệt đới kiểm tra. Nỗi buồn nhân gấp đôi khi bác sỹ thông báo, chị Liên cũng mắc viêm gan B. Cả hai thăm khám sơ sơ cũng mất hơn 7 triệu đồng.
Mỗi tháng, tiền thuốc Tây của hai vợ chồng khoảng 6 triệu đồng. Nghe ai mách ở đâu có thuốc chữa ung thư gan, dù tận Hà Giang hay miền Nam, anh Hoạch đều tìm mua cho bằng được.
Anh bảo, thứ đáng giá nhất hiện có trong căn nhà là đống thuốc. Đúng thật, bịch lớn, bịch nhỏ thuốc ngổn ngang khắp nơi che kín cả bức tường nham nhở vôi vữa. Trong bịch, hỗn độn nào là rễ cây, cành cây, lá khô...
Thuốc, giấy tờ khám chữa bệnh ngày một dày thêm
Ngồi nghỉ một lát, anh bắt đầu rót thuốc trong ấm ra từng cốc. Thứ thuốc mà anh bảo mua từ Hà Giang có màu vàng sánh, mùi hơi hăng hăng. Thấy anh tu ừng ực ngon lành, tôi bảo, rót cho em một cốc uống thử xem thế nào.
Cầm cốc thuốc, tôi vừa nhấp một ngụm đã phải bỏ vội xuống. Đắng đến nghẹt cổ họng. Anh Hoạch cười méo xệch: "Đắng lắm, chú không uống được đâu. Nhưng mà thuốc đắng dã tật, ngày nào tôi cũng uống nên quen rồi.
Uống mãi giờ thành ra thay nước chè, nước lọc luôn. Hôm nào lỡ đổ nhiều nước, uống xong no quá, khỏi phải ăn cơm. Thế là tiết kiệm được một bữa chú ạ"
Nhà bốn người nhưng chỉ được 1,3 sào ruộng. Anh đấu thêm 7 sào ao để nuôi cá. Nuôi tốt, năm cũng lãi được 6 - 7 triệu. Thóc lúa làm chỉ đủ ăn hai tháng. 10 tháng còn lại thì đi đong.
Cách đây mấy năm, chị Liên đi làm phụ hồ, chẳng may bị thanh giàn giáo đổ trúng đầu nứt sọ não. Bao nhiêu tiền đổ ra cứu người may giữ được tính mạng.
Thùng các-tông thuốc lá, rễ cây anh Hoạch mua từ Hà Giang
Mỗi khi trở trời, đầu đau như búa bổ, chị vật vã như người động kinh, lăn từ trên giường xuống đất, lăn cả ra sân. Người phụ nữ nhà bên bảo, nhìn con Liên thương lắm nhưng chẳng biết làm sao. Đợt đầu thấy thế, ai cũng tưởng chị phát điên.
Tôi hỏi anh Hoạch, cứ thế này, tiền đâu mà chữa bệnh? Tư lự giây lát, anh bảo: Lại đi vay thôi chú ạ. Trong nhà có 30 triệu đồng, vay ngoài được 15 triệu đồng, vay anh em, làng xóm mỗi người 1 chỉ vàng, thuốc thang từ Tết đến giờ chẳng còn 1 xu. |
Không phải đến bây giờ, từ cách đây 5 năm, gia đình anh đã sống trong phập phồng lo sợ. Nhà có 8 anh chị em thì có tới 4 người mất vì ung thư gan.
Người đầu tiên mất năm 2010. Ba năm sau đó, căn bệnh quái ác này lần lượt cướp thêm sinh mạng 3 người. Đầu năm nay, ung thư đã “hỏi thăm” anh. Nỗi đau, sự sợ hãi bao trùm cả dòng họ.
Chồng mất, sổ đỏ cũng “bay”
Từ ngày chồng mất vì căn bệnh ung thư gan, căn nhà của chị Trần Thị Hồng (SN 1980, thôn Lũng Vỵ) và 3 đứa nhỏ lúc nào cũng cửa đóng then cài.
Tôi chờ cả buổi nhưng không gặp được vì chủ nhà đi làm may cách nhà mấy cây số. Trưa hè, trời nắng cháy xém mặt, mấy đứa nhỏ vẫn lăng xăng chạy khắp xóm chơi trồng nụ, trồng hoa.
Bà Phan Thị Hậu (63 tuổi), mẹ đẻ chị Hồng, ngậm ngùi: "Thằng Mạnh là trụ cột của cả gia đình, đùng một cái ông trời lỡ cướp nó đi".
Mạnh làm lái xe tải chở hàng rong ruổi khắp các tỉnh quanh Hà Nội. Có với nhau 3 mặt con, cất được căn nhà 2 tầng, cuộc sống coi như tạm ổn. Ngày tháng yên bình chẳng tày gang khi Mạnh phát hiện mang trong mình căn bệnh ung thư gan quái ác.
Ông Phan Ngọc Kiên, Trưởng thôn Lũng Vỵ, bảo, Mạnh là người hiền lành, tốt tính, trong làng ngoài xóm, ai có chuyện gì hắn đều giúp. Ai ngờ.
Lúc về, tôi nắm tay anh Hoạch bảo, cố gắng giữ gìn sức khỏe, lạc quan mà sống. Anh cười buồn: "Lúc nào chú rảnh hoặc có việc gì đi qua thì vào thăm anh. Nhưng mà không biết lúc chú quay lại anh còn sống không nữa…". |
Trong nhà có ít tiền, chị Hồng đưa chồng đến Bệnh viện Bạch Mai thăm khám. Tiền điều trị, thuốc thang ngày một nhiều lên. Chị bàn với chồng đem cầm sổ đỏ nhà đất lấy tiền chữa bệnh. Mạnh không đồng ý nhưng chị vẫn quyết làm. Tiền có bao nhiêu cũng chỉ như muối bỏ bể.
Dù được y, bác sỹ tận tình cứu chữa nhưng ung thư đã đến giai đoạn cuối, bệnh viện đành trả về.
Không đầu hàng số phận, chị Hồng đưa chồng đi khắp nơi bốc thuốc nam. Từ Hòa Bình cho đến Sơn La, Lai Châu, nơi đâu cũng in hằn vết chân hai con người khốn khổ ấy.
Nhưng rồi, anh Mạnh vẫn ra đi, để lại người vợ và 3 đứa con thơ dại. Ngày bố mất, đứa út vấn vành khăn trắng hỏi mẹ: “Sao hôm nay nhà mình đông thế?”. Chị Hồng lại ôm con khóc chết lịm.
Trưởng thôn Lũng Vỵ chua xót lật từng trang của cuốn sổ tử
Chưa dừng lại ở đó, hơn 1 tuần sau, gia đình này đón tiếp nỗi đau khi anh của Mạnh cũng qua đời vì ung thư gan.
Bà Hậu bảo: "Khổ chưa từng thấy chú ạ, gánh nặng gia đình dồn hết lên vai vợ nó. Sổ đỏ nhà đất thì chưa thể chuộc về, không biết lúc nào mất nhà. Số tiền vay lãi thì ngày một nhiều thêm, lãi mẹ đẻ lãi con".
Một tháng làm công nhân, chị Hồng kiếm được hơn 4 triệu đồng. Đồng lương ít ỏi dành đi trả lãi hằng tháng còn lại chẳng đủ tiền cháo cho các con. Ba đứa, nguyên tiền học phí mất 6 triệu đồng/kỳ.
Ông Kiên cho biết, thôn đang làm đơn xét hộ nghèo cũng như miễn giảm học phí cho gia đình chị Hồng. Cũng theo ông Kiên, trong thôn hiện có vài trường hợp bị ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện trả về. Nhiều trường hợp thì giấu bệnh, không đi khám, âm thầm rồi chết.
Người dân thì nghi ngờ, căn bệnh ung thư ở đây xuất phát từ nguồn nước. Nhưng những nghi ngờ đó chẳng thể “kinh động” để các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra.
Cái xóm nhỏ Lũng Vỵ thỉnh thoảng lại vọng ra những tiếng kèn trống, những tiếng khóc ai oán đến rợn người.
Thôn Lũng Vỵ có 1.800 nhân khẩu mà năm 2014 trong số 16 người chết thì quá nửa là chết vì ung thư. Mấy tháng đầu năm nay đã có thêm 2 người góp tên vào sổ tử xã Đông Phương Yên.