| Hotline: 0983.970.780

Anh nông dân bốn trong một

Thứ Ba 01/10/2013 , 09:46 (GMT+7)

Mặc dù chỉ mới học đến lớp 9, nhưng cùng lúc anh Lê Văn Chính làm đến 4 vai trò: Chuyển giao kĩ thuật, tổ chức vùng nguyên liệu, quản lý nông dân làm lúa giống chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm và phân phối lúa giống.

Mặc dù chỉ mới học đến lớp 9, nhưng cùng lúc anh làm đến 4 vai trò: Chuyển giao kĩ thuật, tổ chức vùng nguyên liệu, quản lý nông dân làm lúa giống chất lượng cao, bao tiêu sản phẩm và phân phối lúa giống. Anh là Lê Văn Chính (ấp Phú Khánh, xã Song Lộc, huyện Châu Thành, Trà Vinh).

>> Đổ mồ hôi sôi nước mắt

NỔI DANH TỪ VƯỜN TÁO

Sinh năm 1966, Chính “Táo” là con thứ 9 trong gia đình, nên mọi người vẫn quen gọi là anh Chín. Còn biệt danh “Táo” gắn với anh từ gần 20 năm trước, khi anh là người đầu tiên có vườn táo cho năng suất, hiệu quả nhất vùng Châu Thành này.

Quả thật, sự nổi tiếng của Chính "Táo" khiến tôi tìm đến nhà anh dễ dàng. Không chỉ ở xã Song Lộc mà tôi hỏi thăm đường từ một người dân ở xã khác, cách cả chục cây số, đã được chỉ tường tận.

Thậm chí, người đàn ông tốt bụng này còn kêu tôi đưa cho ông tờ giấy trắng để ông vẽ đường cho tôi. “Ảnh nổi tiếng vì làm giỏi, lại hỗ trợ bà con cho mua lúa giống trả chậm nên ai cũng biết”, người đàn ông chỉ đường cho tôi nói.

Dù đã có hẹn trước nhưng đến cơ sở lúa giống Chính "Táo", tôi phải đợi khá lâu mới gặp được anh. Ông chủ cơ sở lúa giống lớn nhất miền Tây dáng thấp đậm, khuôn mặt hiền khô, đang tất bật cùng hơn chục công nhân khác giao nhận hàng, hướng dẫn bà con nông dân đến mua giống cách sử dụng.


Chính “Táo” đang kiểm tra chất lượng hạt giống

“Anh thông cảm, đợi xíu nghen, lu bu quá”, Chính “Táo” nói xong, chưa kịp thấy tôi gật đầu đã vội quay đi.

Năm 1989, chàng trai Lê Văn Chính hoàn thành 3 năm nghĩa vụ, trở về quê khi mới 23 tuổi. Vốn sinh ra trong gia đình đông con, ít ruộng, hằng ngày chứng kiến cha mẹ cũng như bà con nông dân quanh năm vất vả, một nắng hai sương với ruộng lúa một vụ, lúc nào cũng chỉ đủ gạo ăn trong năm.

“Phải thay đổi chứ không thể vất vả mà cứ nghèo mãi như vầy”, anh nhủ thầm. Sau nhiều ngày trăn trở, anh quyết định không trồng lúa mà chuyển đổi đất ruộng thành vườn để trồng cây táo. Sau khi bàn bạc, vợ chồng anh bắt đầu đào, đắp, nâng 4 công ruộng thành vườn để trồng táo.

“Cây táo khi đó cho thu nhập cũng khá. Biệt danh Chính “Táo”, tui có từ đó. Nhưng vì diện tích nhỏ nên cũng chỉ đỡ hơn chút thôi chứ không thể giàu nổi. Tui cũng muốn có sự đột phá, giúp bà con cùng khá chứ nếu chỉ mình khá lên thì niềm vui cũng chẳng trọn.

Suy nghĩ hoài, tui thấy bà con làm lúa chủ yếu vẫn theo kiểu may nhờ, rủi chịu chứ không có khoa học kỹ thuật. Chính vì thế, năng suất lúa rất thấp, chỉ khoảng 2 - 3 tấn/ha. Muốn khá lên, phải có giống lúa tốt, phải áp dụng khoa học kỹ thuật… Có lẽ, đây là lời giải. Vậy là sau khi thu hoạch được vài vụ táo, tui quyết định chặt cây táo để trồng lúa giống”, anh Chính kể.

Mục tiêu ban đầu của Chính “Táo” là tạo ra những loại lúa giống có sức khỏe, khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao, chất lượng đảm bảo để cung cấp cho người nông dân, nên anh bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu về các loại giống, kỹ thuật trồng, lai tạo.

Năm 2003, gom góp mớ kiếm thức vụn vặt và sự hỗ trợ tích cực của Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) tỉnh, toàn bộ 4 công đất được anh trồng lúa trình diễn. Sau nhiều lần thất bại, đến năm 2006, mô hình mới cho kết quả như mong đợi.

Năm 2009, cơ sở lúa giống Chính “Táo” đã nổi danh khắp miền Tây. Ngoài 9 loại hạt giống đạt chuẩn như OM 6677, OM 5472, OM 6377… năm 2011, cơ sở Chính “Táo” có thêm 2 giống lúa chủ lực là TTV1-504LN (IR504 lá nhỏ) và TTVTL-2 do anh lai tạo từ giống IR 50404 nguyên chủng.

“Giống lúa TTV1-504LN đã được Cục Sở hữu Trí tuệ cấp Chứng nhận “sản phẩm tin cậy” của cộng đồng. Ưu điểm của nó là dễ canh tác, thời gian sinh trưởng dưới 90 ngày, nở bụi nhanh, chịu được hạn, phèn, mặn và ít sâu bệnh, năng suất từ 10 - 12 tấn/ha. Hạt gạo dài, trong, không bạc bụng”, anh Chính cho biết.


Trao đổi kỹ thuật với bà con nông dân đến mua giống và trong tổ liên kết

Đến nay, sản lượng giống của cơ sở cung cấp cho thị trường đã lên gần 10.000 tấn. Hiện tại, lúa giống Chính “Táo” không chỉ có mặt ở hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, mà còn xuất ngoại, năm 2012, xuất sang thị trường Campuchia 1.000 tấn.

MUỐN BÀ CON CÙNG GIÀU

“Chỉ có 4 công đất, làm sao anh cung cấp hàng ngàn tấn giống vậy được?”, tôi hỏi. Chính “Táo” cười đáp: “Anh nghĩ tui đi mua đất sao? Mục đích của tui là giàu cùng bà con. Khi thị trường đã biết đến thương hiệu Chính “Táo”, tui kêu gọi bà con thành lập tổ liên kết với cam đoan sẽ bao tiêu san phẩm, họ chỉ việc trồng lúa theo kỹ thuật, qui trình tui đưa ra.

 Đến nay, đã có 600 hộ ở khắp tỉnh tham gia với diện tích gần 400 ha. Do giống tốt, lại được áp dụng kỹ thuật, nên năng suất cao hơn bên ngoài khoảng 20%. Toàn bộ sản phẩm được bao tiêu với giá cao hơn bên ngoài khoảng 20%, đời sống bà con tăng rất nhiều. Cơ sở hiện tiêu thụ khoảng 10.000 tấn lúa giống/năm, doanh thu 70-80 tỷ đồng”.

Ông chủ Chính “Táo” cho biết, cơ sở áp dụng quy trình sản xuất khép kín, từ khâu chọn hạt đến giai đoạn ủ, gieo mộng sân, cấy tay, chăm bón, thu hoạch, sấy khô, giê lại nhằm loại bỏ trấu, hạt lép, hạt lửng bằng dây chuyền tách gié lúa, tách hạt, công suất 3 tấn/giờ, và kho chứa hiện đại 500 tấn.


Mong muốn của anh Chính là giúp bà con cùng giàu

Sau tất cả các công đoạn trên, cơ sở đảm bảo chỉ xuất ra những sản phẩm là hạt giống chất lượng nhất, đủ tiêu chuẩn. Bà con nông dân ở Trà Vinh có 73% là người Khmer, nên ngoài bản hướng dẫn kỹ thuật kèm theo mỗi bao lúa giống, việc tư vấn trực tiếp cho họ cũng rất quan trọng.

Theo ông Huỳnh Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Phong Phú, xã có 73% dân số là đồng bào Khmer, lâu nay trồng lúa theo kiểu “gieo xuống là xong” nên năng suất rất thấp. Nay địa phương kết hợp với cơ sở Chính “Táo”, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật cho bà con nên năng suất tăng gấp đôi, khoảng 6 tấn/ha. Nhiều hộ thậm chí đạt năng suất 8-9 tấn/ha”.

Nói về việc đồng hành cùng bà con nông dân, Chính “Táo” trầm ngâm: “Có người hỏi tui sao không thành lập doanh nghiệp, đầu tư thêm dây chuyền khép kín để thu lợi cao hơn? Tôi bảo, nếu một mình gia đình tui giàu thì tôi sướng một, giúp được nhiều bà con khác thoát nghèo, giàu lên thì tui sướng gấp ngàn lần”.

Còn những điều khác, không hề nhỏ mà Chính “Táo” đã làm cho bà con nông dân, đó là mỗi năm, anh trích ra hàng trăm triệu công tác từ thiện, từ làm nhà tình thương đến hỗ trợ vốn sản xuất.

Tính đến nay, anh nông dân Chính “Táo” đã nhận hàng chục danh hiệu cao quí như: Cúp Vàng về danh hiệu sản phẩm - dịch vụ tiêu biểu, Thương hiệu Vàng 2012… Mới đây nhất, cơ sở Chính “Táo” tiếp tục nhận giải thưởng “Doanh nghiệp triển vọng hội nhập ASEAN” được trao tại thủ đô Viêng Chăn (Lào).

“Hạnh phúc nhất là sản phẩm của mình được thị trường trong và ngoài nước đón nhận. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giữ gìn uy tín, thương hiệu lúa giống do chính nông dân Trà Vinh tạo ra”, anh Chính nói.

“Chính “Táo” không chỉ đưa ra thị trường những giống lúa đạt chất lượng, góp phần tạo điều kiện giúp nông dân hạn chế được thấp nhất các rủi ro do tác động ảnh hưởng môi trường như khô hạn, phèn, mặn trong sản xuất, mà còn hỗ trợ tối đa về vốn, kỹ thuật cho bà con”, ông Kim Xê, Chi cục trưởng Chi cục BVTV Trà Vinh. 

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Đảm bảo an toàn cho ngư dân mùa mưa bão: [Bài 2] Nỗi lo các khu neo đậu tàu thuyền

Trong những năm qua, hệ thống cảng cá ở các tỉnh Duyên hải miền Trung dù đã được đầu tư nâng cấp, nhưng hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.