| Hotline: 0983.970.780

An Giang chuyển đổi đa dạng cây trồng

Thứ Năm 05/11/2020 , 07:30 (GMT+7)

An Giang đặt mục tiêu trong 10 năm tới, nâng tổng diện tích chuyển đổi lên gấp hơn 4 lần hiện nay, góp phần tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích.

Năm 2020 An Giang chuyển đổi trên 31.130ha cây trồng theo hướng ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Năm 2020 An Giang chuyển đổi trên 31.130ha cây trồng theo hướng ổn định. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, thành viên Tổ hợp tác nhãn xuồng Khánh Hòa, huyện Châu Phú (An Giang) cho biết: Mới đây sản phẩm nhãn xuồng Khánh Hòa được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP tỉnh xếp hạng 3 sao là niềm vui rất lớn của chúng tôi. Đó cũng là động lực thúc đẩy chúng tôi tiếp tục chuyển đổi vùng đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái. Nhãn xuồng trồng ở vùng đất này cho trái to, vỏ dày, cơm khô, thơm ngon hơn hẳn những nơi khác nên lúc nào cũng có giá cao. Với 5-10 công đất trồng nhãn (1.000m2/công), 1 gia đình có thể sống ấm no, nuôi con ăn học đàng hoàng.

Ở vùng cù lao Giêng, huyện Chợ Mới, việc chuyển đổi hầu hết diện tích đất lúa sang trồng xoài giúp cho nhiều hộ dân dù có đất ít cũng vươn lên khấm khá. Do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá bán xoài có giảm nhưng nông dân vẫn thu nhập cao hơn so với trồng lúa. Nhờ đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, giá xoài neo cao giúp người dân tăng thêm thu nhập.

Ông Nguyễn Sĩ Lâm Giám, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cho biết, ngành nông nghiệp đang tập trung  chuyển đổi đem lại kết quả khả quan. Đặc biệt chuyển lúa sang rau, màu và cây ăn trái giai đoạn 2017-2020. Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi được 21.613ha, gồm rau dưa các loại 7.948ha, cây màu 8.016ha, cây ăn trái 5.648ha. Dự kiến đến cuối năm 2020, sẽ chuyển đổi vượt kế hoạch về diện tích (kế hoạch chuyển đổi 31.130ha).

Hiện tình hình tiêu thụ rau màu tạm ổn, giá bán đã có dấu hiệu tăng trở lại. Cụ thể, ớt dao động 37.000 đồng/kg, tăng 22.000 đồng/kg so tháng trước và tương đương so cùng kỳ 2019, nấm rơm ổn định giá 50.000-60.000 đồng/kg, khoai cao giá 25.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2019...

Theo Sở NN-PTNT An Giang, toàn tỉnh hiện có 16.730ha cây ăn quả, tăng 1.305ha so cùng kỳ 2019. Một số loại có diện tích tăng cao so cùng kỳ, như: xoài 11.378ha, tăng 641ha (trong đó các giống xoài chất lượng (Đài Loan, cát Hoà Lộc) chiếm gần 82% diện tích), sầu riêng 127ha (tăng 32ha), mãng cầu 272ha, mít 621ha, nhãn 386ha và các loại cây ăn quả có múi (cam, chanh, quýt, bưởi) 1.422ha (tăng 46ha)…

Giai đoạn 2017-2020, diện tích chuyển đổi cây trồng của An Giang từ trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Giai đoạn 2017-2020, diện tích chuyển đổi cây trồng của An Giang từ trồng lúa sang rau màu và cây ăn trái vượt chỉ tiêu đề ra. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Nhìn chung, việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng (từ cây hàng năm sang cây lâu năm) được nhiều địa phương quan tâm thực hiện. Nhờ vậy, diện tích cây lâu năm không ngừng tăng lên qua từng năm. Tổng sản lượng thu hoạch trái cây trong 9 tháng của năm 2020 ước đạt hơn 168.000 tấn, tăng 14,25% (tăng 21.000 tấn), trong đó xoài đạt 119.600 tấn, tăng 19.500 tấn.

Đối với rau màu, toàn tỉnh hiện đạt tổng diện tích khoảng 56.000ha/năm/4 vụ. Từ đầu năm đến nay, diện tích gieo trồng gần 36.400ha, đạt 90,36% kế hoạch và bằng 91,41% so cùng kỳ. Trong đó, vụ mùa giảm 284ha, đông xuân giảm 904ha (đạt 18.713ha), hè thu giảm 2.233ha (đạt 17.683ha), riêng vụ thu đông dự kiến gieo trồng được 13.917ha (giảm 1.097ha).

Ông Lâm cho biết, dù còn những khó khăn về đầu ra, liên kết tiêu thụ sản phẩm nhưng nhìn chung, những diện tích chuyển đổi sang rau màu, cây ăn trái vẫn cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước khi chuyển đổi. Thời gian tới, Sở NN-PTNT tiếp tục tham mưu UBND tỉnh, phối hợp các sở, ngành, địa phương thực hiện chuyển đổi cây trồng phù hợp quy hoạch từng địa phương. Điều hành sản xuất linh hoạt phù hợp với yêu cầu của thị trường.

An Giang tiếp tục đa dạng hóa cây trồng, thực hiện chuyển đổi cây trồng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng đất nhưng cũng vừa duy trì quỹ đất trồng lúa ở mức phù hợp...

Theo kế hoạch đăng ký chuyển đổi của 11 huyện, thị xã, thành phố, tổng diện tích chuyển đổi từ đất trồng lúa sang trồng rau, màu, cây ăn trái và cây trồng khác giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 là 86.988ha. Trong đó, rau dưa các loại 14.367,9ha, cây màu 14.316ha, cây ăn quả 26.304ha, cây cao lương 32.000ha. Trước mắt, kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng tỉnh An Giang năm 2021 dự kiến thực hiện 5.232ha (rau dưa các loại hơn 1.520ha, cây màu 1.633ha, cây ăn trái 2.086ha).

Xem thêm
Khẳng định vị thế trung tâm chăn nuôi vùng Việt Bắc

Thái Nguyên tiếp tục khẳng định vị thế thứ 2 của khu vực trung du miền núi phía Bắc về phát triển chăn nuôi với nhiều chính sách và bước đi đúng đắn.

Kinh nghiệm phòng bệnh ở xã có diện tích thủy sản lớn nhất Hà Nội

Xã Trầm Lộng, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội có tới 475ha thủy sản, trong đó riêng HTX Thủy sản Trầm Lộng đã có trên 170ha với hơn 70 thành viên.

Chọn tạo giống cà chua lai năng suất cao, kháng bệnh xoăn vàng lá

Qua quá trình chọn tạo, một số giống cho năng suất vượt 70 tấn/ha, phù hợp với đồng đất phía Bắc và chống chịu cao với virus xoắn vàng lá.