| Hotline: 0983.970.780

Chuyện người trồng hoa Đà Lạt với nhà kính

Thứ Bảy 15/02/2025 , 07:51 (GMT+7)

LÂM ĐỒNG Quan sát trên ảnh vệ tinh chụp Đà Lạt hiện nay từ Google Earth, người ta thấy những mảng màu trắng nổi rõ của nhà kính như một vành khăn trắng trên mảng xanh...

Cuối năm 2024, chúng tôi có chuyến công tác lên thành phố ngàn hoa. Và dĩ nhiên, như một điều nên có, chúng tôi ghé thăm Làng hoa – làng nghề Hà Đông.

Ông Vũ Nhuần, hiện là Chủ nhiệm Làng hoa - làng nghề Hà Đông kể: “Năm 1991, tôi vừa tròn 30 tuổi, vợ lại mới sinh con thứ hai nên gia cảnh cũng khó khăn. Đã thế năm đó ở Đà Lạt có mưa to và kéo dài. Vậy là vườn nhà có bao nhiêu cây hoa bị mưa làm giập hết”.

Ông Vũ Nhuần (trái) trao đổi với tác giả trong nhà kính của mình.

Ông Vũ Nhuần (trái) trao đổi với tác giả trong nhà kính của mình.

Sau bao ngày suy nghĩ tính toán, ông Vũ Nhuần đã quyết định thử làm “nhà kính” che chắn mưa cho vườn nhà mình. Tôi hỏi luôn: “Mình tự nghĩ à?”. “Không đâu anh. Tôi phải tìm đọc tham khảo sách chứ. Chuyện làm nhà kính ở nước ngoài đã có lâu rồi nhưng ở ta lúc ấy chưa thấy”, ông Vũ Nhuần nói.

Vậy là Vũ Nhuần đã giải được bài toán che chắn mưa. Ban đầu "nhà kính" của ông làm bằng khung gỗ, mái lợp bằng những tấm nilon bình thường. Nhưng lớp nilon này chỉ được vài tháng thì hỏng, hỏng lại phải thay nên cũng cách rách. Cuối cùng qua đọc tài liệu, Vũ Nhuần tìm được vật liệu mới, đó là những tấm vải nilon có độ bền cao.

Nghe ông Vũ Nhuần kể như vậy tôi chợt nhớ ra lúc máy bay hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh xuống sân bay Liên Khương. Qua ô cửa máy bay, tôi nhìn xuống thành phố Đà Lạt hiện ra sau những đám mây sương. Một thành phố mà trong ý nghĩ của tôi là sẽ cho tôi được mục sở thị những cánh đồng hoa đủ màu sắc đang khoe nở. Nhưng không, tầm mắt của tôi đã bị những nhà kính che khuất. Cố gắng lắm cũng chỉ thấy những mái nhà ngói đỏ, tôn xanh. Lúc đó tôi đã chợt buồn mà quay lại nói với những người bạn đồng hành: “Có lẽ giờ nên gọi Đà Lạt là thành phố nhà kính thì mới đúng thực tế”.

Nhà kính hiện hữu khắp nơi ở Đà Lạt. Ảnh: Vũ Nhuần.

Nhà kính hiện hữu khắp nơi ở Đà Lạt. Ảnh: Vũ Nhuần.

Như để chứng minh cho câu chuyện của mình, ông Vũ Nhuần dẫn chúng tôi tới thăm ruộng trồng hoa quả của mình. Giới thiệu những cây gỗ được dựng thành khung, ông Vũ Nhuần nói: “Ban đầu là do tôi mầy mò tìm hiểu qua sách báo của nước ngoài, thấy bên đó người ta trồng rau, hoa quả trong nhà kính khá hiệu quả. Thứ nhất rau, hoa quả không bị mưa gió làm hư hại. Thứ hai là ruộng vườn giữ được độ ẩm nên cây phát triển tốt, việc tưới tắm cũng nhàn hạ hơn. Và thứ ba là rau, hoa quả được canh tác quanh năm, không phụ thuộc vào mùa vụ. Do đó thu nhập của chúng tôi tăng lên rõ rệt”.

Nhà kính bắt đầu phát triển ở Đà Lạt từ khoảng năm 2004, đến nay toàn tỉnh Lâm Đồng đã có trên 4.476ha nhà kính, trong đó TP Đà Lạt chiếm tới hơn 57% (khoảng 2.550ha) và chiếm 24,32% diện tích canh tác nông nghiệp của phố núi. Thực ra sau năm 1991 khi ông Vũ Nhuần làm vườn có mái che thì đến năm 1994, Công ty Dalat Hasfarm - một doanh nghiệp Hà Lan chính thức đầu tư ở Đà Lạt, lúc bấy giờ Đà Lạt vẫn đang làm nông theo lối “trông trời trông đất trông mây”, triền miên lâm vào cảnh được mùa mất giá.

Sự xuất hiện của một doanh nghiệp Hà Lan với kiểu trồng hoa trong nhà kính chẳng ngại gì ông trời thất thường đã tạo ra một luồng sinh khí mới trong hoạt động nông nghiệp. Những khu nhà lồng nhỏ thuở ban đầu lớn dần theo quy mô đầu tư của doanh nghiệp, quy trình trồng hoa được rút ngắn, chỉ còn bằng 2/3 so với trồng giữa trời đất, rủi ro mất mùa hạ xuống gần bằng 0%. Thế rồi những cụm đầu tiên ở thung lũng ven đường Nguyên Tử Lực, nhà kính lan dần khắp Đà Lạt và các vùng lân cận. Nơi nào chuyên canh rau, hoa, nơi đó có nhà kính.

Nhà kính đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Đà Lạt. Ảnh: Vũ Nhuần.

Nhà kính đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo Đà Lạt. Ảnh: Vũ Nhuần.

“Gần như tất cả các loại cây đều trồng trong nhà kính”, tôi nói với ông Vũ Nhuần như vậy. Ông Vũ Nhuần gật đầu: “Nông dân Đà Lạt có cuộc sống ổn định, nông sản Đà Lạt có chỗ đứng trên thị trường có công rất lớn của nhà kính trong 15 năm qua. Ổn định, an toàn là lý do chính khiến mỗi khi khởi sự làm nông, người Đà Lạt nghĩ ngay đến việc đầu tư nhà kính, anh ạ”.

Dĩ nhiên nhà kính bước đầu đã đem lại những hiệu quả đáng ghi nhận. Nhưng theo số liệu của Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng thì hiện toàn thành phố Đà Lạt có khoảng 10.000ha đất nông nghiệp, trong đó 54% diện tích là nhà kính. Nghĩa là 5.400ha đất đang bị bao bọc bởi nilon. 

Đó là chưa thể tính hết những diện tích bị lấn chiếm hoặc những khu nhà lồng đã được dựng mà không báo cáo cơ quan chức năng địa phương. Đà Lạt lúc này, bất kể nội ô hay ngoại ô, ken kín nhà kính, trừ những khoảnh đất công trình công cộng và đất rừng. Nói một cách thực tế thì có cảm nhận như Đà Lạt đang bị hâm nóng bởi nhà kính khi mà quan sát trên ảnh vệ tinh chụp Đà Lạt hiện nay từ Google Map, người ta thấy những mảng màu trắng nổi rõ của nhà kính, như một vành khăn trắng trên mảng xanh đặc biệt.

Tôi hỏi ông Vũ Nhuần: “Phải ghi nhận việc ông đi tiên phong trong việc làm nhà kính nhưng hệ lụy của nhà kính đang hiện hữu. Ông có suy nghĩ gì không?”. Người đàn ông có cha vốn là kỹ sư canh nông quê ở Hà Nam và mẹ là gái làng hoa Nhật Tân sau một hồi im lặng mới cho hay: “Chúng tôi giờ đã trồng hoa quả theo lối công nghiệp chứ không còn là nông nghiệp nữa. Do đó theo tôi thì việc phải làm là khâu quản lý anh ạ”.

Nhà kính đã giúp nâng cao thu nhập, đời sống của người dân Đà Lạt, song cũng đang gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Vũ Nhuần. 

Nhà kính đã giúp nâng cao thu nhập, đời sống của người dân Đà Lạt, song cũng đang gây ra nhiều hệ lụy. Ảnh: Vũ Nhuần. 

Dưới tác dụng nhiệt của nhà kính và lối sản xuất chuyên canh (không luân phiên cây trồng, không cho đất nghỉ), đất đai sẽ thoái hóa. Phân bón tồn dư mỗi lúc mỗi cao trong đất vì thiếu tác động cân bằng từ môi trường tự nhiên. Nấm bệnh phát triển nhiều hơn. Nguồn nước cũng bị ô nhiễm. Rau, hoa sẽ bị bệnh nhiều hơn bình thường. Để khắc phục, người ta sẽ buộc phải dùng phân, thuốc nhiều hơn khiến chất lượng nông sản suy giảm và càng ô nhiễm môi trường.

Theo Tiến sĩ Lee Hyun Suk (Viện Tài nguyên Sinh học quốc gia Hàn Quốc) hiện đang nghiên cứu đa dạng sinh học tại Khu Dự trữ sinh quyển Lang Biang (Lâm Đồng) thì: “Đà Lạt rất khác, nơi này có khí hậu ôn hòa để canh tác rau, hoa ứng dụng công nghệ cao mà không cần sử dụng nhà kính. Tôi chưa tìm thấy lý do nào thuyết phục rằng Đà Lạt nhất định phải dựng nhà kính để canh tác nông sản, ngoại trừ việc nông dân và các nhà quản lý nông nghiệp ở Đà Lạt quá mong muốn có sản lượng”.

Vị tiến sĩ có nhiều năm nghiên cứu về nhà kính ở các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Israel hay nhiều nước châu Âu cho biết thêm: “Đi cùng nhà kính là lối canh tác chuyên canh đang bị phản đối vì khiến đất bị thoái hóa, ô nhiễm nguồn nước, tăng khả năng gây lũ cục bộ, tạo hiện tượng nóng, hậu quả là biến đổi hệ sinh thái ở khu vực nhà kính và xung quanh”.

Đúng là lợi bất cập hại, việc gì cũng có hai mặt của nó. Mặt tích cực của việc sử dụng nhà kính đã rõ và mặt tiêu cực cũng đã rõ. Không chỉ rõ mà rất rõ ràng. Riêng với tôi, dù chỉ là người mục sở thị thôi thì cảnh quan Đà Lạt đã bị biến mất, bằng chứng là sau 18 năm tôi mới trở lại Đà Lạt, thấy khí hậu thay đổi nhiều quá. Đà Lạt dường như nóng hơn và mưa cũng nhiều hơn. Mưa to dâng nước ngập úng cả thành phố trên cao nguyên hẳn là một điều rất khác thường. Và sạt lở đất cũng diễn ra nhiều hơn và nghiêm trọng hơn.

10 ngày cuối tháng 7 chúng tôi ở Đà Lạt nhưng chỉ quanh quẩn trong nhà, trời mưa nhiều quá. Được chút ráo mưa vội đến thăm thú khu du lịch Thung lũng vàng thì thấy vắng hoe. Trời mưa, bùn đỏ dính bám, chả có du khách nào đến đây cả.

Nghe chuyện của ông Vũ Nhuần tôi đã hình dung ra thành phố Đà Lạt nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sau 10 năm phát triển nhà kính, rất cần ngồi lại để xem xét. Theo đó cần cơ cơ chế điều hành sử dụng nhà kính của cơ quan chức năng đi đôi với công tác đánh giá nơi nào, vị trí nào thì dùng nhà kính cho hài hòa giữa lợi ích của nông dân với lợi ích xã hội.

Đơn cử như suy nghĩ của ông Vũ Nhuần khi tôi hỏi: “Còn bài toán nhà kính thì thế nào?”. Ông Vũ Nhuần cho hay: “Vâng, cũng nên xem lại. Theo tôi nên sử dụng nhà kính theo hình thức cơ động có tháo lắp dễ dàng. Nghĩa là chỉ dùng nhà kính khi điều kiện cần chứ không dùng triền miên quanh năm anh ạ”.

Nông nghiệp đã phát triển thành công nghiệp nghĩa là sẽ không còn là vấn đề tự phát nữa mà là vấn đề cần có quy hoạch và đánh giá về tác động của nhà kính đối với môi trường. Và quan trọng là ý thức của người “công nhân nông ngiệp” trong vấn đề này. Tỉnh Lâm Đồng cần có đánh giá về vấn đề nhà kính phát triển đến mức làm thay đổi diện mạo cả về hình thái lẫn môi trường như hiện nay.

Xem thêm
Giữ sức khỏe cho đàn ngựa để vượt mùa giá rét

LÀO CAI Rét đậm liên tiếp ùa về, bà con Na Hối cẩn trọng chăm sóc, giữ sức khỏe cho đàn ngựa. Với họ, đàn ngựa là tài sản lớn nhất nên không thể lơ là.

Trâu bò chết hàng loạt: Hậu quả việc thờ ơ với vacxin

QUẢNG TRỊ Khi đàn trâu bò lăn đùng ra chết như ngả rạ, chuyện vùng 'trắng vacxin' mới được mổ xẻ. Câu chuyện đau lòng đang xảy trên địa bàn tỉnh Quảng Trị.

Nhiều máy móc lần đầu ra mắt tại Triển lãm AGRITECHNICA ASIA VIETNAM 2025

AGRITECHNICA ASIA VIETNAM 2025 dự kiến sẽ quy tụ nhiều loại máy móc mới, cung cấp giải pháp công nghệ và thúc đẩy kết nối cung - cầu trong phát triển nông nghiệp.