| Hotline: 0983.970.780

Đảo Bình Ba - 'vương quốc tôm hùm'

Thứ Sáu 20/01/2023 , 09:15 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Từ một đảo nhỏ hoang vu, ngày nay, xã đảo Cam Bình (TP Cam Ranh, Khánh Hòa) không khác gì một thiên đường giữa biển. Tất cả là nhờ nghề nuôi tôm hùm.

Tôm hùm mang về nhà cao cửa rộng

Bình Ba là một đảo nhỏ có diện tích trên 3km² thuộc xã Cam Bình, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đảo này nằm trên vịnh Cam Ranh, cách cảng Cam Ranh (tên cũ là cảng Ba Ngòi) 15km về phía đông. Ngày nay để ra đảo Bình Ba rất thuận tiện, từ cảng Cam Ranh đi ca nô cao tốc chỉ mất 20 phút là tới nơi, còn đi tàu gỗ ở cảng cá Đá Bạc mất khoảng 1 tiếng đồng hồ.

Đảo Bình Ba được mệnh danh là vương quốc nuôi tôm hùm bằng lồng. Ảnh: KS.

Đảo Bình Ba được mệnh danh là "vương quốc tôm hùm". Ảnh: Kim Sơ.

Trên đảo Bình Ba hiện có 3 thôn là Bình Ba Đông, Bình Ba Tây và Bình An với 3.800 nhân khẩu đã hình thành trên 200 năm được mệnh danh là “vương quốc tôm hùm”. Tôm hùm Bình Ba nổi tiếng là một trong 6 món đặc sản của người dân Khánh Hòa được đưa vào câu ca: “Tôm hùm Bình Ba - Nai khô Diên Khánh - Cá tràu Võ Cạnh - Sò huyết Thủy Triều…”.

Lâu lắm rồi, tôi mới có dịp trở lại đảo Bình Ba vào dịp cuối năm và cảm nhận cuộc sống nơi đây hối hả, nhộn nhịp, song lại rất yên bình. Mọi thứ trên đảo giờ không khác gì ở trên đất liền, thậm chí có thể nói là chẳng thiếu thứ gì, từ hàng quán ăn uống, tạp hóa, chợ búa, làm đẹp… đều có cả . Điều ngạc nhiên hơn nữa, giờ trên đảo nhà cửa hầu như xây dựng kiên cố, tiện nghi và rất nhiều nhà 4 - 5 tầng khang trang.

Theo UBND xã Cam Bình, toàn xã hiện có 53 khách sạn, nhà nghỉ. Hầu hết các khách sạn, nhà nghỉ này đều của người dân trên đảo bỏ tiền đầu tư xây dựng để đón du khách đến nghỉ dưỡng, thưởng thức tôm hùm. Nhưng giờ để đảm bảo an ninh, an toàn căn cứ quân sự Cam Ranh, người dân đã chấp hành dừng đón khách du lịch.

Đảo Bình Ba hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Ảnh: KS.

Đảo Bình Ba hôm nay đã đổi thay rất nhiều. Ảnh: Kim Sơ.

Những gì người dân trên đảo có được hôm nay đó là sự ấm no, sung túc nên khi hỏi bất cứ ai trên đảo, chẳng ai phủ nhận không phải nhờ con tôm hùm mà ra. Có thể nói con tôm hùm đã giúp người dân nơi đây từ hai bàn tay trắng vươn lên thoát nghèo, từ không có thứ gì giờ có của ăn của để sau những vụ thu hoạch. Chính vì thế đảo Bình Ba đang gây dựng một cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn, các tệ nạn xã hội gần như không có, người dân trên đảo gắn chặt tình làng nghĩa xóm, "tối lửa tắt đèn có nhau".

Đó cũng là lý do mà những người trên đảo, cũng như bà Võ Thị Thu Loan, 55 tuổi ở thôn Bình Ba Tây xác định đảo là nơi “chôn nhau cắt rốn”, chẳng muốn vào đất liền sinh sống.

Theo bà Loan, gia đình bà đã 4 đời gắn bó với đảo. Họ từng sống trong cảnh thiếu thốn trăm bề, nhà cửa tạm bợ còn không rời, huống hồ giờ đây đảo Bình Ba nhờ phát triển con tôm hùm, mọi người ai cũng có cuộc sống ổn định hơn.

BA

Bà Võ Thị Thu Loan, 55 tuổi ở thôn Bình Ba Tây rất phấn khởi khi cuộc sống người dân ngày càng đi lên nhờ con tôm hùm. Ảnh: Kim Sơ.

Cũng như bà Loan, ông Nguyễn Văn Bé, 67 tuổi ở thôn Bình Ba Đông cũng khẳng định chắc nịch rằng, nếu ở đảo Bình Ba không có con tôm hùm sẽ không có nhà cao cửa rộng, cũng như bà con có cuộc sống đầy đủ hơn như bây giờ. Đành rằng nuôi tôm hùm có người nuôi lời, có người nuôi lỗ, có năm nuôi thắng, có năm nuôi lỗ, nhưng suy cho cùng người nuôi lời nhiều hơn lỗ.

Nói đâu xa như gia đình ông Bé, trước đây khổ lắm, phải đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Ấy vậy mà, sau khi ông đầu tư nuôi 100 con tôm hùm vào năm 2000 nhờ đứa em bên Mỹ gửi tiền cho, cùng với vốn vay ngân hàng chính sáchm, không ngờ cũng từ đó con tôm hùm đã giúp gia đình ông ăn nên làm ra, ổn định cuộc sống sau thời gian ngắn. Điều đáng mừng hơn, 5 đứa con của ông Bé hiện đều trở nên khá giả nhờ nuôi tôm hùm với số lượng từ 150 - 200 ô lồng.

Trong đó, con lớn ông Bé là anh Nguyễn Tấn Dũng, 46 tuổi không chỉ nuôi tôm hùm giỏi, mà còn cung cấp con giống, thức ăn và làm đầu mối thu mua tôm hùm thịt cho bà con trên đảo. Anh Dũng còn tạo công ăn việc làm cho 6 - 7 lao động địa phương, với mức thu nhập 8 - 9 triệu đồng/người/tháng.

Theo UBND xã Cam Bình, nhờ nuôi tôm hùm mà tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo của địa phương đã giảm mạnh trong những năm qua. Đến nay, hộ nghèo chỉ còn 17 hộ, còn hộ cận nghèo 25 hộ, đạt tỷ lệ dưới 3%. Về hướng phát triển nuôi tôm, xã Cam Bình sẽ tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi từ lồng gỗ thô sơ sang lồng HDPE. Dự kiến năm 2023, địa phương sẽ phối hợp Sở NN-PTNT Khánh Hòa và Công ty Trường Phát triển khai mô hình nuôi thí điểm để bà con tham quan, học tập.

30 - 40% số hộ doanh thu tiền tỷ/năm từ tôm hùm

Nghề nuôi tôm hùm trên đảo Bình Ba bắt đầu hình thành từ những năm 1990. Ban đầu chỉ vài hộ nuôi thử nghiệm vài ba lồng bằng vật liệu gỗ được bao bọc bởi lưới sắt B40 và lưới. Đến nay, toàn xã đã phát triển hơn 400 bè, khoảng 15.000 ô lồng với sản lượng khoảng 300 tấn/năm, chủ yếu là tôm hùm xanh.

Một góc trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình. Ảnh: KS.

Một góc trên đảo Bình Ba, xã Cam Bình. Ảnh: Kim Sơ.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, trong 1.424 hộ dân toàn xã (bao gồm đảo Bình Ba và đảo Bình Hưng) hiện có 85% số hộ nuôi tôm hùm, số còn lại làm dịch vụ khác. Vị Chủ tịch xã cũng nhìn nhận, sau hơn 30 năm phát triển nuôi tôm hùm, đến nay, cuộc sống của người dân trên đảo đã thay đổi rất lớn. Không chỉ đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, mua sắm các trang thiết bị tiện nghi mà người dân còn quan tâm chuyện học hành của con cháu. Cũng nhờ con tôm hùm mà xã Cam Bình - xã đảo đầu tiên trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa về đích nông thôn mới vào năm 2014.

Hiện 85% số hộ ở xã đảo Cam Bình nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Ảnh: KS.

Hiện 85% số hộ ở xã đảo Cam Bình nuôi tôm hùm bằng lồng bè. Ảnh: Kim Sơ.

Những người dân có thâm niên nuôi tôm hùm ở Bình Ba tự tin cho biết, trên đảo hiện rất nhiều tỷ phú và ước khoảng 30 - 40% số hộ dân có doanh thu tiền tỷ mỗi năm nhờ nuôi tôm hùm. Và, quả nhiên con số đó được chính quyền đia phương xác nhận, vì chỉ cần thả nuôi 30 lồng tôm hùm trở lên là có doanh thu tiền tỷ mỗi năm hết sức bình thường. Trong khi số lượng lồng nuôi từ 30 lồng trở lên ở xã Cam Bình chiếm phần không nhỏ, trong đó hơn 100 hộ có lồng bè nuôi tôm hùm với hàng trăm ô lồng.

Bảo vệ môi trường là sinh kế dài lâu

Xác định việc nuôi tôm hùm là sinh kế lâu dài của người dân trên đảo Bình Ba nói riêng và xã Cam Bình nói chung, tuy nhiên thực tế hiện có rất nhiều vấn đề trăn trở của người nuôi tâm huyết với nghề. Trong đó có anh Nguyễn Ngọc Huy, 52 tuổi, một trong những tỷ phú nuôi tôm hùm ở Bình Ba với gần 20 năm gắn bó với nghề.

Anh Nguyễn Ngọc Huy rất tâm đắc với nghề nuôi tôm hùm đã giúp a và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Ảnh: KS.

Anh Nguyễn Ngọc Huy rất tâm đắc với nghề nuôi tôm hùm vì đã giúp anh và nhiều gia đình vươn lên khá giả. Ảnh: Kim Sơ.

Đưa chúng tôi ra những khu lồng bè nuôi dày đặc, anh Huy tâm sự, trước đây lồng bè nuôi có nhiều đâu. Nhưng càng về sau do nuôi có lãi, người nuôi ngày càng mở rộng ô lồng khiến vùng nuôi ngày càng chật chội. Anh cũng thừa nhận rằng đảo Bình Ba sẽ không có sự đổi thay như hôm nay nếu không nuôi tôm hùm.

Và, cũng chính vì con tôm hùm là "bầu sữa" của người dân trên đảo, trong đó có bản thân gia đình anh nên anh cứ trăn trở làm sao nghề nuôi tôm này trên đảo được duy trì mãi mãi.

“Tôi nghĩ để nghề tôm hùm phát triển bền vững hiện rất khó, vì hàng loạt vấn đề cần được giải quyết như về môi trường, thức ăn, rác thải và nguồn cung cầu hiện rất bấp bênh. Đằng sau nuôi con tôm bây giờ rất nhiều rủi ro chứ không phải suôn sẻ như trước đây mình nuôi số lượng ít”, anh Huy bộc bạch.

Người dân ở đảo Bình Ba đang từng bước sử dụng túi lưới tái sự dụng để đựng thức ăn nuôi tôm hùm. Ảnh: KS.

Người dân ở đảo Bình Ba đang từng bước sử dụng túi lưới tái sự dụng để đựng thức ăn nuôi tôm hùm. Ảnh: Kim Sơ.

Theo anh, môi trường vùng nuôi rất nan giải, mật độ lồng bè dày khiến nguồn nước kém lưu thông, tôm chậm phát triển, rủi ro dịch bệnh ngày càng lớn, nhiều hộ nuôi không đảm bảo lợi nhuận, thậm chí thua lỗ nặng.

Vì vậy để khắc phục vấn đề môi trường phải cả cộng động nuôi trồng thủy sản chung tay chứ không thể “một cánh én làm nên mùa xuân” được. Cùng với đó, phía nhà nước cần hỗ trợ thành lập chuỗi liên kết, tìm kiếm phát triển thị trường để đầu ra con tôm ổn định, người nuôi yên tâm sản xuất. Có như thế nghề nuôi tôm hùm mới thật sự phát triển bền vững.

Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết, để bảo vệ môi trường vùng nuôi tôm hùm, thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng túi lưới tái sử dụng để đựng thức ăn cho nuôi tôm. Cùng với đó, thu gom rác, thức ăn dư thừa, vỏ sò ốc để đưa đi xử lý. Hiện nay, hầu hết bà con đã dùng túi lưới, tuy nhiên một số thức ăn như mồi cá nhỏ, mực… không dùng được túi lưới thì vẫn dùng túi nilon. Dù chưa xử lý được triệt để, song người dân cũng ngày càng có ý thức bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Xem thêm
Nuôi tôm không xả thải, thành tựu lớn của ngành thủy sản

CÀ MAU Mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thương phẩm siêu thâm canh 3 giai đoạn tuần hoàn nước đã được đầu tư và thử nghiệm thành công tại nhiều địa phương của tỉnh Cà Mau.

Địa phương phải rút kinh nghiệm về xử lý vi phạm trong lĩnh vực thủy sản

Đoàn kiểm tra liên ngành của Bộ Tư pháp phát hiện một số tồn tại, hạn chế trong công tác xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản tại các địa phương.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.