| Hotline: 0983.970.780

VnSAT chặng đường 6 năm gắn bó với kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến

Thứ Năm 31/03/2022 , 14:54 (GMT+7)

ĐBSCL VnSAT chặng đường 6 năm gắn bó với lúa chất lượng cao, giúp hàng trăm ngàn hộ nông dân tiếp cận các kỹ thuật canh tác tiên tiến trong sản xuất lúa.

Tại HTX nông nghiệp Phước Lộc, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang là một trong những tổ chức nông dân trong tỉnh, nhận được sự đầu tư từ dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững VnSAT. Năm 2015, từ những cánh đồng nhỏ lẻ, thông qua các buổi tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật canh tác tiên tiến, bà con nông dân trong HTX đã mạnh dạn áp dụng các quy trình canh tác bền vững, từ đó đưa diện tích quy mô trồng lúa của HTX lên con số hơn 400 ha.

Theo ông Trần Trung Kiên, Giám đốc HTX nông nghiệp Phước Lộc cho hay, Dự án VnSAT đầu tư cho HTX gần 8 tỷ đồng để xây dựng nhà kho, lò sấy trên diện tích 3.000 m2, nhờ đó HTX có điều kiện tạm trữ lúa gạo. Hiện nay đơn vị là đầu mối tiêu thụ lúa không chỉ cho bà con nông dân trong HTX và các tổ hợp tác liên kết, mà còn là thu mua cho cả bà con nông dân trong tỉnh, với sản lượng từ 4 – 5 ngàn tấn/vụ lúa. Điều ông Kiên phấn khởi nhất là bà con nông dân đã quen dần với phương thức sản xuất theo nhu cầu của thị trường, chú trọng các giống lúa chất lượng cao hướng đến công tác an toàn thực phẩm và phục vụ nhu cầu xuất khẩu.

Tại tỉnh Hậu Giang, qua gần 7 năm triển khai dự án, kết quả rõ nét nhất mà dự án mang lại địa phương là cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ, thông qua các buổi tập huấn, đào tạo cho nông dân về quy trình canh tác theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” tỷ lệ nông dân áp dụng đạt khá cao.

Tập huấn, đào tạo cho nông dân về quy trình canh tác theo mô hình '3 giảm, 3 tăng', '1 phải, 5 giảm'. Ảnh: Kim Anh.

Tập huấn, đào tạo cho nông dân về quy trình canh tác theo mô hình “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Ảnh: Kim Anh.

Ông Võ Minh Phúc, Phó Giám đốc chuyên trách Ban quản lý Dự án VnSAT Hậu Giang cho biết thêm: Trong quá trình thực hiện Dự án VnSAT các doanh nghiệp cũng đã thấy được tầm quan trọng của dự án. Và bao tiêu bền vững một số diện tích sản xuất lúa của bà con nông dân trong vùng dự án. Thời gian qua tất cả người dân được hưởng lợi và các chỉ tiêu dự án của Hậu Giang đều đạt và vượt yêu cầu đề ra.

Kết quả lớn nhất mà Dự án VnSAT mang lại cho ngành hàng lúa gạo tại vùng ĐBSCL được ông Lê Văn Hiển, Giám đốc dự án VnSAT chỉ rõ: “Sau khi dự án kết thúc, điều quan trọng nhất dự án mang lại đó là việc thay đổi tập quán canh tác lúa gạo của người nông dân so với trước khi có dự án”.

Hơn thế nữa, việc đầu tư về cơ sở hạ tầng sẽ tác động rất lớn đến việc xây dựng và phát triển nông thôn mới (NTM) của các địa phương vùng ĐBSCL. Nhờ các hạng mục công trình giao thông, thủy lợi, hệ thống đường điện, kho sấy được đầu tư bài bản, đã cải thiện đáng kể đời sống của người nông dân Nam bộ, góp phần vào việc hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM.

Đi sâu, đi sát, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm đó là những gì nông dân cần và Dự án VnSAT đã đáp ứng được các kỳ vọng trên. Ngày 16/3/2022 vừa qua, tại Hội nghị thúc đẩy tiến độ thực hiện kế hoạch năm 2022 – Hợp phần lúa gạo của Ban Quản lý (BQL) Dự án VnSAT, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh đánh giá riêng với hợp phần lúa gạo tại các tỉnh ĐBSCL phát triển sâu về chất lượng. Nổi bật nhất, vùng ĐBSCL có đến 77% diện tích lúa chất lượng. Thông qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất lúa đã góp phần kéo giảm giá thành sản xuất lúa gạo.

Nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác lúa thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Nông dân mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác lúa thông qua việc ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất. Ảnh: Kim Anh.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh bày tỏ: Trước đây khi chúng ta thực hiện Dự án từ năm 2015, xã hội đều nói rất nhiều về chất lượng lúa gạo. Điển hình trong năm 2021, tình hình dịch bệnh Covid – 19 ảnh hưởng, diện tích lúa mỗi năm giảm khoảng 40.000 ha để nhường vị trí cho các mô hình phát triển kinh tế khác, các loại cây trồng khác chuyển đổi. Theo thống kê có tới 77% diện tích lúa chất lượng cao, nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật, “3 giảm 3 tăng”, “1 phải 5 giảm” và các tiến bộ khác, từ đó giá thành sản xuất gạo có chiều hướng giảm.

Theo BQL Dự án VnSAT, trong năm 2021 các tỉnh ĐBSCL đã tổ chức đào tạo kỹ thuật “3 giảm 3 tăng” cho 155.780 nông dân với diện tích hơn 213.500 ha. Với quy trình “1 phải 5 giảm”, các tỉnh trong vùng dự án đã đào tạo cho hơn 104.000 nông dân với diện tích hơn 146.800 ha. Qua đánh giá, mức độ áp dụng các kỹ thuật sau đào tạo đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Dự án VnSAT thực hiện 3 đợt đầu tư cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã tại 8 tỉnh, thành vùng ĐBSCL với 91 tiểu dự án được thực hiện. Trong đó, 88/91 tiểu dự án đã được nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng.

Còn lại 3 tiểu dự án thuộc tỉnh Kiên Giang khối lượng thi công chỉ mới đạt từ 60-70%, Sở NN-PTNT địa phương và các đơn vị liên quan đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ dự án.

Tại 8 tỉnh ĐBSCL, số lượng công trình hạ tầng hỗ trợ cho các tổ chức nông dân trong vùng dự án là 53 trạm bơm, 181 km đường giao thông, 39 kho chứa với trữ lượng hơn 41.000 tấn, 25 máy sấy đã được đầu tư. Góp phần đổi mới phương thức canh tác, nâng cao giá trị lúa gạo vùng ĐBSCL.

Trang thông tin có sự đồng hành của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam - VnSAT

Xem thêm
Yến sào Đức Cơ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu

Gia Lai Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm Yến sào Đức Cơ Salangane’s Nest, mở cơ hội để kinh tế huyện Đức Cơ bứt phá.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Khám phá Nhà máy xanh TH true MILK: Từ đồng cỏ xanh đến ly sữa sạch

Không chỉ cung cấp những ly sữa tươi sạch TH true MILK, nhiều năm qua, Tập đoàn TH còn tham gia phát triển nền nông nghiệp Việt Nam xanh, bền vững.

Bộ GTVT yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ cao tốc Bắc- Nam

Mới đây, Bộ trưởng Bộ GTVT Trần Hồng Minh ra công yêu cầu đẩy nhanh 8 dự án trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc - Nam.