| Hotline: 0983.970.780

Ám ảnh xã có 172 người nghiện, 68 người đi tù

Thứ Hai 19/06/2017 , 14:30 (GMT+7)

Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, so với 3-4 năm trước, số tụ điểm ma túy đã giảm nhiều nhưng những hệ lụy nó mang lại vẫn còn dai dẳng bởi cái chết trắng đã ngự trị ở đây trên 30 năm nay.

Gần chục năm rồi chúng tôi mới có dịp quay lại Lượng Minh, một xã chỉ cách trung tâm thị trấn Hòa Bình (huyện Tương Dương, Nghệ An) 10 km. Chừng ấy thời gian, khi những vết thương do cơn lốc ma túy chưa kịp lành thì nay lại xuất hiện những nỗi đau mới.
 

Xã có 172 người nghiện, 68 người đi tù

Lượng Minh nằm cách trung tâm huyện Tương Dương 10 km. Cư dân trong xã chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái (70%), Mông, Khơ Mú... Do địa hình đa phần là đồi núi dốc đứng, dân cư được bố trí dọc, trải dài hai bên bờ sông Nậm Nơn. Đây không phải là xã biên giới nhưng giáp với Mường Lống (huyện Kỳ Sơn), một xã nằm sát biên giới, trước đây nằm trên tuyến đường vận chuyển thuốc phiện từ Lào về Việt Nam tiêu thụ từ những năm 90 của thế kỷ trước. Có lẽ vì thế mà mà cái chết trắng lan tận đến xã Lượng Minh gây nên cảnh tù tội, chết chóc, gia đình ly tán...

Theo lời ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, so với 3-4 năm trước, số tụ điểm ma túy đã giảm nhiều nhưng những hệ lụy nó mang lại vẫn còn dai dẳng bởi cái chết trắng đã ngự trị ở đây trên 30 năm nay. Dân số xã hiện nay là 4.800 người nhưng có tới 172 người nghiện ma túy, trong đó có 120 người đang có mặt địa phương; 68 người đang chấp hành án phạt tù liên quan đến buôn bán, vận chuyển, tàng trữ ma túy.

14-42-03_ong_vi_dinh_phuc_chu_tich_ubnd_x_luong_minh
Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh: Thủy điện Nậm Nơn hoạt động khiến cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn

“Người chấp hành án phạt tù cao nhất là chung thân. Còn án đi tù 10, 20 năm thì nhiều vô kể. Trên địa bàn hiện có 37 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Thế nhưng, đó mới chỉ là phần nổi bởi thuốc phiện, ma túy, heroin đã có mặt ở đây trên 30 năm rồi. Thời điểm nóng nhất là những năm 1994-1996, liên tục các vụ việc liên quan đến tàng trữ, vận chuyển trái phép chất ma túy bị phát hiện trên địa bàn. Ở đây, hễ nói đến ma túy là phải nói đến “bánh”, chứ “tép” có ăn thua gì? Có những năm có đến 20 người đi tù vì ma túy. Năm nhiều nhất có 2-3 người chết vì HIV/AIDS, nay thì trên địa bàn vẫn còn 4 người nhiễm HIV/AIDS. Nhiều gia đình cả nhà đi tù, 2-3 thế hệ đi tù vì ma túy… Có những gia đình chỉ còn lại hai ông bà già nuôi cả một đàn cháu nội, cháu ngoại vì cha mẹ của chúng đang chấp hành án phạt tù”

Dọc tuyến độc đạo nối thủy điện Nậm Nơn đến xã Lượng Minh, không dễ để bắt gặp những ngôi nhà xiêu vẹo nằm bên triền núi. Trong nhà, lũ trẻ vô tư cười đùa. Những người phụ nữ tựa cửa nhìn xa xăm; những cụ già móm mém, héo hắt như những chiếc lá úa sắp rụng về cội. Người dẫn đường cũng buồn rũ rượi: “Vợ xa chồng, con thơ xa cha mẹ, bố mẹ già xa con. Bản không còn bình yên nữa, gia đình tan nát, chia lìa. Ở đây, người ta vẫn đặt tên “tục” cho một vài bản như bản mồ côi, bản không chồng… Tất cả đều do ma túy cả đấy chú ạ. Thế mới thấy sức hủy diệt tàn khốc của ma túy”.
 

Ám ảnh thủy điện

Theo thống kê, huyện Tương Dương hiện có 6 nhà máy thủy điện. Có những đoạn sông, chỉ cách nhau vài km đã có 2 nhà máy thủy điện, có những xã như Lượng Minh, Xá Lượng bị “chặn” bởi 2 nhà máy thủy điện nằm ở hai phía một dòng sông.

14-42-03_nh_my_thuy_dien_nm_non_d_ho_vo_dien_luoi_quoc_gi_nhung_keo_theo_nhieu_he_luy_cho_cuoc_song_dong_bo
Nhà máy thủy điện Nậm Nơn đã hòa vào điện lưới quốc gia nhưng kéo theo nhiều hệ lụy cho cuộc sống đồng bào

Một cán bộ UBND huyện Tương Dương (xin giấu tên) xót xa: “Mình vô tình trở thành kẻ nói dối trước nhân dân. Vận động họ nhường đất, di dời tái định cư nhưng rốt cuộc, họ rơi vào cảnh khốn khó. Từ thực trạng ấy, câu cửa miệng của những người từng lăn lộn vận động di dời tái định cư mỗi khi gặp gỡ, nói chuyện cùng nhau đó là: Thủy điện được, người dân mất, địa phương thêm nhiều nỗi lo”.

Năm 2011, Nhà máy thủy điện Nậm Nơn khởi công xây dựng trên địa bàn bản Lả, xã Lượng Minh. Dù chỉ có 4-5 hộ dân phải di dời tái định cư vén nhưng có trên 200 hộ dân tại 4/10 bản của xã Lượng Minh phải nhường đất sản xuất để để thực hiện dự án.

Từ đó, những khoảnh rừng màu mỡ dọc bờ sông Nậm Nơn lại nằm trong lưu vực lòng hồ thủy điện khiến bị thu hồi, cuộc sống người dân càng thêm chật vật. Tiếc đất, tiếc của nhưng vì niềm vui chung của cả đất nước, nghĩ mình cũng có chút đóng góp vào lợi ích quốc gia, nhiều gia đình đã đồng tình với chủ trương nhường đất cho thủy điện. Thế nhưng, cái mà người dân nhận được là một cuộc sống khốn khó, trăm bề vất vả.

Ông Lay Đại Cương, một trong số 91 hộ dân bản Lả có đất bị thu hồi cho biết, khó khăn nhất của người dân bây giờ là thiếu đất sản xuất. “Lòng hồ thủy điện dâng, đất sản xuất mất, người dân không có kế sinh nhai. Dựa vào mấy con cá đánh bắt trên lòng hồ thủy điện chỉ đủ ăn qua ngày. Người dân nuôi cá lồng trên lòng hồ nhưng cách đây vài tháng, thủy điện Bản Vẽ ở thượng nguồn sông Nậm Nơn, cách nhà máy thủy điện Nậm Nơn chừng 10 km xả nước, lồng cá trôi hết, cũng không biết kêu ai. Ở đây, tệ nạn ma túy vốn đã tồn tại bấy lâu nay, sợ nhất là vì thiếu cái ăn, cái mặc mà đồng bào lại tiếp tục đi trên vết xe đổ”, ông Cương lo lắng.

14-42-03_thuy_dien_nm_non_tich_nuoc_khien_nhieu_tuyen_duong_bi_ngp
Thủy điện Nậm Nơn tích nươc khiến nhiều tuyến đường bị ngập

Dư âm lớn nhất tại những vùng thực hiện dự án thủy điện là công tác đền bù giải phóng mặt bằng, ổn định cuộc sống người dân. Điều này cũng đang xảy ra đối với người dân xã Lượng Minh. Thủy điện Nậm Nơn đã hòa điện lưới quốc gia từ mấy năm nhưng đến nay, chính quyền địa phương vẫn đau đầu giải quyết kiến nghị của nhân dân.

Ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh nói: “Lúc đầu kiểm đếm thì nhiều nhưng đến lúc áp giá đền bù lại giảm diện tích thu hồi. Chính quyền địa phương ra sức giải thích nhưng người dân vẫn không hiểu. Nếu không xây dựng thủy điện, cuộc sống người dân vẫn ổn định... Đường sá đi lại làm ăn khó khăn quá! Nhiều hộ không nằm trong diện đền bù nhưng nước dâng lên sát vườn, nguy cơ sạt lở hiện hữu. Các kỳ họp HĐND chúng tôi đều phản ánh, cử tri rất bức xúc nhưng cũng không thay đổi được gì”.

14-42-03_nguoi_dn_phn_nh_viec_chu_duoc_chi_tr_du_so_tien_den_bu_gpmb
Người dân phản ánh việc chưa được chi trả đủ số tiền đền bù GPMB
Về vấn đề chi trả tiền đền bù giải phóng mặt bằng dự án thủy điện Nậm Nơn, chúng tôi nhận được câu trả lời từ phía ông Nguyễn Phùng Hùng, Trưởng phòng TN-MT huyện Tương Dương: “Vấn đề công khai một đường, công khai là công khai phương án chứ sau phê duyệt thì chủ yếu là chi trả theo phương án phê duyệt chứ có phải trả theo phương án công khai đâu (?)”

Về việc đền bù, GPMB thủy điện Nậm Nơn trên địa bàn 2 xã Lượng Minh, Xá Lượng, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến phản ánh của người dân. Ông Lay Đại Cương, cho biết thêm, theo hồ sơ ký xác nhận ban đầu thì đến thời điểm này, 91 hộ dân bản Lả mới chỉ nhận được khoảng 1/3 số tiền đền bù GPMB.

“Nhà tôi được ký nhận số tiền là 121 triệu đồng nhưng hiện nay mới chỉ được nhận 40 triệu đồng. Chúng tôi hỏi thì huyện bảo là bà con thông cảm, Nhà nước đang thiếu tiền, số còn lại sẽ nhận sau (?). Nhưng đến nay đã 3 năm trôi qua, chúng tôi vẫn chưa được nhận số tiền còn lại. Dân bản đã làm đơn gửi lên xã, lên huyện nhưng hiện vẫn chưa có hồi âm”.

Không chỉ ở xã Lượng Minh, tại xã Xá Lượng, chúng tôi cũng ghi nhận được phản ánh tương tự của người dân. Ông Vi Trọng Khánh, người dân bản Cửa Rào 1 bức xúc: “Nhà tôi bị thu hồi hơn 1 ha đất sản xuất dọc sông Nậm Nơn. Hồ sơ ký ban đầu là 125 triệu đồng nhưng hiện nay mới chỉ được nhận 40 triệu đồng. Nay diện tích đất còn lại cũng thường xuyên bị ngập, nguy cơ sạt lở, không biết rồi đây cuộc sống sẽ ra sao?”.

Điều đau lòng đối với người dân Lượng Minh chính là việc họ hi sinh rất nhiều để thủy điện ngăn dòng, xây đập, tích nước nhưng lại phải sống trong bóng tối ngay dưới chân đèn. Theo ông Vi Đình Phúc, Chủ tịch UBND xã Lượng Minh, hai nhà máy thủy điện Bản Vẽ, Nậm Nơn nằm hai đầu trên cùng một dòng sông cách nhau 10 km, kẹp giữa là người dân xã Lượng Minh. Thế nhưng, hiện nay, toàn xã có 6/10 bản với dân số khoảng 3.000/4.800 người không được sử dụng điện lưới.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm