| Hotline: 0983.970.780

An Minh phấn đấu thoát trắng xã NTM

Thứ Năm 09/08/2018 , 08:01 (GMT+7)

Trong 4 huyện vùng U Minh Thượng của tỉnh Kiên Giang, đến nay chỉ duy nhất huyện An Minh là chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM).

Vì vậy, huyện này đang nỗ lực phấn đấu thoát cảnh trắng xã NTM, với mục tiêu đến cuối năm 2018 sẽ đưa 2 xã Đông Hòa, Đông Thạnh vươn lên đạt chuẩn.
 

Xuất phát thấp, khó khăn nhiều

An Minh có 11 xã, thị trấn thì có 6 xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, gồm Thuận Hòa, Tân Thạnh, Đông Hưng A, Vân Khánh, Vân Khánh Đông và Vân Khánh Tây, đa phần người dân sống bằng nghề nông, chủ yếu dựa vào khai thác, nuôi trồng thủy sản.

08-51-51_2_mo_hinh_tom_lu_l_loi_the_ph_t_trien_kinh_te_cu_huyen_n_minh_n_hung_cung_rt_de_bi_ton_thuong_neu_xy_r_thien_ti_dich_benh_2
Mô hình tôm lúa là lợi thế của huyện An Minh nhưng cũng rất dễ bị tổn thương nếu xảy ra thiên tai, dich bệnh

Địa hình các xã sông rạch chằng chịt, cơ cở hạ tầng còn thiếu thốn, chắp vá, chưa đồng bộ; trình độ dân trí không đồng đều, đời sống nhân dân khó khăn, kinh tế phát triển thấp hơn mức bình quân chung của huyện. Đây là những rào cản để các xã này phấn đấu đạt chuẩn NTM.

Do là các xã ven biển nên chịu tác động của mưa bão, hạn hán, xâm nhập mặn, gây thiệt hại SX và đời sống người dân. Đặc biệt là đợt hạn, mặn lịch sử mùa khô năm 2015 - 2016, đã tác động nặng nề đến khu vực này, làm tốc độ phát triển kinh tế chung của huyện chững lại. Đây cũng là năm ngành nông nghiệp Kiên Giang tăng trưởng âm sau nhiều năm phát triển. Điều này đã tác động không nhỏ đến quá trình phấn đấu xây dựng NTM của huyện.

Theo ông Lê Văn Khanh, Trưởng phòng NN-PTNT huyện, sau nhiều năm kiên trì phấn đấu, đến nay huyện mới có xã Đông Hòa là đạt 17 tiêu chí (còn thiếu 2 tiêu chí hộ nghèo, y tế), 2 xã đạt 16 tiêu chí là Đông Thạnh và Vân Khánh, các xã còn lại đạt từ 12 - 15 tiêu chí. Bình quân toàn huyện đạt 14,3 tiêu chí/xã, tăng 3,5 tiêu chí/xã so với cùng kỳ năm 2017.
 

Lo nhất tiêu chí hộ nghèo, môi trường

Để thoát tình cảnh là huyện duy nhất trong vùng trắng xã NTM, huyện An Minh đã chọn, tập trung chỉ đạo 2 xã Đông Hòa và Đông Thạnh phấn đấu đạt chuẩn NTM ngay trong năm 2018 này, các xã còn lại cố gắng tăng từ 2 tiêu chí trở lên.

Tuy nhiên, lo ngại nhất là chất lượng nhiều tiêu chí đạt thấp, như tỷ lệ hộ nghèo, cơ sở hạ tầng và môi trường, trong đó riêng tiêu chí hộ nghèo chưa có xã nào đạt. “Kết quả khảo sát chuẩn nghèo theo hướng đa chiều tại các xã đều không đạt tiêu chí này, tỷ lệ hộ nghèo cả huyện còn rất cao, tới 16,24%”, ông Lê Văn Khanh cho biết.

Ông Võ Hoàng Ân, Chủ tịch UBND xã Đông Hòa nói, toàn xã hiện còn 390 hộ nghèo, trong đó có 217 hộ có thể thoát nghèo không cần tác động bằng nguồn vốn, chỉ cần hỗ trợ kỹ thuật; 105 hộ cần chính sách hỗ trợ với khoảng 1,2 tỷ đồng đào tạo nghề, xây dựng mô hình SX, xóa nhà tạm… 

"Về môi trường, xã còn 292 cầu tiêu trên sông rạch, cần nguồn vốn để các hộ này xây dựng nhà vệ sinh. Thời gian tới, chính quyền sẽ phối hợp với các đoàn thể ra quân vận động, kiên quyết tháo dỡ cầu tiêu, chuồng trại chăn nuôi trên sông rạch, để đảm bảo vệ vinh môi trường”, ông Ân nêu quyết tâm.

Tương tự, tại xã Đông Thạnh, tỷ lệ hộ nghèo cao, cầu tiêu, chuồng trại chăn nuôi trên sông rạch gây mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng đang là những trở ngại cần khắc phục để tiến lên xã NTM. Tuy nhiên khó khan còn bộn bề.

Chủ tịch UBND xã Lê Minh Nhớ cho biết: “Xã cần khoảng 2,6 tỷ hỗ trợ người dân xây dựng nhà vệ sinh trước khi tiến hành tháo dỡ cầu tiêu, chuồng trại chăn nuôi. Chúng tôi đang vận động người dân làm hàng rào cây xanh, lò đốt rác để đảm bảo môi trường. Ngoài ra, tỷ lệ người dân tham gia BHYT mới đạt 80%, giảm 2% do chưa đáo hạn lại, đến cuối năm phải đạt tiêu chí này”.
 

Đa dạng cách làm

Nhằm giúp các xã giảm tỷ lệ hộ nghèo, các hộ cận nghèo thoát nghèo bền vững, huyện An Minh đang đẩy mạnh triển khai, long ghép các chương trình MTQG một cách thiết thực và hiệu quả.

Cụ thể là tổ chức các buổi đối thoại để các hộ nghèo, cận nghèo đăng ký thoát nghèo; hướng dẫn xây dựng các mô hình SX, kinh doanh có hiệu quả để bà con áp dụng. Ngành chức năng phối hợp với ngân hàng CSXH triển khai cho hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển SX, kinh doanh, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững.

Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện An Minh, ông Huỳnh Văn Nỏ, cho biết, từ đầu năm đến nay, huyện đã tổ chức 21 lớp tập huấn kỹ thuật cho nông dân, tập trung vào kỹ thuật nuôi và chăm sóc tôm nuôi quảng canh cải tiến, kỹ thuật canh tác lúa…

08-51-51_1_huyen_n_minh_no_luc_thot_cnh_trng_x_ntm_voi_muc_tieu_du_2_x_dong_ho_v_dong_thnh_dt_chun_ntm_trong_nm_2018
Huyện An Minh nỗ lực thoát tình trạng trắng xã NTM, với mục tiêu đưa 2 xã Đông Hòa và Đông Thạnh đạt chuẩn NTM trong năm 2018

Chương trình khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp và triển khai các mô hình trình diễn, đã góp phần hướng dẫn người dân áp dụng KHKT, đưa nhiều con giống, cây giống mới có giá trị kinh tế cao vào SX, phát huy thế mạnh từng vùng, nâng cao hiệu quả SX, cải thiện đời sống…

Đồng thời đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo, nhằm tạo điều kiện cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia các mô hình phát triển làm ăn, vươn lên thoát nghèo, tiến tới làm giàu. Huyện đã chi 1,2 tỷ đồng cho 4 xã bãi ngang là Thuận Hòa, Đông Hưng A, Vân Khánh Đông và Vân Khánh, mỗi xã 300 triệu đồng để thực hiện.

UBND huyện đã phê duyệt dự án hỗ trợ các mô hình trồng lúa, chăn nuôi heo, nuôi gà nòi lai, hỗ trợ nông dân nuôi sò huyết, buôn bán tạp hóa, hỗ trợ công cụ đánh bắt thủy sản… với 204 hộ tham gia. Triển khai dự án hỗ trợ sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo năm 2018 theo kế hoạch vốn phân bổ.

Chủ tịch UBND huyện An Minh Nguyễn Văn Phỉ

BCĐ các Chương trình MTQG, Văn phòng Điều phối xây dựng NTM của huyện, lãnh đạo các xã, nhất là 2 xã được chọn cần vào cuộc quyết liệt, phấn đấu hết khả năng để trong năm 2018 này, đưa 2 xã Đông Hòa và Đông Thạnh tiến lên NTM, các xã còn lại tăng từ 2 tiêu chí trở lên.

Lãnh đạo xã chọn tiêu chí để đăng ký thực hiện, là những tiêu chí thuộc các lĩnh vực của mình, địa phương mình, chính quyền đoàn thể và người dân cùng vào cuộc để hoàn thành. Chẳng hạn, tiêu chí giảm nghèo, tổ chức SX, tạo việc làm cho người lao động, vệ sinh môi trường, vận động người dân tham gia BHYT, hệ thống chính trị, an ninh quốc phòng… Không chọn đăng ký những tiêu chí, như đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, trường học, rồi trông chờ cấp trên rót vốn xây dựng, xã không cần làm gì cũng hoàn thành.

Ông Nguyễn Văn Vững, Phó Chánh VPĐP NTM tỉnh

Kiên Giang còn 3/15 hiện, TX, TP chưa có xã nào đạt chuẩn NTM, là An Minh, Giang Thành và Kiên Hải. Trong đó, An Minh có nhiều lợi thế hơn, vì Giang Thành là huyện biên giới, lại mới được chia tách, còn nhiều khó khăn; Kiên Hải là huyện biển đảo. Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã triển khai thực hiện nhiều năm, đến nay An Minh chưa có xã nào đạt chuẩn là quá chậm.

Giờ chương trình đã chuyển sang giai đoạn 2, mang tính chuyên nghiệp hơn, thậm chí có nơi đã xây dựng NTM kiểu mẫu. Vì vậy, huyện nào đi sau càng phải quyết liệt, phấn đấu nhiều hơn mới theo kịp. Phải đề ra mốc thời gian và lộ trình hoàn thành. Quá trình thực hiện quan tâm đến những tiêu chí dễ bị rớt, như thiên tai, dịch bệnh xảy ra là sẽ tái nghèo, tỷ lệ hộ nghèo tăng cao; hay rớt tiêu chí an ninh trật tự nếu xảy ra phạm pháp hình sự…

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.