| Hotline: 0983.970.780

Âm thanh dụ chim yến 'đại náo' khu dân cư Bình Định, chính quyền 'bó tay'?

Thứ Năm 26/07/2018 , 09:35 (GMT+7)

Nuôi chim yến khỏe re lại cho thu nhập cao, vì vậy nhiều khu dân cư xây "trại" nuôi tự phát. Âm thanh dẫn dụ yến kêu reo réo suốt ngày làm cho cuộc sống của hộ dân sống xung quanh bị đảo lộn, họ bức xúc gửi đơn nhưng vẫn chưa được giải quyết.

Chung sống với sự “đinh tai nhức óc”

Không khó để nhận ra tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn, Bình Định) có rất nhiều nhà nuôi yến tự phát mọc lên giữa khu dân cư, hầu hết các hộ nuôi áp dụng mô hình “2 trong 1”, yến nuôi ở tầng trên, người tầng dưới. Để dẫn dụ chim yến tự nhiên về “định cư” trong nhà yến của mình, các hộ nuôi lắp đặt hệ thống liên tục phát ra âm thanh tiếng chim yến kêu với tần suất cao khiến người nghe “đinh tai nhức óc”.

08-45-15_1
Một nhà nuôi yến gần trường học tại phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn)

Bà Nguyễn Thị Lệ Hương (63 tuổi) ở phường Nhơn Bình, than thở: “Không gì phiền toái hơn khi lỗ tai liên tục bị tiếng kêu trong các nhà yến tra tấn. Tiếng kêu từ các nhà yến cứ xoay xoáy khiến người già thì muốn phát điên, còn học sinh thì chẳng thể học hành gì”.

Mới đây, người dân tại tại khu dân cư Đông Điện Biên Phủ và Chợ Dinh thuộc khu vực 1, 2 (phường Nhơn Bình) đã gửi đơn cầu cứu đến các cơ quan báo chí phản ánh tình trạng đời sống của họ bị “tra tấn” bởi tiếng ồn. 

Trong đơn, các hộ dân kể khổ: “Từ lúc 5 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày, tiếng kêu chát chúa, inh tai, nhức nhóc liên tục phát ra từ máy dụ chim yến làm người dân không sao chịu nổi. Tiếng ồn khiến nhiều người mắc các chứng bệnh như: Ù tai, đau đầu, rối loạn thần kinh, nhất là đối với người lớn tuổi và việc học tập của học sinh. Cứ tiếp diễn như thế, chúng tôi nghĩ con em của hộ dân sống trong khu vực này sẽ ảnh hưởng rất lớn đến trí nhớ và mắc các bệnh về thần kinh và thính giác”.

08-45-15_2
Tiếng kêu trong những nhà nuôi yến gây ồn ào ảnh hưởng đến người dân sống chung quanh
“Dự kiến, cuối năm nay đề án sẽ được UBND tỉnh Bình Định thông qua, khi đó việc nuôi yến được quy hoạch từng vùng, từng khu và có sự giám sát từ các ngành liên quan. Đây là mô hình kinh tế có thu nhập của người dân, nếu như được quản lý tốt thì hiệu quả mang lại sẽ rất cao”, ông Đào Văn Hùng khẳng định.

Họ còn than vãn không chỉ bị ô nhiễm tiếng ồn, mà khâu vệ sinh, tiêu độc khử trùng ở các nhà nuôi yến cũng chưa đảm bảo, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm bệnh cúm gia cầm.

“Chúng tôi không thể nào chịu được vì lỗ tai liên tục bị “tra tấn” bởi tiếng ồn từ âm thanh dẫn dụ chim yến của các "trại" nằm xen kẽ trong khu dân cư và tiềm ẩn dịch bệnh. Nhà nước quy hoạch nơi đây là khu dân cư chứ không phải để nuôi yến. Chúng tôi mong UBND TP. Quy Nhơn và các ngành chức năng của tỉnh sớm kiểm tra, có hướng giải quyết”, ông T.V.T, 1 người dân ở phường Nhơn Bình, bức xúc nói.
 

Ủy ban phường “bó tay”?

Theo thống kê chưa đầy đủ của Chi cục Chăn nuôi - Thú y tỉnh Bình Định, trên địa bàn tỉnh này có khoảng 300 nhà nuôi yến tự phát, phân bổ trên 45 xã, phường, thị trấn, tập trung nhiều ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn và các huyện Hoài Nhơn, Tuy Phước...

Ông Đào Văn Hùng, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Định thừa nhận, việc nhà nuôi yến tự phát trong khu dân cư đang bùng nổ nhưng chưa có chế tài mạnh để xử lý nên đã gây ảnh hưởng đến người dân vùng lân cận.

08-45-15_3
Hệ thống máy phát ra tiếng kêu dẫn dụ chim yến gây ô nhiễm tiếng ồn cho khu dân cư

Còn theo ông Trần Ngọc Hiền, Chủ tịch UBND phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), hiện trên địa bàn phường chưa có khu vực nào được quy hoạch vào mục đích nuôi yến, hầu hết các hộ nuôi đều làm tự phát.

“Phường đã tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân về tình trạng trên. Tuy nhiên, UBND phường không đủ thẩm quyền kiểm tra, xử lý. Chúng tôi đề nghị các cấp, ngành liên quan của thành phố và tỉnh sớm có chỉ đạo, hướng dẫn việc quản lý, kiểm soát hoạt động nuôi yến”, ông Hiền cho hay.

Để giải quyết vấn nạn trên, Bình Định đang thực hiện đề án quy hoạch vùng nuôi yến. Đối với hộ nuôi nhỏ lẻ đang nuôi thì sẽ cho tồn tại nhưng có giải pháp quản lý chặt chẽ như: Khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra tần số âm thanh, sát trùng tiêu độc môi trường, kế hoạch phòng chống dịch bệnh và không để phát sinh những hộ nuôi mới.

Linh hoạt quản lý

Trước việc ngành nông nghiệp một số địa phương gặp khó khăn, lúng túng trong việc quản lý nuôi chim yến trong nhà vì chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn, trao đổi với NNVN, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Nguyễn Văn Trọng chia sẻ, các tỉnh, thành nên vận dụng linh hoạt quản lý trong khi chờ Luật Chăn nuôi được Quốc hội thông qua.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, giảm và cắt bỏ các điều kiện kinh doanh của Chính phủ, ngày 29/6/2016 Bộ NN-PTNT có Quyết định về việc bãi bỏ quy định về điều kiện đầu tư, kinh doanh, cụ thể là điều 3, điều 4 trong Thông tư số 35 ngày 22/7/2013 của quy định tạm thời về quản lý nuôi chim yến.

Hiện Cục Chăn nuôi đang trong quá trình soạn thảo dự thảo Luật Chăn nuôi để trình Quốc hội trong thời gian sắp tới, trong đó có quy định rất chi tiết về việc quản lý, sản xuất, kinh doanh chim yến. Với chủ trương hạn chế ban hành các "giấy phép con", các điều kiện kinh doanh mới nên thời điểm hiện tại Cục Chăn nuôi không khuyến khích việc ban hành thêm Thông tư hay Nghị định về quản lý nuôi chim yến trong nhà trong thời gian đợi Luật Chăn nuôi được phê duyệt và có hiệu lực.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Trọng cho rằng, tại Thông tư 35 vẫn còn quy định về chăn nuôi chim yến mà các cơ quan chức năng địa phương có thể áp dụng. Đặc biệt, liên ngành tại các tỉnh có phong trào nuôi chim yến phát triển rầm rộ có thể áp dụng Luật Xây dựng cùng với những quy định còn lại của Thông tư 35 để thanh kiểm tra, xử lý việc người dân xây nhà không phải để ở mà phục vụ nuôi chim yến.

NGUYÊN HUÂN

 

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.