Ban nhạc Red Velvet của Hàn Quóc. Ảnh: Reuters. |
Sulli, thành viên ban nhạc nữ f(x) tuần trước qua đời tại nhà riêng. Dù chưa có kết quả điều tra chính thức, hoàn cảnh dẫn tới cái chết của cô khiến cảnh sát nghi ngờ Sulli đã tự tử. Theo báo cáo cảnh sát, Sulli được cho là mắc chứng “trầm cảm nghiêm trọng” và những dấu vết trong các bài đăng trên mạng xã hội cho thấy cô thường xuyên chịu sự đả kích từ cư dân mạng Hàn Quốc, theo Phil Star.
Thần tượng K-pop luôn nằm trong tâm điểm chú ý của công chúng. Sự nổi tiếng luôn đi kèm với những lời chỉ trích và bê bối. Mức độ nặng nhẹ phụ thuộc vào việc thần tượng nổi tiếng đến đâu.
Truyền thông Hàn Quốc luôn đề cao tầm quan trọng của sự hấp dẫn thẩm mỹ. Trong thế giới giải trí Hàn, hình ảnh là tất cả. Bạn trông ra sao, diễn xuất như thế nào, ăn mặc ra sao, cách bạn thể hiện mình trước công chúng.
Sulli, với tư cách “gương mặt” đại diện cho f(x), chắc chắn luôn là tâm điểm chú ý trong các buổi biểu diễn trên sân khấu, video ca nhạc hay các hình thức quảng bá khác như phim quảng cáo. Là một diễn viên bắt đầu sự nghiệp diễn xuất từ khi mới 11 tuổi và luôn biết cách thể hiện mình trước ống kính máy ảnh, Sulli có vẻ rất phù hợp với vai trò này.
Nhưng cuối cùng, mọi thứ bỗng phản tác dụng, Sulli chia sẻ sau khi rời nhóm f(x). Luôn ở trung tâm ánh đèn sân khấu đồng nghĩa cô luôn phải cẩn trọng trong mọi hành động, không thể tháo bỏ “lớp áo giáp bảo vệ” cô tự mặc lên người. Bên cạnh đó, Sulli luôn được đối xử như một nữ ca sĩ, diễn viên lão luyện trong nghề hơn là một thiếu nữ trẻ vẫn đang trưởng thành.
Bất chấp sự thành công được cả quốc tế công nhận của f(x) bên cạnh các hoạt động cá nhân nổi trội khác, cái tên Sulli thường xuyên bị kéo vào vô số cuộc tranh cãi vô thưởng vô phạt không đáng nhắc đến.
Sulli là trường hợp bị bắt nạt trên không gian mạng điển hình và điều này đang dần trở nên phổ biến. Nữ ca sĩ IU, bạn thân của Sulli, cũng thường xuyên bị nói xấu, chế giễu. Nữ ca sĩ Yeri của nhóm Red Velvet từng bị một người căm ghét nhắn tin nguyền rủa cô chết đi với lý do cô không có đóng góp gì nổi bật cho nhóm. Jennie từ nhóm Blackpink và Lia của nhóm Itzy bị chỉ trích vì nhảy kém nhiệt tình, vụng về.
Jihyo từ nhóm nhạc Twice, giống như bao thần tượng khác trước cô, bị người hâm mộ và truyền thông săn lùng ráo riết sau khi xuất hiện thông tin rằng cô đang hẹn hò với một nam thần tượng nổi tiếng. Nhóm nhạc “J-line” với ba thành viên đến từ Nhật Bản, trong đó có Mina, người đang tạm nghỉ để điều trị hồi phục sức khỏe, là mục tiêu của những bình luận phân biệt chủng tộc từ người hâm mộ Hàn Quốc chỉ vì căng thẳng thương mại Nhật - Hàn.
Các nhóm nhạc K-pop thế hệ thứ hai trước đây cũng không thoát khỏi những thái độ ác ý, ghét bỏ trong thời kỳ đỉnh cao sự nghiệp. Yoona từ ban nhạc SNSD, dù là biểu tượng của ngành công nghiệp giải trí Hàn Quốc, bị cáo buộc có quan hệ tình cảm không trong sáng với nam ca sĩ PSY chỉ bởi cô chụp chung ảnh với một người giống PSY.
Tất cả các bê bối liên quan đến thần tượng Hàn Quốc hầu như đều xuất hiện từ những tin đồn trên các diễn đàn mạng, những cuộc trò chuyện trên Internet.
Nếu ai đó chưa bị thuyết phục bởi những bằng chứng kể trên, dữ liệu thực tế còn đáng kinh ngạc hơn. Hàn Quốc là nước có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới và tự tử là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới cái chết của những người dưới 40 tuổi.
“Nhiều vụ tự tử xảy ra một cách bốc đồng trong những khoảnh khắc khủng hoảng khi người ta mất đi khả năng đối phó với các căng thẳng trong cuộc sống, chẳng hạn vấn đề tài chính, chia tay người yêu hay bệnh tật kinh niên”, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Những yếu tố khác liên quan mật thiết đến hành vi tự tử bao gồm việc phải trải qua xung đột, thảm họa, bạo lực, bạo hành, mất mát hay cảm giác bị cô lập.
Cái chết ở tuổi 25 của Sulli đã khơi dậy một làn sóng kêu gọi “lòng nhân từ” trên khắp Hàn Quốc. Sự ra đi của cô càng đáng chú ý hơn sau cái chết của người tiền bối cùng công ty quản lý Kim Jong-Hyun, giọng ca chính ban nhạc SHINee. Jong-Hyun tự tử năm 2017 ở tuổi 27 vì chứng trầm cảm.