| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh về ngôi mộ tập thể cách đây 70 năm

Thứ Hai 14/08/2017 , 14:30 (GMT+7)

Chuyện xảy ra sau Ngày toàn quốc kháng chiến, 7 chiến sĩ du kích ở Bản Hẻo (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đã bị giặc Pháp bắn chết vào ngày 15/11/1947 ở dốc Bồ Hòn. 

Trong đó có 2 chiến sĩ được người thân lấy trộm xác mang về chôn, còn 5 người vẫn nằm lại đã khiến một người cứ ám ảnh trước lời dặn của người cha đã khuất cách nay 24 năm…
 

Ám ảnh

Sáng 27/7/2017 khi tôi còn đang ngon giấc thì chuông điện thoại reo vang, nhìn vào màn hình hiện tên Trần Đức Lâm - PGĐ Sở NN-PTTN Yên Bái, anh bảo: Suốt đêm qua tôi không ngủ được, cứ ám ảnh về 7 người du kích đã hy sinh, trong đó có người tôi phải gọi là ông. Tháng 9 năm 1976, trên đường đưa tôi vào đại học bố tôi kể cho nghe về 7 người đã hy sinh như muốn nhắn gửi điều gì. Sau khi ra trường công việc túi bụi, lại chuyện gia đình, làm ăn… nên tôi quên bẵng chuyện đó. Bố tôi mất đã 24 năm rồi, nhớ lại điều bố tôi kể, tự dưng mấy ngày qua câu chuyện về 7 chiến sĩ du kích cứ hiện hình trong đầu tôi như một nỗi ám ảnh. Tôi muốn cùng anh trở lại nơi bọn giặc đã bắn họ rồi vùi xác ở ven đồi…

13-45-16_1
Ông Trần Đức Lâm (trái) và ông Hoàng Văn Dũng bên ngôi mộ ngang dốc Bồ Hòn

Dốc Bồ Hòn cách nay 70 năm là khu rừng rậm rạp, trải qua mấy chục năm rừng đã bị tàn phá, nơi 7 du kích bị giặc Pháp bắn quăng xác xuống ven đồi giờ là bãi mầu trồng khoai môn và nhiều loại cây trồng khác.

Dừng xe hỏi cô gái bán hoa quả ngang dốc ven đường về ngôi mộ nơi này, cô bảo: Cháu mới về làm dâu ở đây hơn chục năm nay, nghe mọi người nói sau nhà cháu có một ngôi mộ, nhưng đó là ngôi mộ của một cô gái tự tử chứ không phải những người như các chú kể. Họ cũng đã bốc đi lâu rồi, các chú muốn biết xuống nhà các ông bà dưới kia, họ về ở đây đã lâu nên biết…

Chúng tôi xuôi theo con dốc vào nhà ông Hoàng Văn Dũng nhìn sang dốc Bồ Hòn, nhà ông trước đây ở dưới cánh đồng Mường Lò, đây là lều nương của gia đình, ông chuyển lên đây khoảng hai chục năm nay. Chỉ ra bãi khai môn ông bảo: Bãi khoai của gia đình bà Nguyễn Thị Hợi, ở đó có một ngôi mộ không biết của ai. Cách nay mấy năm, cứ vào dịp cuối năm có người đến đây thắp hương. Tôi không biết họ ở xã Thanh Lương hay Thạch Lương…

Chúng tôi theo ông Dũng lên xem ngôi mộ, ngôi mộ khá to cỏ mọc um tùm cao ngang thắt lưng nằm lẫn trong bãi khoai, nhìn quanh không thấy chân hương hay đồ cúng tế. Ông Dũng dẫn chúng tôi đến nhà bà Hợi cách đó một đoạn. Bà Hợi kể: Cách nay 7-8 năm, cứ vào khoảng cuối tháng 12 âm lịch gia đình tôi thấy một người đàn ông tới thắp hương, họ mang những mảnh gỗ vuông vuông to bằng bàn tay xếp quanh ngôi mộ. Chúng tôi hỏi thì người đó bảo: Tôi ở nước ngoài về, đây là ông cụ tôi, chết cách nay 60-70 năm rồi. Do chẳng quen biết gì người đó, nên chúng tôi không hỏi ông ta ở đâu, làm gì. Các anh đến đây hỏi chúng tôi mới biết, để cuối năm xem ông ấy có đến thắp hương không, khi đó sẽ báo cho các anh…

Tôi hỏi ông Dũng: Đây có phải bãi tha ma không? Ông Dũng lắc đầu: Tôi là dân tộc Mường, sinh ra và lớn lên dưới cánh đồng Mường Lò, từ bé đến giờ chưa nghe nói đây là bãi tha ma. Người dân chúng tôi mỗi bản đều có bãi tha ma, không ai chôn ở đây cả…
 

Tìm gặp nhân chứng

Tôi theo ông Trần Đức Lâm về Bản Hẻo để gặp những thân nhân của 7 người đã bị giặc Pháp bắn chết. Bản Hẻo trước kia gọi là xã Bản Hẻo, nay thuộc thị trấn nông trường Liên Sơn.

Đầu thế kỷ XX những người dân công giáo từ Thái Bình, Ninh Bình di cư lên đây sinh sống. Nhà thờ Bản Hẻo được xây dựng vào những năm 1930-1933. Nơi đây trong kháng chiến chống Pháp có một trung đội du kích được thành lập, cha cố Đỗ Văn Sáng đảm nhiệm trông coi công việc chúa ở nhà thờ này là người ủng hộ kháng chiến.

Ông Trần Văn Mấm người dân Bản Hẻo, năm nay 83 tuổi kể lại: Khi Bác Hồ kêu gọi Toàn quốc kháng chiến, lúc đó tôi 12-13 tuổi nghe được nhiều chuyện về những người du kích hoạt động tại đây. Cuối năm 1947 Pháp tái chiếm Nghĩa Lộ, đội du kích Bản Hẻo được lệnh chặn quân Pháp từ trên Trạm Tấu xuống, do quân ít, vũ khí thô sơ nên không thể chặn được bước chân của giặc, họ được lệnh vào thị xã Nghĩa Lộ tiêu thổ kháng chiến.

Trong số những người tham gia đốt nhà cửa khu vực thị xã Nghĩa Lộ có ông Trần Văn Quay đã bị những tên Việt gian nhớ mặt. Khi hoàn thành việc tái chiếm Nghĩa Lộ, Pháp tiến hành lùng sục bắt bớ những chiến sĩ du kích. Ông Trần Văn Quay bị chúng bắt đầu tiên rồi đến các ông: Trần Văn Cập, tiểu đội trưởng và các ông: Nguyễn Văn Bảo, Nguyễn Văn Hợp, Nguyễn Văn Tĩnh, Bùi Văn Rạng, Hoàng Văn Kỷ. Chúng đánh đập, tra khảo họ rất dã man, sáng hôm sau chúng bảo đưa các ông lên nhà tù Sơn La, khi dẫn giải lên lưng chừng dốc Bồ Hòn thì xả súng bắn chết cả 7 người, rồi quăng xác xuống rệ đồi chôn lấp…

13-45-16_2
Ông Trần Văn Nhu (trái) và ông Trần Văn Mấm kể lại chuyện 7 chiến sĩ du kích Bản Hẻo

Trần Đức Lâm kể: Năm 1947 bố tôi cũng là đội viên đội du kích, năm ấy mẹ tôi sinh anh tôi, ông Nguyễn Văn Bảo là cậu ruột bố tôi bảo: Vợ mày mới sinh mày ở nhà giữ làng và trông nom vợ con… Vì thế, nên ông thoát chết. Tối hôm ấy bố tôi cùng ông Nguyễn Văn Thiệu là anh trai ông Bảo cùng một người nữa là người nhà ông Kỷ lén lút lên chỗ giặc quăng xác các ông đó bới tìm trong đống xác được ông Nguyễn Văn Bảo và ông Hoàng Văn Kỷ lôi ra chôn ở nơi khác gần đấy. Sở dĩ đêm tối bố tôi nhận ra ông Bảo bởi vì ông có cái răng vàng khi ông bật lửa soi vào từng mặt người. Khoảng 3 năm sau thì gia đình đưa hai ông về nghĩa địa Bản Hẻo…

Một lúc sau thì ông Trần Văn Nhu, năm nay 94 tuổi đến. Ông Nhu bảo: Cha Đỗ Văn Sáng rất muốn cứu những người du kích, nhưng cha không làm được. Vì cha cũng là người tham gia xây dựng đội du kích và che giấu cán bộ Việt Minh. Nếu cha ra mặt, Pháp có thể nghi ngờ, điều đó rất nguy hiểm. Chỉ một người có thể cứu được 7 du kích là cha Phê rô Rup-xô người Pháp còn gọi là cha Hiền đang cai quản nhà thờ Phình Hồ. Nhưng không ai có thể lên đó để báo tin cho cha được, vì con đường dày đặc lính Pháp…

Chúng tôi qua nhà bà Nguyễn Thị Tiên là con gái ông Nguyễn Văn Bảo, khi ông Bảo bị bắn bà Tiên mới 3 tuổi chưa biết gì, bà Tiên giờ thì đã lẫn. Bà Trần Thị Nhiên, 65 tuổi gọi ông Trần Văn Cập là anh. Bởi mẹ chồng bà là Trương Thị Nội mẹ nuôi ông Cập. Gia đình bà đang giữ bằng Tổ quốc ghi công do Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký ngày 27/3/1975 và hương khói cho ông Cập. Bằng đã ố vàng màu thời gian nhưng còn rõ nét mực “Liệt sĩ Trần Văn Cập - Tiểu đội trưởng triểu đội du kích. Nguyên quán xã Bản Hẻo, huyện Văn Chấn, tỉnh Nghĩa Lộ. Đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp ngày 15/11/1947”. Bà Nhiên bảo: 70 năm rồi anh tôi vẫn nằm trên dốc Bồ Hòn, mong sao tìm được hài cốt anh tôi đưa vào nghĩa trang để gia đình tới thắp hương…

13-45-16_3
Bà Trần Thị Nhiên bên tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Văn Cập

Chúng tôi đến nhà bà Trần Thị Quỳ đã gần 100 tuổi, bà là dì ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Hợp, khi nghe chúng tôi hỏi về ông Hợp, đôi mắt bà đã mờ đục, hai hàng nước mắt ứa ra từ hai hõm mắt sâu hoắm, giọng thều thào: Gia đình mong sao tìm được hài cốt nó về để chôn trong vườn Thánh…

Ông Trần Đức Lâm nghi ngờ ngôi mộ ở ngang dốc Bồ Hòn là ngôi mộ tập thể 5 chiến sĩ du kích, ông bảo: Bố tôi khi còn sống kể lại rằng: Những người tham gia bắn 7 du kích sáng 15/11/1947 có hai người dân bản địa đi lính cho Pháp là người Thanh Lương hay Thạch Lương họ rất hối hận. Tôi ngờ rằng người hàng năm đến thắp hương và đắp lại mộ chính là con cháu họ. Bằng việc làm đó để chuộc lại lỗi lầm với người đã khuất. Cuối năm nay tôi sẽ trở lại đây tìm gặp bằng được người đó, để biết người nằm dưới mộ là ai, hay chính là ngôi mộ tập thể đã ám ảnh tôi suốt những ngày qua…

13-45-16_4
Bà Trần Thị Quỳ ôm tấm bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Nguyễn Văn Hợp

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

4,2 triệu Euro hỗ trợ nông dân ĐBSCL làm nông nghiệp sinh thái, thông minh

Trà Vinh Dự án được tài trợ bởi Liên minh Châu Âu và triển khai tại các tỉnh Đồng Tháp, Kiên Giang và Trà Vinh, với tổng vốn đầu tư 4,2 triệu Euro.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

42 mẫu cà phê vào chung kết cuộc thi Cà phê đặc sản Việt Nam

42 mẫu cà phê, gồm 24 mẫu cà phê robusta và 18 mẫu arabica lọt vào vòng chung kết cuộc thi cà phê đặc sản Việt Nam 2024.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm