Vực dậy sản xuất nhờ đầu tư hạ tầng
“Lúc chưa được Dự án VnSAT đầu tư, chưa có hạ tầng, thiết bị để sản xuất, HTX chỉ hoạt động theo các chương trình tập huấn, trong sản xuất cũng chưa có gì nổi bật”, đó là lời bộc bạch của ông Nguyễn Văn Đậm, Giám đốc điều hành HTX Nông nghiệp Tín Phát ở xã Kế Thành, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng. Đây được xem là một trong những HTX điển hình của tỉnh ăn nên làm ra sau khi nhận được sự hỗ trợ đầu tư của Dự án VnSAT.
Từ cách sản xuất lúa truyền thống, bà con xã viên đã có sự thay đổi ngoạn mục trong tư duy sản xuất đến cách làm thực tiễn. Quy trình sản xuất của HTX được xây dựng một cách bài bản, bà con xã viên hoạt động theo hệ thống, quá trình xuống giống hay trong thu hoạch đều thực hiện đồng loạt, tuân thủ theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, bà con xã viên đã biết hạn chế sử dụng phân bón, thuốc BVTV, chuyển sang nắm bắt tình hình dịch hại để đưa ra giải pháp tốt nhất cho đồng ruộng.
Nói về sự thay đổi này, ông Đậm cho biết năm 2019, HTX nhận được sự đầu tư, hỗ trợ của Dự án VnSAT với nguồn vốn hơn 4,5 tỷ đồng, gồm các hạng mục thiết bị như lò sấy, máy tách hạt, máy xay xát, máy phun đa năng và cơ sở hạ tầng nhà kho, lò sấy. Các tuyến đường giao thông lên HTX cũng được Dự án VnSAT đầu tư, giúp bà con vận chuyển hàng hóa thuận lợi, điều kiện sản xuất kinh doanh từ đây cũng phát triển hơn.
Với 40 thành viên từ những ngày đầu thành lập năm 2005, đến nay HTX Nông nghiệp Tín Phát đã tập hợp được 320 thành viên, với diện tích canh tác khoảng 524 ha. “Bây giờ bà con sản xuất lúa theo hướng chất lượng, hữu cơ, giúp tăng giá trị. 100% bà con xã viên đã ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Khi thu hoạch, bà con sử dụng máy gặt đập liên hợp, còn phun thuốc bà con sử dụng máy bay không người lái. Qua các lớp tập huấn "3 giảm 3 tăng", "1 phải 5 giảm", trình độ sản xuất của bà con xã viên được nâng cao đáng kể”, ông Đậm cho biết.
Theo đánh giá của ông Đậm, HTX đang hoạt động và sản xuất ổn định, đầu ra sản phẩm bà con xã viên không lo, bởi đã được các doanh nghiệp ở Tiền Giang, Vĩnh Long bao tiêu với giá nhỉnh hơn thị trường. Xã viên giàu thì mới tạo ra được HTX mạnh.
Ông Bùi Công Minh là một trong những thành viên hoạt động lâu năm trong HTX. Ông Minh cho rằng, sản xuất đơn lẻ cái khó nhất là đầu ra sản phẩm, nông dân cũng thường xuyên lâm vào tình cảnh bị thương lái ép giá. Nhưng từ khi tham gia liên kết sản xuất trong HTX, những xã viên như ông đã thích nghi tốt với phương thức sản xuất mới, sản xuất gắn với kinh doanh.
Nói về lợi nhuận đạt được trong giai đoạn 2020 – 2021, ông Đậm vui mừng chia sẻ, trước tác động của đại dịch Covid-19, nhưng sản xuất của HTX rất phát triển, doanh thu không sụt giảm. Từ khâu sản xuất, thu hoạch đến tiêu thụ HTX đều chủ động được. Cuối năm 2021, tổng doanh thu của HTX đạt được khoảng 8 tỷ đồng. Hoạt động chủ yếu của HTX ở các lĩnh vực cung ứng vật tư nông nghiệp, sản xuất lúa giống.
Sắp tới, HTX đang lên kế hoạch xây dựng vựa trái cây và thu mua sản phẩm bà con xã viên cũng như nông dân trong vùng.
HTX trưởng thành vượt bậc
Dự án VnSAT tại tỉnh Sóc Trăng được triển khai trên địa bàn 30 xã, thuộc 6 huyện: Kế Sách, Long Phú, Mỹ Tú, Châu Thành, Thạnh Trị và Mỹ Xuyên.
Qua theo dõi đánh giá mức độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật canh tác lúa bền vững tại 31 HTX nằm vùng Dự án, Ban quản lý Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã lựa chọn được 13 HTX để đầu tư hỗ trợ.
Theo đánh giá của ông Huỳnh Văn Những, Phó Giám đốc Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng, từ khi chuẩn bị triển khai Dự án VnSAT, các tổ chức nông dân, trong đó HTX nông nghiệp là sự ưu tiên lựa chọn để khởi động Dự án. Bắt đầu là hoạt động tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ thuật canh tác lúa bền vững cho nông dân là thành viên HTX. Kế đến là hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực quản lý điều hành cho đội ngũ hội đồng quản trị, ban giám đốc của các HTX.
Trong thời gian Dự án được triển khai, nhiều HTX đã có bước phát triển, thể hiện qua quy mô số nông hộ và diện tích sản xuất tham gia vào HTX ngày càng tăng. Các HTX đã kết nối với các tổ hợp tác trong khu vực, liên kết sử dụng dịch vụ và tiêu thụ lúa gạo. Quan trọng hơn, vai trò chủ động của hội đồng quản trị, ban giám đốc HTX đã tích cực hơn trong tìm kiếm đối tác, doanh nghiệp hợp tác giúp nông dân tiêu thụ lúa gạo ổn định hơn.
Bên cạnh HTX Nông nghiệp Tín Phát, một số HTX hoạt động hiệu quả và có bước phát triển tại tỉnh Sóc Trăng có thể kể đến như: HTX Nông nghiệp Hưng Lợi (xã Long Đức, huyện Long Phú), HTX Nông nghiệp Phước An (xã Phú Tân, huyện Châu Thành), HTX Nông nghiệp Thắng Lợi (xã Thạnh Tân, huyện Thạnh Trị).
Nói về sự trưởng thành và chuyển biến trong tư duy sản xuất lúa gạo của bà con nông dân, ông Huỳnh Văn Những đánh giá: Nông dân đã hiểu rõ lợi ích và cách thức thực hiện quy trình kỹ thuật canh tác lúa bền vững được Dự án chuyển giao và tỉ lệ áp dụng thành công đạt 100,5%. Tuy nhiên, theo ông Những, từ nâng cao nhận thức đến thay đổi hành vi, cần có điều kiện và thời gian, nhất là trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào yếu tố đất đai, nguồn nước, các yếu tố hạ tầng và điều kiện tự nhiên diễn biến phức tạp do biến đổi khí hậu gây nên.
Sau khi Dự án VnSAT kết thúc, ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng sẽ tranh thủ các nguồn lực và những kết quả đạt được từ Dự án VnSAT để kết nối với những dự án khác nhằm sản xuất lúa gạo của tỉnh Sóc Trăng phát triển một cách bền vững.
Hiện tại, Ban Quản lý Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đang thúc đẩy các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình để nghiệm thu đúng tiến độ trước khi đóng Dự án vào 30/6/2022.
Song song đó, đơn vị cũng phối hợp với ngành nông nghiệp các địa phương tăng cường hỗ trợ các HTX và nông dân trong việc liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo với các doanh nghiệp chế biến lương thực, tiến tới xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo chất lượng cao, tạo ra giá trị gia tăng và lợi nhuận cho các bên tham gia.
Dự án VnSAT chính thức triển khai tại tỉnh Sóc Trăng từ năm 2016 đến năm 2020 và tiếp tục được gia hạn đến 30/6/2022 với tổng số vốn đầu tư hơn 331 tỷ đồng. Tại kỳ đánh giá lần thứ 12 vào tháng 3/2022 của Ban quản lý Dự án Trung ương, tỉnh Sóc Trăng đã thực hiện được cơ bản các chỉ số mục tiêu theo Sổ tay Dự án (POM). Cụ thể:
- Chỉ số PDO1 (số người hưởng lợi từ Dự án): Tổng số 75.640 người được hưởng lợi, đạt 106,5% so với mục tiêu cuối kỳ (71.000 người).
- Chỉ số PDO2 (diện tích áp dụng quy trình canh tác tiên tiến): Đã có 20.106 ha lúa áp dụng quy trình canh tác bền vững, đạt 100,5% so với mục tiêu cuối kỳ (20.000 ha).
- Chỉ số PDO3 (tăng lợi nhuận/ha đất sản xuất của nông dân tham gia Dự án so với ngoài Dự án): Lợi nhuận bình quân/ha tăng 30,3%, đạt 101% so với mục tiêu cuối kỳ là tăng 30%.
Đến nay, Dự án VnSAT tỉnh Sóc Trăng đã triển khai đầu tư 23 tiểu dự án với 49 công trình, trong đó 37 công trình đã hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Trong giai đoạn gia hạn Dự án (2021 - 2022), hoạt động xây dựng cơ bản chuyển sang hình thức đầu tư công với 12 tiểu dự án, tổng giá trị đầu tư trên 111 tỷ đồng. Trong đó, vốn IDA gần 87 tỷ đồng và vốn đối ứng ngân sách địa phương hơn 24 tỷ đồng.
Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT