| Hotline: 0983.970.780

'Ăn gió nằm sương' với chè đặc sản Bát Tiên

Thứ Năm 16/06/2016 , 09:01 (GMT+7)

Tôi hỏi ông Sửu về thứ chè đặc sản nổi tiếng Mường Hum có tên khá mĩ miều là chè Bát Tiên. Ông lão vườn chè cười khà khà, rót tích nước sôi sung sục vào ấm chè mới, rồi dẫn tôi lên đồi chè sau nhà để “mục sở thị” loại chè quý này. Đứng giữa đồi chè lên xanh mơn mởn, ông Sửu bảo chè Tuyết San và những giống chè thông thường có búp màu xanh, lá xanh và to, còn chè Bát Tiên có lá nhỏ hơn...

Ông Trần Duy Sửu rót mời tôi chén nước chè mới pha sóng sánh màu mật ong rừng, cười khà khà: “Chè Bát Tiên đấy chú ạ. Đời tôi trồng chè đã mấy chục năm, nhưng chỉ thấy giống chè này trồng ở đất Mường Hum là thơm ngon nhất, uống một lần nhớ mãi, uống hai lần thành thèm, uống đến lần thứ ba trở đi thành nghiện".

Ăn gió nằm sương

Lâu nay, tôi đã nghe nói ở Mường Hum có loại chè thơm ngon lắm. Do vậy, tôi quyết định vượt dốc Cổng Trời sâu hun hút đến thung lũng Mường Hum (xã Mường Hum, huyện Bát Xát, Lào Cai).

Anh cán bộ xã chỉ tay lên phía thượng nguồn suối Mường Hum thăm thẳm, nói rằng muốn uống chè Bát Tiên thì phải lên núi gặp ông lão trồng giống chè này. Hai vợ chồng ông lão sống trong căn nhà nhỏ ở gần Ao Tiên ấy. Tôi bồi hồi vượt chặng đường dốc lên lưng chừng núi, tìm vào ngôi nhà đơn sơ ở ngay ven đường, nằm lọt thỏm giữa những đồi chè bát ngát.

Ông Trần Duy Sửu năm nay 62 tuổi nhưng mái tóc vẫn đen nhánh, đôi mắt tinh anh và bắp tay vẫn chắc nịch như gốc chè cổ thụ. Trông ông vẫn nhanh nhẹn, khỏe mạnh chẳng khác gì mấy lão nông sinh ra ở núi rừng này. Duy chỉ có gương mặt ông là hằn lên những nếp nhăn sương gió.

Dẫn tôi lên thăm đồi chè, ông Sửu tâm sự: "Năm 2002, tôi cùng vợ con tạm biệt quê hương “rừng cọ, đồi chè” ở Phú Thọ khăn gói lên đây làm thuê cho Công ty Cổ phần Linh Dương, phụ trách hướng dẫn kỹ thuật trồng chè cho bà con. Ngày ấy toàn bộ những đồi chè bây giờ vẫn là rừng cây bụi, lau lách mọc đầy. Nhưng nhìn những mỏm đồi hình mâm xôi, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào, khí hậu lại mát mẻ, tôi đã hình dung ra sau này đây sẽ trở thành một vùng chè rộng lớn”.

Nghĩ là làm, ông Sửu mua đất, phát cây, san đồi, bắt tay vào trồng chè và tận tình hướng dẫn bà con cùng trồng chè Tuyết San, chè Bát Tiên trên núi. Khát vọng của ông Sửu cũng là mong ước đổi đời từ cây chè của nhân dân Mường Hum.

Và quả thực, thời điểm năm 2008 là thời “hoàng kim” của chè Mường Hum. Bà con vô cùng phấn khởi vì lên nương hái chè cũng là “hái tiền bỏ túi”. Thế nhưng mấy năm qua, sinh mệnh cây chè trên vùng đất này gặp không ít thăng trầm. Có thời điểm giá chè sụt giảm, đầu ra khó khăn, nhiều người bỏ chè mọc hoang không đốn tỉa, hoặc chặt chè đi trồng cây khác. Ông Sửu nhìn những nương chè “kêu cứu” mà xót xa như dao cứa trong lòng.

“Bỏ cây chè làm sao được. Đồi chè còn đó, mồ hôi nước mắt của mình cũng ở đó. Còn đồi chè là còn hi vọng”. Nghĩ thế nên ông Sửu quyết tâm không bỏ cuộc. Giữa rừng sương núi gió, hai vợ chồng ông lão yêu chè đã kiên cường bám trụ lại mảnh đất này.

Các con đi làm xa, chỉ có hai ông bà già nương tựa vào nhau sống trong ngôi nhà đơn sơ giữa vùng chè bát ngát. Mỗi buổi sáng sớm, ông Sửu đều dậy từ khi gà chưa gáy để đun ấm nước, tự tay pha một ấm chè thật ngon. Trời mưa hay nắng, hôm nào hai ông bà lão cũng leo lên đồi “bầu bạn” với chè, khi thì hái chè về sao, khi thì nhặt cỏ, vun gốc, lúc thì đốn tỉa.

Ông Sửu bấm đốt ngón tay chai sạn bám đầy nhựa chè: “Vậy mà đã 14 năm rồi. Chè đắng, chè ngọt tôi đều nếm trải đủ cả”.

Giờ đây, ông Sửu có 3 ha chè. Hai vợ chồng ông thuê người hái chè về bán cho nhà máy chè hoặc tự sao để bán. Thu nhập từ cây chè mỗi năm trung bình được 200 triệu đồng.

Tôi hỏi ông Sửu về thứ chè đặc sản nổi tiếng Mường Hum có tên khá mĩ miều là chè Bát Tiên. Ông lão vườn chè cười khà khà, rót tích nước sôi sung sục vào ấm chè mới, rồi dẫn tôi lên đồi chè sau nhà để “mục sở thị” loại chè quý này.

15-53-24_dsc_5827
Chè Bát Tiên trồng ở Mường Hum

 

Đứng giữa đồi chè lên xanh mơn mởn, ông Sửu bảo chè Tuyết San và những giống chè thông thường có búp màu xanh, lá xanh và to, còn chè Bát Tiên có lá nhỏ hơn, ngọn chè lên non có màu phớt hồng, tim tím như màu huyết dụ. Chè Bát Tiên cũng có hương vị thơm hơn hẳn chè thường. Ông Sửu hái một nắm chè Bát Tiên tươi, ngọn chè non vừa ngắt khỏi cành, nhựa ứa ra đọng giọt trong suốt, tỏa hương dìu dịu.

- Chè ngon vậy sao ngày trước ông không trồng thật nhiều để bán? Tôi hỏi.

- Chè Bát Tiên “khó tính” lắm, khi mới trồng ở đất Mường Hum, gặp phải thời tiết giá lạnh, nhiều cây không chịu nổi nên bị chết dần gần hết. Nhưng những cây nào tồn tại được thì lên rất tốt và cho ra thứ chè đặc biệt thơm ngon. Mường Hum hiện có trên 120ha chè, nhưng chỉ có 4 ha chè Bát Tiên thôi. Chè Bát Tiên trồng ở Yên Bái, Phú Thọ chất lượng cao đến mấy không thể so sánh với chè Bát Tiên trên núi Mường Hum được.

Sinh ra ở xứ chè, ông Sửu hiểu về cây chè còn hơn chính bản thân mình. Theo ông thì sở dĩ chè Bát Tiên trồng ở Mường Hum có hương vị đặc biệt như vậy là do chất đất, chất nước và khí trời ở đây không nơi nào có được.

Mường Hum có đỉnh núi Ky Quan San cao vòi vọi bốn mùa mây phủ, có “cổng trời” cheo leo hun hút gió, có dòng suối trong xanh chảy từ rừng già trên thượng nguồn về, đặc biệt lại có Ao Tiên đầy nước trên lưng chừng núi. Cây chè Bát Tiên bén rễ trên vùng đất nhiều huyền thoại, hấp thu được tinh túy của đất trời, nên búp chè hồng màu huyết dụ, đẹp mơn mởn như thiếu nữ tuổi trăng rằm.

Không đủ hàng bán

Tôi trở về căn nhà đơn sơ của ông Sửu khi ấm chè Bát Tiên mới pha vừa ngấm. Ông lão rót ra chén mời tôi thứ nước chè vàng ong sóng sánh, tựa như vừa hong ra nắng sớm mai và có ai đó vô ý thả vào trong chén mấy giọt mật ong rừng. Chè vừa rót ra, hương đã lan tỏa trong không gian. Hương thơm vừa dịu dàng như hương hoa nhài, vừa thanh tao như hương sen, vừa ngất ngây, khoan khoái.

15-53-24_4
Ngôi nhà nhỏ của ông Sửu nằm giữ những đồi chè xanh ngát

 

Quả là chè Bát Tiên ở Mường Hum, pha bằng thứ nước suối ngần Mường Hum nên hương vị thật tuyệt vời. Tôi nhấp một ngụm nhỏ, tận hưởng vị thơm ngọt của thứ chè đặc sản. Dù không am hiểu nhiều về trà, nhưng tôi thầm nghĩ mỗi buổi sáng sớm, ngồi thiền lặng trong không gian yên tĩnh mà thưởng thức một chén chè Bát Tiên thế này thì tâm hồn thật thanh tịnh.

Trong câu chuyện cở mở với ông lão đồi chè, tôi biết thêm chè Bát Tiên bản chất đã ngon, nhưng cũng phải sao rất công phu thì mới ra được loại chè hảo hạng. Muốn chè ngon, thì sau khi hái về phải phơi dãi trong nhà, quạt cho chè héo để lên hương thì mới sao.

Sao chè Bát Tiên cũng có nhiều công đoạn, ban đầu phải sao tái ở nhiệt độ khoảng 150 độ, khi dùng tay bóp thấy chè mềm có độ đàn hồi thì cho ra quạt tiếp để làm khô. Công đoạn tiếp theo là sao lần 2, giảm nhiệt độ xuống còn 100 -120 độ. Lúc nào dùng tay bóp thấy chè giòn đều thì bỏ ra quạt tiếp cho khô và đóng vào túi kín để chè không bay mất hương. Chè Bát Tiên ở Mường Hum không làm mốc, mà vẫn giữ nguyên màu chè để giữ trọn vị thơm ngon. Người sao chè giỏi chỉ cần nhìn lửa trong lò và ngửi hương thơm của chè là biết chè sao già hay non.

Nghe ông Sửu say sưa chia sẻ kinh nghiệm hàng chục năm sao chè, tôi đã hiểu vì sao ông lại làm ra được loại chè Bát Tiên thơm ngon đến vậy. Mỗi cân chè Bát Tiên ở Mường Hum hiện có giá 300 - 400 nghìn đồng.

Chè Bát Tiên ở Mường Hum đắt thế, nhưng luôn trong tình trạng “cháy hàng”, vì làm ra đến đâu khách mua hết luôn đến đó. Nhà ông Sửu ở tận trên núi, nhưng người ta vẫn lặn lội ngược dốc tìm đến tận nhà ông để mua chè Bát Tiên. Mỗi khi có vị khách đến nhà hỏi mua chè Bát Tiên mà hết chè để bán, ông lão vườn chè lại cười khà khà mời khách chén chè thơm nghi ngút khói, và không quên đặt vào lòng bàn tay vị khách đường xa một nắm chè Bát Tiên làm quà, như lời hứa cho lần sau trở lại.

Xem thêm
Thái Nguyên thông qua nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã 2023-2025

Đây là 1 trong 10 nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội được thông qua tại Kỳ họp thứ 18 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Kỷ lục 120 món ăn chế biến từ sâm dây tại núi rừng Ngọc Linh

Tại núi rừng Ngọc Linh (huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum) đã chứng kiến các đầu bếp chế biến 120 món ăn từ sâm dây và được xác lập kỷ lục Việt Nam.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm