| Hotline: 0983.970.780

Áp dụng mô hình quản lý rủi ro khí hậu: Giảm thuốc, tăng năng suất, nâng thu nhập

Thứ Hai 28/11/2022 , 06:05 (GMT+7)

Qua các điểm mô hình, có thể khẳng định CS-MAP và Bản tin thời tiết nông vụ là sức mạnh để tổ chức sản xuất tại các địa phương hiệu quả.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và kết quả dự án “Áp dụng dự báo khí hậu thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á” (gọi tắt là DeRISK SE Asia) vừa diễn ra tại Hà Nội.

Từ năm 2018, dự án xây dựng các hệ thống quản lý rủi ro khí hậu áp dụng những tiến bộ trong dự báo khí hậu thời hạn mùa và các sản phẩm bảo hiểm, từ đó bảo vệ nông dân sản xuất nhỏ và các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị nông nghiệp chủ chốt ở Việt Nam nhằm ứng phó với các tổn thất và thiệt hại về kinh tế liên quan đến biến đổi khí hậu. Dự án DeRISK SE Asia do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) chủ trì và Đại học Nam Queensland (USQ), Liên minh Đa dạng Sinh học Quốc tế và Trung tâm Nông nghiệp Nhiệt đới Quốc tế (CIAT) thực hiện, cùng với sự hợp tác của nhiều cơ quan trung ương và địa phương thuộc Bộ NN-PTNT.

Hơn 500.000 người hưởng lợi nhờ mô hình

Tại Việt Nam, biến đổi khí hậu (BĐKH) và sự kiện thời tiết cực đoan làm gia tăng tính dễ bị tổn thương của các nông hộ sản xuất quy mô nhỏ, đe dọa sinh kế nông nghiệp. Ví dự sự kiện El-Nino năm 2016, hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng đã ảnh hưởng tới sản xuất ở vùng ĐBSCL, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Trong khi đó dịch vụ thông tin khí hậu hiện tại chưa hoàn toàn được cung cấp theo nhu cầu của người dân địa phương, điều này có thể khiến người dân đưa ra quyết định không phù hợp về lựa chọn giống cây và cách chăm sóc,

Nằm trong khuôn khổ dự án DeRISK SE, Bản tin thời tiết nông vụ đã được giới thiệu, tính đến các khoảng thời gian khác nhau để hỗ trợ nông dân ra quyết định đúng đắn hơn, giúp giảm chi phí sản xuất và mang lại hiệu quả trồng trọt cao hơn.

DSC00181

Toàn cảnh hội thảo chia sẻ kinh nghiệm và kết quả dự án “Áp dụng dự báo khí hậu thời hạn mùa và các giải pháp bảo hiểm tiên tiến vào quản lý rủi ro khí hậu trong ngành nông nghiệp ở Đông Nam Á” (gọi tắt là DeRISK SE Asia). Ảnh: Linh Linh. 

Bản tin thời tiết nông vụ được sản xuất dựa trên dự báo theo mùa, hàng tháng hoặc 10 ngày. Bản tin được xây dựng dựa trên sự tương tác của các bên tham gia trong chuỗi giá trị gồm cán bộ dự báo khí tượng thủy văn, cán bộ nông nghiệp, cán bộ thủy lợi và đại diện các nông dân để sản xuất, diễn giải và phổ biến các khuyến nghị cụ thể cho việc lập kế hoạch và ra quyết định nông nghiệp của người dân. Cùng với đó, bản tin đưa ra các khuyến cao theo mùa vụ và thời tiết kịp thời, phù hợp với từng địa phương cho nông dân để giúp họ giảm chi phí sản xuất, giảm thiệt hại do diễn biến của thời tiết, tăng năng suất cây trồng và thu nhập cho người dân.

Theo thông tin từ dự án, mô hình thí điểm tại tỉnh Tiền Giang ở ĐBSCL và tỉnh Ninh Thuận ở Duyên hải Nam Trung bộ đã mang lại những kết quả đáng kể cho dự án.

Với việc áp dụng các thông tin từ Bản tin thời tiết nông vụ, nông dân tại các vùng thí điểm chia sẻ rằng lượng thuốc trừ sâu được sử dụng đã giảm khoảng 1.264.000 đồng/ha. Trong khi đó, năng suất đem lại cao hơn trung bình 322 kg/ha so với các hộ chưa áp dụng. Từ đó, các hộ thực hiện thí điểm có thu nhập cao hơn 2.751.000 đồng/ha so với các hộ chưa áp dụng.

Hiện 8 tỉnh, thành với 351 xã ở ĐBSCL và Duyên hải Nam Trung bộ đã và đang tiếp tục triển khai Bản tin thời tiết nông vụ. Hoạt động này cũng nhận được sự ủng hộ của các tỉnh và vùng khác trong cả nước.

Hơn 130.000 nông dân đã tiếp cận Bản tin thời tiết nông vụ, ước tính khoảng 520.000 người hưởng lợi từ bản tin, góp phần cải thiện sinh kế và khả năng chống chịu biến đổi khí hậu.

Duy trì và nhân rộng

Tại hội thảo, các chuyên gia cũng đề cập tới mối liên hệ và sự phối hợp của Bản tin thời tiết nông vụ và CS-MAP để quản lý rủi ro thời tiết hiệu quả ở cấp tỉnh, huyện và xã.

Giới thiệu về CS-MAP, ông Lê Thanh Tùng - Phó Cục trưởng, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho biết, phương pháp xây dựng Bản đồ rủi ro khí hậu và kế hoạch thích ứng được phát triển bởi CCAFS và Cục Trồng trọt trong giai đoạn 2017 - 2019 và áp dụng thành công tại 13 tỉnh ĐBSCL trong vụ đông xuân 2019 - 2020.

CS-MAP là một phương pháp tiếp cận có sự tham gia của các chuyên gia cấp quốc gia và cán bộ địa phương để xác định các rủi ro liên quan đến khí hậu bằng cách sử dụng bằng chứng từ khoa học và kiến thức địa phương; xác định các khu vực tiềm ẩn bị ảnh hưởng và mức độ rủi ro của chúng; cải thiện các biện pháp thích ứng được đề xuất; nhằm xây dựng các kế hoạch thích ứng tổng hợp trong sản xuất lúa từ cấp vùng đến cấp tỉnh.

Bản tin TTNV là quá trình đồng xây dựng với các bên liên quan chính trong chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu ( từ sản xuất, diễn giải, phổ biến đến sử dụng) để:   đưa ra các khuyến cáo/ bản tin TTNV dựa trên dự báo hạn mùa, tháng, 10-ngày, và dữ liệu nông nghiệp   phổ biến các bản tin TTNV dựa trên các kênh truyền thông phù hợp với địa phương

Bản tin thời tiết nông vụ là quá trình đồng xây dựng với các bên liên quan chính trong chuỗi giá trị dịch vụ khí hậu ( từ sản xuất, diễn giải, phổ biến đến sử dụng).

“CS-MAP và Bản tin thời tiết nông vụ là sức mạnh để tổ chức sản xuất tại các địa phương hiệu quả, là công cụ hữu hiệu để bố trí thời vụ, cây trồng phù hợp cho từng thời điểm”, ông Tùng chia sẻ. 

Bà Võ Thị Kim Phượng, Phó Chi Cục trưởng Chi Cục Trồng trọt và BVTV tỉnh Tiền Giang thông tin, cục Trồng trọt đang phối hợp với CIAT xây dựng Bản tin thời tiết nông vụ thành một quy trình và công nhận đây là một tiến bộ kỹ thuật mới để duy trì bản tin áp dụng tại các địa phương. Bản tin thời tiết nông vụ sau đó sẽ được lồng ghép vào CS-MAP trong Quyết định số 3444 của Bộ NN-PTNT về Kế hoạch hành động để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030.

Văn phòng Cục Trồng trọt phía Nam đã ban hành công văn chỉ đạo cấp khu vực về việc áp dụng bản tin thời tiết nông vụ cho khu vực ĐBSCL. Cục Trồng trọt và dự án DeRISK cũng đang có kế hoạch mở rộng hơn nữa việc triển khai bản tin thời tiết nông vụ tại các tỉnh tham gia dự án và tiếp tục phát triển thêm mô hình để duy trì và nhân rộng hơn nữa việc xây dựng bản tin thời tiết nông vụ thông qua làm việc với các cơ quan nhà nước liên quan.

Bên cạnh đó, trong kế hoạch lâu dài để duy trì CS-MAP và Bản tin thời tiết nông vụ, Cục Trồng trọt sẽ phối hợp các bên liên quan tăng cường đào tạo, nâng cao năng lực ở tất cả các cấp, phát triển và tích hợp Bản tin thời tiết nông vụ dựa trên nền tảng tảng kỹ thuật số (số hóa), đồng thời duy trì phương pháp tiếp cận phù hợp và có sự tham gia với người dân, và dựa trên nhu cầu của người sử dụng.

Ông Ngô Sỹ Giai - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Khí tượng Nông nghiệp nhận định, DeRISK là một dự án cho kết quả thực tiễn tốt khi triển khai tại Việt Nam, Campuchia, Myanmar và Lào, dự án cung cấp thông tin bổ ích về thời tiết để giúp người dân đưa ra quyết định trồng trọt đúng đắn.

Tuy nhiên, để dự án trong đó có Bản tin thời tiết nông vụ được duy trì và mở rộng tại Việt Nam, ông Giai cho rằng cần phải thiết lập cơ sở dữ liệu thông tin khí hậu, từ đó dự báo, đánh giá về rủi ro khí hậu. Bên cạnh đó, dự án cần đánh giá về rủi ro năng suất của các thời vụ, thông tin về lượng mưa và đóng góp của lượng mưa tới từng thời vụ, nhất là tại khu vực ĐBSCL và dự báo năng suất tiềm năng.

Xem thêm
TP.HCM bổ sung thêm hai Phó Chủ tịch UBND thành phố

TP.HCM Bà Trần Thị Diệu Thúy, Chủ tịch Liên đoàn lao động và ông Dương Ngọc Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy được bầu làm Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, nhiệm kỳ 2021-2026.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.

Cựu binh Đồi A1 & ký ức 'máu trộn bùn non'

Tròn 70 chiến thắng Điện Biên Phủ nhưng những đồng đội, những nắm cơm, những chiến hào 'máu trộn bùn non'… vẫn còn mãi trong tâm trí nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn.